Lao động, lao công vất vả tìm kiếm của ăn, áo mặc, và những chi dùng cho cuộc sống là những gì đi liền với định mệnh của kiếp người. Chúa Giêsu đã hiểu, đã cảm được điều này, và Ngài đã dậy các môn đệ cũng như những ai tin vào Ngài sau này, là mỗi ngày phải xin với Chúa Cha trên trời ban cho lương thực đủ dùng. “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày” (Mt 6:11) Tình trạng sống túng thiếu, nghèo đói của rất nhiều người ở Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh, Á Châu, Trung Đông, và ngay tại Việt Nam đủ thấy nhu cầu lương thực quả là một trong những nhu cầu cấp thiết của cuộc sống. Và việc tìm được miếng cơm, tấm bánh nuôi sống mỗi ngày là một việc làm vất vả, khó nhọc, và rất nặng nề.
Nhưng lao công đúng nghĩa phải đưa con người về với mầu nhiệm sự sống, mầu nhiệm cơm bánh phát xuất từ Thánh Kinh. Vì từ Thánh Kinh, ta mới hiểu rõ tại sao con người phải lao động, phải vất vả kiếm sống, và tại sao lao động mang một ý nghĩa rất đặc biệt trong kiếp sống của con người. Thánh Kinh ghi lại, sau khi con người phạm tội đã bị đuổi khỏi vườn Diệu Quang, tức cuộc sống mà ở đó con người không phải lo cơm bánh hằng ngày, với bản án:
“Mồ hôi đẫm mặt, ngươi mới có bánh ăn cho đến lúc ngươi về lại bụi đất vì tự đất ngươi đã được rút ra. Bởi ngươi là bụi đất ngươi sẽ trở về đất bụi” (Sáng Thế 3:19).
Bản án này là một định mệnh đi liền với cuộc sống mọi người sinh ra trên trần gian. Có những người lao động bằng tay chân, và có những người lao động bằng trái óc. Nhưng dù là lao tâm hay lao lực, tất cả mọi người đều phải lãnh bản án này.
Chính Chúa Kitô khi vào đời cũng phải mang lấy bản án ấy. Ngài đã chọn sinh ra trong một gia đình có gốc gác nghèo. Nghèo đến độ, mẹ Ngài phải sinh Ngài trong một chuồng bò. Nghèo đến độ sau này khi ra rao giảng Tin Mừng, Ngài không có lấy một phiến đá gối đầu: “Chim có tổ, cáo có hang, Con Người không có chỗ dựa đầu” (Mt 8:20). Điều này chứng tỏ Ngài không có gì đáng kể và không sở hữu bất cứ điều gì riêng cho mình. Ngài sống bằng chính lao công và sự tin tưởng vào quan phòng của Cha trên trời. Cái nghèo tự nguyện, cái nghèo “vô gia cư” ấy đã hé mở mầu nhiệm cơm bánh, một mầu nhiệm về những phúc lộc của nước Trời dành cho những vất vả của kiếp người.
Khi Chúa Giêsu chúc phúc cho những người nghèo: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo, vì nước Trời là của họ” (Mt 5:3), thì nước Trời chính là của họ. Của những ai có tâm hồn nghèo. Của những ai chấp nhận thân phận con người với lòng phó thác, tin tưởng và cậy trông. Những ai tự nhận mình là không, tự nhận ra cái nguồn gốc tro bụi của mình để đặt trót niềm tin vào Thiên Chúa. Những ai không để lòng dính bén, bị chôn bám vào những của cải trần thế. Đó là những tâm hồn chiếm hữu được nước Trời. Ý nghĩa bụi đất là ở chỗ con người bất lực trước cuộc sống, trước mọi nhu cầu dù là rất tự nhiên và cần thiết như cơm áo. Ý thức này, chấp nhận này rất cần để hướng tầm nhìn con người về với Thiên Chúa, và đặt con người dưới sự quan phòng yêu thương của Ngài. Thử hỏi nếu con người không tự mình làm được một việc gì dù là nhỏ mọn nhất thì làm sao lại có thể tồn tại và vươn lên nếu như không có bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Thánh Tomas d’Aquinas đã diễn tả ý nghĩa này bằng tư tưởng rất thần học lột tả vừa nguồn gốc cát bụi, vừa thực tế của con người. Theo đó, nếu Thiên Chúa đã dựng nên ai đó nhưng có một giây phút nào Ngài quên không nghĩ đến họ, lập tức giây phút đó người ấy trở về hư vô ngay. Và đây cũng là ý nghĩa tại sao Chúa Giêsu lại dậy con người phải cầu nguyện xin cho đủ cơm bánh hằng ngày.
