“Người ta có được ly dị bất cứ vì lý do gì không?” Chúa Giêsu trả lời: “…….Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly!” (Mt. 19:3-12) Lời đó chúng ta nghe từ chính môi miệng Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, và là Chúa của người Công giáo, Đấng mà chúng ta nói chúng ta tin theo, do các Thánh Sử đã chép lại. Một trong 6 Luật Điều của Giáo hội cũng dạy: “Giữ luật Hôn Nhân của Giáo Hội.” Hôn nhân trong Giáo hội Công giáo là hình ảnh liên kết Chúa Kitô với Giáo hội. Chúa Kitô chỉ có một Giáo hội nên Ngài yêu mến cho đến tận thế.
Tuy nhiên, nhìn vào đời sống Hôn Nhân Gia Đình (HNGĐ) thời nay, thống kê đưa ra những con số chóng mặt. Trung bình sau 7 năm chung sống, ở Mỹ trung bình cứ 100 cặp vợ chồng sẽ có 50 cặp chia lìa “anh đường anh, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi!” tức là 50%. Âu Châu 65%; Á Châu ở những thành phố lớn như Sàigòn của Việt-nam, Bangkok của Thái-lan, Manila của Phillippines 35%. Trước năm 1975 hầu như ít nghe đến vấn đề ly dị tại Việt-nam, hoạ chăng 1-2% hay ít hơn? Con số các cặp đệ đơn xin “xét lại hôn phối” (Annulment Process) tại Toà án Hôn phối (Tribunal) nơi người Công giáo Việt-nam sinh sống không phải là con số nhỏ hiện nay!
Có nhiều lý do để giải thích tại sao. Sau những năm tháng có cơ may giúp các nam thanh nữ tú trẻ bước vào ngưỡng cửa HNGĐ, cũng như giúp đỡ một số các ông bà, anh chị mỗi khi có “sóng gió” nơi gia đình, trong cũng như ngoài xứ đạo, và làm việc với Toà Án Hôn Phối địa phương, tôi có những nhận xét sau đây:
– Nam nữ thời nay sau khi lập gia đình, thường hai người cùng đi làm, hoà nhập vào đời sống vật chất độc lập nên dễ coi thường nhau, và ít tin nhau. Nhiều cặp vợ chồng bây giờ họ quan niệm “đổi chác” 50/50: “Vì anh làm cho tôi cái này, nên tôi phải làm cho anh cái nọ; chị nấu nướng nên tôi phải rửa chén, lau bàn…..” Không tin nhau nên mới có tình trạng trước ngày cưới, anh chị đưa nhau ra toà ký giấy xác nhận tài sản (pre-nuptial agreement) để lỡ sau nầy đoạn tuyệt, người nầy sẽ không đòi người kia chia tài sản của người kia có trước khi cưới. Hai người có hai trương mục riêng ở nhà bank. Chồng trả phần nầy thì Vợ phải trả phần kia trong mục chi tiêu gia đình. Hậu quả: chưa lấy nhau mà đã tính chuyện ly dị thì sớm muộn khó mà không ly dị! Thiên Chúa và Giáo hội đòi hỏi vợ chồng sau khi “lìa bỏ cha mẹ để luyến ái với nhau, họ không còn là hai nhưng trở nên một!” Nếu đã trở nên một, mỗi người phải hy sinh 100% cho nhau. Tình yêu không tính toán hơn thiệt. Anh cũng có thể rửa bát, nấu cơm, thay tã cho con; chị cũng có thể đi làm kiếm tiền, đưa đón con cái…., nếu đó là nhu cầu “để trở nên một” đòi hỏi. Mục đích của HNGĐ là hai người cùng giúp nhau để lên Thiên đàng sau nầy. Mọi chuyện khác chỉ là phương tiện.
