Uncategorized

Cuộc chiến trường kỳ nhắm vào những giá trị truyền thống của gia đình -2

Bài viết được tổng hợp và khai triển dựa theo nguyên tác: The Long War Against The Family của Ryan N.S.Topping, Ph.D. Nhà nghiên cứu của Trường Cao Đẳng Khoa Học Nhân Văn Thomas More. Tiến sĩ thần học tại Đại học Oxford. Tác giả cuốn Rebuilding Catholic Culture: How the Catholism Can Shape Our Common Life.

2. Gánh nặng con cái:

 

Bài viết được tổng hợp và khai triển dựa theo nguyên tác: The Long War Against The Family của Ryan N.S.Topping, Ph.D. Nhà nghiên cứu của Trường Cao Đẳng Khoa Học Nhân Văn Thomas More. Tiến sĩ thần học tại Đại học Oxford. Tác giả cuốn Rebuilding Catholic Culture: How the Catholism Can Shape Our Common Life.

2. Gánh nặng con cái:

 

Theo quan điểm của Marx và Engels, việc giáo dục con cái, săn sóc người cao niên và sở hữu tiền bạc do nhà nước quản lý: “Các tận kỳ năng, các hưởng kỳ nhu”. Lao động tận lực, hưởng lợi theo nhu cầu! Lý thuyết này làm cho khế ước bền chặt giữa nam nữ trong đời sống hôn nhân, gia đình trở nên lỏng lẻo, không còn lý do chính đáng. Theo đó, một khi phụ nữ được giải phóng khỏi những gò bó tình dục, và việc sinh sản được coi như một hình thức sản xuất thì hàng triệu bà mẹ bị ép buộc phải làm việc bên ngoài gia đình và những đứa con kia sẽ được trông nom, dậy dỗ tại các cơ sở giữ trẻ của nhà nước.

 

Một cách tương tự, những người mẹ trẻ tại các quốc gia tự do phải gửi con họ tại các nhà trẻ, những nơi coi trẻ trong thời gian họ phải đi làm. Mặc dù đây là những chọn lựa tự do, nhưng chi phí và những đòi hỏi của việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái đã khiến cho rất nhiều cha mẹ trẻ không nghĩ đến việc sinh con, hoặc nếu có thì chỉ 1 hay 2 đứa. Ở các nước như Trung Hoa, Việt Nam việc ngừa thai và phá thai là chính sách của nhà nước, nhưng tại các quốc gia tự do như Hoa Kỳ thì đó là sự chọn lựa tự ý.

 

Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào thì hình ảnh đứa con là một gánh nặng vẫn như ám ảnh đối với nhiều gia đình trẻ hiện nay. Thêm vào đó, những nghiên cứu, những thống kê này khác cứ như hăm dọa các phụ huynh trẻ. Thí dụ, nếu muốn sinh một đứa con và nuôi con đến khi vào đại học, phí tổn có thể lên đến 120.000 Mỹ Kim. Và kết quả là làm gì để kiếm được 120.000$ để có thể sinh và nuôi một đứa con?!

 

Xét về phương diện giáo dục, gửi con vào những cơ sở giữ trẻ của nhà nước, chẳng khác gì phó mặc việc giáo dục, uốn nắn con cái cho nhà nước. Coi con cái như những sản phẩm trong một nhà máy sản xuất tập thể, và vì thế, chúng được lớn lên, giáo dục trong điều kiện tập thể. Điều này hoàn toàn trái với quan niệm giáo dục. Một khi bị bỏ rơi, quên lãng hoặc để chúng tự do một mình dưới hình thức này hay hình thức khác, tuổi trẻ rất dễ trở thành mồi ngon cho những cái gọi là “văn hóa giới trẻ”, thí dụ, nhạc pop, áo quần, xâm mình, xỏ mũi, xỏ tai, xì ke, ma túy, rượu, và những thú tiêu khiển cuồng loạn. Theo tâm lý, khi con cái thiếu vắng sự hiện diện của cha mẹ, thông thường chúng sẽ tìm đến những bạn bè cùng trang lứa để bù đắp lại sự thiếu vắng ấy. 

