Đọc bài “50 năm Công Đồng Va-ti-ca-nô II” của cha An-rê Đỗ Xuân Quế, tôi cảm nhận được những băn khoăn của một mục tử tha thiết với đời sống của dân Chúa.
Ngài đã sống cùng thời với Công Đồng Vat. II, sự hiểu biết về Công Đồng thật dồi dào, nên đã đóng góp nhiều cho Giáo Hội trong lãnh vực Phụng vụ, Thánh nhạc, Kinh Thánh. Trong những năm 1982-1989 tôi được ngài linh hướng và dạy một vài cours căn bản Phụng vụ & Bí tích. Tôi bái phục ngài và xin được nối dài những tâm tình của “SƯ BÁ” (đó là danh xưng mà những người sống gần gũi, thân quen đã gọi cha An-rê Đỗ Xuân Quế), mong rằng khi chia sẻ những điều đã học, đã nghe, đã đọc là cách góp phần nhỏ bé của mình, mừng kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc khoá đầu tiên của Công Đồng Va-ti-ca-nô II: 11-10-1962.
Bước đầu tiếp cận với Công Đồng Va-ti-ca-nô II
Tôi may mắn được tiếp cận với những văn kiện Công Đồng Vat.II là nhờ được học những cours bỏ túi (mỗi cours chỉ dăm ba ngày) của cha Nguyễn Huy Lịch, dòng Đa-minh, từ những năm 1979. Cha Lịch, ngoài kiến thức uyên bác về Giáo Hội và tư tưởng thần học sâu sắc, ngài còn có một cung cách và chất giọng rất đặc biệt khi dạy học, làm cho người nghe dễ hiểu và nhớ lâu. Cha Lịch đã giúp chúng tôi hiểu bối cảnh thế giới và tình hình Giáo Hội khi Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an XXIII tuyên bố triệu tập Công Đồng. Bài học mà tôi tâm đắc là quá trình hình thành Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium, cha Lịch giúp chúng tôi một cái nhìn đúng đắn về Giáo Hội qua bao nhiêu lược đồ, bao nhiêu tranh cãi, nhiều phen bỏ phiếu. Một cuốn sách khác đã giúp tôi hiểu hơn về Hiến Chế này là cuốn “Đức Mẹ tại Công Đồng” – La Vierge au Concile – của lm René Laurentin mà cha Thiện Cẩm đã dịch (1980). Trong cuốn này tác giả trình bày rất kỹ về lịch sử bản văn Công Đồng, mà vấn đề là chương VIII, nói về Đức Ma-ri-a, một chương đã gây ra bao cuộc tranh luận sôi nổi và những cuộc bỏ phiếu, để rồi trải qua bao nhiêu khó khăn với những ý kiến và lập trường khác nhau, lần bỏ phiếu cuối cùng chỉ còn 5 phiếu chống, trong số hơn 2100 nghị phụ. Với kết quả tốt đẹp như vậy, chương VIII được sát nhập vào lược đồ về Giáo Hội để trở thành“Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội” và trong ngày công bố Hiến chế này (21-11-1964), Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã long trọng tuyên bố tước hiệu Đức Ma-ri-a Mẹ Giáo Hội. Từ nền tảng của Hiến Chế này và quy chiếu các bản văn Kinh Thánh, cha Laurentin đã trình bày vai trò Đức Ma-ri-a trong lịch sử cứu độ, từ đó ngài cho thấy mối tương quan của Đức Ma-ri-a và Giáo Hội. Sau cùng cha nói về lòng tôn sùng Đức Mẹ dựa trên lời dạy của Hiến chế, lời này được xem như khuôn vàng thước ngọc: “Lòng sùng kính chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ,cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật, dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta”(LG 67).
