Uncategorized

Cư xử với người khác như một nhân vị

Cách đây ít ngày, Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn nhờ tôi xem lại bản dịch Huấn thị Dignitas Personae (Phẩm giá con người). Đây là tài liệu quan trọng của Bộ Giáo lý đức tin liên quan đến những vấn đề đạo đức sinh học như thụ thai trong ống nghiệm, kỹ thuật bơm tinh trùng

Cách đây ít ngày, Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn nhờ tôi xem lại bản dịch Huấn thị Dignitas Personae (Phẩm giá con người). Đây là tài liệu quan trọng của Bộ Giáo lý đức tin liên quan đến những vấn đề đạo đức sinh học như thụ thai trong ống nghiệm, kỹ thuật bơm tinh trùng

vào trứng, kỹ thuật làm đông lạnh phôi, kỹ thuật làm đông lạnh các noãn bào, kỹ thuật giảm trừ phôi, kỹ thuật nhân bản vô tính trên người (human cloning)… 

Ở đây không có ý trình bày về đề tài này, chỉ ghi nhận như một sự kiện. Nếu có gì để nói thêm, có lẽ chỉ là câu hỏi rằng, là những người làm việc trong lãnh vực y khoa và lại là người Công giáo, liệu chúng ta có hiểu biết lập trường của Giáo Hội về những vấn đề này không? Cũng có nghĩa là giới y tế Công giáo nên có những buổi học hỏi chuyên đề về đạo đức sinh học vốn là đề tài nóng bỏng trong thế giới ngày nay.

 

Cũng cách đây một tuần, từ 12-15.02.2009, tôi tham dự Hội thảo quốc tế về Trách nhiệm xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường được tổ chức ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Hội thảo do Misereor của Đức, Viện Khoa học xã hội của Việt Nam và HĐGMVN đồng tổ chức. Gọi là quốc tế vì nhiều giáo sư từ nhiều nước đến tham dự. Đề tài hội thảo cũng là đề tài lớn và mang tính thời sự, nhất là trong khung cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Ở đây cũng không có ý đi sâu vào nội dung hội thảo, mà chỉ ghi nhận như một sự kiện.

 

Điều đáng quan tâm là khi đọc Huấn thị của Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng như khi lắng nghe các bài tham luận của các học giả Công giáo trong Hội thảo về Trách nhiệm xã hội, tôi thấy điểm nổi bật là sự nhấn mạnh đến nhân vị (human person), xem đó là nền tảng để suy tư và hướng dẫn những chọn lựa và hành động đúng đắn trong lãnh vực y khoa cũng như trong tổ chức kinh tế xã hội. Vậy phải hiểu thế nào về nhân vị và hiểu biết đó gợi ý cho ta điều gì?

Nhân vị là từ ngữ triết học để nhấn mạnh con người không chỉ là một tổng hợp vật chất như các loài vật khác nhưng mỗi con người đều là hình ảnh Thiên Chúa, là cá thể độc đáo và không thể thay thế, có khả năng tham dự bản tính Thiên Chúa, có ơn gọi vĩnh cửu và được mời gọi tham dự chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Vì mỗi con người là một nhân vị ngay từ lúc tượng thai trong lòng mẹ, nên trong lãnh vực y khoa, phải tôn trọng con người ngay từ giây phút đầu tiên cũng như trong mọi giai đoạn của đời sống: “Con người phải được tôn trọng và đối xử như một nhân vị từ lúc thụ thai, nghĩa là từ giây phút này, người ta cần phải nhìn nhận những quyền của con người đối với sinh linh đó, trong số đó trước tiên là quyền được sống vốn là bất khả xâm phạm của mọi hữu thể nhân linh vô tội” (Huấn thị Phẩm giá con người, số 4). Đây là nền tảng cho giáo huấn của Giáo Hội không những về phá thai, mà còn về nhiều vấn đề khác như án tử (euthanasie), việc huỷ bỏ các phôi có chủ ý, kỹ thuật làm đông lạnh phôi… Giáo Hội khẳng định cách mạnh mẽ rằng “Lịch sử nhân loại cho thấy những tiến bộ thực sự chỉ đạt được trong sự hiểu biết và nhìn nhận giá trị cũng như phẩm giá của mỗi nhân vị như nlà nền tảng của các quyền và những mệnh lệnh đạo đức, nhờ đó xã hội loài người đã và vẫn đang được xây dựng” (Huấn thị, số 36).

