Làm sao để trở thành một người dịu dàng? Tôi là một người nóng tính hay lớn tiếng và hay kiếm chuyện gây gỗ vô lý. Tôi công nhận rằng tôi cũng bảo thủ. Tôi luôn muốn làm những gì mình thích, nếu không được tôi cứ gây gỗ với gia đình và người yêu của tôi mãi.
Có cách gì để sửa đổi tính đó không?
Cám ơn.
Kiều Duyên
Đáp
Cám ơn câu hỏi rất thực tế và cũng rất thành thật của Kiều Duyên.
Không biết đây là cô hay bà Kiều Duyên. Nghe cái tên là đã thấy dễ thương và dễ mến rồi. Nhưng rất tiếc lại “thương” không dễ và “mến” cũng không dễ vì tính tình nóng nảy, cố chấp, hay gây sự, và muốn mọi sự theo ý mình của Kiều Duyên.
Nóng nảy, hay lớn tiếng, hay kiếm chuyện, và muốn mọi người theo ý mình không phải là “bảo thủ”, nhưng là một cách diễn tả cá tính của một người. Một cách nào đó, nó có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thể lý, tố tâm lý, tâm sinh lý, xã hội, môi trường sống, và nhất là sự thiếu trưởng thành về mặt tâm lý.
Mất ngủ, nhức đầu, táo bón, cao máu, sức khoẻ yếu kém, nghiện ngập, là những yếu tố thường ảnh hưởng đến cung cách cư xử với chính mình và với người khác. Những ảnh hưởng này gọi là những ảnh hưởng thể lý.
Không thỏa mãn cách chính đáng nhu cầu tình dục dẫn đến những mơ tưởng, ham muốn, hoặc bị giam hãm, hoặc bị mặc cảm về sự bất lực của mình cũng dẫn đến những nóng nảy, bực tức, bất mãn và nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong cách sống. Đây là những ảnh hưởng tâm sinh lý.
Nếu bị những thao thức, lo lắng, và sợ hãi về cơm ăn, áo mặc, về công việc làm, về bệnh tật, về nợ nần, cờ bạc, về pháp luật dằn vặt thì những nóng nảy và gây gỗ đến từ những dồn nén không lối thoát ấy.
Lúc nào cũng muốn mình hơn, mình đẹp, mình giỏi, mình nhất, và ở đâu cũng muốn mình được đề cao, được biết đến thì những nóng nảy, lớn tiếng, bực dọc thường phát xuất từ tâm lý tự tôn.
Luôn luôn bàng hoàng, lo lắng, sợ hãi, chán nản, buồn bực, so sánh, ghen tương vì tự nghĩ mình thua kém người này, người khác thì những nóng nảy, to tiếng, gây gỗ đến từ tâm lý tự ty.
Và nếu có lúc tự tôn, và cũng có lúc tự ty thì sự nóng nảy, to tiếng, buồn bực là do thiếu trưởng thành về tâm lý, trưởng thành về đạo đức.
Ngoài ra, cũng phải xét đến ảnh hưởng của thực phẩm mà ta thường ngày quen dùng như nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo, nhiều cay, nhiều chua, nhiều ngọt, và nhiều mặn… Ảnh hưởng của khung cảnh và môi trường sống, ảnh hưởng của bạn bè, và ảnh hưởng của công ăn việc làm có liên quan đến tâm lý và cá tính của mỗi người.
Để bắt mạch và cho thuốc đúng căn bệnh thì phải biết rõ con bệnh có những triệu chứng gì? Tuy nhiên, một liều thuốc chung cho vấn đề này là mỗi ngày Kiều Duyên phải dành ít nhất 10 đến 15 phút cho riêng mình. Tốt nhất là trước khi đi ngủ. Ở một nơi yên tĩnh, tránh những va chạm chung quanh, một mình có thể nhắm mắt lại, hoặc đi bộ thong thả và nhìn vào con người, nhìn vào ngày sống đã qua của mình. Không đổ lỗi cho ai, không lên án ai, không khó chịu với chính mình nhưng tự hỏi mình: “Tôi đã làm gì để cho người yêu tôi, những người quanh tôi yêu tôi, mến tôi, thương tôi hơn trong ngày hôm nay?” Nếu không thì tại sao? Và quyết tâm ngày mai tôi sẽ làm gì để đạt được sự yêu thương ấy?!
Uống thuốc này đều đặn và thật tình tìm kiếm câu trả lời, bảo đảm chỉ hai tháng sau Kiều Duyên sẽ thấy mình dễ dãi hơn, yêu đời hơn, mỉm cười với mình, với người nhiều hơn, và nhất là sẽ thấy đời đáng sống hơn: “Hãy mỉm cười với người, và sẽ thấy người mỉm cười với ta”.
Trần Mỹ Duyệt
Xem tiếp mục Hỏi-Đáp để tham khảo thêm.
Views: 0