Những bản dịch Công Đồng Va-ti-ca-nô II
Vào thời điểm sau Công Đồng ít năm, đã có 2 bản văn Việt ngữ được lưu hành, một bản dịch của cha Trần Văn Thông, linh giám Senatus Sàigòn, 1970(?) nhưng văn dịch không xuôi, nhiều chỗ tối nghĩa, đọc khó hiểu. Dù sao cũng là một đóng góp quý báu của ngài cho Giáo Hội VN, ít ra đó cũng là bản dịch đầu tiên trọn bộ các văn kiện. Bản thứ 2 là do Giáo Hoàng Học Viện Piô X dịch, Đà Lạt 1972, với những dẫn nhập rất hay, vì số lượng in quá ít, sau đó được tái bản dưới 2 hình thức: loại 1, các văn kiện được in chung trong một cuốn, nhưng không in phần phụ lục là những sứ điệp gửi cho nhiều giới trên thế giới, kể cả những người lãnh đạo các quốc gia và những nhà khoa học cũng như các văn nghệ sĩ, bản in lần này không có mục lục chi tiết. Hình thức thứ hai là in thành 5 tập, bìa mỏng, mỗi tập gồm từ 2 đến 4 văn kiện. Ngày nay, những loại tài liệu đó không còn nữa. Đến năm 1980, ở hải ngoại in lại bản văn của GHHV, có sửa chữa ít nhiều, với đầy đủ các sứ điệp, và cuối sách có in thêm một phần rất giá trị là Bản Mục Lục Phân Tích Chủ Đề dày 446 trang. Với tình trạng khan hiếm tài liệu, thì Bản Mục Lục này giúp ích rất nhiều cho những ai muốn học hỏi những chủ đề chứa đựng trong các văn kiện của CĐ. Mỗi chủ đề được soi sáng bởi nhiều văn kiện, nhờ đó người đọc có cơ hội tiếp cận và làm quen với các văn kiện, nhận ra có một sự liên kết hết sức chặt chẽ trong toàn bộ Công Đồng. Có thể nói đây là một công trình của Chúa Thánh Thần nên các văn kiện không phải là những bản văn chết, nhưng mang lại sức sống mãnh liệt cho Giáo Hội.
Những điều học được từ Công Đồng
Với khả năng hạn hẹp và phương tiện chẳng có bao nhiêu, nhưng mỗi khi soạn bài dạy giáo lý hay phải chia sẻ những đề tài liên quan đến đời sống Giáo Hội, tôi luôn tìm đọc những lời dạy của Công Đồng qua các văn kiện liên quan. Suốt bao nhiêu năm qua, tôi vẫn như một kẻ chỉ lẩn quẩn dưới chân ngọn núi cao, làm sao dám có tham vọng thấu triệt những tư tưởng thâm sâu của các văn kiện, là nơi chất chứa cả bao khối óc và con tim của hàng ngàn nghị phụ tràn đầy Thánh Thần. Nhưng toàn bộ Công Đồng như những nguồn suối tuôn trào bất tận mà ai ai cũng có thể và phải đến để tận hưởng. Điều đầu tiên tôi học được là một cái nhìn mới về Giáo Hội: Trước Công Đồng, Giáo Hội được trình bày như một hình kim tự tháp, người ta chỉ thấy một Giáo Hội cơ cấu, nặng nề hình thức, chóp đỉnh là Đức Giáo Hoàng, rồi đến hàng Giáo Phẩm, hàng giáo sĩ, kế tiếp là giới tu sĩ. Giáo dân chỉ là hạng để lót nền, bảo sao nghe vậy. Theo như cha Th. Rey-Mermet,C.ss.R thì Giáo Hội trước Công Đồng ảnh hưởng quan niệm quân chủ, mà “Quân chủ theo mệnh trời” nên chi Hội Thánh càng chỉ có thể mang màu sắc quân chủ. Vì thế mà cuốn “Catéchisme de Paris” đã định nghĩa: “Hội Thánh là xã hội của các ki-tô hữu phục quyền…” 21 câu hỏi về Đức Giáo Hoàng và các giám mục; chỉ có 3 câu hỏi về các ki-tô hữu để nhắc nhớ họ có bổn phận phải vâng lời, kính trọng các chủ chăn và…cúng tiền vào nhà thờ! Công Đồng Vat II đã cho chúng ta một cái nhìn mới về Hội Thánh khi công bố Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh – Lumen Gentium – Hiến chế này vô cùng quan trọng, vì đây là trọng tâm của công đồng. Được khai mở bởi những bài học của cha Nguyễn Huy Lịch, tôi dành nhiều giờ để đọc Hiến chế, trước tiên tôi cố học thuộc lòng thứ tự các chương, vì thứ tự này rất quan trọng, các nghị phụ đã tốn bao công sức, bao lần bỏ phiếu chỉ để sắp đặt thứ tự, nhất là với chương II và chương III. Trong lời giới thiệu của