Một người cha dẫn đứa con trai nhỏ của mình vào một gian hàng bán đồ chơi, người con sau khi đắn đo, em lựa chọn một món mình yêu thích và cầm món đồ đó đi đến thưa với cha mình:
-Ba ơi con thích món này, ba có thể mua nó cho con được không?
Người cha mắt nhìn bốn hướng rồi nhẹ giọng nói với con:
-Con hãy để xuống đấy, một chút không ai nhìn thấy ba sẽ lấy cho con, chúng mình khỏi phải trả tiền!
Người con mở cặp mắt tròn se đầy ngạc nhiên nhìn cha và nói:
-Ba có biết mình làm vậy là ăn cắp không? Ở trường cô giáo nói như vậy là ăn cắp… Mình không được ăn cắp!!!
Các con thân mến,
Ba không biết em bé ấy áp dụng “Ten commandments – Mười điều răn” vào trong cuộc sống từ những bài học giáo lý vỡ lòng ở trường Công Giáo nào, mà tuyệt vời thay nó chỉ rõ bản chất tốt đẹp khi con người làm việc tốt. Thật khen thay cho các thầy cô dạy đã dày công hướng dẫn cho các em có một ý thức đời sống thật sống động về tu dưỡng đạo đức qua những luật lệ của Thiên Chúa mà người lớn như ba của em đã quên hay cố tình quên.
Thật vậy đạo đức và lương tâm ngay chính đều dạy ta phải tôn trọng của cải của người khác, biết chia sẻ và giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Ý nghĩa của việc tôn trọng của cải người khác là không được lấy hay giữ của người khác một cách bất công, và không được làm hư hại của người khác.
Lấy của người khác một cách bất công là phạm đạo đức, là làm mờ nhạt lương tâm. Thí dụ, trộm cướp, gian lận, cho vay ăn lời quá đáng, nhận của hối lộ hoặc tham lạm của công, và đầu cơ tích trữ hoặc bắt chẹt người tiêu dùng. Ngoài ra, giữ của người khác một cách bất công là như không trả nợ, không hoàn lại của đã mượn hay lượm được, không trả tiền công xứng đáng, trốn thuế, hoặc oa trữ của gian cũng là một hình thức ăn cắp, gian lận, là thiếu công bằng.
Phật giáo cũng dạy, người Phật tử sau khi quy y rồi thì phải thọ ngũ giới, mà giới thứ hai là cấm “trộm cắp của người.” Theo đó, không được lấy của không cho dù đó là cây kim ngọn cỏ hay vàng bạc ngọc ngà… Lý do Đức Phật dạy giới này vì thứ nhất tôn trọng sự công bằng và bình đẳng. Người khác xem tài vật của họ cũng như mình xem tài vật của mình cớ sao lại lấy của của người ta! Mất tiền, mất của, mình đau khổ như thế nào thì người ta mất của cũng đau khổ như thế ấy, vậy tại sao mình muốn sung sướng trong nỗi khổ của người khác! Để nuôi dưỡng lòng từ bi: Người Phật tử không những không trộm cướp mà ngược lại phải bố thí cho kẻ khác nữa đó là thể hiện lòng từ bi, không nhặt của rơi hoặc nhặt rồi tìm người trả lại…
Chính là thể hiện lòng từ bi vậy; và để tránh nghiệp báo oán thù: không trộm cướp, tức là không làm cho người khác oán thù mình. Trộm cướp không những bị xử tội, bị tù ở hiện tại mà còn gieo oán thù ở kiếp vi lai nữa. Tội trộm cướp nếu không bị luật pháp thế gian trừng trị thì cũng không thoát khỏi nhân quả nghiệp báo. Cho nên thế gian thường nói không có toà án nào công bằng như toà án lương tâm. Lương tâm là toà án tối cao và là tòa công bằng nhất khi chúng ta đối diện với nó.
Lợi ích của “thành thật”, thứ nhất về phương diện cá nhân thì những người không trộm cướp, không ăn cắp, và gian tham thì đời sống hiện tại được bình an, tâm hồn thanh thản, gia đình hạnh phúc, và không bị mắc vào vòng tù tội giam cầm bởi luật thế gian về trộm cắp, và gian tham.
