Uncategorized

Chuyện ở tù tại Mỹ

 Người cai tù đầu tiên tôi gặp ở nhà tù liên bang Manchester có hai cái răng cửa rất to, lộ hẳn ra ngoài. Chữ “cai tù” là dịch từ chữ “Correctional Officer” “Sĩ Quan Cải Huấn”, trên giấy tờ, chức vụ này được gọi tắt là “CO”. Nhà tù này tên là Federal Correctional Institution – Trung Tâm Cải Huấn Liên bang -, nằm kẹt giữa hai ngọn núi thấp của tiểu bang Kentucky.

 Người cai tù đầu tiên tôi gặp ở nhà tù liên bang Manchester có hai cái răng cửa rất to, lộ hẳn ra ngoài. Chữ “cai tù” là dịch từ chữ “Correctional Officer” “Sĩ Quan Cải Huấn”, trên giấy tờ, chức vụ này được gọi tắt là “CO”. Nhà tù này tên là Federal Correctional Institution – Trung Tâm Cải Huấn Liên bang -, nằm kẹt giữa hai ngọn núi thấp của tiểu bang Kentucky. Khi mới gặp, quả thực tôi  không thể hiểu nổi ông cai tù này. Tôi được đưa đến đây cùng một lúc với một gã Da Đen trẻ tuổi, lúc nào cũng lầm bầm nói cái gì trong miệng, và một gã người Tầu nói tiếng Anh chữ được chữ không, làm tôi phải đoán mò từng chữ hắn nói. Sau khi gọi gã người Tầu là “con gà đốm”, với tiếng cười đầy thỏa mãn vì tìm được chữ dùng đúng ý, tôi được ông ta đưa đi gặp người y tá. Bà này hỏi tôi một loạt nhiều câu hỏi.

  -Chiều cao, trọng lượng bao nhiêu?

  -Cao năm feet sáu, nặng 120 pounds.

  Bà nhướng mắt nhìn cái dáng gầy còm của tôi, hỏi tiếp:

  -Trình độ học vấn?

  -Tiến sĩ, Ph D.

  Bà nhìn tôi với con mắt nghi ngờ.

  -Nghề nghiệp sau cùng là gì?

  -Thượng Nghị Sĩ tiểu bang.

  Bà trợn mắt nhìn tôi.

-Ê đừng dỡn nhe cha. Muốn dỡn mặt tôi cho tới luôn à nhe. Ở đây tôi đã gặp những thằng tự xưng mình là Chúa Giê Su.

  Sau đó, người cai tù dẫn tôi đến một cầu tiêu không cánh cửa, trống trải, tênh hênh. Ông ta ra lệnh cho tôi:

  -Cởi quần ra.

  -Quay một vòng cho tôi xem có dấu gì không?

  -Mở cái bóp tù ra?

  Tôi ngớ ngẩn không hiểu ông ta nói “cái bóp tù nhân” là gì.

  -Vạch đít ra cho tôi xem coi có dấu gì trong hậu môn không?

  Tôi khom người vạch đít cho ông ta xem.

  Chặng cuối cùng là đi đến văn phòng counselor. Tại đây ông ta liếc sơ qua bản báo cáo vì sao tôi phải đi tù. Ông lắc đầu ái ngại, nói nhỏ:

  -Lẽ ra ông không phải vào đây. Phí tiền, và thời gian vô ích, lại thêm chật nữa. Thật là khùng.

  Chính xác! Tôi cũng nghĩ như ông cai tù.

  Con đường dẫn tôi đến nhà tù.

  Trước đó sáu tháng, hồi tháng Bảy năm 2009, tôi bước đến văn phòng luật sư của tôi. Một người đi cùng thang máy, mỉm cười hỏi thăm tôi: “Ông Smith, kỳ này ra ứng cử dân biểu nữa chứ? Hay ra tranh cử Thị trưởng?”. Tim tôi đập thật mạnh. Từ bẩy sáng đến giờ, khi nhân viên của chính phủ liên bang đến gõ cửa căn phòng tôi ở, tim tôi cứ đập thình thịch liên hồi. Tôi mỉm cười trả lời người lạ, hỏi thăm tôi: “Thưa ông, tôi mãn nguyện với chức thượng nghị sĩ tiểu bang hiện nay của tôi.”.
 
