Uncategorized

Cuộc chiến trường kỳ nhắm vào những giá trị truyền thống của gia đình

Về mặt luân lý và đạo đức xã hội, thế giới hiện nay đang diễn ra một trận chiến hết sức khốc liệt và trường kỳ trực tiếp nhắm vào những thành trì của gia đình, gồm: Giá trị của hôn nhân, con cái, và giới tính.

 

Về mặt luân lý và đạo đức xã hội, thế giới hiện nay đang diễn ra một trận chiến hết sức khốc liệt và trường kỳ trực tiếp nhắm vào những thành trì của gia đình, gồm: Giá trị của hôn nhân, con cái, và giới tính.

 

Những người chủ trương và tham gia cuộc chiến tin rằng nếu gia đình là nền tảng của xã hội, của đạo đức mà bị đánh đổ thì đời sống con người sẽ trở nên nhẹ nhàng, thoải mái, và hạnh phúc hơn. Riêng với những người như Marx, thì vì tin rằng gia đình là nền tảng sinh ra những bất công trong xã hội nên nếu phá bỏ được quan niệm và truyền thống gia đình, thế giới này sẽ biến thành một thế giới đại đồng, và thiên đàng Cộng Sản sẽ xuất hiện. Tóm lại, đối với những ai tin rằng gia đình không cần thiết và coi nhẹ những giá trị của gia đình, thì gia đình và truyền thống gia đình là những chướng ngại cần phải dẹp bỏ.

 

Những tư tưởng trên chính là những vũ khí cực độc và có sức công phá rất dữ dội luôn nhắm thẳng vào gia đình để bằng mọi giá triệt hạ nó. Tuy không mới mẻ gì, nhưng nếu để ý, chúng ta sẽ thấy cuộc chiến này trở nên khốc liệt từ 150 năm qua, bắt đầu là do tư tưởng của Marx và Friedrich Engles khi cho rằng giá trị của hôn nhân làm cho con người kém tự do. Việc sinh con cái là một gánh nặng. Ngoài ra, phân biệt giới tính là hành động ảo tưởng đến từ những phân tích của một số nhà lý luận về giới tính gần đây.  

Nhưng đối với những người quan tâm đến gia đình, đến nền tảng và giá trị của gia đình thì hậu quả hiện nay của cuộc chiến này là những việc ủng hộ, cho phép và hợp thức hóa các đạo luật như ngừa thai, nạo và phá thai, ly thân, ly dị, đồng tính, hôn nhân đồng tính, và chuyển đổi giới tính. Chúng là những vết thương nhức nhối, những tế bào ung thư làm suy yếu và phá vỡ những giá trị truyền thống của gia đình, đạo đức xã hội, kể cả trong vấn đề sinh sản, và giáo dục con cái.

 

Đứng trước những đợt tấn công vũ bão này, những ai có tâm hồn muốn bảo vệ những giá trị của hôn nhân, gia đình cần phải làm gì?  Và để hiểu thế nào về sức mạnh, hướng đi, và sự tàn bạo của trận chiến hầu tìm cách đề phòng hoặc phản công, chúng ta cần phải hiểu xem đâu là những nguyên nhân.

1. Phản ảnh suy tư con người thời đại: 

Cả Marx lẫn Engels đều cho rằng các quan hệ xã hội là không bình đẳng. Đấu tranh giai cấp là một hành động nhằm phá tan sự bất bình đẳng này. Với chủ trương tam vô: Vô gia đình, vô tổ quốc, và vô tôn giáo, Friedrich Engles, người cộng tác của Marx trong bài nghiên cứu về Nguồn Gốc Gia Đình, Tư Hữu và Nhà Nước (1884) đã coi gia đình như một tế bào nguyên thủy của bất bình đẳng và chế độ nô lệ. Với một ước ao chiếm hữu, con người cũng mong đảm bảo việc truyền lại những gì mình có cho thế hệ mai sau, đấy chính là điểm nền tảng cho chế độ một vợ, một chồng, trong đó nam giới với đất đai, tài sản mong có những người thừa kế hợp pháp. Với lý luận này, trong hôn nhân, nữ giới thuộc về nam giới, đơn thuần như một “dụng cụ sản xuất con cái”. Quan niệm sở hữu, dụng cụ sản xuất, và nô dịch hóa nữ giới này chỉ chấm dứt khi nam giới mất quyền sở hữu bằng việc quốc hữu hóa, để rồi vì không còn quyền sở hữu và mất quyền truyền để cho hậu duệ sau này, nam giới sẽ không quan tâm nhận diện con cái nữa. Tóm lại, khi điều kiện kinh tế làm trổi dậy đời sống hôn nhân chấm dứt, thì hôn nhân cũng chấm dứt, và kết thúc lịch sử, tình dục cũng sẽ được giải phóng. Thế giới sẽ tiến tới chỗ đại đồng, không còn những gia đình nhỏ bé nữa mà là một gia đình nhân loại rộng lớn.

 

Lý luận như vậy, Engels cho rằng cuộc cách mạng vô sản sẽ là một cái tát cho cả gia đình lẫn luân lý. Với Engles, sau khi đã giải phóng nữ giới, vứt bỏ đi hình thức gia đình, lúc đó gia đình đơn thuần chỉ còn là một đơn vị kinh kế của xã hội, và sẽ tiến tới sự tăng trưởng về một sự giao hợp không bị giới hạn. Điểm đáng chú ý ở lý thuyết gia đình này, đó là chủ nghĩa xã hội tiến tới, gia đình lùi dần.

