Uncategorized

Chuyện kể cho Teen : Nghèo và Bệnh Nghèo

Có hai người bạn cùng ăn tối trong một nhà hàng. Sau khi tính tiền xong và nhận tiền thối lại, một người bạn đề nghị: “Người phục vụ này quá chu đáo và rất nice với khách. Thôi ta hãy “tip” cho người ta đi”.

Có hai người bạn cùng ăn tối trong một nhà hàng. Sau khi tính tiền xong và nhận tiền thối lại, một người bạn đề nghị: “Người phục vụ này quá chu đáo và rất nice với khách. Thôi ta hãy “tip” cho người ta đi”.

Người bạn còn lại điềm nhiên đáp: “Ngày xưa tôi rất nghèo, chỉ mong nhà có khoai hay cơm nguội mà ăn thì đã hạnh phúc lắm rồi. Tôi trân trọng và quí từng đồng mình kiếm được nên chưa bao giờ tôi “tip” cho ai cả”.

Người bạn kia chỉ cười buồn và lặng lẽ bỏ tiền tiếp lên trên bàn rồi đi theo bạn mình.

Các con thân mến,

Từ mẫu chuyện trên chúng ta thấy nghèo chẳng có gì là đáng sợ và nghèo cũng không phải là cái tội. Sợ chăng là dị chứng của nó trở thành căn bệnh mà người ta gọi là “bệnh nghèo" và tội ở đây là là biến thể của căn “bệnh nghèo” ám ảnh theo suốt cuộc đời của họ.

Các con thương, cái khó bó lấy cái khôn “bệnh nghèo” là một bệnh về trạng thái tâm lý có điều kiện do bị tác động bởi hoàn cảnh sống, bởi gia đình hay là xã hội về lâu và về dài. Những tâm lý bệnh này mà các con thường gặp phải như: tự ti mặc cảm, hám lợi, thiếu chính kiến…

Trước tiên, người nghèo thường mặc cảm tự ti. Vì họ cho rằng họ “thấp cổ bé miệng” nên thường biểu hiện những nỗi buồn thầm kín, sâu lắng bên trong là sự e dè, nhút nhát trong lòng mình, lúc nào cũng cảm thấy hổ thẹn, trở nên ít nói, hay lặng lẽ, tủi thân và tự làm khổ cho bản thân mình.

Chuyện kể rằng, một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến một vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến nông trại của một gia đình nghèo. “Ðây là một cách để dạy con biết quí trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình” – người cha nghĩ đó là bài học thực tế tốt cho đứa con bé bỏng của mình.

Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống ở đây, họ trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười:

– Chuyến đi như thế nào hả con?
– Thật tuyệt vời bố ạ!
– Con đã thấy những người nghèo sống như thế nào rồi đấy!
– Ồ vâng.
– Thế con đã rút ra được điều gì từ chuyến đi này?

Ðứa bé không ngần ngại trả lời:  Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn. Nhà mình có một hồ bơi, họ lại có một con sông dài bất tận. Chúng ta phải đưa những chiếc đèn lồng vào vườn, họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân, họ thì có cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống, và họ có những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải mua thực phẩm còn họ lại trồng ra những thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở cho nhau.

Ðến đây người cha không nói gì cả.

Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi !!!

Các con thân mến,

Giàu và nghèo tùy theo cách nhìn của từng người như mẫu chuyện ở trên. Con người không ai chọn cho mình được nơi sinh ra, nhưng có quyền chọn cho mình phong cách sống và rèn luyện cho mình một ý chí, nghị lực để vượt qua thử thách và cả sự thất bại nữa, chúng ta không thay đổi được số phận nhưng ta có quyền quyết định cuộc đời của mình. Các con hãy biến chữ “TỰ TI” thành chữ “TỰ TIN” và hãy sống trong bao la tình đồng loại.

Kế tiếp, người nghèo thường hám lợi. Vì khi nghèo, người ta thường quan tâm đến cái lợi nhỏ trước mắt; nó như cái phao nhìn thấy rõ, thấy ngay và nắm bắt được bởi sự thèm, khát ngay tức thì mà ra.

Ba kể tiếp các con một chuyện về con đỉa. Dân nghèo ở xã Tân Xuân- Hốc Môn ca thán rằng:  đỉa nhiều và lúc nhúc như hiện nay là do gần một năm nay trong khu dân cư có hộ chuyên thu mua đỉa để bán cho Trung Quốc làm thuốc, con nào đạt tiêu chuẩn thì người ta phơi bán, con nào không đạt thì đổ ngay xuống ao. Phong trào nuôi đỉa rầm rộ nổ ra trên toàn quốc khi lái Tàu thu mua đỉa với mức giá cao đến khó tưởng tượng nổi, 1,5 triệu đồng/kg (60USD) đỉa khô. Bỗng nhiên thời điểm này thương lái Tàu ngừng thu mua đỉa để lại những cánh đồng nhung nhúc đỉa; nhìn con đỉa người lớn còn phải kinh huống hồ gì trẻ nhỏ.