bản dịch đã giúp độc giả nắm được toàn bộ cách sắp xếp của Hiến chế, cứ 2 chương đi với nhau theo một thứ tự hợp lý. Như vậy, Hội Thánh trước hết là một mầu nhiệm (ch.I) trong ý định muôn đời của Thiên Chúa, trải dài trong lịch sử dân Thiên Chúa (ch. II), trong đó tuỳ theo ơn gọi mà tham gia vào cùng một công trình cứu độ, các phẩm trật (ch.III) là để phục vụ cho dân (ch.IV) và cùng với dân được mời gọi nên thánh (ch.V), chương tiếp theo nói về tu sĩ, không phải là một phẩm trật mà là một ơn huệ đặc biệt Thiên Chúa mời gọi cả bậc giáo sĩ lẫn giáo dân, người tu sĩ nếu biết can đảm sống triệt để 3 lời khuyên Phúc Âm, họ trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Nước Thiên Chúa trong cuộc lữ hành trần gian của Hội Thánh đang tiến về quê trời (chương VII), và chương sau cùng đã làm nổi bật hình ảnh của Đức Ma-ri-a là mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể Hội Thánh, ngài cũng là dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành.
Một văn kiện khác rất quan trọng mà bất cứ ai khi học hỏi Lời Chúa, Kinh Thánh đều phải biết: Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa – Dei Verbum – Công Đồng dạy chúng ta về cách thức Thiên Chúa đã dùng để tỏ cho loài người biết ý định của Người, chúng ta cũng hiểu tại sao một cuốn sách như mọi cuốn sách, với nhiều giới hạn, nhiều khuyết điểm, lại do những con người bất toàn ở nhiều thời đại, viết bằng ngôn ngữ loài người lại được nhìn nhận là sách LỜI CHÚA. Qua Hiến Chế, Công Đồng dạy chúng ta phải đón nhận Lời Chúa như thế nào, phải tôn kính Kinh Thánh như chính Thánh Thể Chúa (s. 21), mà trước đây tín hữu Công Giáo chỉ biết chú trọng đến Thánh Thể mà thôi. Chỉ vỏn vẹn 26 số chia làm 6 chương, khoảng 30 trang giấy A5, mà 50 năm nay Giáo Hội chưa tận dụng được hết những lời dạy của Công Đồng. Hai năm trước đây, vào ngày 30-9-2010, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI ban hành tông huấn Lời Chúa – Verbum Domini – chính là khai triển và đào sâu Hiến Chế Dei Verbum áp dụng vào trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh.
Toàn bộ các văn kiện của Công Đồng bao gồm : 4 Hiến Chế, 3 Tuyên Ngôn và 9 Sắc Lệnh đề cập đến mọi lãnh vực, mọi thành phần dân Chúa và những văn kiện này có tương quan mật thiết với nhau, quy chiếu về nhau, nên khi đọc bất kỳ một Hiến Chế hay một sắc lệnh nào phải đọc trong tương quan với toàn thể. Tôi khám phá ra điều này khi giúp một nhóm học về “Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân” khoảng năm 1987. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Công Đồng Chung đã quan tâm đặc biệt tới vấn đề tông đồ giáo dân, cũng như đã dành nhiều nỗ lực để xác định lại sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội. Sắc lệnh này phải đọc trong tương quan với chương IV của Hiến Chế về Giáo Hội, chính Hiến Chế đã xác định bản chất và sứ mạng của giáo dân trong Giáo Hội, cũng như tương quan với hàng giáo phẩm. Sắc lệnh TĐGD dựa trên nền tảng chương IV, xác định lại những điều đã trình bày trong chương IV rồi sau đó nhấn mạnh đến môi trường và các phương thức hoạt động tông đồ giáo dân, từ đó cho thấy sự cần thiết là phải huấn luyện làm tông đồ với những nguyên tắc và phương thế huấn luyện. Sắc lệnh TĐGD cũng có tương quan với Sắc lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo – Ad Gentes – Sắc lệnh đề cập đến việc tông đồ giáo dân cần được cổ võ (s.21) cũng như việc đào tạo giáo lý viên (s.17). Tóm lại, giáo dân có bổn phận tham gia sứ mệnh truyền giáo theo cách thế và hoàn cảnh của mình.
