Uncategorized

Đại Chủng Viện Hànội: Bình minh vừa hé mở…

Tôi muốn dùng hình ảnh mái nhà thân yêu của thời thơ ấu để nói về Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hànội. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được hân hạnh thăm viếng cơ sở giáo dục quan trọng và tầm cỡ này, và nói chuyện với các đại chủng sinh vào Chúa Nhật, ngày 20 tháng 2 năm 2011 nhân chuyền về thăm quê hương.

 

Tôi muốn dùng hình ảnh mái nhà thân yêu của thời thơ ấu để nói về Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hànội. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được hân hạnh thăm viếng cơ sở giáo dục quan trọng và tầm cỡ này, và nói chuyện với các đại chủng sinh vào Chúa Nhật, ngày 20 tháng 2 năm 2011 nhân chuyền về thăm quê hương.

 

Theo chương trình, tôi đã có mặt tại phi trường Nội Bài vào lúc 11 giờ sáng và được linh mục Đặng Xuân Thành, Giám Học, cùng hai đại chủng sinh Nguyễn Văn Thịnh, Đinh Văn Thái đón tiếp, đưa về Đại Chủng Viện. Sau những phút xao động như người con sau nhiều ngày đi xa nay được trở lại mái nhà xưa, tôi trở về với thực tế để đón nhận thái độ niềm nở, chân thành, và đầy tình phụ tử của Đức Giám Mục Giám Đốc, Đức Cha Laurensô Chu Văn Minh. Ngài đã vui vẻ, mở rộng vòng tay đón tiếp và cho phép tôi được gặp gỡ, trao đổi, và nói chuyện với các đại chủng sinh. Và buổi sinh họat chiều hôm đó đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp, khó quên.

 

Trong lịch trình sinh họat và theo đề nghị của Ban Giám Đốc, tôi đã trình bày đề tài: “Sự Trưởng Thành Trong Đời Sống Tận Hiến”, dưới ba khía cạnh: Thể lý, tâm lý, và tâm linh. Đây là ba điều cần thiết, căn bản và không thể thiếu để giúp các chủng sinh tự tin và có khả năng đối diện với những khó khăn, thách đố sau này của đời sống và ơn gọi tận hiến. Vì trước khi làm linh mục, cần phải làm một người trước đã. Một con người trưởng thành.

 

Môi trường và bầu khí Đại Chủng Viện hôm đó thật sự đã cho tôi những cảm nhận gần gũi, thân mật và quí mến. Nó khiến tôi nhớ lại những ngày xa xưa, và ở thời điểm ấy, tôi cũng đã được đào tạo, được huấn luyện trong một môi trường tương tự như môi trường mà tôi đang có mặt hôm đó. Lòng tôi nao nao, và tâm tư tôi thao thức với lời Thánh Vịnh: “Giavê thiên binh. Khả ái thay cung điện của Ngài. Bởi một ngày tại tiền đường nhà Chúa, còn quí hơn ngàn vạn ngày” (Tv 84:1,11). Đúng thế, được ở trong tiền đường nhà Chúa thì quí trọng hơn ngàn vạn ngày giữa thế trần. Đặc biệt, thế giới hôm nay một thế giới đang phải hít thở bầu khí “của nền văn hóa sự chết” (Đức Gioan Phaolô II).

 

Tâm tình yêu thương, nhân ái của Đức Cha Giám Đốc, của linh mục Giám Học, và qua những trao đổi rất cởi mở của các chủng sinh còn làm tôi nhớ lại câu chuyện mà chính Đức Cha đã kể trong thánh lễ tại thánh đường Holy Spirit ở Fountain Valley, California trong chuyến Mỹ du của ngài vào năm trước. Câu chuyện nhằm kêu gọi sự tiếp tay đóng góp của các tín hữu trong việc xây dựng và trùng tu Đại Chủng Viện. Ngài kể:

 

