Con tôi làm khổ tôi. Giá như nó què, đui, hủi, điếc hay bệnh tật tâm thần, thể xác tôi không ngại hy sinh nuôi nó, chăm lo cho nó.
Đàng này nó khỏe mạnh nhưng chỉ ăn rồi nằm ì trong phòng hoặc miệt mài với cái computer, gọi điện thoại cho bạn bè, lười biếng, không chịu lo tìm công ăn việc làm, không lo học hành thêm để nghĩ đến tương lai; đã vậy nó còn vướng vào hút sách, nghiện ngập. Nó rất hỗn hào, mất dạy. Nó cãi trả, văng tục, chửi thề với tôi, nhiều lần nó còn như muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Tôi thật thất vọng và buồn khổ quá. Tại sao? Làm cách nào để giúp tôi và con tôi? Tôi không muốn đau khổ thêm vì nó, và tôi cũng không muốn nó hủy hoại tương lai của nó như vậy!
Những tâm sự trên hay những tâm sự tương tự không chỉ xảy ra cho riêng một người mà có lẽ cho nhiều phụ huynh, và đây là một vấn nạn với nhiều nước mắt. Thực tế, vẫn có những phụ huynh dở khóc, dở cười với con cháu. Không những thế đây còn là một trong những nguyên nhân đưa tới nhiều tranh cãi giữa cha mẹ với nhau, và nhiều trường hợp đã dẫn tới ly dị.
Trước những tình huống ấy, các phụ huynh này chắc sẽ tìm được câu trả lời nếu như họ xem và hiểu được nội dung buổi phát hình của chương trình Dr. Phil chiều Thứ Hai, 25 tháng 7 năm 2012, trong đó ông đã cố vấn một trường hợp hệt như những gì mà nhiều phụ huynh đã nêu lên câu hỏi và những băn khoăn về con cái như trên. Chương trình đề cập về hai bà mẹ với hai người con đã từng làm cho các bà đau khổ. Các bà muốn tìm câu trả lời nhưng đã không biết phải làm gì vì bị lấn cấn và dằn vặt giữa thương và ghét, giữa bực tức và giận hờn, giữa muốn con ở với mình và muốn đuổi con ra khỏi nhà. Các bà sợ hãi nếu như con mình ra khỏi nhà, nếu mình thẳng tay với con thì nó sẽ ra như thế nào? Có chuyện gì mình sẽ phải hối hận…
Trường hợp thứ nhất là bà mẹ với người con gái đã hơn 30 tuổi. Làm biếng, bỏ học, hút sách, và có con ngoại hôn. Bà rất thương con và cháu đã để hai mẹ con ở nhà, nuôi nấng cơm nước, tạo cơ hội cho con gái bằng cách để nó giúp bà trong một cửa hàng nhỏ. Bù lại cô con gái trộm két của mẹ, tiếp tục hút sách, sống bất cần, và lơ là với việc dạy dỗ con của cô. Hơn thế, cô luôn có những lời nói và hành động hỗn hào, mất dạy đối với bà. Cô tỏ ra thù ghét bà, dọa đốt nhà bà…
Trường hợp thứ hai cũng tương tự với bà mẹ có người con trai ngoài 20 tuổi. Anh này cũng có một đứa con ngoại hôn. Bà cũng cưu mang hai bố con, lo cho mọi sự nhưng kết quả là người con trai bà nhiều lúc hỗn láo, la mắng, và còn muốn ăn tươi nuốt sống bà, khiến bà thấy quá mệt mỏi và chán nản.
Thật ra không phải là tâm lý giáo dục và tâm lý trị liệu không có câu trả lời cho những trường hợp như vậy, nhưng việc đưa vào ứng dụng lại là một vấn đề hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là chẳng mấy cha mẹ nào thích áp dụng. Điều này càng đúng hơn với tâm tình và quan niệm sống của phần đông người Việt. Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Nước mắt chảy xuôi!”.
“Nước mắt chảy xuôi” đối với những phụ huynh này có nghĩa là làm gì thì làm cha mẹ cũng không nỡ bỏ con, vì con mình dù sao đi nữa cũng vẫn là con mình. Không thể dứt tình mà áp dụng những giải pháp thẳng thắn, cứng rắn của lý thuyết. Tóm lại, chẳng thà cha mẹ chịu thiệt, chịu khổ chứ không muốn con cái bị khổ, bị thiệt thòi. Nhưng suy nghĩ như vậy, hành động như vậy có phải là những suy nghĩ và hành động đúng, thương con và lo lắng cho con không?
Tôi đồng ý với Dr. Phil trong lối giải quyết của ông hôm đó, đó là suy nghĩ và hành động như vậy tức là vô tình các bà đã bao che, bỏ qua, chịu đựng sự hỗn hào, vô trách nhiệm, và thiếu trưởng thành của con mình. Và đây là những suy nghĩ không đúng. Một việc làm theo cảm tính như vậy không những làm thiệt thòi, lu mờ tình cảm và mối tương quan giữa cha mẹ với con cái, tạo cơ hội cho con cái trở thành hư hỏng, vô dụng và rất có thể trở nên nguy hiểm cho xã hội sau này.
