Uncategorized

Có cần một gia trưởng trong gia đình không ?

Gia đình ngày nay hay những cặp chuẩn bị bước vào hôn nhân gia đình, họ đã quá dị ứng với danh từ “Gia trưởng”.

Gia đình ngày nay hay những cặp chuẩn bị bước vào hôn nhân gia đình, họ đã quá dị ứng với danh từ “Gia trưởng”. Nó được gán ghép cho với muôn vàn định nghĩa xấu xa đi theo với đích danh gia trưởng: nào là một tù nhân bị giam lỏng, hay là thảm họa cho mối quan hệ lâu dài;  nào là ích kỷ, kiêu ngạo, ghen tuông, vô lý, độc đoán, hay là cứng nhắc, trách móc, nói xấu, gán tội, và là cái rốn của vũ trụ…v..v.. làm mất đi đức tính cao cả của người làm chồng, làm cha trong gia đình với bao hy sinh chăm sóc, bảo vệ, và gìn giữ gia đình của mình qua những bão tố, phong ba cùng năm tháng…

Gia trưởng là một đặc tính điển hình của phái nam, và nó chỉ có nghĩa là “người chủ gia đình”; còn đàn bà thì vừa chống lại cái thói gia trưởng này nhưng vừa muốn lợi dụng tính gia trưởng của đàn ông như tự kiêu hãnh vì có người bảo vệ lấy mình và nghiêm dạy các con…Vì thế, các bà mẹ thường đem bố ra khoe cùng bà con hay đem ra dọa nạt các con. Ấy là đàn bà biết lợi dụng tính gia trưởng của đàn ông.

Một thành viên Webtretho đã hỏi một câu hỏi hóc búa như sau:

“Các mẹ, các bố cho em hỏi thế nào được đánh giá là người đàn ông gia trưởng? Có phải bố nào sau khi kết hôn cũng trở thành người đàn ông gia trưởng không? Chồng em : độc đoán, lúc nào cũng làm theo ý mình, không thích vợ không nghe lời, không bao giờ nhận mình sai, lười chẳng bao giờ làm việc nhà. Già rồi nhưng lúc nào cũng ham mê bù khú với bạn bè. Nếu mình có lỗi thì sẽ cố gắng không nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác. Haizz!!! Như thế có gọi là gia trưởng, ích kỷ nhỏ nhen không nhể ???”

Sau đó, hằng loạt message từ các chị em trả lời cho thành viên trên như là lời động viên, như là những đình nghĩa về cái thói “gia trưởng” mà mỗi gia đình, với mỗi hoàn cảnh và hướng giải quyết:

“Chồng bạn không phải thuộc típ người gia trưởng rồi. Già rồi mà ham mê bù khú, không chịu làm việc nhà là thiếu trách nhiệm. Bị phê bình mà không chịu nhận lỗi gọi là bảo thủ. Cố gắng đổ lỗi cho người khác gọi là áp đặt Tất cả những điều trên đều do ích kỷ mà ra. Theo mình thấy, những người gia trưởng tuy có nhược điểm là luôn muốn theo ý mình. Nhưng ưu điểm của họ là rất có trách nhiệm và biết chăm lo cho gia đình, tất cả mọi việc họ làm đều vì vợ con (mặc dù luôn muốn vợ con vâng lời).

Chồng mình chỉ hơi hơi gia trưởng thôi, nhưng mình góp ý nên đã đỡ nhiều rồi. Tuy nhiều lúc tiếng nói của mình trở nên hơi thiếu trọng lượng trước đám đông (khi có chồng mình), nhưng ở với anh vẫn rất sướng, vì anh luôn luôn biết chăm lo cho vợ con. Mình mong bạn có thể từ tốn , chân thành góp ý với chồng để có cuộc sống tốt hơn nhé! ” (Chuotyeu2212)

“Chồng mình thì cũng lo lắng cho vợ con, chăm chỉ làm việc nhưng lại là người cộc cằn, thô lỗ, dễ nổi nóng, quát nạt vợ, thậm chí chửi vợ ngu, nhiều lần xúc phạm vợ, mặc dù sau đó có xin lỗi nhưng mình chán cái sự xúc phạm này quá, không thể tha thứ, cũng không thể quên được. Vui thì thôi, buồn thì tất cả lại hiện về, chán càng thêm chán, chỉ muốn bỏ chồng.” (mecuctrau)

“Sao giống mình thế không biết, buồn quá, có chuyện gì không vừa ý thì mày, tao, xúc, chửi vợ những lời xúc phạm, mình cũng không thể quên được, vui thì không sao, khi buồn thì tất cả lại ùa về. Mình sợ nếu cứ như vậy thì hôn nhân của mình cũng đang mong manh bên từ Ly hôn mất thôi.”  (Hoangminhminh)

“Hic đàn ông gia trưởng thì thường đi kèm với ích kỷ em nghĩ vậy vì nếu không ích kỷ thì đã không có tỉnh gia trưởng. Chồng em còn thích có con trai cơ, cái này gọi là cổ hủ, rất tiếc vợ chồng em chỉ có 2 cô con gái. Chồng em cũng có trách nhiệm với gia đình, lương đưa đủ cho vợ, không bài bạc, lô đề. Chỉ mội tội hay áp đặt cho người khác. Có mẹ nào có cao kiến để trị những người chồng gia trưởng, ích kỷ kiểu như vậy không nhỉ?” (com_11)

