Uncategorized

Chuyện kể cho Teen: Tu Đức và Tu Thân

Một teen trai có nickname là B.H lên Facebook viết:  “Mày nuôi bố mày được 18 năm chứ gì sau đó bố mày nuôi mày hết quãng đời già đấy, cái công nuôi bố mày thì đè bố mày ra chửi, ra làm việc, ra cáu bẩn…” Đây chỉ là một phần của những câu thóa mạ rất khó nghe về người mẹ đẻ ra mình vào đúng ngày 8/3 của B.H.

 

Một teen trai có nickname là B.H lên Facebook viết:  “Mày nuôi bố mày được 18 năm chứ gì sau đó bố mày nuôi mày hết quãng đời già đấy, cái công nuôi bố mày thì đè bố mày ra chửi, ra làm việc, ra cáu bẩn…” Đây chỉ là một phần của những câu thóa mạ rất khó nghe về người mẹ đẻ ra mình vào đúng ngày 8/3 của B.H.

 

Nhiều người không tin vào mắt mình đã hỏi lại người viết là “chửi ai đấy” và được chính B. H xác nhận:

 

“Mẹ em, đang bực mình đừng có trêu”.

 

Vô hình trung, mọi người sử dụng mạng xã hội Facebook đã sôi sục và phản ứng dữ dội trước đứa con “mất dạy”, “bất hiếu” và “láo toét” này. Cộng đồng mạng cũng đã dùng những lời nặng nề nhất lên án B. H và phản ứng trực tiếp ngay vào trong chính Facebook của B. H. Một thành viên trong mạng xã hội Facebook đã viết: “Đẻ đau ra thằng con như thế này thật vô phúc”. Đồng thời, nhiều thành viên khác kêu gọi xóa bỏ ngay đoạn viết “vô giáo dục” trên.

 

Một bạn teen khác có nickname B. D đã viết lên facebook cá nhân:

 

“Tôi treo ảnh của các anh trong phòng ai cho phép ông gỡ chúng ra và đốt bỏ? Còn bà, ai cho bà cái quyền tịch thu băng đĩa nhạc của tôi? Nên nhớ ông bà chỉ có 2 mạng, còn các Oppa có tới 13 mạng , dĩ nhiên là các Oppa quan trọng hơn ông bà nhiều rồi!. Các Oppa tuy không nuôi tôi vì vật chất nhưng đã nuôi tôi bằng tinh thần và như đã sinh ra tôi lần thứ 2".

 

B.D vì bảo vệ thần tượng Super Junior có 13 thành viên của mình mà teen này không ngần ngại chửi bới, thóa mạ cha mẹ đẻ của mình, coi cha mẹ nuôi nấng mình không bằng một phần nhỏ của thần tượng ở đất nước xa xôi?  Sự việc này cũng đang gây xôn xao dư luận mạng xã hội cho một cuộc chiến tranh giữa mạng xã hội ủng hộ và phản đối quan điểm về việc yêu thần tượng quá mức tới bỏ qua việc tu đức bản thân.

 

Các con thương !

 

Trên đây là hai mẫu chuyện nhỏ mà ba muốn chia sẽ với các con về hàng loạt các việc xảy ra mà tuổi Teen của các con chửi người thân như Ông, Bà, Cha, Mẹ, Chú Bác, Cậu Dì …trên facebook một cách vô giáo dục và vô đạo đức như là sở thích của mình vậy!  Chỉ mới 38 năm gọi là hòa bình mà Cộng Sản Việt Nam đã xây dựng và sản sinh ra thế hệ trẻ ngày nay không một chút đạo đức, không một chút tu dưỡng bản thân.

 

Học giả Nguyễn Hiến Lê khi nhận xét về “Ngũ Thường” – “Nhân, Lễ Nghĩa, Trí Tín” , một đạo “tu thân” của Nho giáo đã viết:

 

“Thời nay chúng ta hiểu tâm lý trẻ em một cách khác, không uốn nắn tre non mà để cho nó tự nhiên phát triển; trẻ được tự do, có khi phóng túng, tha hồ đùa giỡn, hét la. Nhiều khi những cử chỉ hỗn xược, những lời vô lễ của chúng lại được khen là tinh ranh, là ngây thơ. Trẻ muốn gì được nấy, thành những bạo chúa tí hon trong nhà. Ở trường, người ta chỉ chú trọng đến trí dục, cốt dạy thanh niên biết nhiều khoa học. Luân lý thành một môn phụ thuộc và giáo sư luân lý bị học sinh chê là cổ hủ. Vậy nhà và trường đều không đào luyện tư cách thanh niên, nên phần đông nhà trí thức bây giờ xét về nhân phẩm kém xa các nhà Nho. Họ họp thành một bọn trưởng giả hãnh tiến, không phải là hạng thượng lưu được quốc dân trọng vọng như các cụ cử, cụ nghè thời trước. Ai cũng nhận thấy nhiều ông tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư mà tư cách không bằng một chú thợ, một anh bếp."

