Chuyện kể rằng: Có một cô gái trẻ vừa chuyển nhà mới; hàng xóm nhà cô là một phụ nữ goá chồng, nghèo, sống với hai đứa con nhỏ.
Một ngày nọ, khu phố bị mất điện đột ngột. Cô gái trẻ đang lục lọi trong ngăn kéo bàn để lấy nến ra thắp sáng căn phòng. Đúng lúc đó thì có tiếng gõ cửa. Cô mở cửa và nhận ra là đứa bé nghèo con bà góa nhà hàng xóm. Nó hồi hộp hỏi:
– Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ? Cô gái trẻ nghĩ:
– Nhà nó nghèo đến nỗi nến cũng không có mà dùng ư? Cho nhà nó một lần, lần sau nó lại sang xin nữa cho mà xem! Thế là cô gái xẵng giọng lạnh lùng nói:
– Không có! Cô đang định đóng cửa lại thì đứa trẻ nghèo nhà hàng xóm mỉm cười nói:
– Cháu biết ngay là nhà cô không có nến mà! Nói xong, nó chìa ra hai cây nến: " Mẹ cháu với cháu sợ cô chỉ sống có một mình, cúp điện không có nến nên bảo cháu mang nến sang cho cô dùng tạm nè!"
Cô gái đứng sững sờ không nói được một lời ….
Các con thân mến!
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi cũng sẽ có những lúc chúng ta rơi vào hoàn cảnh như cô gái ở trên. Dù cho con người sống trong hoàn cảnh khó khăn hay giàu có; một mình hay hay quần thể xã hội, họ đều cần đến sự quan tâm, an ủi đến từ mọi người và mọi phía. Đừng sống quá ích kỷ mà hãy lắng nghe âm thanh của cuộc sống. Cuộc sống của các con sẽ đẹp hơn khi chúng ta biết quan tâm mọi người và biết cho đi. Xuất phát từ lòng nhân ái mà sự “Cho đi” chính là “Nhận lại” niềm hạnh phúc và tình yêu.
Với những người có lòng từ ái bao dung thì cả thế giới này là quê nhà yêu dấu, và tất cả mọi người cũng đều là những người anh em đáng được yêu thương. Không có gì có thể ngăn cản được lòng nhân ái đích thực tô điểm một cuộc sống an vui cho mọi người. Kiêu căng, ích kỷ, tham lam, oán ghét, hận thù… cũng sẽ tiêu tan trước sức mạnh của lòng nhân ái. Các con sống trong gia đình, làm việc và giao tiếp với mọi người trong xã hội có nghĩa là trao tặng lòng nhân ái của các con cho họ. Nhờ vậy, đi tới đâu các con cũng dễ cảm thấy tình yêu đang chờ đợi mình, đang chào đón mình.
Nhìn thấy con người đối xử với nhau càng ngày dường như càng tệ bạc hơn, nham hiểm hơn, một người em gái nọ ở Việt Nam viết thư tâm sự với anh trai ở xa xứ:
“Có gì vui ở đây để mà vui hở anh! Xung quanh chúng ta, mỗi ngày, trong cuộc sống, biết bao nhiêu chuyện lừa lọc, chèn ép, cướp giật xảy ra. Bao nhiêu kẻ tham ô, thoái hóa, bao nhiêu kẻ bạo quyền, giàu tiền đã khéo làm “phép lạ” đổi trắng thay đen, không thành có, có thành không; người vô tội bị kết án, còn người có tội chỉ cần có tiền, trở nên vô tội.