Thứ hai về phương diện xã hội, nếu không có trộm cướp, ăn cắp và gian tham thì xã hội trở nên công bằng và là một xã hội lý tưởng mà ai ai cũng thèm muốn, ra đường không ai nhặt của rơi, tối ngủ không ai cần đóng cửa, nhà nhà an vui, người người no ấm, mọi người thương yêu và giúp đỡ lẫn cho nhau.
Còn Nho giáo thì dạy: “Nhơn phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ” tạm dịch là : người phi nghĩa thì không nên giao tiếp, vật phi nghĩa thì không nên lấy, cho thấy đạo làm người coi trọng vào bản tánh lương thiện, và đạo đức biết bao.
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam có câu truyện “Nhân tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong” kể về sự tham lam của người anh và của một con chim đại bàn; cho dù là tham lam tiền của như người anh hay tham ăn uống như chim đại bàn đều dẫn đến kết cuộc với cái chết bi thảm. Truyện cổ tích đôi khi như là một công cụ để phê phán, và cũng là một phương tiện để góp phần vào việc giáo dục và tu đức cho con người.
Làm người tốt thật khó phải không các con ? Muốn sống cuộc đời tốt đẹp và với ý thức và cảm quan lành mạnh, con người chúng ta phải luôn luôn tu dưỡng bản thân hằng ngày và hằng giờ để “cái thiện thắng cái ác”, “ở hiền, gặp lành”, và người tốt bao giờ cũng được được quả báo tốt…chính từ đó con người luôn đề cao mọi đức tính tốt đẹp nẩy sinh từ mọi nổ lực, và cố gắng làm người tốt giữa bao cám dỗ như: lòng thủy chung, lòng ngay thẳng, tính cương trực, và hành động vì lẽ phải…Quan niệm về thiện – ác, tốt – xấu này làm hình thành nhân sinh quan và luân lý của gia đình và xã hội mà các con đang học hỏi ở nhà, ở trường, ở sách vở và ở niềm tin tôn giáo.
Các con thương!
Thảm trạng đất nước Việt nam ngày nay là hậu quả của những kẻ “gian dối” “tham lam” và “lừa đảo” đang nắm quyền hành trong tay. Bọn này đã thẳng tay đàn áp những con người có tư tưởng phê phán, chống đối, kể cả những người góp ý hết sức chân thành cho “cái thiện”, “cái ác” cho “cái tốt” và “cái xấu” của con người và xã hội Việt Nam. Họ lên tiếng về bè lũ tham nhũng “lấy của người” và “lấy của công” từng ngày, có phe đảng và có tổ chức. Họ là những người dân thành tâm với nỗi đau của dân tộc, nhức nhói cho vận mệnh nước nhà nhưng lại bị chụp mũ là những kẻ phản động, chống lại nhân dân, chống lại Tổ quốc, gây mất đoàn kết dân tộc. Trớ trêu thay vì làm người ngay thẳng, người tốt, và “không tham của người” mà họ bị đẩy vào tù, thậm chí không cần xét xử, ở tù vô thời hạn, bị trù dập, gây bao tai nạn do bạo hành cho chết hoặc bị thủ tiêu. Những người dân này luôn nặng lòng vì quê hương, đất nước , họ nhận rõ hoàn cảnh thực tế tại quê nhà mà cần thiết phải cất lên tiếng nói chung bảo vệ “quyền làm người”, quyền tự do và dân chủ cho mỗi chúng ta. Nhưng việc làm của họ đang thay đổi hàng ngày và có lợi cho tiến trình dân chủ cho cả dân tộc Việt.
Do đó khi các con nhìn người, nhìn việc thì hãy nhìn từ cái tốt mà học hỏi, cái xấu thì tránh xa. Lương tâm chân chính sẽ là thước đo cho chúng con sống an vui một cách đạo đức. Và dấn thân phục vụ tha nhân vì lẽ công bằng xã hội là mưu cầu hòa bình chân chính cho xã hội.
Con người rồi sẽ qua đi, danh lợi, tiền tài rồi cũng qua đi: “Phù hoa nối tiếp phù hoa. Của đời hết thảy chỉ là phù hoa”.
Chỉ còn lại một lương tâm trong sáng là vĩnh cửu.
Thương các con,
Orange County ngày 15 tháng 5 năm 2013
Ngoan Nguyễn
Views: 0