Giữa hai bông hoa xinh tươi Thanh Chương của em trọn cuộc đời vì học trò nghèo; và Thuý Hoa của em, suốt đời mua gánh bán bưng để nuôi em ăn học, em xin làm một đoá hoa dại sống ẩn núp giữa vùng quê xa nghèo này…
1
Chuyện bắt đầu từ trong một ngôi trường làng thuộc vùng sâu vùng xa, vừa thiếu ánh sáng văn minh, vừa thiếu cơ sở vật chất …Âý vậy mà có một ông thầy giáo Chương thuở ấy nhà tuy nghèo nhưng rất tận tuỵ với đám học trò và ông luôn dạy dỗ chúng bằng hết trái tim của mình.
Trong lớp học của khoảng những năm …, thầy giáo Chương hết sức hết hơi với con bé Nguyên Lành. Con bé còn nhỏ xíu tuổi mà nó cứng đầu chịu không thấu ! Vô lớp, nó chuyên môn viết tay trái. Ông thầy giáo Chương hăm he đánh đòn cho nó bị sưng vảnh mông lên, rồi còn cho nó ra quỳ gối bên cột cờ ngoài sân trường nữa. Thế mà nó đâu có ‘tè’ !!!
Chẳng lẽ ông thầy giáo Chương thua con bé Nguyên Lành ư ? Ông suy nghĩ mãi và tìm ra được một cách : Mỗi lần đến trường, ông mang theo một sợi dây nylon. Đến giờ học trò viết bài, ông dùng sợi dây nylon buộc bàn tay trái của con bé Nguyên Lành vào cạnh bàn. Nơi có một khúc gỗ ngắn, ông đã đóng đinh dính vô mặt bàn. Thoạt đầu con bé vừa ngồi viết bài một cách khó khăn với bàn tay phải, vừa sụt sùi khóc thấy mà thương ! Nhưng càng về sau, con bé quen dần quen dần…
Vì nạn thiếu thầy, thiếu phòng lớp, con bé Nguyên Lành theo học với ông thầy giáo Chương hết lớp vỡ lòng, rồi lớp 2, rồi lớp ba, … Ở lớp nào nó cũng học giỏi nhất lớp. Qua các năm vào trường trung học, con bé buộc phải xa thầy giáo Chương, xa bạn xa quê hương để lên thành phố học. Những năm ngồi ghế trường đại học, Nguyên Lành đã trở thành một cô gái duyên dáng và nhanh nhẹn, có nhiều hứa hẹn trong tương lai. Và, không năm nào Nguyên Lành không xin mẹ thu xếp cho cô trở về ngôi trường cũ để thăm thầy giáo Chương vaò ngày 20 tháng 11.
Thầy trò gặp nhau, họ mừng rỡ lắm ! Nguyên Lành ngồi kể hết chuyện nọ đến chuyện kia cho thầy mình nghe. Thầy giáo Chương bỗng trở thành nhà tâm lý để khuyên nhủ cô học trò cũ của mình biết tránh né trước biết bao nhiêu cạm bẫy của cuộc đời. Vốn mồ côi cha từ tấm bé, lần nào được ngồi bên cạnh thầy giáo Chương Nguyên Lành cũng đều nghe ấm áp tình thầy trò có pha tình phụ tử thật là nồng thắm thật là đáng trân trọng, và cô nàng tự hứa với lòng là sẽ lưu giữ mãi mối tình cao quí này.
2
Có một ngày 20 tháng 11, trong ngôi nhà đơn sơ của thầy giáo Chương lại vắng tiếng nói cười của Nguyên Lành. Cô nàng bận chạy ngược chạy xuôi để kiếm vay mượn tiền cứu chữa căn bệnh ung thư gan cho bà mẹ của cô. Ngày trở về quê thăm thầy cũ thân thương như hằng năm, nhất định cô sẽ thực hiện vào một ngày sớm nhất. Vì ngoài việc xin lỗi thầy, em không về thăm thầy được…Nguyên Lành cần thông báo căn bệnh nguy hiểm của bà mẹ, và cần nói chuyện oan ương của cô trong công ty cho thầy giáo Chương nghe :
-Thầy ạ ! Vừa ra trường em may mắn được vào làm trong một công ty…Em chỉ là nhân viên quèn thôi thầy ạ ! Nhưng tất cả những sai phạm làm ảnh hưởng đến uy tín và thất thoát tiền bạc của công ty bà Xếp của em đều cố ý trút lên đầu em ! May sao có Cấp trên của công ty nữa nắm rõ hết các vấn đề. Em tạm được thoát nạn. Trong buổi kiềm điểm, và ngồi đối diện với bà Xếp của em, nhìn ánh mắt bén như dao nhọn của bà ta, bộ não của em như muốn vỡ tung ra thầy ơi … Sau đó, công ty cho em nghỉ một tuần để chờ kết quả điều tra chính xác.