  Tôi ý thức được rằng thế giới quanh tôi đang khép lại từ từ, kể từ năm 2004, khi tôi có cuộc tranh cử đối đầu với một nhân vật con nhà giầu, rất nổi tiếng ở tiểu bang Missouri. Tôi chỉ thua ông ta một ít phiếu trong kỳ tranh cửa sơ bộ của đảng, ra tranh chức ở quốc hội tiểu bang. Giới truyền thông hết lời ca ngợi guồng máy vận động tranh cử của tôi, gồm các tình nguyện viên trẻ tuổi, không tốn tiền nhiều mà đạt kết quả. Tôi suýt nữa thì thắng cử.
 
  Vài tuần lễ trước Ngày Bầu Cử, hai người phụ tá của tôi được một người lạ mặt tiếp xúc và trao cho một bản liệt kê những thành tích xấu của đối thủ của tôi khi ông ta làm việc trong quốc hội. Tôi biết chắc các phụ tá của tôi không bao giờ liên lạc với người ngoài để làm chuyện xấu. Sau khi thảo luận, họ hỏi tôi có nên làm tới hay không?
 
  Tôi trả lời là tùy họ. Tôi không biết rõ nội dung của bản báo cáo này. Các anh muốn làm sao cũng được, cẩn thận thì hơn.
 
  Họ gật đầu đồng ý.
 
  Bản báo cáo này được hủy bỏ trước đó một tuần, không dùng tới. Đối thủ của tôi thưa tôi ra trước Ủy ban Bầu Cử Liên Bang, hắn tố cáo rằng tôi đã phối hợp với nơi phụ trách gửi thư vận động tranh cử một cách bất hợp pháp. Năm năm sau, tôi phải nhận tội đã làm cản trở công lý vì gây khó dễ cho cơ quan điều tra liên bang về vụ này. Để bị trừng phạt, tôi xin được ở tù tại gia, và làm việc phục vụ cộng đồng, chỉ ra khỏi nhà để đi dạy tại một trường “charter school” do tôi sáng lập cách đó 10 năm. Hơn 300 người, có cả những vị dân cử thuộc hai đảng đối nghịch, viết thư xin ân xá cho tôi. Nhưng Ủy Ban Bầu Cử Liên Bang vẫn coi tôi như kẻ thủ phạm “đẻ ra một hình thức tham nhũng mới.”, và ông chánh án tuyên án tôi phải ngồi tù một năm, một ngày, trong nhà tù liên bang.
 
  Sáu tháng sau, tôi trôi dạt đến một nơi gồm toàn những con cá nhám sẵn sàng nhai tôi ngấu nghiến. Khổ thật, đang từ một giáo sư đại học, trở thành một chính trị gia, nay tôi là một kẻ tội phạm, một thằng hủi trong xã hội. Khi còn là một thượng nghị sĩ tiểu bang, tôi là tác giả của bộ luật cải tổ hệ thống hình sự của tiểu bang Missouri. Nhưng khi cánh cổng nhà tù đóng xập lại, tình hình thay đổi hẳn, nay tôi là kẻ dưới quyền sai bảo, điều động của cai tù. Các vị sĩ quan cai tù có quyền uy tối thượng, và họ dùng quyền hạn của họ một cách liều lĩnh, vô tội vạ. Họ và các tù nhân khác có toàn quyền định đoạt số phận của tôi. Chuyện tôi học cao đến đâu cũng mặc, bỏ sang một bên.
 
  “Thấy chưa! Ở đây không có ai là Thượng Nghị Sĩ cả.”
 
  Sau phần làm hồ sơ nhập trại tù, chúng tôi được phát bộ quần áo đồng phục dành cho tù nhân. Một cai tù dẫn tôi đi lên lầu hai, đến một phòng giam, gật đầu. Ở đây có sẵn một tên tù Da Đen, đầu búi tó củ hành. Tôi là người Da Trắng duy nhất trên cả một dẫy. Thằng tù cùng phòng với tôi có dáng giống hệt nhân vật Morgan Freeman trong vở kịch Shawshank Redemption, hắn nói tên hắn là Red. Hắn mở lời nói với tôi bằng cái giọng vừa khinh bỉ vừa diểu cợt:
 
  -Chú mày Da Trắng ở đây há! Tội gì mà phải vào tù vậy?
  
  -Nói láo với nhà nước liên bang.
 
  Một tên tù ở phòng bên cạnh chõ miệng nói:
 
  -Mẹ kiếp! Sao để chúng nó biết?
  
  -Bạn thân của tôi bị họ gài máy nghe lén.
  
  Có người lên tiếng:
 
  -Vậy thì cho thằng đó đi bán muối đi. Tiếc gì nữa.
  