 

Hậu quả của tư tưởng vô gia đình, bất bình đẳng của lý thuyết vô gia đình trên không chỉ trực tiếp đến từ những sai lầm của lý thuyết, nhưng còn qua lối sống bị gò bó, bưng bít, cũng như đến từ những lối sống buông túng, tự do.  Những điều này hiện đang trở thành một thách đố cho quyền làm cha mẹ, cho trách nhiệm phụ huynh và cho giá trị của hôn nhân gia đình. Nó không chỉ nghiêng về phía những đứa trẻ ngỗ nghịch, vô kỷ luật và sa đọa, mà còn ảnh hưởng đến cả quan niệm phụ huynh của nhiều người một khi tư cách làm cha mẹ bị tước bỏ, và một khi sự tương kính của con cái dành cho cha mẹ bị giảm dần. Kết quả sẽ đưa đến ý nghĩ cho rằng con cái là một gánh nặng, và rằng, sở hữu những đứa con như vậy chẳng khác gì một cuộc đầu tư thua lỗ. Một hy sinh không mang lại kết quả.   

Để làm giảm nhẹ gánh nặng con cái, người ta phải nghĩ đến việc ngừa thai và phá thai. Do quan niệm cho rằng nếu đời sống tâm lý, tình cảm, và tình dục được tự do thì người cha, người mẹ, nhất là người phụ nữ không bị lên án hoặc coi là tội lỗi với những đứa con ngoài ý muốn. Ngừa thai, do đó, được coi là bước thứ nhất, tiếp đến là hành động nạo, phá thai. Tại Hoa Kỳ, sự kết nối giữa ngừa tránh thai và phá thai dưới cái nhìn bình đẳng kinh tế được thực hiện công khai năm 1992 do Toà Án Tối Cao phán quyết về Kế Hoạch Hóa Gia đình chống lại Casey, vốn bảo vệ phán quyết năm 1973 trước đó ủng hộ nạo phá thai trong vụ Roe chống lại Wade. Phán quyết này dựa vào tính hiện thực của bình quyền nam nữ, của đời sống kinh tế và xã hội. Như vậy, người nam cũng như người nữ có thể căn cứ vào khả năng kinh tế của gia đình, muốn hay không muốn có một đứa con hoặc bất cứ lý do gì được gói gọn trong yếu tố kinh tế, tâm lý, sức khỏe để tự bỏ một đứa con.  Phá thai hiện nay được coi là hợp pháp trên hầu hết mọi quốc gia, và hầu như không ai còn thắc mắc hoặc không biết đến điều này.

 

Về phương diện tôn giáo, năm 1930 Anh Giáo là giáo phái Kitô Giáo đầu tiên tán thành việc ngừa thai nhân tạo. Gần đây, Nguyên Tổng Giám Mục Canterbury, Rowan Williams, cũng quan niệm rằng tình dục tách khỏi việc sinh sản hoặc những kết hợp đồng tính trở nên tương đương với những kết hợp giữa hai người khác phái. Theo ông, trong một giáo hội đã chấp nhận ngừa thai, thì việc lên án các kết hợp đồng tính sẽ trở nên độc đoán. Điều này khiến cho Giáo Hội Công Giáo trở nên cô độc vì chỉ có Giáo Hội này đơn lẻ bác bỏ những phương pháp ngừa thai, ngoại trừ việc kiêng cữ theo tự nhiên, một quan niệm đã bị các khối Kitô Giáo năm 1930 và nhiều tổ chức tôn giáo khác sau này chống đối, coi đó như một sự sỉ nhục đối với nhân phẩm người phụ nữ. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo cũng tìm được một sự đồng thuận dựa vào tư tưởng của Mahatma Gandhi khi ông này cho rằng sử dụng bừa bãi các phương pháp ngừa thai nhân tạo không chỉ được coi là làm mất giá trị hành vị vợ chồng, mà còn hủy hoại sự kết hợp này. Mahatma Gandhi đã cảnh báo năm 1925, “Tôi khuyên những người ủng hộ các phương pháp kiểm tra sinh sản nhân tạo hãy xem xét các hậu quả. Bất cứ sự sử dụng rộng rãi nào các phương pháp này cũng sẽ dẫn tới việc tan rã của giao ước hôn nhân”.