Có người giầu có kia suốt đời không làm một việc thiện nào cho ai, trừ một lần ông đã cho một bà lão nghèo vài đồng đủ để mua được một bó rau muống. Ngày chết, ông được đưa tới trước tòa phán xét. Thiên thần bản mạnh đã lục lọi khắp sổ sách mà không thấy một việc lành, một hành vi đạo đức nào của ông, ngọai trừ việc bác ái là cho bà lão tiền để mua một bó rau muống. Nhưng Thiên Chúa rất công bằng, Ngài truyền cho thiên thần bản mạnh nối lại tất cả các cọng rau muống thành một sợi giây dài, thòng xuống hỏa ngục và bảo ông hãy bám vào sợ giây rau muống ấy mà leo lên Thiên Đàng. Kết quả là người giầu có này đành phải chấp nhận số phận mà ông ta đã tự chọn lựa lấy.

 

Câu chuyện tuy đơn sơ nhưng mang nhiều ý nghĩa. Đặc biệt khi đứng giữa ngôi Đại Chủng Viện cổ kính này. Nét đẹp cổ kính của nó hòa cùng những xói mòn theo thời gian và vết tích chiến tranh tạo nên một bức tranh phảng phất nét buồn như được diễn tả qua tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan khi hoài tưởng về một Thăng Long huy hoàng: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.”

 

Đại Chủng Viện Thánh Giuse nơi đào tạo các linh mục của Tổng Giáo Phận Hànội hiện nay chỉ còn là một nền cũ với lâu đài vang bóng cần được tu sửa và chỉnh trang. Phòng óc chật chội, thiếu thốn tiện nghi. Giới hạn phương tiện giáo dục như thư viện và những sách vở khảo cứu. Phần đông các chủng sinh chỉ đọc và dựa vào những sách vở bằng tiếng Việt nhưng đa số đã lỗi thời, không được cập nhật hóa mà lại còn thiếu thốn nữa.

 

Nhưng từ nơi nền cũ ấy, và từ những đổ vỡ, xói mòn theo thời gian ấy, một sức sống mới đang vươn lên mặc dù có những vất vả và chịu đựng. Phải nhìn vào các chủng sinh với lứa tuổi thanh xuân yêu đời, tương lai sáng sủa, và phải nghe được sức sống đang trào dâng trong tim họ. Phải đồng cảm với những ánh mắt sáng ngời đang hướng về tương lai, sẵn sàng chấp nhận hiện tại mới thấy được ý nghĩa của những “bó rau muống” tinh thần kia là cần thiết. Cả người đóng góp lẫn người đón nhận sự đóng góp đều vì nước trời, vì Tin Mừng, và vì yêu mến các linh hồn.

 

Trong suy tư và hoài vọng, tôi bỗng dưng có một ước nguyện là sẽ có nhiều “bó rau muống” được gửi về Đại Chủng Viện. Chúng được chất đầy các phòng ngủ, phòng ăn, phòng học, thư viện và cả các sân chơi nữa. Để chi? Để những tấm lòng hảo tâm kia sẽ kiếm được những chiếc thừng rau muống hầu vượt qua biển khổ trần gian đầy thử thách, và để như một phương tiện đưa họ về đến được Thiên Đàng. Vì một bát nước lã được trao cho kẻ khát sẽ không bị Chúa lãng quên, huống chi một bó rau muống hay nhiều bó rau muống vì Đại Chủng Viện, vì Tin Mừng, và vì tương lai Giáo Hội.

Hôm nay, ngồi ghi lại những cảm tình này, tôi lại thấy mình có bổn phận phải nói lên ước vọng thiết tha của Đức Cha Giám Đốc, đó là ngài cần nhiều những bó rau muống của các tấm lòng thiện chí. Những bó rau muống thắm đặm tình người, tình bác ái để mọi người cùng tiếp tay xây dựng nước Chúa và làm chứng nhân cho Tin Mừng Cứu Độ. Vậy nếu bạn là người muốn làm chuyện ấy, xin trực tiếp liên lạc về:

 

Đức Cha Laurensô Chu Văn Minh
Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse
40 Phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm
Hànội – Việt Nam
Tel. 043 828 9853
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.