Thật ra, làm kiếm tiền không phải là sai, nhưng hám tiền một cách mù quán thành một căn bệnh trầm kha của tầng lớp nghèo. Ở câu chuyện trên các con còn thấy hậu quả và ý đồ xấu của lái thầu Trung Quốc tác động trên dân nghèo Việt Nam ra sao.

Thêm nữa, người nghèo thường hay thủ phận và thiếu chính kiến. Họ sống theo phong cách: “Nhìn lên, mình chẳng bằng ai, ngó xuống thì cũng không ai thua mình” nên họ thường it tranh đua với đời và với bản thân của họ. Họ không có ý thức vươn lên và thường an phận với những gì mình có như chỉ cần đủ ăn, đủ mặc, có chút ít phòng thân, thế đã là hạnh phúc; Họ chỉ nghĩ đến mỗi chuyện làm ăn lương thiện để có tiền đã là điều đáng mừng rồi.

Chuyện kể rằng có một cặp uyên ương nọ kết hôn năm 1990 trong khó nghèo khi chị ta vừa học xong trung cấp kế toán, còn anh ta là nhân viên văn thư của một cơ quan nọ. Mức lương của anh chỉ đủ cho anh uống cà phê, ăn sáng và đổ xăng (lương chết đói của Xã Hội Chủ Nghĩa), nên kinh tế gia đình đổ hết lên vai người vợ. Ban ngày, chị làm kế toán cho một công ty tư nhân, sau giờ làm việc phải nhận sổ sách ở hai công ty khác về làm thêm vào buổi tối. Chị thật siêng năng, cần cù nên trong nhà cũng dần có của ăn của để. Khi kinh tế gia đình bắt đầu ổn định, chị học lên đại học chuyên ngành của mình. Rồi chị tốt nghiệp đại học và không đi làm thuê nữa, mà mở một cửa hàng bán linh kiện máy vi tính. Sự nhạy bén trong thương trường và tính cầu tiến đã đưa chị từ chủ một cửa hàng nhỏ trở thành giám đốc môt doanh nghiệp thành đạt.

Trong khi chị ngày càng thành công trong công việc, học vấn ngày càng được nâng lên khi lấy thêm bằng cử nhân Anh Văn, thì chồng chị lại an phận với công việc. Đã nhiều lần chị khuyến khích anh đi học thêm để sau này giúp chị quản lý công ty, nhưng anh cứ phớt lờ với lý do: anh đã có công việc ổn định thì học thêm để làm gì? Anh cũng không giấu ý định đang chờ hai năm nữa để đủ điều kiện thâm niên 25 năm công tác, sẽ xin về hưu để hưởng một cuộc sống an nhàn.

Từ hơn hai năm nay, họ như ở hai thế giới khác nhau, sự đối nghịch về lối sống đã đẩy họ ngày một xa. Tuy không hạnh phúc nhưng chị không ly hôn vì anh không có những tật xấu như nhậu nhẹt, cờ bạc, trai gái… Nhưng cứ tiếp tục chung sống thì chị thấy tình cảm của mình cũng phai nhạt, không còn muốn gần gũi với chồng nữa.

Các con thương, nhu cầu vật chất đến một lúc nào đó người ta sẽ thấy thỏa mãn nhưng nhu cầu yêu thương và sẻ chia thì chẳng bao giờ là đủ cả. Với câu chuyện về cặp uyên ương trên kia, nếu người chồng thấy thõa mãn về vật chất và luôn chia sẽ những yêu thương cho vợ thế mới là đáng quí. Vì chưng mỗi người có một lối sống riêng và không ai giống ai, và không ai có quyền làm chủ trên bản thân người khác. An phận như anh chồng ở chuyện trên cũng không sai khi chúng ta phải sống đối diện trong xã hội đầy bất ổn, gian trá, tham lam và lọc lừa…thì sự trong sạch chỉ có ở người an phận. Còn vươn lên như chị vợ ở trên cũng là sự thành công đáng khen. Nhưng đã qua những ngày gian khó có nhau mà bây giờ lỡ quên nhau hay đành xa nhau khi vinh hiển, giàu sang có thấy đáng tiếc không?

 

  Chồng em áo vải em thương
  Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
   Chồng khôn vợ đặng đi giày
  Vợ khôn chồng đặng có ngày làm quan.

 

“Cái khó bó lấy cái khôn” ông bà ta dạy quả không sai. Chúc các con nếu có sống trong nghèo khó, thì hãy sống trong sạch và biết vươn lên “ló cái khôn”. Đừng bị ảnh hưởng di căn nghèo của Nước Việt, nghèo của gia đình, dòng họ mà sống mất vui, thiếu đi ý nghĩa đời người thì ba rất có lỗi muôn phần với các con.

 

Chúc các con vui, khỏe và tràn đầy tự tin.

Orange County ngày 8 tháng 2 năm 2012
Ngoan Nguyễn

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.