Tình thương tốt cần có ánh sáng của lý trí. Dr. Phil đã vấn kế: “Đuổi nó ra khỏi nhà!” Tại sao?
Tại vì nếu cứ để con cái sống trong tình trạng ấy, dù là đã lớn những người con này vẫn không chứng tỏ sự trưởng thành tâm lý cũng như suy nghĩ chín chắn đủ để nhận ra sự vất vả, cực nhọc, và nhất là tình thương của cha mẹ. Nó vẫn mãi mãi là một đứa trẻ ăn bám và vô dụng. Chỉ khi nào chúng tự mình cảm nhận được thế nào là sự hy sinh vất vả để kiếm được đồng tiền nuôi sống mình. Thế nào là giá trị cuộc đời.
Tai hại nhất là những đứa con như vậy sẽ làm mờ nhạt hình ảnh tình thương của cha mẹ dành cho con cái. Biến những dấu ấn tình thương thành những dấu ấn của vô ơn, và bạc nghĩa. Bởi chúng nó không hề chấp nhận thái độ vô ơn, hành động vô ơn, hay những lời nói vô ơn mà chúng nó đã nói với cha mẹ mình. Chúng nó tự cho mình cái quyền đáng được cha mẹ hầu hạ, cung phụng, và lo lắng như vậy. Chúng nó luôn nghĩ mình là những vị khách quí của cha mẹ, mà không bao giờ nghĩ rằng mình là những người con, những phần tử của gia đình để có những cung cách đối xử hợp tình, hợp lý với cha mẹ, với niềm vui và hạnh phúc của gia đình. Như vậy, việc đuổi hay để cho những người con ấy sống một đời sống tự lập là một quyết định đúng, hợp lý và cần thiết.
Ngoài ra, nếu không tự lập và tự sống một cách trưởng thành thì sau khi cha mẹ qua đời, những người con này sẽ trở thành mồi ngon cho những tội ác của xã hội như trộm cướp, đĩ điếm, ma cô hoặc bất cứ một tội ác nào mà chúng có thể làm được khi nghĩ rằng chúng bị đặt vào con đường cùng, hoặc như nếu chúng muốn sống một đời sống buông túng và bừa bãi. Ngược lại, nếu may mắn hơn, chúng sẽ phải kéo lê một kiếp sống vất vả, thiếu thốn vì đã không có những chuẩn bị chắc chắn khi vào đời.
Dĩ nhiên để đuổi một người con ra khỏi nhà trong những hoàn cảnh như vậy không phải là một quyết định dễ dàng cho cả phụ huynh và con cái. Làm sao để người con nhận ra rằng nó cần phải có một đời sống tự lập, một đời sống của riêng nó mà không phải hoán hận cha mẹ. Hoặc làm thế nào để phụ huynh chấp nhận nhìn con mình vất vả, bơ vơ ít là một thời gian đầu khi nó mới ra khỏi sự săn sóc, chiều chuộng của mình?!!! Dĩ nhiên, để có một chuẩn bị như vậy cả phụ huynh lẫn con em phải qua những giờ tham khảo, phân tích và hướng dẫn với một nhà tâm lý học. Sự phân tích, hướng dẫn này để cho cả phụ huynh lẫn người con nhận ra mình phải làm gì và phải chấp nhận những gì để có những kết quả tốt cho tương lai.
Tuy nhiên, đợi cho đến khi con cái đã lớn, đã làm cho mình bao đau khổ và nước mắt rồi mới tìm phương pháp giúp đỡ là một hành động chẳng đặng đừng và bất đắc dĩ. Điều cần phải làm đối với phụ huynh là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đó là quan tâm đến việc giáo dục con cái ngay khi chúng con thơ trẻ. Cha ông mình ngày xưa đã nói: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Chính cái ngây thơ trong trắng của đứa trẻ là thửa đất màu mỡ để phụ huynh gieo hay trồng vào đó những thứ hoa trái, cây ngon hầu sinh hoa thơm trái ngọt.
Nhưng dậy dỗ và huấn luyện con không phải là la mắng, là đánh đập, là cho ăn ngon mặc đẹp, là bắt con phải học để sau này làm ông kia bà nọ. Tuy phần đông phụ huynh, đặc biệt cha mẹ Việt Nam vẫn coi đó là giáo dục, là lo lắng cho tương lai con cái, và là thương yêu con cái, nhưng thực tế đó không phải là giáo dục. Điều quan trọng nhất của giáo dục là phụ huynh phải quan tâm, lo lắng và hướng dẫn sao để sau này khi em bé lớn lên, vào đời em sống một cuộc đời tốt, có tư cách tốt, có tâm hồn tốt, và dĩ nhiên em sống hạnh phúc với chọn lựa, với những gì mình có bằng một tâm hồn tốt, đạo đức và có trách nhiệm. Đó là giáo dục. Đó là chuẩn bị cho con cái lớn lên sau này. Đó là lo cho tương lai của con cái.