Càng buồn rầu vì trường đời không giống trường học, nơi mà thầy cố công dạy dỗ chúng em ngày trước, và càng lo lắng căn bệnh nan y của mẹ em, em càng nhớ đến thầy.
Thầy ơi, ở thôn quê mình không có ánh đèn màu. Không có nhà lầu và vila . Không có khách sạn cao tầng. Không có rạp hát …Nhưng có tình thầy trò và có sự toả sáng của nhiều tấm lòng bà con hàng xóm mình dành cho nhau.
Thầy ơi thôn quê mình không có nhiều con đường tráng nhựa. Xe chạy như chiếc xe này sẵn sàng ủi tông vào chiếc xe kia. Sự chết chóc diễn ra hằng ngày. Nhưng thôn quê mình có những chiếc cầu dừa, cầu tre đong đưa lắc lẻo, đôi bàn chân người nọ nối đôi bàn chân người kia, với nụ cười đơn sơ mộc mạc biết yêu thương và đoàn kết với nhau. …
Con cháu ở xóm trên cũng được ông bà cha mẹ ở xóm dưới xem như con cháu của mình. Cụm từ ‘Tình quê hương’; cụm từ ‘Nghĩa xóm làng’như đã bị mất hút trong ‘cơn lốc xoáy’ của một thành phố lớn, mà ai cũng phải chạy theo đà văn minh tiến bộ của thế giới, nhằm khoe nhau vật chất sang giàu, Thầy ơi…
Bây giờ là lúc em cần nghe lời khuyên của Thầy nhất đây. Hình như em đã sai quấy khi em không biết ‘nịnh hót’ bà Xếp của em, và vì em không ‘cùng luồng’ với bà ? Nên bà tìm cách ‘đẩy’ em ra khỏi công ty, là đúng, hả Thầy ??? …
3
Đang bị đau đầu nhức óc lói tim vì chuyện của công ty và chuyện bệnh hoạn của mẹ già, bỗng vào một đêm, áp cái ngày mà Nguyên Lành phải bị lôi ra trước cuộc họp kiểm điểm một lần sau cuối, có một chàng trai khôi ngô tuấn tú dáng hình cao ráo bảnh bao đến gõ cửa phòng trọ của hai mẹ con cô. Chàng trai tự xưng là đứa con trai duy nhất của bà Xếp của Nguyên Lành. Chàng vừa đáp may bay về từ nước Mỹ xa xôi, cách đây ba hôm. Được mẹ chàng cho biết hết cớ sự, chàng ta nhất quyết đi tìm Nguyên Lành để trao đổi hai chiều :
Thứ nhất, trước mặt các cấp lãnh đạo trong công ty, Nguyên Lành phải đứng ra nhận hết lỗi lầm của mẹ chàng làm về phần mình, và sau đó Nguyên Lành phải nhận một thông báo bị đuổi việc.
Thứ hai, nhằm đền bù lại sự tổn thương về tinh thần lẫn vật chất của Nguyên Lành, chàng ta biếu không cho cô nàng 50 triệu để trị bệnh ung thư cho mẹ.
Cuối cùng chàng ta kết luận :
-Làm con, phải biết cứu lấy mẹ của mình. Chắc cô cũng biết là bệnh tình của mẹ cô không thể chần chờ gì được nữa chứ ?
Nguyên Lành nghiêm mặt trả đũa :
-Mẹ tôi nếu phải chết thì bà cũng chết trong sự thanh sạch. Hơn nữa, đời người có sinh thì cũng có tử là chuyện bình thường. Tôi chỉ sợ mẹ anh sống trong vinh quang mà chẳng dám ngẩng cao mặt để nhìn một ai !