  Chỉ trong vòng không đầy 30 giây, mọi người đều đồng ý phải thủ tiêu thằng bạn tôi.
 
  Gã tù tên là Red từng ngồi tù 25 năm, tại đủ các loại nhà tù: liên bang, tiểu bang, và quận hạt. Bài học đầu tiên về Qui luật của nhà tù là vấn đề “etiquette”, nhãn hiệu khi ngồi vào phòng ăn. Ngày hôm sau, tôi ngồi cạnh tên tù nhân chung phòng để cùng ăn. Mọi người nhìn tôi với cái vẻ kỳ lạ. Tên Red nhắc tôi:
 
  -Ê ông bạn. Bộ bạn muốn làm cuộc cách mạng trong ngày đầu tiên vào tù hay chăng?
 
  -Hả? Bạn nói gì tôi không hiểu.
  
  -Thì cứ nhìn quanh một lượt đi. Bạn thấy cái gì?
  
  Tôi nhún vai, chẳng hiều gì cả. 
 
  Hắn nói thêm:
 
  -Bạn thấy có bao nhiêu tên Da Trắng giống bạn ngồi tại đây?
  
  Tôi nhìn quanh một lượt, và nói:
 
  -Chẳng có ai cả. Tôi ăn thật nhanh, rồi đi khỏi phòng ăn ngay.
 
  Trên đường đi quanh trở lại phòng mình, tôi gặp một tên Da Trắng mập thù lù, trên cánh tay có xâm dấu chữ Vạn của Đức Quốc Xã. Nó lại gần tôi nói:
 
  -Ê ông bạn, bộ ông là loại người yêu mấy thằng mọi Đen hả.
  
  Tôi trả lời:
 
  -Không.
 
  Hắn đâu biết khi còn là sinh viên đại học, môn học chính của tôi là Nghiên Cứu người Mỹ gốc Phi Châu.
 
  -Như vậy từ nay ông bạn nên ngồi ăn chung với người cùng mầu da máu mủ với ông.”.
 
  -OK. Tôi lỡ một lần thôi. Coi kìa, gã Da Đen kia là tên ở cùng phòng với tôi…
  
  -Người ta để mày ở chung với thằng mọi Đen.
  
  -Ừ! Đúng vậy.
 
  Ngôn ngữ anh chàng này dùng qúa nặng, đầy miệt thị, nhưng tôi cũng đành phải đi theo, vì ở đây chẳng có luật sư nào thưa tôi về tội kỳ thị.
 
  -Đừng lo! Để tôi sửa sai bọn cai tù. Tôi tên là Cornbread. Cần gì cứ nói tôi là tôi sẽ giúp cho. Từ nay tôi không muốn ông bạn ngồi chung với bọn Đen nữa.
  
  Tôi né tránh đề tài này dễ dàng. Vi phạm qui luật về mầu da dễ đưa đến hậu quả tàn bạo. Sau này tôi mới biết: Ngồi ăn chung với người khác mầu da có thể khiến bạn bị ăn đòn, chia nhau thức ăn, hay đồ dùng có thể khiến bạn bị giết.
 
  Đó là sự thực phũ phàng ở trong nhà tù. Mối đe dọa đáng sợ nhất không phải ở những nơi dễ thấy – những thằng tù háo dâm, những thằng tù vai u thịt bắp đi đòi nợ. Nỗi lo sợ lớn nhất xảy ra khi có sự tranh dành, lấy uy thế, chỉ cần sơ xẩy một chút là thành to chuyện. Ví dụ dành nhau xem TV, coi đánh bóng rổ, hay coi thi điền kinh phụ nữ có thể đưa đến đánh nhau loạn đả. 
 
  Một tuần lễ sau, tôi được gọi đến bin đinh của văn phòng quản trị. Tôi hy vọng lên đây được người ta cho phép đi dạy học cho các tù nhân lấy bằng Trung Học tương đương -GED- Còn một hy vọng khác là có một đại diện nhà sách muốn mua câu chuyện của tôi kể về cuộc đời của tôi.
 
  Khi tôi được dẫn vào một căn phòng trơ trụi, khá lớn, một gã đàn ông to lớn, với cái đầu trọc lóc, bộ râu dê dưới cằm, tự giới thiệu hắn là đội trưởng trong nhà tù. Nếu nhà tù là một trường học, ông đội trưởng này tương đương với chức Tổng Giám Thị- hay Dean, chuyên phụ trách về vấn đề kỷ luật. Hắn lên tiếng hỏi tôi với giọng khinh bỉ:

-Tù nhân Smith. Ông hoạt động chính trị bao lâu rồi.?
 