“Theo mình, người đàn ông gia trưởng là người tự cho mình là người có quyền quyết định tât cả những gì thuộc về công việc gia đình. Họ hay nổi nóng, quát nạt vợ con khi hành xử những việc anh ta chưa đồng ý hoặc thông qua. Nói tóm lại anh ta phải là "nhất". Thể nhưng biết "lựa tính" các lão ấy thì cũng chẳng đáng sợ.” (larungvecoi)

“Chà chà, vào top này thấy nhiều người đồng cảnh ngộ với mình ghê, hôm qua ông chồng lại trợn mắt quát vợ, chán không thể tả, không muốn sống với người chồng như thế tí nào cả. Giải pháp thế nào đây các mẹ ơi ???” (Urmyangel)

“Thế li dị thôi các mẹ ơi!” (dinhducvo)

“Tớ nghĩ là áp đặt tùy cái mình nhịn cho êm cửa êm nhà, còn một số cái không thể nhịn được. Những gì thuộc vào căn bản quyền con người của mình thì mình phải bảo vệ đến cùng.

Chồng tớ trước kia nói thẳng : chồng là vua, vợ chỉ biết tuân lệnh, cấm cãi. Cãi là ăn đòn. Mười ba năm chung sống, chịu không thể cải tạo được, chỉ giảm bớt phần nào. Giờ ông ấy đỡ hơn thì tình cảm trong mình đến lúc cạn kiệt. Tự nhiên nghĩ : ơ thế hóa ra suốt thời gian mười mấy năm qua mình cố gắng làm điều vô nghĩa. Bây giờ ông ấy có hối cải đến đâu cũng không thể khiến mình " yêu " được nữa.

Kết cục vẫn là ly thân.

Đời đúng là tấn trò hề không hồi kết.” (Dem-Ha-noi)

Đọc qua một loạt các góp ý và “bình loạn” của các chị em bên trên, eo ơi tôi chỉ lắc đầu le lưỡi và than thầm cho các ông chồng mà thôi. Bản thân “gia trưởng” chỉ có nghĩa là “người chủ gia đình” nhưng cái đáng nói là vì sao một gia đình lại cần có chủ hay là một “gia trưởng”?

Xin thưa: Gia đình là tế bào của xã hội, là thịnh trị của quốc gia. Gia đình hài hòa yên ấm thì xã hội mới thái bình thịnh trị. Ngược lại, gia đình lục đục thì xã hội cũng rối loạn. Nho gia thường nói “Tề gia” và “trị quốc” và có mối quan hệ khăng khít. Khổng Tử khi xưa luận rằng:

“Phải làm sao cho mọi người làm tròn chức vụ của mình. Vua ở cho hết phận vua, tôi ở cho hết phận tôi, cha ở cho hết phận cha, con ở cho hết phận con.”

Các bậc gia trưởng muốn giáo dưỡng được con trẻ, duy trì được gia quy, thì trước tiên phải có đạo đức, vì “tự bản thân mình không tu dưỡng tốt thì không lấy gì chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc được”. Đừng hiểu sai gia trưởng  là hình thức độc đoán, chà đạp và coi thường phụ nữ…

Ngày nay, người ta dường như rất coi trọng bình đẳng giữa nam và nữ như “em rửa bát thì anh phải quét nhà.” Nhưng có ai để ý rằng khi xưa cha ông chúng ta cũng đã từng dạy rằng “xay lúa thì khỏi bồng em” vậy thì danh từ “gia trưởng” phải được trân quí và đặt cho người chủ trong gia đình khi họ biết chu toàn trách nhiệm với bao lo toan cho gia đạo luôn êm ấm, cùng tấm lòng chung thủy và tín nghĩa!

Đã đến lúc chúng ta cần lên tiếng cho bao sự hiểu lầm hay bóp méo ý nghĩa của danh từ “gia trưởng”, một danh từ với bao bàn cãi có thể dẫn tới vô tình hoặc cố ý phủ định nét đẹp của một văn hóa gia đình truyền thống hay các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Nếu các gia trưởng thường chuyên quyền, ích kỷ, áp đặt, độc đoán…thì gia đình có cần phải có gia trưởng hay không ? có cần phải có người làm thủ trưởng trong gia đình không dù là vợ hay chồng? Hay chức vụ này có thể “bầu, bán” cho vợ hoặc chồng theo nhiệm kỳ hay uy tín không?

Dù ở nam hay nữ, tính gia trưởng bao gồm cả tính tích cực lẫn tiêu cực trong quá trình giao tiếp, thiết lập quan hệ hiệu quả với người xung quanh? Trong gia đình có có một cây cột lớn chống đỡ, nên cần chút gia trưởng để "làm chủ tình hình" hay… giành thế áp đảo khi bàn cãi không lối thoát? Khi cha hoặc mẹ có tính gia trưởng thì con cái sẽ gìn giữ được gia phong hoặc những nét truyền thống tốt đẹp đã có của gia đình? Nếu không gia trưởng thì gia đình có nhiều nguy cơ đánh mất sự gắn bó, tôn ti, trật tự và giềng mối họ hàng?

(Còn tiếp)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.