Sáng hôm nay (Thứ bảy 19-01-2013) trước Thánh Lễ An Táng Anh Phêrô Nguyễn Văn Bình tại Nhà Thờ St.Barbara, tôi có gặp Cha Nguyễn Văn Tuyên chánh xứ giáo xứ Tam Biên, tôi có thưa với Ngài: “Tối hôm qua sao Cha không xuống Hội trường với chúng con trong buổi Hội Thảo, Cha trả lời ngay: “Sau Lễ tôi có việc phải đi gấp…”. Tôi nói tiếp: “Trong Hội Trường cũng khá đông nhưng được Cha nhắc nhở lại sau Thánh Lễ tối thì chắc còn đông hơn nữa. Ngài trả lời ngay: “Tôi Quên đi mất ! Vì tôi vội đi quá…”.
Cám ơn Chúa, số người tham dự cũng gần hai trăm người. Vì Hội Trường hơi rộng, nên trông hơi “loãng” một chút thôi.
Lần đầu tiên tại Giáo Xứ này có buổi Hội Thảo về Gia Đình như tối hôm nay.Thời gian chờ đợi Cha Giáo tới cũng khá lâu, nên Ca Đòan Tổng Hợp của Gia Đình do Anh Chị Quyết-Phương Thanh điều khiển có dịp được hát lên rất nhiều bài, có bài lại được hát lại lần thứ hai như bài “Gặp Gỡ Đức Kitô” chẳng han…(chắc chắn chúng ta phải gặp Ngài rồi!)
Đúng 6 giờ 45 Cha Giáo tới, nên Anh Chị Gia Trưởng thi hành ngay thủ tục mở đầu là giới thiệu và nói lên Mục Đích của Buổi Hội Thảo Gia Đình đêm nay, và sau đó Cha Giáo bắt đầu Lời Nguyện mở đầu, sau đó trình bày đề tài: “Tình Yêu, Trách Nhiệm và Hy Sinh cấu tạo nên Hạnh Phúc đích thực trong Gia Đình”, dưới ba khía cạnh nêu sau :
– Đón nhận nhau với Ưu và Khuyết điểm
– Cảm thông và Tha Thứ.
– Hy Sinh và Phó Thác.
A- PHẦN TRÌNH BẦY CỦA CHA GIÁO TRẦN ĐÌNH THỤY.
1- Đón nhận nhau với ưu và khuyết điểm:
Cha đã phân tích thật tuyệt vời, khi Anh Chị mới quen nhau, trong giai đọan tìm hiểu nhau, Anh Chị đã đón nhận nhau với toàn “ưu điểm”, và Ngài đã đưa ra những hình ảnh rất điển hình :
– Răng Em khểnh nhưng vẫn đẹp. Anh về Anh nhớ hàm răng Em cười.
– “Trên đầu những rác cùng rơm, chồng thương chồng bảo hoa thơm em cài” (Ca dao).
– “Đi chợ thì hay ăn quà, chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm” (Ca dao).
Nhưng không phải chúng ta chỉ biết đón nhận những ưu điểm của nhau mà còn phải đón nhận cả những khuyết điểm của nhau nữa, chứ không phải là nhìn người tình là toàn Ưu điểm cả.
2- Cảm thông và tha thứ:
Sau khi chúng ta đã chọn nhau để tiến tới Hôn Nhân, trở thành VỢ thành CHỒNG, chúng ta phải Cảm Thông và Tha Thứ cho nhau vì “Nhân vô thập toàn”. Có ai là người hoàn mỹ trên thế gian này đâu, không lỗi phạm điều này thì cũng sai quấy điều kia. Nhưng chúng ta phải nhận lỗi về mình, đừng đổ lỗi cho Vợ hay cho Chồng. Không được chủ quan khi nhận định một vấn đề, mà phải dùng khách quan để xét đoán một sự việc. “Linh tại Ngã, bất Linh tại Ngã”. Ăn thua là cái nhìn của mình đúng hay sai đừng có “Bới bèo ra bọ. Bới lông tìm vết” và nên “Chín bỏ làm mười “.
3- Hy sinh và phó thác:
Nhiều cặp vợ chồng đã cố gắng nhịn nhau, để mưu cầu sự yên ấm trong gia đình. Nhưng nhịn tức là nhục, nên phải có một sự hy sinh quên mình nhiều lắm, mới mong vượt qua được. Nhiều khi “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. “Được chân lân tới đầu! Các Cụ ta ngày xưa đã nhắc nhở “Chữ nhẫn là chữ tương vàng. Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”. Đôi khi chúng ta chịu đựng, hy sinh là vì con cái chúng ta, vì con cái cần có sự hiện diện của Cha Mẹ trong gia đình. Khi nào chúng ta bất lực, chúng ta hãy chạy đến cùng Chúa. Chúng ta sẽ nghe thấy tiếng Chúa phán : “Con ơi ! Đừng lo, hãy phó thác cho Cha.” Chúa sẽ lo liệu cho chúng ta.
Cha đã kết luận “Sống cuộc đời chỉ là khoảnh khắc”, chúng ta hãy cố gắng sống những giây phút hiện tại và nắm chặt lấy Chúa.