Quả thật, những văn kiện của Công Đồng Vat.II rất đáng cho ki-tô hữu chúng ta nghiền ngẫm cả đời, càng đọc càng bị cuốn hút và để nhờ đó mà thêm lòng yêu mến Hội Thánh.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II và dân Chúa Việt Nam
Giáo Hội chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng, như cha Quế đã nói trong lời mở: “việc tổ chức kỷ niệm long trọng biến cố này để rút ra những bài học, hầu làm cho tư tưởng của Công Đồng thêm thấm đượm và sâu sắc”. Điều đó có nghĩa là những tư tưởng của CĐ qua dòng thời gian vẫn luôn là nguồn sống dồi dào, phong phú, không phải chỉ 50 năm mà cho đến 100 năm sau, Giáo Hội vẫn còn kín múc nơi Công Đồng sức sống cho mình. Chúng ta biết, trong 20 thế kỷ qua, Giáo Hội đã có 21 Công Đồng Chung (vì Công Đồng miền thì nhiều lắm), kể từ Công Đồng đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem (khoảng năm 48-50) được ghi lại trong sách Công Vụ Tông Đồ (x. Cv 15,22-29), rồi mãi đến năm 325 mới có Công Đồng Nicêa, từ đó, cứ tính trung bình 100 năm lại có một Công Đồng, cũng đôi ba lần khoảng cách lâu hơn 200 năm. Tuy nhiên không kể CĐ Vat.I (1870), chưa hoàn tất, thì Giáo Hội đã trải qua thời gian quá dài mới có Công Đồng Vat.II, nghĩa là từ Công Đồng thứ 19 là Công Đồng Trent (1545-1563) 400 năm. Cho nên Công Đồng Va-ti-ca-nô II là một công đồng mang đến cho Giáo Hội luồng sinh khí mới. Giả như có một Công Đồng Va-ti-ca-nô III đi nữa, thì CĐ Vat II vẫn là một khởi điểm căn bản, và nếu có thay đổi điều gì thì vẫn là tinh thần của Vat II. Đây chỉ là suy nghĩ của tôi, nhưng dù gì thì đây cũng là dịp để thêm thấm đượm và sâu sắc tư tưởng của Công Đồng.
Nhưng trong phần kết luận, Đỗ “sư bá” lại tiếc cho Giáo Hội Việt Nam vì: “ở Việt Nam, Công Đồng chưa được biết đến bao nhiêu, một phần vì những năm chiến tranh đất nước bị chia đôi, một phần vì sách báo, tài liệu về Công Đồng bằng tiếng Việt Nam còn rất ít, và có chăng thì cũng chỉ mới được phổ biến hạn chế qua bản dịch Công Đồng của GHHV Pio X năm 1969-1970”. “Sư bá” quả là nhân từ độ lượng, có cái nhìn ‘hiếu sinh’ của bậc ‘cao tăng đắc đạo’. Nói chiến tranh đã gây trở ngại, việc in ấn cũng khó khăn không hẳn là sai. Nhưng chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, đất nước đâu còn chia đôi. Việc in ấn bảo rằng khó thì khó đấy, nhưng muốn dễ thì chẳng khó gì, đó là cái nghịch lý “đầu tiên”, vượt qua được cái “đầu tiên” ấy thì in bao nhiêu chẳng được. Những sách báo đồi truỵ, nhảm nhí người ta còn in hàng tấn, thì sao lại không thể in những tài liệu chính đáng. Cái khó là có cái gì để in hay không. Giáo Hội VN đâu có thiếu những nhân tài, du học từ Đông sang Tây, mà tài liệu về Công Đồng thì rất nhiều, nhưng hầu hết là bằng ngoại ngữ, những bọn