  -Khoảng chừng 10 năm.
  
  -Như vậy có lẽ ông biết về chính trị nhiều hơn tôi. Ông đồng ý không? Ông vào tù được bao lâu rồi?
 
  -Khoảng chừng một tuần.
  
  -Thế à. Tôi làm việc ở nhà tù được 18 năm rồi. Vậy ông có nghĩ ông biết về nhà tù nhiều hơn tôi không?
 
  Tôi trả lời:
 
  -Có lẽ ông biết rành hơn tôi.
  
  -Như vậy tôi xin đưa cho ông một lời khuyên. Đó là chớ bao giờ pha trộn việc này với việc kia. Ông ở trong tù, ông đừng nghĩ đến chuyện viết sách, hay bán sách ở đây, nghe rõ chưa. Làm như thế tức là sai qui tắc.
  
  Như vậy tức là người ta đã theo dõi và đọc các emails của tôi. 
 
  -Tôi có đọc bản nội qui, nói rằng không được điều hành kinh doanh trong lúc ở tù. Nhưng tôi nghĩ tôi không buôn bán ở đây. Tôi không bán thuốc lá, hay xâm hình lấy tiền. Tôi chẳng kiếm được một xu nào cả.
  
  -Đó là cách ông diễn dịch nội qui. Ở đây không có Thượng Viện, hay Tối cao Pháp Viện để tranh cãi về việc này. Ở đây là BOP tức là Bureau of Prison, hay Sở Trông Coi Các Nhà Tù. Mọi thứ đều do tôi diễn dịch. Nếu ông không nghe lời tôi, tôi sẽ cho ông đi SHU, tức là solitary confinement, hay đi tù biệt giam, tách biệt với mọi người.
  
  “Ông Thượng Nghị Sĩ Ăn Cắp Đồ!”
 
  Tuần lễ sau, tôi nhận được lệnh công tác, liệt kê chi tiết việc làm đổ mồ hôi của tôi là khuân vác hàng từ xe vận tải chất vào nhà kho thực phẩm. Bốn người bạn làm chung đều có kích thước to gấp đôi thân hình tôi, còn ba người nữa thì nặng gấp ba thân xác tôi. Chúng tôi có nhiệm vụ khuân vác thực phẩm từ tủ lạnh đem ra ngoài, hay chất hàng vào trong tủ lạnh. Tất cả có khoảng 35,000 đến 40,000 pounds hàng mỗi ngày. Mỗi kiện hàng nặng khoảng 80 pounds. Phần lớn là những thùng thịt đóng hộp quá hạn, ngày hết hạn là 2006 hay 2007, và chúng tôi nhận vào năm 2010. Nếu chúng tôi phải ăn những miếng thịt lạt lẽo, thì đây là lý do: Đồ hộp quá cũ. Chúng tôi không phải là con vật, nhưng cũng không phải là con người đúng nghĩa. Chúng tôi chỉ được ăn những loại thức ăn phế thải, quá hạn.
 
  Bà Horton, xếp trực tiếp của chúng tôi, một mụ đàn bà hút thuốc luôn miệng. Bà nói với chúng tôi rằng nếu chúng tôi không ăn cắp đồ, bà sẽ cho chúng tôi ăn ngon. Mặc cho bà nói, những  người làm việc ở nhà kho thực phẩm, cuối ngày làm việc đều ăn cắp ít món hàng đem về phòng, khi thì hộp thị gà dấu trong ngực, khi thì gói bơ. Tất cả những thằng tù tập tạ để cơ bắp lớn, đều thèm ăn thêm chất bổ dưỡng.
 
  Tôi đã hứa với gia đình tôi sẽ không làm điều gì vi phạm nội qui nhà tù để được về sớm. Nhưng một tù nhân khác đến nói với tôi rằng tôi nên ăn cắp, nếu không sẽ có kẻ khác dúi vào túi áo vài miếng thịt hamburger còn sống. Họ sợ rằng nếu tôi không ăn cắp, họ sẽ bị tố giác.
     