– “Luật Giáo Hội bây giờ lỏng lẻo quá!” có nhiều người nhận xét. Chưa hẳn. Chúa Giêsu có phán: “Ta đến không để xoá bỏ nhưng là làm hoàn hảo lề luật.” Giáo hội cũng không thể nào làm khác được ý muốn của Vị Giáo Chủ. Thủ tục tháo gỡ (còn gọi là hủy hôn, tiếng Anh gọi là Annulment Process) không dễ như nhiều người lầm tưởng. Chỉ dễ cho những người không còn kính sợ Thiên Chúa, nói dối thề gian trước mặt người đời mà thôi. Nhiều ông chồng than thở sau những lần vợ kiên nhẫn chịu đựng “bản năng vật tính” của mình như sau: “Khi tôi nóng lên, nhà tôi nhịn nhưng chờ. Đợi đến lúc tối lửa tắt đèn, các con ngủ cả, tôi lẻn vào giường tính nghỉ sớm thì đã thấy vợ chờ sẵn từ lúc nào. Và cuộc “hỏi cung” được bắt đầu, rồi kết thúc vào khoảng quá nửa đêm! Ôi sao Trời cho đàn bà cái trí nhớ dai đáo để, Vì không những nàng nhẹ nhàng nhắc khéo cái lỗi lầm của tôi hồi chiều đi làm về, mà còn nhắc lại những lỗi lầm trước đây tôi đã làm mà tôi quên mất! Rồi vợ chồng lại làm hoà! Nếu không có nhịn nhục, có lẽ vợ chồng tôi đã nói tiếng bye bye lâu rồi.” Nhịn nhục là hành động một cách khôn ngoan để kìm hãm tự ái mình và tự ái của bạn mình. Đó chính là một thái độ cần có trong yêu thương vợ chồng.
– “Kính sợ Thiên Chúa” là một trong 7 Ơn mà Chúa Thánh Thần ban cho những người lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức khi đã khá trưởng thành. Không kính sợ Chúa nên coi thường thân xác mình là “đền thờ của Chúa Thánh Thần,” tự do quá trớn, xử dụng tình dục buông thả, sống chung với nhau trước khi cưới v.v…. Cũng vì không kính sợ Thiên Chúa nên người ta bất tuân luật Giáo hội về việc Ngừa thai, Phá thai, Giết người “êm ái” (Euthanasia), Giết các phôi thai (Embryos) để lấy tế bào gốc làm thuốc bôi da mặt, thuốc bổ cho sống lâu, lấy các tế bào gốc phôi thai để “nghiên cứu” (research) v.v… Năm 1968 khi mà làn sóng tự do ngừa thai bừa bãi lan tràn thế giới, Đúc Phaolô VI đã dùng quyền giáo hoàng để phổ biến Sắc Lệnh “Humanae Vitae” (Sự Sống Con Người): cấm ngừa thai nhân tạo (Gíáo Hội chỉ cho phép ngừa thai theo phương pháp tự nhiên Natural Family Planning) cho dù Hội Đồng Giáo Hoàng đặc nhiệm đã bỏ phiếu thuận cho ngừa thai nhân tạo trước đó! (60-4). Có hai bài học mà nhân loại sau 41 năm kể từ ngày ban hành, đã nhận thấy sự khôn ngoan của Giáo hội do Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đó là: 1) Một trong 4 Thượng phụ của Hội Đồng đã bỏ phiếu chống ngừa thai nhân tạo trước đây, chính là Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II (1978-2004) sau nầy; 2) Ba điều “tiên tri” mà Đức Thánh Cha Phaolo VI đã tiên báo trong sắc lệnh “Sự Sống Con Người,” nay đã thực hiện: một là nếu nhân loại ngừa thai bừa bãi thì tương lai nhân phẩm phụ nữ sẽ bị chà đạp, bị coi khinh như những “đồ chơi”; hai là người sẽ coi thường người, tôn ti trật tự trong gia đình sẽ bị mất dần; và ba là xã hội sẽ bị xáo trộn từ trên xuống dưới, giá trị luân lý sẽ đi đến chỗ suy đồi. (xem “Humanae Vitae” hoặc bài viết về “Sự sống con người sau 25 năm” của Đức cha Charles Chaput, TGP Giáo phận Denver, Colorado, 1993) Voilà! Hậu quả đúng như thế nếu nhìn vào gia đình, quốc gia và xã hội trên thế giới ở đầu thế kỷ 21 hiện nay. Chỉ riêng ở Hoa kỳ năm 1910, không có hoặc ít ngừa thai, tỉ lệ ly dị chỉ 1/11 (9%); Năm 1930 sau khi Anh giáo và Tin Lành đồng ý cho ngừa thai, tỉ lệ nhảy lên 1/4 (25%); Từ năm 1965 trở đi, sau khi Tối cao pháp viện cho phá thai, và thuốc ngừa thai (Pills) được bán tự do, tỉ lệ ly di tăng vọt lên 1/2 (50%)! (Couple to Couple League: NFP, Fourth Edition, 2000 p. 481)