thảo dân như tôi làm sao đọc được. Ấy thế mà vào nhà sách Công Giáo ai cũng thấy hàng trăm đầu sách, đại đa số là sách dịch. Phải chăng dịch những loại “mì ăn liền” vừa nhanh vừa mau lấy lại vốn, còn dịch tài liệu Công Đồng vừa khó, vừa sợ loại sách kén độc giả để lâu chôn vốn, nên ít đấng nào muốn tra tay vào công việc này. Cũng xin nói thêm là tuy bản dịch của GHHV Piô X in hạn chế, nhưng như tôi đã nói ở trên khi đề cập đến các bản dịch Công Đồng, năm 1980, ở hải ngoại đã in lại bản dịch của GHHV có thêm phần Bản Mục Lục, không biết đã chuyển về VN được bao nhiêu bản, chỉ biết khoảng hơn 10 năm sau, bản văn này đã được sao chụp nhiều lần, lại thêm UBGLĐT vài năm trước đây cũng đã in lại với một số lượng chắc không nhỏ. Chỉ đáng tiếc, có trong tay đủ điều kiện, nhưng UB lại lấy nguyên xi bản văn 1980 để in, mà không sửa chữa, hiệu đính, vì trong đó còn vô số sai sót.Tôi có cảm tưởng các Uỷ Ban của Giáo Hội VN có chung một “đức tính” là “nhanh nhẩu”, chỉ muốn cho kịp ra mắt một công trình nào đó, cũng có một vài người biện hộ cho những tác phẩm “sinh non” bằng câu nói dân gian “méo mó có hơn không”. Cho đến hôm nay, tôi dựa trên nhiều lý do để có thể nói được là không một linh mục hay chủng sinh nào mà không có cuốn Công Đồng Va-ti-ca-nô II, không một cộng đoàn dòng tu nào lại không có hàng chục cuốn sách giá trị này trong thư viện hoặc tủ sách cá nhân. Ấy là chưa nói đến những bản văn của nhiều ngôn ngữ khác, mà nhiều đấng thừa khả năng đọc. Như vậy, lời của “sư bá” nói rằng“ở Việt Nam, Công Đồng chưa được biết đến bao nhiêu”, thì chỉ là tầng lớp giáo dân mà thôi. Thế thì các giám mục, các linh mục, các tu sĩ không thể nói được là ít biết đến Công Đồng. Cho nên nếu bảo giám mục này, linh mục kia ít biết đến Công Đồng thì chắc chắn sẽ mang tội “khi quân phạm thượng” hoặc sẽ nhận được câu giáo huấn mang tính Kinh Thánh: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư? (Ga 9,34). Thế nhưng trong thực tế, các giám mục, linh mục, tu sĩ đã thấm nhuần Công Đồng đến mức nào không biết, ta cứ xem quả biết cây:
Ngày xửa ngày xưa khi Đức Tổng Giu-se Ngô Quang Kiệt chỉ vì nói lên tiếng nói công lý và sự thật, đã bị trù dập, đe doạ, bị xuyên tạc, vu khống đủ điều, cuối cùng bị trục xuất; thế mà các giám mục không hề có tiếng nói, như vậy các ngài có thực hiện trọn vẹn lời Công Đồng hay không? Chúng ta thử đọc xem: Các ngài (giám mục) phải lấy tình anh em bao bọc các vị giám mục, vì danh Chúa Ki-tô, đang bị vu khống và gặp khó khăn, bị cầm tù hay bị ngăn cấm không được thi hành chức vụ; và các ngài hãy lấy tình huynh đệ tích cực săn sóc các vị ấy để xoa dịu và làm vơi bớt nỗi khổ đau của họ…(Sắc lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của Giám Mục, 7).