  Có bốn mức độ vi phạm khác nhau, tiếng lóng ở đây gọi là “shots”. Loại bốn là loại nhẹ nhất, giống như đi băng qua đường ẩu – jaywalking. Trong nhà tù, tội ăn cắp 4 cuốn sách trên kệ là tội nhẹ nhất. Hình phạt sẽ là cấm không cho điện thoại về gia đình trong 90 ngày. Loại 2 và loại 3 gồm những tội nặng hơn như đánh lộn, hối lộ cai tù. Hình phạt có thể là vài tháng biệt giam (SHU), hay thuyên chuyển đến nhà tù an ninh ngặt nghèo hơn. Tội loại 1 là tội nặng nhất, như tội xúi dục bạo động, nổi loạn, hay giết người. Vì lo sợ bị bệnh E.Coli từ thịt sống lây ra, nên tội ăn cắp thị sống bị liệt kê là loại tội nặng, và sẽ bị thuyên chuyển đi nhà tù nghiêm khắc tối đa.
 
  Những tù nhân sống sót qua cảnh biệt giam, khi trở về thường bị những chứng bệnh về tinh thần, như nổi giận bất ngờ, sống trong ảo giác, buồn chán, và hoảng hốt bất thường. Bây giờ khả năng tôi có thể bị tù biệt giam là có thật. Tôi có nên tin vào lời cảnh cáo của tên đồng đảng trong tù với tôi hay không? Hay là nó chỉ dọa tôi để tôi về hùa với nó và ăn cắp?.
 
  Một hôm tôi chờ cho Bà Horton đi nghỉ giải lao hút thuốc, tôi nhét mấy gói hạt tiêu vào hai chiếc vớ, sau đó vài gói vào túi quần. Thằng bạn tù Ville la lên:
 
  -Ê tui bay xem kìa, ông Thượng Nghị Sĩ cũng ăn cắp.
  
  Tên supervisor của đám tù khuân vác lắc đầu, nói với tôi:
 
  -Thượng Nghị Sĩ, yêu cầu ông bỏ mấy gói tiêu trong túi quần ra.
 
  Nó không biết tôi còn dấu vài gói trong đôi vớ.
 
  Về lại phòng giam, tôi khoe với đám bạn cùng phòng mấy gói tiêu tôi đánh cắp được. Thằng Ville nói to:
 
  -Chết thật. Ông TNS mà cũng đi ăn cắp. Bây giờ ổng là tên tù chính hiệu rồi.
   
  Đó không phải là một lời khen thưởng. Gọi người khác là tên tội phạm thì cũng giống như gọi một người dạy ở đại học là giáo sư, chỉ có thế thôi. Kinh nghiệm vụ ăn cắp hạt tiêu này cho tôi rút ra một bài học là ở trong nhà tù phải tỏ ra ngây thơ, và lanh trí.
 
  Triển khai tiềm năng của tù nhân.
 
  Trong nhà tù có rất nhiều nhân vật thông minh, khôn lanh trên đường phố. Họ có trực giác bén nhậy, không giống như những ông Tổng Giám Đốc -CEO- từng uống rượu, ăn tiệc với tôi trước đây. Họ dùng những thuật ngữ tôi chưa bao giờ nghe thấy trong giới kinh doanh. (ví dụ: Tay bán ma túy nói: Tôi không bao giờ lấy tiền đứa mới dùng ma túy lần đầu.) Họ biết rất rành chuyện đầu cơ tích trữ (ví dụ phải chuẩn bị hàng thật nhiều trước mùa Giáng Sinh).
 
  Thông minh, lanh trí là yếu tố rất quan trọng để có thể sống còn trong nhà tù. Vì ở đây tiền công trả cho việc làm rất hạ. Mỗi tháng tôi kiếm được có $5.25 xu, tức là khoảng 3 xu mỗi giờ làm việc, mỗi tuần tôi phải làm 40 giờ – đủ để mua vật dụng vệ sinh, giấy bút, và tem. Thông minh, lanh lợi thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn làm cà rem từ bánh pudding pha với đá, đường và sữa, kèm theo vài trái chuối ăn cắp ở phòng ăn, cắt tóc bằng đồ cắt móng tay, hay làm quả tạ tập thể dục bằng túi đựng đồ đi giặt. Nhiều tay hy vọng sau khi ra tù sẽ mở cửa hàng ăn, mở tiệm hớt tóc, nhưng chẳng có ai có phương tiện để thực hiện ước mơ này. Trong nhà tù cũng không có viên chức nào nghĩ đến việc huấn nghề cho tù nhân.
 