B- PHẦN TRÌNH BẦY CỦA TIẾN SĨ TRẦN MỸ DUYỆT.
Tiến Sĩ đã chia sẻ Đề Tài “Phải Làm Gì Khi Con Cái Không Vâng Lời Cha Mẹ: Một Ứng Dụng của Thánh Kinh.”
Trước hết Tiến Sĩ đọc một Bài Tin Mừng của Thánh Luca(2, 41-52). Chúa Giêsu bị thất lạc trong Đền thờ. Dựa vào Bài Tin Mừng này, Tiến Sĩ đã khai triển cho Đề Tài của mình chia sẻ với những gương sáng của Thánh Gia.
– Theo gương Thánh Giuse và Mẹ Maria khi lạc mất con.
Những lúc con cái hư hỏng, hoặc gây phiền toái cho gia đình, cha mẹ nên theo gương Mẹ Maria và Thánh Giuse để:
– Bình tĩnh, tìm hiểu những khía cạnh đang xảy ra trước mắt.
– Không trách cứ nhau, mà luôn nhận trách nhiệm về mình.
– Luôn ý thức là “Tôi cũng có phần trong việc giáo dục con”.
– Không nên chối là mình không can dự vào việc dậy dỗ và giáo dục con cái.
– Không nên tranh cãi và đổ lỗi cho nhau.
– Luôn đối diện với thực tế để tìm ra phương pháp giải quyết
2- Cách thức giáo dục con cái.
Bằng một cái nhìn tâm lý giáo dục, Tiến sĩ đã đưa ra những ứng dụng cụ thể:
– Với tuổi 12 là tuổi hơi khó dậy bảo cho nên chúng ta cần phải dậy con từ thuở lên ba.
– Cha Mẹ phải luôn có đường lối giáo dục con cái như nhau, vì con nít rất dễ cảm nhận ra ai là người thương nó hơn, chiều nó hơn ,
– Mẹ Maria không chiều Chúa Giêsu, khi gặp, Mẹ đã nói ngay “Sao con làm điều này để cho cha mẹ phải khó nhọc tìm con?”
– Cha Mẹ nào cũng thương con, nên khi cần thì phải sửa ngay.
– Phải uốn nắn, nhưng với lời lẽ phải ôn tồn nhã nhặn, nhỏ nhẹ không la toáng, làm ầm ĩ nhà cửa.
– Phải rất bình tĩnh và tự chủ, sau đó mới dậy con.
– Không được dậy con “tiện hậu bất nhất”. Hôm trước dậy con về điều răn thứ bảy “Chớ lấy của người” nhưng hôm sau lại dậy con là “Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”.
3- Đức Mẹ và Thánh Giuse nói rất ít.
Đây là một điều mà chúng ta phải ghi nhận, vì có rất nhiều người đã nói quá nhiều khi gặp phải bất cứ vấn đề xẩy tới.
Chúng ta phải có một chương trình giáo dục con cái tử tế đến nơi ,đến chốn.
4- Vai trò làm cha mẹ.
– Vai trò của người chồng, người cha trong gia đình rất quan trọng.
– Lới nói của người cha nặng ký hơn lời nói của người mẹ gấp 5 lần. Vì khi người chồng hay người cha nói lên, lời nói mang tính chất quyết đoán hơn.
– Vợ phải tôn trọng chồng, để khi chồng nói ra con cái cảm nhận được cái uy của cha. Nếu không còn cái uy này thì các bà mẹ phải lãnh hai trách nhiệm, với chồng và với con.
– Một câu nói nghe rất lạ là “Muốn giáo dục đứa bé, phải giáo dục nó 20 năm trước khi nó ra đời”. Tức là mình phải giáo dục chính mình vậy.
– Cha mẹ phải đối diện với sự thật và cùng nhau đồng hành trong vấn đề dậy con cái.
– Cha mẹ cũng nên cho con cái được trình bầy cái lý do sai lỗi của mình. Có như vậy tâm hồn nó mới được bình an.
Sau cùng Tiến Sĩ cũng nhắc nhở chúng ta là phải luôn cầi nguyện xin Chúa thêm sức và hướng dẫn chúng ta sống đúng vai trò của mình và sống đẹp lòng Chúa.
C- PHẦN GIẢI ĐÁP THẮC MẮC.
Trong phần giải đáp thắc mắc này, Cha Giáo và Tiến Sĩ Duyệt đã giải đáp mọi thắc mắc mà quí vị đã nêu lên. Tuy nhiên phần của Tiến Sĩ Duyệt có nhiều người thắc mắc hơn nên Tiến Sĩ rất vui và nói “Hôm nay tôi được mùa….”
Anh Chị Gia Trưởng lại trở lại vai trò của mình là cám ơn Cha Giáo,Tiến Sĩ Duyệt, Sơ Trang, Ông Chủ Tịch Cộng Đòan Tam Biên và tất cả mọi người tham dự. Chúng ta đã ra về đúng 9 giờ 30, khi màn hơi lạnh đã từ từ buông xuống trong tiếng cười khi xoa hai tay lại với nhau thật ấm áp.
Phương Nhiệm
Views: 0