Uncategorized

Đạo hiếu cho ngày nay

Lời ru mẹ hát tuyệt vời,
Dù cho trọn kiếp con người, chẳng quên.
Công cha nghĩa mẹ sâu dầy,
Phận làm con phải đêm ngày trông nom,
Cho tròn chữ hiếu, đạo con,
Cho tròn đức hạnh, cho tròn nghĩa nhân
Rằm tháng bảy, lễ vu-lan
Bâng khuâng nhớ mẹ bên đàng mưa rơi
Dù cho đi hết đất trời
Ơn sâu nghĩa cả ngàn đời khôn quên!

Lời ru mẹ hát tuyệt vời,
Dù cho trọn kiếp con người, chẳng quên.
Công cha nghĩa mẹ sâu dầy,
Phận làm con phải đêm ngày trông nom,
Cho tròn chữ hiếu, đạo con,
Cho tròn đức hạnh, cho tròn nghĩa nhân
Rằm tháng bảy, lễ vu-lan
Bâng khuâng nhớ mẹ bên đàng mưa rơi
Dù cho đi hết đất trời
Ơn sâu nghĩa cả ngàn đời khôn quên!

Tôi xin mượn vần thơ của Thầy Thích Nhật Từ để cảm khái viết về công ơn của Cha và nghĩa Mẹ trong mùa lễ Vu Lan của tôn giáo bạn là ngày lễ mà Chư Tăng Ni được thêm một tuổi đạo. Vì cùng chung một niềm tri ân vô hạn, chúng ta ôn lại lịch sử, nhớ gương hiếu hạnh của người xưa, lòng chúng ta rung động vì mối cảm hoài đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Ai trong chúng ta lớn lên xương máu thịt không từ cha và mẹ và tinh thần đều làm bằng tình yêu thương trong đôi mắt cha mẹ.

 

Chúng ta lớn lên trong tiếng mẹ cha, trở mình trong tình thương yêu ấp ủ của cha mẹ, che chở bởi cha mẹ và vào đời cũng chính bởi mẹ cha. Vu Lan chính là một sự thức giấc để chúng ta có dịp đi về hoài niệm, để lòng hiếu báo ở mãi trong mọi lời nói, hành động và mỗi lời kinh cảm tạ đến đứng sinh thành.

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.

Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

 

Tôi không có diễm phúc “còn cha gót đỏ như son” như dân gian thương nói nên tôi không biết cái sung sướng ra sao. Sau những năm 75, mẹ tôi phải tảo tần nuôi cha “cải tạo” và lo cho bốn anh em tôi còn nhỏ. Sau đó cha tôi mất sớm trong ngục tù Cộng Sản đễ lại cho chúng tôi một nỗi hận và mất mát lớn lao trong một cái xã hội gọi là “Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc” đó. Nói sao cho hết những nổi khó nhọc đè nặng trên vai mẹ tôi trong suốt những năm tháng nhìn chúng tôi khôn lớn nên người và cho tới khi chúng tôi qua đến Mỹ này. Tôi tự nhủ là sẽ làm tất cả những gì cho mẹ khi mẹ còn tại thế.

Chữ hiếu trong tiếng Hán (hiếu là từ Hán-Việt) được viết chữ Cha ở trên rồi chữ Con ở dưới để cho thấy mối tương quan Cha mẹ và con cái. Mối quan hệ thân thương và nặng tình cảm này được nâng lên thành “đạo hiếu” khi các triết gia Nho Giáo và Khổng Giáo cho rằng “đạo hiếu” nằm ngay trong “đạo làm người” một triết lý nhân sinh quan của mỗi người sống trong quần thể xã hội. Do đó “đạo hiếu” luôn nhắm tới một mục đích là ghi nhận công lao và đóng góp của Ông,Bà,cha, mẹ và con, cháu trong mối tương quan ân, quả và đền đáp.

Đọc “Thủy Hử Truyện”, nhân vật Lý Quỳ trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc được biết đến như là một người không biết chữ, mê uống rượu và nóng nẩy cọc cằn. Anh muốn rước mẹ về trại để hưởng phước nên cõng mẹ về Lương Sơn. Giữa đường rừng mẹ khát đòi uống nước, Lý Quỳ phải để mẹ dựa gốc cây còn mình xuống suối lấy nước. Khi trở về anh tìm không thấy mẹ, và cuối cùng tìm thấy mẹ bị hai con hổ ăn thịt. Lý Quỳ xông vào đấu với hổ và giết chết một con. Anh thương khóc mẹ vì anh mà chết với thể xác không trọn vẹn và anh quyết diệt những con hổ trong rừng. Cuối cùng, anh diệt được bầy hổ bốn con tránh cái họa cho dân làng về sau.

Một Lý Quỳ không biết chữ, cọc cằn và thô lỗ mà còn biết chữ “hiếu đạo” ra sao huống chi chúng ta ngày nay tự hào là những người có học, có tu dưỡng lại không màng đến người sinh thành dưỡng dục sao?