  Mỗi năm có khoảng 650.000 người mãn tù, ra ngoài đời sống thường. Họ không thể nào thành công tại xã hội trước đây đã khiến họ thất bại, đấy là chưa kể trên lưng còn có cả một hồ sơ ở tù dầy cộm, chưa được xóa. Khoảng hai phần ba tù nhân quanh trở lại nhà tù trong vòng ba năm, bởi vì họ lại vi phạm luật. Nguyên do chính là khó khăn, chật vật về tài chính. Đa số lâm tình trạng thất nghiệp, khiến họ dễ đi vào con đường tội phạm hơn là những người có việc làm đàng hoàng. Đi tìm một việc làm hợp pháp là điều rất khó vì đa số các ngành kinh doanh không muốn mướn những kẻ từng phạm tội.
 
  Các chương trình giáo dục trong nhà tù có thể giúp tù nhân vượt qua trở ngại này. Nhưng trước hết xã hội phải chấm dứt xem nhà tù là nhà kho chứa thành phần cặn bã của xã hội. Xã hội phải bắt đầu nghĩ rằng chúng ta đang đánh mất, đang phí phạm một số tài nguyên nhân lực. Trong số những tù nhân tôi gặp,tôi thấy có nhiều người có tham vọng kinh doanh, nhưng họ không bao giờ nhìn thấy tia hy vọng thực hiện hoài bão này. 
 
  Ở nhà tù Manchester, tôi đã gặp người tù nhân lập ra một website riêng trong phòng giam để hoạt động bất kể những nghịch cảnh, khó khăn xảy ra ở bên ngoài. Tôi đã gặp một thanh niên hàng ngày học hành cặm cụi dưới sự chỉ bảo của tôi, để sau này khi ra tù anh ta có thể hành nghề lái xe vận tải đường xa. Tại nhà tù này, tôi đã gặp những thanh niên cố gắng dùi mài kinh sử để lấy được bằng GED, tức là bằng trung học tương đương, suốt  trong nhiều năm không hề được thân nhân đến thăm viếng. Có người để dành được ít tiền, chuẩn bị khi ra tù sẽ làm ăn đàng hoàng. Nhưng khi ra tù, họ sẽ phải đối phó với những người chủ phố, những công ty sưu tra lý lịch ở tù trước đây. Họ cũng không có quyền đi bỏ phiếu, hay hưởng tem phiếu mua thực phẩm. Họ sẽ trở về cái thế giới mà họ phải có tiền để trả tiền thuê nhà, và tiền để trả tiền thử nước tiểu khi đi xin việc làm, và không có tiền để mua quần áo khi đi phỏng vấn. 

  Tôi ở trong tù chưa đầy một năm, và khi ra ngoài, tôi có dư mọi điều kiện, lợi thế, để trở lại thế giới ngày trước. Tôi là một gã đàn ông Da Trắng có bằng Tiến sĩ, được gia đình, cộng đồng yểm trợ, và có ít tiền trong trương mục tiết kiệm. Ây vậy mà đi xin việc làm đàng hoàng cũng khó khăn vô cùng. Hệ thống tư pháp hình sự không hề bị hỏng như nhiều người vẫn thường nói. Nó vẫn hoạt động trơn tru trong việc ngăn cản không cho hàng triệu con người tham gia vào quồng máy kinh tế chính mạch. 
 
  Tôi hy vọng rằng bất cứ ai đọc câu chuyện này của tôi, sẽ vui lòng kết bạn với một người trong nhà tù, một người quen thân hay sơ. Nếu quí vị không quen ai cả, xin quí vị hãy làm người tình nguyện để giúp những tù nhân trong hoàn cảnh của họ. Ngay đến mẹ của tôi, bà cụ lo cho việc tôi ở tù quá lâu vì lỗi của tôi, bà tình nguyện làm người tình nguyện giúp tù nhân trong bốn năm. Qua việc làm tình nguyện, bà cụ đã giúp được một tù nhân thay đổi hoàn toàn cuộc đời của anh ta. Bà cụ vừa mới ký giấy làm tình nguyện thêm bốn năm nữa. Mẹ tôi là một ví dụ điển hình trong chiến lược cải tổ cuộc khủng hoảng nhà tù hiện nay, đi từ tận gốc rễ đi lên. Chúng ta hãy thực hiện cuộc cải tổ cho từng cá nhân một. Hãy từ từ mà làm, làm thật cụ thể.
 
  Câu chuyện có thật của ông  Jeff Smith  đăng trên Reader’s Digest tháng 4 nắm 2016
 
  Nguyễn Minh Tâm  dịch

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.