Không ai có thể phủ nhận những con số thống kê được các nhà xã hội học đưa ra trên có liên quan đến vấn nạn ngừa thai bừa bãi tại Mỹ, đã gây ra nạn ly dị leo thang. Cách đây không lâu chính phủ Hoa kỳ đã bằng lòng cho nhập cảng từ Pháp quốc công thức chế biến viên thuốc phá thai gọi là U-486 giúp phá thai cho các phụ nữ mang thai từ 4-8 tuần lễ đã là một tai hoạ cho giới nữ nhi vì phá thai quá dễ dàng. Ho có thể uống thuốc “giết thai” ở nhà mà không cần đi tới bệnh xá, hoặc tới gặp bác sĩ để “nạo” thai nhi ra. Nhưng giới truyền thông cho biết, nhiều phụ nữ Pháp đã chết hoặc ảnh hưởng thần kinh vì phản ứng quá mạnh bởi thuốc nầy. Từ năm 2006 chính quyền Mỹ cũng chấp thuận cho bán tự do không cần toa bác sĩ viên thuốc ngừa và phá thai có tên mỹ miều “thuốc uống sáng hôm sau” (the morning after pill). Thêm một thảm kịch cho trẻ gái vị thành niên có cơ hội xử dụng tự do khi trí óc còn non nớt đối với thân xác của họ.
– Không được học hỏi đến nơi đến chốn. Đức cố Hồng y Thuận viết trong “Đường Hy Vọng”: “Muốn làm Kỹ sư, Bác sĩ đã có các trường Đại học; muốn làm Giáo sư đã có các trường Sư phạm; muốn làm Linh mục, Tu sĩ đã có các Đại chủng viện, Đệ tử viện, thời gian đào tạo rất dài; còn muốn làm Chồng, Vợ, Cha, Mẹ trong HNGĐ không thấy có trường nào dạy. Gần đây chỉ có những chương trình ngắn hạn về Dự bị hôn nhân mà thôi.” Tại bang Colorado, những ai làm đám cưới sẽ được huấn luyện qua ba (3) lớp: Dự Bị Hôn Nhân, Điều Hoà Sinh Sản và Học Hỏi & Tĩnh Tâm Hôn Nhân. Thời gian học tập, tìm hiểu nhau và đăng ký cho Lễ Cưới, Phép Cưới kéo dài từ 8 đến 12 tháng, thì lại cũng có người chỉ trích cho là “sao mà đòi hỏi gắt gao và lâu dữ thế!” Thật Thiên Chúa cũng chỉ có thể giúp những người tình nguyện muốn được giúp mà thôi! (God helps people who help themselve).
Sự thật thì ngày cưới chỉ là ngày bắt đầu đời sống gia đình. Vợ chồng phải học hỏi, dự các khoá tĩnh tâm và thăng tiến hôn nhân v.v… suốt đời trong HNGĐ, như các bác sĩ, linh mục phải học tập và tu nghiệp suốt đời mới mong theo kịp nhân sinh quan, tâm lý và thể lý để chữa bệnh cho con ngưòi thời đại. Vợ chồng phải bớt làm và dành thì giờ cho nhau. Hy sinh thời giờ cho nhau chúng ta sẽ đọc, học, khám phá được nhiều điều thú vị nơi bạn mình. Tiền tuy ít hơn nhưng sẽ có nhiều tình hơn.
Quả thật, chúng ta đã thật liều lĩnh khi cam kết sống chung với nhau suốt đời khi trước đó đã chẳng quen biết, chẳng bà con họ hàng thân sơ vói nhau. Mà ngay cả việc sống chung một thời gian dài hay ngắn để “thử hoặc tìm hiểu nhau” trước khi cưới như nhiều người hiện nay cũng chẳng hơn gì! Thống kê cho biết những cặp sống chung với nhau trước ngày cưới, tỉ lệ ly dị tăng gấp hai lần những người không sống chung! Tại sao. Vì mỗi người là một nhân vật “huyền bí” (mystery), càng khám phá càng thấy nhiều điều thú vị. Đôi lúc chính mình cũng chẳng hiểu mình chứ nói gì người khác hiểu mình trọn vẹn.