Tôi được tiếp xúc và nói chuyện với rất nhiều người nhất là các bạn trẻ, họ không muốn cha mẹ hay ai đề cặp và nhắc đến “chữ hiếu”, bởi vì ở họ quan niệm”báo hiếu” hay “trả hiếu” phải là sự tự giác và không bắt buộc. Họ muốn lo cho cha mẹ hay phụng dưỡng sớm hôm tùy thuộc vào họ và không cần phải ai nhắc nhở.

Nhưng hỡi ơi, mấy ai thật sự tự giác khi chữ “thân tình” không ở trong tim.

Trong “ Nhị Thập Tứ Hiếu” kể lại hai mươi bốn tấm gương hiếu đạo trong đó có Lưu Hằng tức Hán Văn Đế. Khi làm vua rồi, mẹ là Bạc Hậu lại đau yếu trong suốt ba năm liền, Văn Đế, ngoài những buổi chầu, vẫn mặc đại phục của vị Vương đế và đứng hầu mẹ, biếng ăn bỏ ngũ, đêm thức canh chừng bệnh mẹ. Thường ngự y dâng thuốc lên, Văn Đế đở lấy rồi nếm trước sợ có thuốc độc. Các quan trong triều cũng như ngoài dân chúng biết Văn Đế là người hiếu tử đều bắt chước theo. Nhờ đó, người trong nước đều giữ lòng hiếu thảo hòa mục và thiên hạ thái bình thạnh trị.

Một bậc cửu ngũ chí tôn như Hán Văn Đế cũng thương cha kính mẹ là nhường nào huống chi là ta sống chung đụng với cha mẹ từ nhỏ thì nghĩa thân tình lại nỡ bỏ cha mẹ vào viện dưỡng lão khi cha mẹ già yếu bệnh tật sao.

Tôi hay đến chơi với vợ chồng một người bạn già của tôi, khi nhắc đến các con anh hay nói:

“Tụi nó lớn rồi, có gia đình và đi cả chỉ còn có 2 con khỉ già hủ hỉ với nhau thôi.” Anh nói trong sự đềm đạm như đã chuẩn bị tinh thần từ trước và anh tiếp:

“Các con nó nhớ thì về thăm 2 con khỉ già này còn không thì ngồi chờ vậy…”

Nói tới đây tôi lại nhớ đến đoạn đối thoại trong vở Kịch “Lá Sầu Riêng” mà Kim Cương và Bà Bảy Nam thủ diển:

Có một người mẹ hy sinh cuộc đời cho con:

“Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai…”

Để rồi cuối đời người mẹ:

“Ngày xửa mẹ cho con một cục kẹo con theo mẹ suốt ngày,
Bây giờ, mẹ cho con cả cuộc đời, con cũng không về với mẹ…”

Mấy ai đã không rơi nước mắt khi khi xem vở kịch này và mấy ai lại không xót xa cho tình cha, nghĩa mẹ đựơc bù đắp bằng sự cô đơn, phiền muộnvà vô ơn của các con.

Đó chỉ là kịch thôi mà chúng ta còn rơi nước mắt, huống chi đời thường chúng ta còn gặp những hy sinh, mất mát không sao kể xiết của những bậc làm cha, làm mẹ trong cảnh đen tối, phân tranh của đất nước loạn ly và tù đày.

 

Ni sư Thích Ðàm Hà cảm khái viết về ơn cha mẹ như sau:

Thân người gốc ở mẹ cha
Trải bao cay đắng cũng là vì con
Công ơn như biển, như non
Ðạo làm con phải lo tròn hiếu tâm
Báo đền trả nghĩa ân thâm
Những điều hiếu nghĩa trọng tâm nghĩ bàn
Người ta sống ở thế gian
Bao nhiêu hưởng thụ bấy nhiêu ơn nhờ
Ơn dân, ơn nước, ơn người,
Ơn thày, ơn bạn, ơn đời giúp ta.

 

“Người ta sống ở thế gian,bao nhiêu hưởng thụ bấy nhiêu ơn nhờ.” Có lẽ các bạn cũng như tôi sống ở tha hương nhưng “tình thân” vẫn còn giữ trong tim. Vì thân tình này mới có sự hy sinh từ bản thân để đền đáp những ơn nghĩa mình đã nhận từ cha mẹ, từ thầy cô, từ anh em, từ vợ chồng và từ quốc gia đã cưu mang chúng ta.

 

Chính chúa Giêsu đã dạy:

“Ðiều mà ngươi làm cho người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính Ta".

Xin cho tâm tình này đi cùng với các bạn như là hành trang “hiếu đạo” để các bạn từ trong gia đình đến lớn rộng ra ngoài xã hội có cái nhìn thoáng hơn, hy sinh cái tôi hơn và biết nghĩ cho tha nhân hơn.

 

Orange County ngày 29 Tháng bảy 2011
Ngoan Nguyễn
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.