 

Lý thuyết của Marx và Engels đã một thời ảnh hưởng rất lớn tại các quốc gia bị kiểm soát do chế độ Cộng Sản, trong khi đó tại các quốc gia Tây Phương, những tư tưởng và trào lưu sống mới cũng đang nhắm vào nền tảng gia đình để phá hủy. Đó là những hình thức hôn nhân vượt khỏi những quan niệm và truyền thống. Thí dụ, quan niệm và lối sống tiền dâm hậu thú, sống với nhau mà không cần hôn thú, hoặc quan niệm và lối sống đồng tính, hôn nhân đồng tính. Những quan niệm và lối sống này tạo nên những hình thức gia đình vượt ra ngoài những giá trị vốn đã có từ rất xa xưa về gia đình. Hậu quả là tại nhiều quốc gia, các nhà lập pháp đang cố tìm cách tái định nghĩa lại từ gia đình. Ảnh hưởng của những suy tư và lối sống này không chỉ nằm trong lãnh vực luân lý, đạo đức, nó còn vươn tới những lãnh vực khác như giáo dục, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, và tôn giáo nữa.

 

Thính đến năm 2001 đã có 11 quốc gia trên thế giới hợp pháp hôn nhân đồng tính. Gồm Á Căn Đình (Argentina), Bỉ (Belgium), Canađa (Canada), Đan Mạch (Denmark), Băng Đảo (Iceland), Hòa Lan (Netherlands), Na Uy (Norway), Bồ Đào Nha (Portugal), Tây Ban Nha (Spain), Nam Phi (South Africa), và Thụy Điển (Sweden).  Tại một vài quốc gia khác như Ba Tây (Brazil), Mễ Tây Cơ (Mexico), và Hoa Kỳ (USA), hôn nhân đồng tính được ủng hộ nhưng chưa hợp hiến.

 

Về tôn giáo, việc cử hành theo nghi thức tôn giáo dành cho những cặp vợ chồng đồng tính cũng đã được một số tôn giáo thừa nhận như Quarkers, Episcopolians, Metropolitan Community Church, The United Church of Christ, The United Church of Canada, Reform and Conservative Jews, Wiccans, Druid, Unitarian Universities, Native American Religions with a two-spirit tradition.

 

Về mặt xã hội, nhiều người trẻ ngày nay không mấy quan tâm đến việc lập gia đình. Đối với những người trẻ này, tờ giấy hôn thú không có giá trị gì hơn là một hình thức đòi hỏi của xã hội. Lấy nhau rồi bỏ, làm hôn thú rồi ly dị và tái hôn, những chuyện này khiến họ nghĩ đến gia đình đơn thuần chỉ là một khế ước, một sự đồng thuận giữa hai người dù là người nam với người nữ, giữa hai người nữ, hoặc hai người nam với nhau. Vì là một khế ước hay sự đồng thuận nên khi điều kiện được đặt ra không thỏa đáng tôi có quyền từ chối để đi tìm một hiệp đồng, một khế ước hay một sự đồng thuận mới. Từ quan niệm này làm nảy sinh những phức tạp như việc ngăn ngừa thụ thai, phá thai, và ly dị. Nó cũng tạo nên những quan niệm mới liên quan đến gia đình như tuổi tác kết hôn, việc sinh sản và giáo dục con cái.

 

Dưới cái nhìn xã hội, những hình thức và lối sống gia đình hiện nay còn lây lan sang đến cả lãnh vực chính trị nữa. Hàng loạt những người ủng hộ phá thai, ủng hộ đồng tính, ủng hộ hôn nhân đồng tính đã rầm rộ xuống đường tại nhiều quốc gia, đặc biệt trong những ngày trước khi có các cuộc bầu cử nhằm khuynh đảo lập trường, hoặc bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với các ứng cử viên có cùng quan điểm và lập trường về đồng tính, hôn nhân đồng tính. Cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại Hoa Kỳ đã cho thấy tầm ảnh hưởng của những thành phần này. Kết quả là nhiều tiểu bang, và ngay cả tổng thống Hoa Kỳ Obama cũng ủng hộ quan niệm đồng tính và hôn nhân đồng tính. Tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đồng tính, hôn nhân đồng tính, ly dị và phá thai đã được hợp thức hóa và bảo vệ bằng hiến pháp.

 

Giải phóng tình dục, giải phóng nữ giới, dù theo quan niệm của Marx, của Engels, hay của những nhà tâm lý, giáo dục, xã hội, đạo đức, và chính trị hôm nay đã đạt được một số kết quả. Thí dụ, phụ nữ ngày nay đã trở nên bạo dạn hơn, thẳng thắn hơn, và có tiếng nói hơn trong việc bày tỏ quan điểm tình yêu, tình cảm, kể cả đời sống tình dục của mình. Không còn chế độ đa thê, nữ giới không dễ để mình bị nô lệ và bị hành hạ do quan niệm và lối sống gia trưởng. Tại nhiều quốc gia, họ có quyền đưa đơn ra tòa ly dị, có quyền ngừa thai hay phá thai theo ý của họ. Tiếng nói tự do tình dục, tiếng nói tự do đối với thân thể của họ đã và đang được lắng nghe.   

Một cách nào đó, có thể nói trước khi chủ thuyết về gia đình của Marx và Engles bị cho vào cống rãnh của lịch sử, nó đã hóa thân thành những quan niệm hôn nhân, và gia đình như hiện nay, và vẫn tiếp tục chống lại nền tảng đích thực cũng như những giá trị truyền thống và ơn gọi của gia đình.   

 

(Còn tiếp)

 

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.