Nguyên Lành mỉm cười, nụ cười rất chua chát :
– Đề nghị của anh xem ra cũng khá lý thú đấy! Nhưng anh quên rằng vinh dự của một con người dù nghèo dù giàu cũng đều là vô giá à ? Anh mua vinh dự và sự sống còn của mẹ con tôi với giá rẻ mạt ! Anh về đi !!!
4
Cuộc thương lượng cuối cùng giữa Nguyên Lành và chàng trai lên tới giá hai trăm năm mươi triệu đồng. Trước mặt các nhân viên Cấp cao của công ty, Nguyên Lành tuyên bố bằng lòng trả lại 50 triệu đồng bị thất thoát, và nhận một thông báo bị đuổi việc không khiếu nại, trước nhiều ánh mắt khinh chê …
Còn lại 200 triệu đồng. Nguyên Lành lập ra kế hoạch như sau : Trước mắt, cô sẽ bỏ ra 30 triệu để lo chữa bệnh cho mẹ. Số tiền còn lại , cô và mẹ cô sẽ mang về quê để làm vốn sinh sống qua ngày, và cô sẽ đứng ra tu sửa lại ngôi trường làng bị dột nát và sắp xiêu vẹo tới nơi. Nếu ông Thầy giáo Chương gặp khó khăn cô cũng sẽ giúp vị thầy kính thương của cô nữa. Rồi còn biết bao nhiêu ông bà cô bác dưới quê cô … Họ sẽ ứa nước mắt khi lần đầu tiên được cầm trên tay số tiền bằng một đại gia trên thành phố bỏ ra để đi ăn điểm tâm buổi sáng.
Đang lúc Nguyên Lành cầm tay mẹ mình, định băng qua con đường lớn có nhiều loại xe qua lại, để vào một bệnh viện theo đúng định kỳ tái khám …bỗng có mộc chiếc xe bốn bánh đời mới bóng loáng ngừng lại bên đường, ngay trước mặt cô. Người tài xế trẻ tuổi mở cửa xe, đi tới chỗ hai mẹ con Nguyên Lành đứng,cúi đầu chào, cười tươi,và nói năng rất lịch sự. Nguyên Lành nghiêm mặt, lạnh lùng :
-Tôi tưởng giữa anh và tôi không có gì để nói với nhau nữa. Anh hiếu thảo bỏ tiền ra mua lại ‘vinh dự’ của mẹ anh. Tôi hiếu thảo nhận đồng tiền người ta mua vinh dự của tôi để chữa bệnh cho mẹ tôi. Chấm hết !!!
Có phải chăng người con gái càng lạnh lùng càng ‘đanh đá’ trong việc biết người, biết phận ta, càng hấp dẫn các chàng trai con nhà giàu ? Hôm ấy ‘cậu chủ’ con của bà Xếp ngồi uống cà phê bên ngoài cổng bệnh viện gần 3 tiếng đồng hồ để được đưa hai mẹ con Nguyên Lành về nhà trọ cũ của họ. Nguyên Lành không hài lòng chút nào. Nhưng bà mẹ của cô thì thâm trầm và rất dịu dàng . Bà nói lời cám ơn chàng trai, và bà không muốn cô con gái cưng của bà làm tổn thương đến lòng tự trọng của bất cứ một ai.
5
Vì Nguyên Lành là ân nhân tu sửa khang trang lại ngôi trường xưa, và được sự chấp thuận của thầy giáo Chương, người thừa hưởng và cống hiến mảnh đất của gia tộc cho trường, cùng nhiều sự đồng tình của bà con cô bác xóm trên xóm dưới, nên phần mộ của bà mẹ của Nguyên Lành được nằm yên ấm ở phía sau xa các lớp học, bên cạnh một vườn hoa dại và dưới gốc một cây phượng vĩ, hè về hoa trổ đỏ rực một góc trời. Nguyên Lành càng yên tâm hơn, khi cô nhìn thấy vào các giờ thư giản, thầy giáo Chương hay đi lòng vòng gần bên khu mộ của mẹ mình.