 

Phong trào ưu sinh và chống lại sinh sản do Margaret Sanger (1879 – 1966) phổ biến và được duy trì qua Kế Hoạch Hóa Gia Đình, xem như đã thành công áp đảo đến nỗi cần phải có những nỗ lực to lớn để đánh thức những suy tư của giới trẻ về một thế giới nơi mà con cái không bị coi là một gánh nặng xã hội và kinh tế. Điều này đòi hỏi thêm về ý thức tội lỗi liên quan đến hàng triệu triệu thai nhi bị giết chết hằng năm trước khi được nhìn thấy ánh sáng mặt trời bởi chính cha mẹ chúng. Làm sao có thể chuyển đổi tư tưởng và làm cho những người trẻ hôm nay để họ nhìn thấy việc làm của mình là sai trái?! Làm sao để nhân loại có được cái nhìn trung thực về hậu quả mà chính họ đã làm ra do những thiệt thòi về hàng loạt các vụ phá thai. Một thí dụ rất cụ thể, hiện nay Châu Âu đang bước vào mùa đông dân số. Tại Á Châu, Trung Quốc hiện đang phải trả giá cho sự thiếu vắng phụ nữ do hậu quả của phá thai, của kế hoặch hóa gia đình do chính quyền áp đặt.   

3. Phân biệt giới tính:

 

Có những đối xử bất công giữa phái tính? Điều này không chỉ mới xảy ra cho những con người của thời đại mới. Trên thế giới hiện nay, ngoại trừ một số quốc gia Hồi Giáo cực đoan hoặc các quốc gia theo những tập tục cổ truyền tại Phi Châu, còn lại hầu hết ở các quốc gia Âu Mỹ, ngay cả các quốc gia tại Á Châu những đối xử bất bình đẳng giữa nam và nữ đang từ từ được cải tiến. Tuy nhiên, sự bùng dậy quá khích của các phong trào ủng hộ và giải phóng nữ giới đang làm biến thái vai trò của người phụ nữ trong chính ý tưởng của họ, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Và đây cũng là một trong những mũi nhọn tấn công nhằm lật đổ và phá hủy đời sống gia đình.   

 

Dù dưới cái nhìn nữ giới bị miệt thị, bị coi thường và trở thành sở hữu của nam giới như Marx, Engels, hay dưới cái nhìn hoàn toàn giải phóng đòi bình quyền từ các tư tưởng Tây Phương, vai trò nữ giới và quyền lợi nữ giới đã trở thành những điểm nóng cho cuộc đấu tranh giới tính. Một cuộc chiến không chỉ dừng lại ở sự phân nhiệm đồng đều và có ý thức của vai trò người nam và người nữ, vai trò người chồng và người vợ, và vai trò của người cha và người mẹ. Nhưng nó là một cuộc chiến nhằm xóa tan hình ảnh của phái tính, xóa tan biên giới giữa nam và nữ, giữa đàn ông và đàn bà. Nhưng liệu con người có thể xóa đi cái căn tính nam nữ của mình hay không? Hay đó chỉ là những tư tưởng nhằm đánh đổ hình ảnh gia đình trong đó gồm một người chồng và một người vợ, một người nam và một người nữ.

 

Đối với những người chủ trương và ủng hộ giải phóng giới tính, giới tính được coi như một giải thích có tính cách xã hội. Giới tính hôm nay được coi như một khái niệm do xã hội đặt định. Vì vậy, những người chủ trương nam nữ bình quyền thường mặc nhiên phủ nhận đặc tính chung của con người, đó là con người có nam và có nữ. Phong trào phụ nữ bình quyền đã nở rộ từ sau tác phẩm A Vindication of the Rights of Women (1792) của Mary Wollstonecraft. Xa hơn nữa Luce Irigaray, một học giả được hoan nghênh rộng rãi, người bênh vực tình trạng đặc quyền của nữ giới không dựa trên nền tảng lý trí, mà là trên căn bản chối bỏ lý trí. Qua tác phẩm This Sex Which Is Not One của mình, bà cho rằng ở một mức độ nào đó, đã có những mâu thuẫn và điên rồ từ quan điểm lý trí, và vì thế không thể đón nhận với những khuôn mẫu, chuẩn mực được có sẵn về phái tính. Và bà từ chối nữ giới chia sẻ tính hợp lý với họ.