Trở lại với phận người của Ngài, với xuất sứ là con một người thợ mộc, hẳn Ngài đã nhìn thấy, đã cảm thấy, và cũng đã chia sẻ những giọt mồ hôi do lao công đổ ra của nghĩa phụ Ngài là Thánh Giuse. Và hẳn là Ngài rất hãnh diện vì nghĩa phụ Ngài đã khám phá, đã sống và đã thánh hóa cái lao công với sức nặng nề của nó. Có thể nói, Chúa Giêsu không hãnh diện gì hơn là được làm con một ông thợ mộc. Một ông thợ mộc công chính. Ông thợ mộc với đôi tay cần lao của mình, bằng sức lực và những giọt mồ hôi của mình đã chấp nhận cái án của Nguyên Tổ một cách thanh thản, tin tưởng, và phó thác.
Bằng sức sống và sáng tạo ấy, Thánh Giuse đã hòa tan những giọt mồ hôi của mình trong cái sáng tạo không ngừng của Thiên Chúa, điều mà chính Chúa Giêsu sau này cũng đã nói: “Cha Ta làm việc không ngừng” (Gioan 5:17). Và điều này lại mở ra một mầu nhiệm mới về “lao công sáng tạo” trong đó có chương trình sáng tạo và cứu độ của Chúa Giêsu. Thiên Chúa không ngừng sáng tạo và ban ơn cứu rỗi cho con người. Ngài mời gọi con người cộng tác vào công trình của Ngài bằng những lao công, vất vả và bằng những giọt mồ hôi, nước mắt.
Từ ý tưởng này, lao công, vất vả không còn mang ý nghĩa tiêu cực, một hình thức án phạt mà là một mầu nhiệm. Nó cung cấp cơm bánh, và cung cấp cho con người điều kiện dẫn họ đến với sự hiệp thông trong công trình cứu độ của mình và của thế giới. Người Kitô hữu mỗi lần tham dự Thánh Lễ đều được kêu gọi góp những giọt mồ hôi và sức lao động của mình để dâng lên Thiên Chúa qua cùng một tấm bánh, một ly rượu mà vị chủ tế dâng lên:
“Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Chúa tể càn khôn, vì Chúa rộng ban cho chúng con bánh này là hoa mầu ruộng đất và lao công con người, chúng con dâng lên Chúa, để trở nên bánh nuôi sống chúng con”. Và:
“Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Chúa tể càn khôn, vì Chúa rộng ban cho chúng con rượu này là rượu bởi cây nho và lao công con người, chúng con dâng lên Chúa, để trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con”.
Tấm bánh ấy, của uống ấy là Mình và Máu Chúa Kitô, đã được đổ ra vì phần rỗi nhân loại.
Nếu hiểu rõ ý nghĩa này, thì việc làm cực nhọc của con người không chỉ là cái giá phải trả cho cuộc sống, nhưng còn là cái giá cho phần rỗi của chính mỗi người và cho anh chị em mình. Nhờ mầu nhiệm Thánh Thể mà mầu nhiệm cơm áo được thánh hóa, và trở thành nguồn ơn cứu độ. Giuse đã hiểu, và Giêsu, Maria cũng đã hiểu. Chính vì vậy, không thấy Thánh Kinh ghi lại một lời than thở, một tiếng than van nào của Giêsu, của Maria, và của Giuse trước những vất vả, và trước cái nghèo của mình.
Đặc biệt, đối với Giuse còn là cái nghèo “công chính”. Cái nghèo làm nên tư chất và đời sống công chính của ngài. Cái nghèo tự trong lòng, cái nghèo của tâm hồn nghèo. Tức nghèo mà không tham lam. Nghèo mà không ham muốn bất công và chiếm đoạt bất chính. Với đời sống và nhu cầu của con người thời ấy, và với tay nghề của Giuse, cộng thêm với sức lao động và một chút tham giầu, hẳn là gia đình của người đã sung túc, đã không đến nỗi nghèo. Nhưng như vậy là nghèo mà không công chính. Nghèo mà tâm hồn chưa nghèo. Nghèo không đưa đến sự hiểu thấu và chiếm hữu được nước Trời.
Khi suy ngắm về đời sống lao công của Thánh Giuse, nhất là khi nối kết cuộc sống âm thầm, vất vả này với những lời Chúa Giêsu đã phán sau này, ta mới thấy nổi lên ý nghĩa của lao động, và giá trị của lao động. Nó cũng dẫn ta đến một ứng dụng thực tế trong đời sống là con người cần lao công, cần phải vất vả để khám phá ra cội nguồn của mình, và để nhìn nhận vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Nhất là để hiệp thông với cái nghèo của Con Thiên Chúa, và với sức lao công của Ngài khi vắt cạn những giọt máu cuối cùng trên Thánh Giá vì tội lỗi nhân loại.
Thánh Giuse, người thợ mộc nghèo. Xin cầu cho chúng con.
Lễ Thánh Giuse Lao Động
1 tháng 5 năm 2014
Views: 0