Ba năm sau, được sự bổ nhiệm của Phòng Giáo Dục, cô giáo Nguyễn thị Nguyên Lành được lên làm Hiệu Trưởng, thay thế thầy giáo Chương gần đây cứ nay yếu mai đau hoài. Vợ của thầy đã qua đời trước đó một năm. Mộ của bà không nằm trong trường, mà nằm chung trong huynh mộ gia tộc của ông bà cha mẹ của bà. Người con trai duy nhất của thầy giáo Chương đã bị mất mẹ, anh không muốn mất cha, anh mong được đưa thầy giáo Chương lên thành phố để chữa bệnh. Nhưng thầy không bằng lòng.
Rồi cái ngày thầy giáo Chương trở về cát bụi cũng đã tới. Mọi người ai nấy đều ngạc nhiên khi đọc thấy trong tờ di chúc thầy giáo Chương viết lúc thầy còn tỉnh táo :
“Tôi xin vẫy tay chào tạm biệt bà con. Chào đám học trò thân yêu của tôi. Các em là trụ cột tương lai của xóm làng của đất nước. Đừng theo lối ma tà. Mà theo con đường lương tâm trong sáng. Hãy chôn cất tôi phía sau các lớp học, gần sát bên ngôi mộ của bà mẹ của cô Hiệu Trưởng Nguyên Lành. Vì lúc tôi sống, tôi yêu thương tha thiết ra sao, và tôi đã cống hiến hết sức lực của tôi cho đám trẻ thơ thế nào, thì lúc chết đi, tôi cũng muốn thể hiện như vậy …”
Duy có một mình Nguyên Lành là biết tại sao thầy giáo Chương yêu kính của mình lại muốn an nghỉ cuối cùng bên cạnh phần mộ của mẹ mình mà thôi. Điều bí ẩn này mẹ của cô hoàn toàn giữ kín trên 20 năm qua, kể từ khi cô cất tiếng khóc chào đời. Điều bí ẩn này được thầy giáo Chương nói hết cho cô nghe trước giờ phút thầy hấp hối…
6
Điều mà cô giáo Nguyên Lành vẫn trân trọng đó là tình yêu đậm đà tha thiết và sắt son giữa ba và mẹ của cô. Thuở ấy, bà nội của cô chê mẹ cô là con nhà nghèo, bà bắt đứa con trai duy nhất trong gia đình của bà đi cưới người con gái không yêu. Ngang trái là từ chỗ nầy ! Nay, hai đấng sinh thành không còn nữa, nhưng cuộc sống của hai người cho Nguyên Lành nhiều bài học về tình yêu, về tình nhân loại, và tình quê hương xứ sở.
Cô cũng chưa biết phải trả lời ra sao trước lời cầu hôn tha thiết của Ngọc Đức, chàng trai, con của bà Xếp ở công ty năm nào. Nhưng cô cũng đã cảm thấy xao xuyến trong nhiều đêm ở miền quê thanh vắng này. Và, khi đứng trước hai phần mộ của ba mẹ mình, cô Hiệu Trưởng Nguyên Lành cũng từng lắc đầu thở dài :
/-)nh biết không Ngọc Đức thân mến của em! Với anh, em không muốn mình đi trên con đường nước mắt mà mẹ em đã đi qua. Em không muốn khóc vì cuộc tình của chúng mình. Em muốn dành nước mắt để khóc và chết ngay trên ngôi trường này, với đồng nghiệp của em và với đám học trò của em. Như vậy, cuộc đời em có ích hơn nhiều.
Hơn nữa, nếu em bằng lòng cho anh cưới em, em đi theo anh, thì còn có ai tỏ lòng hiếu thảo, tỏ lòng thương nhớ, và biết ơn mà hằng ngày cắm trên hai ngôi mộ của ba mẹ em hai nén nhang thơm và hai bông hoa xinh tươi ? Còn có ai có tâm huyết xây dựng và nâng cấp ngôi trường này càng được vững mạnh hơn không ?
Và, giữa hai bông hoa xinh tươi rực rỡ là bông hoa ba Thanh Chương của em trọn cuộc đời vì học trò nghèo ; và bông hoa mẹ Thuý Hoa của em, suốt đời mua gánh bán bưng để nuôi em ăn học, em xin làm một đoá hoa dại sống ẩn núp giữa vùng quê xa nghèo này. Vì con đường phía trước của em còn nhiều nặng nề quá !!
Viết nhân Mừng ngày Lễ Thầy Cô giáo 20.11.2009
Terêsa Hồng Nhung
Sài Gòn, 20/11/2009
Views: 0