Mỗi mảnh đời con người đã là một bí nhiệm. Đời của hai mảnh đời sống chung lại càng là một vấn nạn nhiệm mầu. Không ai biết, không ai hiểu cặn kẽ với trí não và tâm sinh lý hạn hẹp của mình. Vào những lúc “cơm không lành, canh không ngọt,” vợ chồng trông cậy vào ơn Chúa giúp, cố gắng phấn đấu hằng ngày để trung thành với Ơn Gọi của mình, với con đường mà mình đã chọn, con đường ơn gọi mà Chúa đã bằng lòng chúc phúc cho trong Ngày Hôn Phối. Tình yêu, Chiếc nhẫn trên tay và Lời thề cam kết thương yêu và trung thành với người bạn trăm năm của mình lúc đó là những phương tiện đạt tới mục đích phía trước, cho dù họ chưa biết rõ từng chi tiết cụ thể sẽ ra sao, cho đến khi đến điểm hẹn phía trước. Thánh Phaolô sau bao lần lận đận “ba chìm bảy nổi chín long đong” vì Đức Kitô, đã tâm sự trong thư gửi Phillippê: “Tôi không dám cho mình đã đạt tới đích rồi, chỉ biết rằng tôi đã phải quên đi đằng sau mà lao mình về phía trước…nhắm thẳng đích mà chạy.”
Cầu nguyện là một phương cách rất hiệu nghiệm để thăng tiến HNGĐ. Tục ngữ Đức có câu: “Ra sông, đi biển cần cầu nguyện 1 lần; xông mình ra chiến trận cần cầu nguyện 2 lần; đi lập gia đình cần cầu nguyện 3 lần!” Diễn nghĩa ra: nếu phải vượt biển làm “thuyền nhân tị nạn Việt-nam,” chiến đấu với định mệnh, cần cầu nguyện 1 lần; Mang thân ra chiến trường Irag, cầm bằng cái chết, cần cầu nguyện 2 lần; Đi thề nguyền sống trọn đời HNGĐ, cần cầu nguyện tới… 3 lần! Cứ nhìn vào con số thống kê hơn 50% các cặp ly dị ngày nay thì quả thật họ cần sự cầu nguyện. Cầu nguyện như bà Rose Stoke, một văn sĩ Mỹ cầu: “Lạy Chúa, hầu hết người ta ai cũng cầu cho cưới được người mình yêu; Riêng con, con chỉ cầu Chúa cho con yêu được người mình cưới.”
Cầu nguyện để có Chúa, có Thánh Gia với mình. Có Thánh Gia trong đời sống HNGĐ thì nhìn được nhiều cái hay hơn là cái dở, thấy được cái tài, cái nết na đạo hạnh nơi bạn mình, và sẵn sàng tha thứ, nhẫn nhục, chịu đựng lẫn nhau. Trong đời sống HNGĐ, nhiều ngày hai người là người tình của nhau, lắm lúc lại là kẻ nội thù của nhau. Chúa Giêsu dạy tìn hữu Ngài hãy yêu thương ngay cả kẻ thù mình! Yêu thương kẻ thù mà không có Ơn Chúa thì chúng ta là những kẻ điên! Có Ơn Chúa thì ăn đời ở kiếp với nhau dễ dàng hơn. Có Ơn Chúa thì dễ vững tin ngay cả khi những việc xảy đến trong gia đình không được như ý mình muốn.
Lời cuối cho bài nầy tác giả xin được nhắn với các bạn đang sống trong các gia đình đổ vỡ, ly thân, ly dị. Tôi cam đoan với các bạn một điều là Chúa không hề bỏ rơi các bạn, Giáo hội cũng chẳng ghét bỏ các bạn, mà đang mong đợi để giúp đỡ đời sống tâm linh cho bạn. Nhớ rằng một khi đã được Rửa Tội, bạn là người Công giáo cho đến khi chết. Giám mục hoặc Cha sở có thẩm quyền chuẩn cho ly thân vĩnh viễn với điều kiện là bạn không bao giờ được lập hôn phối lại với người khác để bạn có thể nhận lãnh các Bí Tích. Dĩ nhiên bao giờ cũng có những trường hợp ngoại lệ để được Toà án hôn phối phán quyết “hủy hôn,” nhưng đó là một vấn đề khác, xin liên lạc với Toà Án Hôn Phối nơi giáo hội địa phương để biết thủ tục.
Views: 0