 

Nhưng nếu không dựa vào lý trí, ta sẽ đặt nền tảng nào cho nguyên lý bình đẳng của giới tính. Hoặc liệu khi nữ giới tham gia vào những “sự hợp lý” khác nhau, có làm giảm bớt hạnh phúc của nữ giới – vì đa số ước ao chia sẻ một thứ tình thân nào đó với nam giới.

 

Trong một thế giới ở đó những người nam và những người nữ không cùng chia sẻ một lý trí chung sẽ có khả năng khiến cho một số đồng tính nữ cảm thấy thoải mái hơn; nhưng rõ ràng là thế giới nhỏ hơn nhiều để hưởng thụ, vì không có tình thân mang ý nghĩa anh chị em, vợ chồng, giữa mẹ và con trai. Có thể Irigaray cho rằng hạnh phúc của một phụ nữ được phát triển tốt hơn khi tách khỏi gia đình. Không muốn bị phân loại bởi những cái nhãn làm sẵn như đồng tính, khác giới tính hoặc chuyển giới qua cái được gọi là “thú nhục dục đa hình thái”. 

 

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như ý thức hệ giới tính được chấp nhận? Lúc đó sẽ không còn bảng hiệu nam, nữ được gắn trước các phòng vệ sinh, không còn phân biệt về các đồ dùng như áo quần, các nơi cần có những không gian riêng tư như nhà vệ sinh, phòng tắm… Quan điểm này hoàn toàn đi ngược lại với quan điểm luân lý và đạo đức. Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong bài giảng lễ Giáng Sinh, khi đề cập đến khái niệm gia đình thực sự và sự an toàn của con cái đã nhận định: “Nếu không có một tính hai mặt được quy định trước về người nam và người nữ trong công cuộc tạo dựng, thì gia đình cũng không còn là một thực tại được công cuộc tạo dựng thiết lập. Cũng vậy, đứa con đã mất vị trí nó đã chiếm cho đến nay và phẩm giá gắn liền với nó”.

 

Để có những suy nghĩ đúng đắn, và không để khỏi bị chi phối bằng những suy tư như hiện nay, có lẽ chúng ta cần phải tìm về với giá trị của luân lý và đạo đức. Thông Điệp Tân Sự (Rerum Novarum – 1891) của Giáo Hoàng Lêô XIII, đề cao nền tảng gia đình: “Gia đình, hoặc đúng hơn xã hội của gia đình này, một xã hội tuy rất nhỏ bé, nhưng là một xã hội thật sự và có trước bất cứ một xã hội nào.” Ở đây, hạnh phúc và bình đẳng là điều có thể thực hiện và tìm thấy được trong cuộc sống vợ chồng.

 

Do đó, vợ chồng sống với nhau không đơn thuần là một cuộc sống bình đẳng theo từ ngữ của Marx, có nghĩa là bị giảm thiểu không bằng nhau, mà chỉ còn bằng nhau bình đẳng trên đồng lương hay cơ hội để có giấy phép tình dục. Gia đình cũng không phải là một định chế xã hội ở đó người phụ nữ bị cưỡng bức, bị đày đọa và bị tước đoạt tự do. Với những ai chống lại giá trị của gia đình, như Simone de Beauvoir, thì sự tuân theo một thể chế gia đình chính là một hợp đồng chấp nhận sự hy sinh tự do của ý chí. Theo đó, “người đàn ông và vợ cùng nhau trải qua sự áp bức của một cơ chế mà họ không lập ra”. Những tác phẩm mang tính cách giật gân ở thập niên 1960 như The Second Sex, và Feminine Mystique của Betty Friedman là những tác phẩm đề cập đến quan điểm bình quyền, xóa bỏ biên giới nam nữ. Tuy nhiên, sau nhiều nghiên cứu một chiều và sau nhiều thập niên tấn công vào lý tưởng của gia đình, cũng chỉ có 8% phụ nữ cho rằng họ hy vọng vẫn chưa kết hôn. 

 

(Còn tiếp)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.