Thật vậy, nếu lấy tiêu chuẩn là la mắng, đánh đòn, là cho ăn ngon, là mặc đẹp, là bắt con phải học hành để sau này làm ông này bà nọ thì rất nhiều phụ huynh đã không chu toàn bổn phận và trách nhiệm giáo dục, vì đâu phải giáo dục là la mắng, chửi rủa, và đánh đòn. La mắng, chửi rủa, đánh đập chỉ làm cho con cái thêm nhút nhát, hoặc ngược lại liều lĩnh, và chống đối. Nhiều phụ huynh đầu tắt mặt tối vẫn không đủ cơm áo cho con lấy đâu ra cho con ăn ngon, mặc đẹp. Nhiều phụ huynh làm gì với những đứa con mà khả năng không cho phép chúng học cao hơn là phải dừng lại ở một ngành nghề chuyên môn nào đó, với số lương khiêm tốn. Ngoài ra, làm ông kia bà nọ thì sao? Không phải hễ cha mẹ muốn hoặc con cái muốn là có thể làm được ông này bà nọ. Nguyễn Du tiên sinh đã rất có lý khi viết: “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao.” Đó là số mệnh, không phải do ai muốn là được. Hãnh diện gì với những dáng vẻ bên ngoài, với địa vị bên ngoài, với giầu có bên ngoài mà thực chất bên trong chỉ là những tâm hồn bẩn thỉu, thối nát!!! Tóm lại, phụ huynh phải giáo dục sao để cho con mình sau này khi lớn lên vào đời, chúng sống vui, sống hạnh phúc với tất cả sự trưởng thành tâm linh, tâm lý và khả năng của chúng. Sống như chúng đáng sống. Sống để không hổ thẹn với đời. Nhất là sống để làm ích cho đời với những gì trong tầm tay và khả năng của chúng. Đó là giáo dục.
Ngoài yếu tố thời gian, giáo dục còn có một yếu tố khác nữa là yếu tố “phụ huynh”. Câu nói làm cho nhiều phụ huynh vừa phải suy nghĩ, vừa có thể là không đồng ý, đó là: “Để giáo dục một đứa trẻ, ta phải giáo dục 20 năm trước khi nó chào đời!” Lý do? Thật dễ hiểu nếu cha mẹ, phụ huynh không có sẵn những đức tính, tư cách, và nếp sống mô phạm thì làm sao nói tới việc giáo dục. Trong khi chính mình cũng chưa biết phải giáo dục mình như thế nào thì làm sao giáo dục con cái. Cái mà mình không có nay đòi hỏi nơi con cái là một việc làm không hợp lý. Nhưng để khỏa lấp sự thiếu sót này, đa số phụ huynh thường đổ lỗi cho Thượng Đế: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”.
Thật là sai lầm và bất công cho Thượng Đế. Ngài đã trao cho cha mẹ quyền cộng tác với Ngài trong việc sinh thành, tạo dựng và hướng dẫn con cái thì vì lý do gì Ngài lấy lại quyền ấy. Ngài càng không bao giờ muốn chi phối tới quyết định và tự do của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái của họ. Do đó, nói là “Trời sinh tính”, để qui hướng những lỗi lầm, những khó khăn trong việc giáo dục cho Thượng Đế là một điều hết sức bất công và vô trách nhiệm. Ai cũng biết một đứa trẻ sinh ra vào đời mang dòng máu di truyền của cả cha lẫn mẹ. Tư cách, hành vi của nó chịu ảnh hưởng từ miếng ăn, thức uống, cách thức nuôi dưỡng và uốn nắn của cha mẹ, môi trường sinh sống, hoàn cảnh chung quanh xã hội mà cha mẹ nó đặt nó vào. Vì thế mới có câu nói phản lại: “Cha mẹ hiền lành để đức cho con.” Và đó là ý niệm căn bản của giáo dục.
Tóm lại, giáo dục con cái là một bổn phận và trách nhiệm hàng đầu của phụ huynh. Không ai có thể làm việc này thay thế cho họ kể cả Thượng Đế. Tuy nhiên, để việc giáo dục đạt kết quả tốt thì việc giáo dục phải được bắt đầu ngay khi trẻ em còn thơ trẻ, và phải được phụ huynh thực hiện với một tâm hồn yêu thương con cái, một ý thức trách nhiệm và bằng hướng nhìn tích cực về tương lai con cái chứ không phải là theo cảm tính hoặc ý kiến chủ quan của phụ huynh. Nếu như vì thiếu sót, vì cẩu tha trong giáo dục, phụ huynh cần phải chấp nhận những hậu quả ấy và lo tìm cách bù đắp, sửa chữa lại. Nói một cách khác, “con tôi không làm khổ tôi, nhưng chính tôi đã làm cho tôi khổ!”
Views: 0