Cũng chuyện ngày xưa, cách nay hơn 40 năm, Uỷ Ban PT do đức cha Giu-se Thiên là chủ tịch, đã nỗ lực dịch bộ sách Bài Đọc trong Thánh Lễ, và các ngài cũng chỉ muốn đáp ứng nhu cầu cấp bách cho dân Chúa, nên đã tuyên bố chỉ dùng tạm, các ngài mong thế hệ đi sau nhanh chóng hoàn chỉnh để phục vụ dân Chúa, đó là tinh thần của Hiến Chế về Phụng vụ Thánh, nhưng cho đến ngày hôm nay, UBPT do đức cha Trần Đình Tứ là chủ tịch, vẫn ỳ ạch chưa làm được gì trọn vẹn: Sách Lễ thì vá víu, nửa cũ nửa mới, sách Bài Đọc vẫn còn mắc dịch không biết đến thuở nào mới xong, và còn biết bao nhiêu việc chưa khởi sự, thỉnh thoảng lại cố sản sinh ra một cuốn gì đó, nghi thức hôn phối chẳng hạn, để dân Chúa biết UB vẫn hiện diện trên thế gian, xin thêm lời cầu nguyện cho chúng tôi được sớm…
Thế là, bộ sách Công Đồng Vat.II và bộ sách Bài Đọc trong Thánh lễ đều là những bản dịch “cổ” có tuổi thọ gần nửa thế kỷ vẫn được các mục tử dùng để nuôi đàn chiên Việt Nam.
Còn các linh mục thì sao? Số đông vẫn sống phản lại những điều mời gọi của Sắc lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Các Linh Mục – Presbyterorum Ordinis, một số sống như những công chức, hưởng thụ, quan liêu, hống hách, và một số lại có đời sống lem luốc. Những đấng bản quyền Hồng y, giám mục thì làm ngơ giả điếc hoặc bất lực, hay là có khi chính các ngài cũng chẳng gương mẫu gì.
Qua những sự kiện như vậy, thì các giám mục, linh mục, tu sĩ có phải vì lý do “Công Đồng chưa được biết đến bao nhiêu”, hay là biết mà không thực hành. Chính xác hơn phải nói rằng chẳng phải các giám mục, linh mục, tu sĩ VN không có tài liệu về Công Đồng hay những văn kiện của Công Đồng, nhưng tư tưởng và tinh thần của Công Đồng chưa đâm rễ sâu vào đời sống Giáo hội VN, thì làm sao mong đợi hoa trái từ Công Đồng được. Đã vậy lại có khi các ngài cứ ngỡ là mình đã biết Công Đồng, đã sống theo giáo huấn của Công Đồng..
Hình như có chút bức xúc nên trước khi shutdown, Đỗ “sư bá” lẩm bẩm như nói với chính mình: “Phải chi bên cạnh những nhà thờ nguy nga đồ sộ, những trung tâm hành hương, những trung tâm mục vụ, những nhà truyền thống hay trung tâm hội nghị và yến tiệc lại có những bộ tài liệu Công Đồng được sửa chữa và in ấn lại rồi phổ biến như từng triệu cuốn Kinh Thánh đủ mọi kích cỡ đã được xuất bản từ mấy năm qua thì tốt đẹp và lợi ích biết bao !
Trong ngôn ngữ đời thường, tiếng ‘phải chi’ để nói về những điều chả bao giờ xảy ra, ai lại để cuốn sách Công Đồng trong những nơi như thế, nhất là nhà yến tiệc lại càng không nên để! Vì người ta đến đây để thưởng thức món ăn sang trọng, rượu ngoại quý hiếm, chứ có ai đến để đọc loại sách khô khan này! Những nơi đó người ta chỉ có thể để một cuốn sách duy nhất, đó là cuốn SỔ VÀNG hay SỔ ÂN NHÂN mà thôi!
Kết luận
Kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng là dịp để toàn thể dân Chúa Việt Nam nhìn lại chính mình, soi mình trong giáo huấn của Công Đồng để điều chỉnh, để sửa mình, đừng tưởng mình đã thành thuộc Công Đồng. Lời Chúa Giê-su: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói: ‘chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!”(Ga 9,41) không phải chỉ nói cho giới lãnh đạo Do thái giáo ngày xưa!
An Lạc, ngày 10-6-2012
prhoanal@yahoo.com.vn
Views: 0