 

Thật thế các con, tu đức và tu thân phải rèn luyện từ lúc nhỏ và thấm nhuần vào tư tưởng của mình luôn luôn để khi các con trưởng thành, khi bước chân vào đời, việc đối nhân, xử thế phải luôn lấy đạo đức làm khuôn mẫu. Ba lấy ví dụ: Các con không thể tự dưng lại giỏi “tiếng Anh” mà không cần phải luyện tập trao dồi, cũng như các con không thể trở nên ngôi sao ca nhạc nếu như các con không khổ công học thanh nhạc và luyện giọng…; Các con không thể là các siêu sao bóng đá nếu các con không bỏ mồ hôi và công sức luyện, và thực hành, và các con cũng không trở thành các nhà khoa học xuất sắc khi mà các con không bỏ ra bao nhiêu công sức miệt mài trong cố gắng trong tìm tòi và nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm… Đạo đức bản thân cũng vậy các con ạ! Nó là một chuỗi ngày dài học tập, rèn luyện, và hiểu biết toàn bộ những qui tắc, nguyên tắc, và những chuẩn mực xã hội về cách ứng xử của con người với nhau trong quan hệ xã hội và quan hệ với tự nhiên. Phạm Trù về Đạo đức xã hội hay cái Thiện và cái Ác đã xuất hiện rất sớm và nó tồn tại với thời gian, và tồn tại qua các giai đoạn phát triển của lịch sử loài người; Nó cũng là phạm trù cơ bản và là thước đo đời sống đạo đức của một con người trong môi trường gia đình và xã hội. Chính vì các chuẩn mực về đạo đức này mà trong dân gian đã có rất nhiều thành ngữ, ca dao… lên án và chỉ rõ cái đạo đức giả tạo của con người mà tu đức, tu thân chưa tham thấu tới mà học đòi mưu tìm hạnh phúc cho nhân loại như:

 

“Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”,

“Bề ngoài thơn thớt nói cười, bề trong nham hiểm giết người không dao”.

“Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”

"Trách ai được cá quên nơm,
Được chim bẻ ná, quên ơn sinh thành"

"Lúc sống, thời chẳng cho ăn,
Đến khi thác xuống, làm văn tế ruồi." .…

Ngày nay, đạo đức trở nên suy đồi vì con người quá đề cao chủ nghĩa phóng khoáng ích kỷ và tự do cá nhân nên việc học tập và rèn luyện đạo đức bản thân sẽ đánh mất tự do cá nhân đi, nên từ đó thói ích kỷ và đạo đức giả có mặt ở khắp mọi nơi, mọi chốn, nhưng rất khó bị phát giác. Thói đạo đức giả, vô đạo đức là một mối hiểm họa tiềm ẩn cho hạnh phúc con người và sự thăng tiến xã hội.

 

Các con thân mến !

Mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức bản thân hàng ngày, đó là công việc kiên trì, bền bỉ suốt đời và đòi hỏi nghị lực vượt thắng. Vì thế Đạo đức được xem là khái niệm luân thường đạo lý của con người; nó thuộc về cái tốt – cái xấu, hơn nữa xem như là cái đúng – cái sai. Nó được biểu hiện trong lương tâm của con người, là hành vi phép tắc đạo đức cư xử và trong phạm trù luật pháp nó là thước đo xác định mức phạm tội và tốt xấu của con người. Đôi khi nó còn được gọi giá trị đạo đức, là thước đo lòng người, là sự hưng thịnh của một xã hội, gương mặt của một quốc gia ..v..v… Nó gắn liền với con người, với xã hội, với nền văn hoá, tôn giáo, và luật pháp của quốc gia đó. Do đó, khi các con đi đến đâu, chỉ cần thấy con người ở đó khi hành xử với nhau ra sao, con có thể đoán được đất nước và xã hội của dân tộc đó…và trên hết mọi sự, đạo đức là tiêu chí làm thước đo của các con.

 

Mến chúc các con trong giao tiếp với mọi người, và trong mọi phép tắc ở đời phải dựa trên tiêu chí đạo đức làm nền tảng; có như vậy thì các con mới cảm thấy sự bình an nơi tâm hồn và nơi gia đình mới có hạnh phúc trọn vẹn.

Thương các con nhiều !
Orange County   ngày  26 tháng  1 năm 2014

Ngoan Nguyễn

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.