Các giá trị tinh thần, những truyền thống, những lề thói tốt đẹp tích tụ biết mấy ngàn đời, có sức mạnh lớn lao để đào tạo nhân cách con người, bị hạ bệ xuống hàng thứ yếu, để đồng tiền lên ngôi, vật chất trở thành ông chủ. Biết bao nhiêu người trở thành chủ nhân ông của thời đại mới, nhờ bóc lột sức lao động của anh chị em công nhân. Họ làm giàu trên nhân phẩm, trên sức lao động cật lực của người công nhân, chẳng những không biết ơn mà còn trả lại cho anh chị em công nhân bằng sự đánh đập tàn nhẫn. Biết bao nhiêu kẻ chỉ lo hưởng thụ, ăn chơi, xài phí. Biết bao nhiêu kẻ giàu có, nắm quyền hành trong tay, nhưng đê hèn và tội lỗi cho đến mức, đêm ngày chỉ suy nghĩ để tìm cách, hay người ta còn gọi là “sáng tạo những kỹ thuật mới”, nhằm hưởng lạc thú trên thân xác kẻ khác, trong khi bao nhiêu kẻ lầm than, đói khổ…”
Đường đời thì muôn vạn nẻo và cuộc sống thì không tự nó nhuộm màu hồng tươi đẹp ở trước mắt chúng ta. Hãy đặt niềm tin vào cuộc sống, vì dẫu cho đâu đó còn nhuộm màu hắc ám cho cuộc đời, thì cuộc sống vẫn còn nắng ấm của mùa xuân với bao sắc màu cần nhìn ngắm.
Các con biết rằng, năm nào ở Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long cũng bị lũ lụt. Có những cá nhân, những tập thể bỏ tiền ủng hộ anh chị em sống ở đồng bằng sông Cửu Long, mà họ rêu rao là “cứu đói”, “cứu nghèo”, nhưng chỉ là một cách khoe khoang sự giàu có hoặc để quảng cáo những sản phẩm của một xí nghiệp, một công ty nào đó, nhằm lợi dụng sự bất hạnh của người khác, mà quay ngược lại làm giàu cho chính mình. Nhưng ngược lại có biết bao nhiêu tấm lòng thực sự nhân ái hướng về thiên tai, lũ lụt trong tình nghĩa đồng bào tha thiết. Có rất nhiều tấm gương của những người con dân Việt trong nước cũng như ngoài nước góp một bàn tay, đáng quí, đáng yêu, và đáng trân trọng biết bao.
Các con biết không, nguyên cái thành phố bị đổi tên, mang tên Hồ Chí Minh đó đã có khoảng hơn 6.000 người ăn xin. Nếu các con ngồi nhẫm tính trên cả nước, chúng ta sẽ phải xót dạ rùng mình vì con số quá lớn tạo ra từ cái "đỉnh cao trí tuệ" xã hội . Thế nhưng tất cả họ, dù ăn xin thật hay ăn xin giả, đều có thể sống được là nhờ đâu? Nếu không phải là lòng nhân ái của mọi người trao tặng và cứ cho đi. Ngẫm nghĩ ra lòng nhân ái thật sự không mất đi ở nước Việt ta như người em gái trên nói phải không các con?
“Nhân” là người, “ái” là yêu. Nhân ái là yêu thương con người, tức đặt con người lên trên tất cả, ở vị trí trung tâm. Nó bao gồm cả quan tâm, tha thứ, trân trọng quyền làm người, tạo điều kiện phát huy năng lực cá nhân, chống lại các thế lưc chà đạp lên quyền con người…. Lòng nhân ái nó là sức mạnh diệu kỳ để tạo thêm sự thăng hoa và góp thêm sắc màu cho đời hạnh phúc. Nó cũng là sức mạnh diệu kỳ để nhân loại nương dựa vào nhau mà sống, mà tồn tại. Chúng ta vẫn tin rằng một con người dù “hư” đến đâu đi nữa, hay “dữ” đến đâu đi nữa, thì thẳm sâu trong đáy lòng của họ, lòng nhân ái và bản tính con người vẫn còn tiềm ẩn, nếu gặp môi trường thuận lợi, nó sẽ bùng lên như các câu ca dao sau đã minh chứng:
“Bầu ơi! Thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người chung một nước phải thương nhau cùng”.
Nếu các con chưa một lần trải nghiệm lòng nhân ái thì sẽ không thể có cảm xúc nhân ái đối với người khác được. Các con hãy trang bị hành trang vào đời vởi cả tấm lòng nhân ái gầy dựng cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau và nhất là đừng bao giờ bị quan và mất đi lòng tin về cuộc sống các con nhé!
Thương các con
Orange County, ngày 26 tháng 6 năm 2012
Ngoan Nguyễn
Views: 0