 

Trong lãnh vực kinh tế cũng vậy, chính tầm nhìn về con người như một nhân vị dẫn ta đến chỗ ý thức con người phải là mục đích chứ không thể là phương tiện, và không được phép sử dụng con người chỉ như phương tiện sản xuất. Đã từng có thời khắp nơi hô to khẩu hiệu Tất cả cho sản xuất. Hoá ra con người chỉ là phương tiện phục vụ sản xuất chứ không phải là mục đích mà việc sản xuất phải hướng tới! Ngày nay, khẩu hiệu ấy không còn nhưng thực tế là trong nhiều xí nghiệp, ông chủ có thể tìm cách vắt kiệt sức lao động của thợ thuyền để đạt mục tiêu làm giầu hoặc cư xử với các công nhân cách tồi tệ, không xứng với phẩm giá con người. Trong cuộc hội thảo về Trách nhiệm xã hội trong nền kinh tế thị trường, tôi ghi nhận rằng các giáo sư từ các đại học Đức sang đã chủ yếu tập trung vào việc giới thiệu mô hình kinh tế được gọi là kinh tế thị trường mang chiều kích xã hội (social market economy). Mô hình này được coi như giải pháp cho sự bế tắc của hai mô hình vốn bị coi là đối nghịch nhau, một bên là thị trường tự do (free market), một bên là kinh tế tập trung (central planning economy). Đồng thời các giáo sư này cũng khẳng định rằng mô hình này phù hợp với giáo huấn xã hội của Gíao Hội Công giáo, giáo huấn đề cao con người là một nhân vị và phải tôn trọng nhân vị đó như mục đích hướng đến chứ không chỉ như phương tiện sản xuất. Nhưng họ nói thêm rằng họ chấp nhận nó không phải vì nó là công giáo nhưng vì nó phù hợp với lý trí (reasonable). Chi tiết này rất đáng quan tâm trong cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và thế giới về các vấn đề kinh tế xã hội.

 

Thiết nghĩ một vài ghi nhận về nhân vị nói trên cũng cho ta thấy được tầm quan trọng của khái niệm “nhân vị” trong lập trường của Giáo Hội về nhiều lãnh vực, đồng thời cũng gợi ý cho ta đôi điều liên quan đến đời sống của mình, cách riêng là trong trách nhiệm nghề nghiệp và bổn phận giáo dục của mình.

 

Trước hết là trong lãnh vực nghề nghiệp. Tôi vẫn chủ quan nghĩ rằng giữa người linh mục và một bác sĩ, có sự gần gũi nào đó. Linh mục trong toà giải tội được nhìn vừa như thẩm phán vừa như lương y. Là thẩm phán khi thẩm định mức độ của tội lỗi và là lương y khi đưa ra những hướng dẫn cho đời sống thiêng liêng của hối nhân. Ngoài ra, cách nào đó, linh mục còn đóng vai trò lương y khi làm linh hướng và tư vấn mục vụ. Từ góc độ lương y này, linh mục rất gần gũi với giới y tế và có thể có những kinh nghiệm chung. Chẳng hạn, khi nhìn lại đời sống linh mục của mình, tôi thấy không ít lần, do mệt mỏi hoặc bận rộn hoặc áp lực công việc kéo dài, cũng có khi vì lười biếng hoặc ích kỷ mà mình đã không đón tiếp một người anh chị em như một nhân vị đúng nghĩa, đã có những lời nói hoặc thái độ xúc phạm đến họ, và cảm thấy ân hận khi hồi tâm lúc đêm về. Là những người làm việc trong lãnh vực y tế, các anh chị có kinh nghiệm đó không? Trong những lúc hồi tâm, chắc cũng không ít lần ta cảm thấy ân hận vì mình đã có thái độ phân biệt đối xử đối với người bệnh, đã có những lời nói nặng nề, thái độ cứng cỏi…khiến người ta cảm thấy tủi thân hơn. Ta đối xử với người bệnh trước hết như một con người (nhân vị) hay trước hết vì địa vị xã hội và khả năng tài chính của họ? Ta chăm sóc người bệnh như một con người (nhân vị) hay chỉ như một phương tiện cho ta làm giầu? Khá nhiều câu hỏi có thể được đặt ra ở đây và có thể là những câu hỏi đau đớn. Tuy nhiên, chân thành đối diện với những câu hỏi đó là cách thế mời gọi ta sống đúng với căn tính Công giáo của mình không chỉ trong giờ thờ phượng mà là ngay trong bổn phận nghề nghiệp của mình.

 

Tiếp đó, theo lời mời gọi của HĐGMVN trong Thư Mục Vụ 2008, chúng ta cần quan tâm đến giáo dục Kitô giáo và môi trường gia đình. Nói đơn giản là làm sao để gia đình trở thành môi trường tốt đẹp và thuận lợi nhất cho việc giáo dục đức tin cũng như những giá trị nhân bản cho con cái. Ở đây cũng thế, ý niệm về nhân vị có thể đặt ra cho ta nhiều câu hỏi: Trong việc giáo dục con cái, ta hướng con cái đến mục đích nào? Giúp con cái trở thành một nhân vị đúng nghĩa, một con người toàn diện, hay chỉ lo lắng cho con cái thu tích thật nhiều kiến thức mà tâm hồn thì cằn cỗi? Hướng con cái đến chỗ thành nhân hay chỉ nhắm thành công vật chất? Ý niệm về nhân vị còn mời gọi chúng ta xem lại cung cách ứng xử và giáo dục của mình đối với con cái. Cha mẹ đòi hỏi con cái phải tôn trọng cha mẹ là lẽ đương nhiên nhưng liệu cha mẹ có tôn trọng con cái như một nhân vị, nghĩa là như một cá thể độc đáo và không thể thay thế? Nếu ta đối xử với con cái như những nhân vị, liệu có nên áp đặt lên con cái những ý muốn độc đoán của mình hay phải tập lắng nghe những tâm tư và ước vọng của trẻ? Có nên bắt con cái phải hoàn thành ước mơ của cha mẹ (mà cha mẹ không hoàn thành được) hay phải đồng hành với con cái và giúp con cái vươn đến tầm cao những khả năng tự nhiên của nó? Trong Tâm thư gửi các gia đình, Đức Cố giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phân tích điều răn thứ tư “Hãy thảo kính cha mẹ” và ngài viết, điều răn này không chỉ có nghĩa là con cái phải tôn kính cha mẹ mà còn hàm nghĩa cha mẹ phải tôn trọng con cái như những nhân vị, đồng thời ngài mời gọi các bậc cha mẹ sống làm sao cho xứng đáng với sự tôn kính của con cái (x. Tâm thư, số 15). Hình như đây là điều khá mới mẻ đối với nhiều bậc cha mẹ.

 

Tóm lại, cái nhìn về con người như một nhân vị có thể nói với ta nhiều điều trong trách nhiệm nghề nghiệp cũng như trong việc giáo dục con cái. Xin được gợi lên đôi nét như chất liệu cho suy tư nhân Ngày Thầy thuốc. Trong chương trình văn nghệ mừng Ngày Thầy thuốc trên VTV1, các ca sĩ đã cùng đồng ca bài hát kết thúc “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Cầu chúc quý anh chị có triệu triệu niềm vui, nhất là niềm vui phục vụ, niềm vui không được đo bằng những tính toán hơn thiệt của người đời mà là niềm vui sâu lắng, len nhẹ trong hồn và làm cho đời sống ta ngày càng phong phú hơn.

 

+GM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.