Chuyện thứ nhất kể rằng: Có hai người lái xe Honda motor trên đường phố, vì xe đông nên khi đậu chờ đèn đỏ, một người chống chân xuống đất và rồi chân người này đạp vào chân người kia. Hai người lời qua, tiếng lại rồi văng tục vào nhau; thế rồi cả hai lao vào nhau đánh nhau như những cậu bé dành giựt đồ chơi ở tuổi hồn nhiên, không biết gì. Cuối cùng cả hai người đều vào bịnh viện với những vết khâu trên thân thể và những cái răng bị gãy. Mọi người qua đường phân bua với nhau:
“Phải chi cả hai đều biết nhường nhịn nhau, một người biết xin lỗi và một người biết tha thứ thì đã không có chuyện gì xảy ra, thật là chuyện không đâu mà phải bị kẹt xe!”
Chuyện thứ hai kể rằng: Cả hai người đều là xóm giềng của nhau và cách nhau chỉ nhau có cái hàng rào, có con chó cưng nhà bên này vượt hàng rào qua bên vườn sau nhà kế bên phá và đi tiểu tiện, nhà kế bên lấy cây đuổi con cho làm nó chạy và nhảy hàng rào gãy chân. Người láng giềng chủ con chó qua cự nự đòi thưa kiện người hàng xóm; và rồi chúng nó cải nhau với những lời khiếm nhã, lời qua tiếng lại như chúng chưa từng bao giờ được nói. Rồi người chủ con chó về nhà xách súng qua nhà kế bên bắn cả nhà người ta một cách không thương tiếc như là tự cho mình có quyền sinh sát trong tay. Cả khu phố bất nhẫn vì hành động vô lương tâm và trái pháp luật; chúng nó luận bàn với nhau:
“Phải chi cả hai đều biết nhường nhịn nhau, một người biết xin lỗi và một người biết tha thứ thì đã không có chuyện gì xảy ra, thật là chuyện không đâu mà cả khu phố chịu ảnh hưởng xấu và rất buồn cho sự mất mát của cả hai gia đình!”
Chuyện thứ ba kể rằng: Vợ bảo rằng chồng đã coi thường mình và lên mặt ở nhà bên chồng khi cho rằng chị ta vô dụng và nếu không có anh ta thì không có được gia đình hạnh phúc, sung túc như ngày nay. Hai người to tiếng phân bua và tranh cãi lý lẽ như là “chồng chúa, vợ tôi” và “thượng cảng tay, hạ cảng chân” . Thế rồi vợ giận bỏ nhà về nhà mẹ, anh chồng cũng giận quá hóa điên, đem hai đứa nhỏ 8 tuổi và 5 tuổi liệng cả xuống sông. Cả làng thương tiếc cho một cặp “xứng đôi vừa lứa” có với nhau 2 con một trai, một gái đẹp như bao nhà thầm mong. Họ kháo nhau rằng:
“Phải chi cả hai đều biết nhường nhịn nhau, một người biết xin lỗi và một người biết tha thứ thì đã không có chuyện gì xảy ra, thật là vì chuyện không đâu mà một gia đình phải tan nát, cả làng và hai họ từ nay phải mất đi một gia đình năng nổ và những đứa trẻ dễ thương !”
Chuyện thứ tư kể rằng: Vùng đất Trung Đông giữa Palestine và Israel, đó là một vùng đất không có gì đặc sắc cũng không có nhiều tài nguyên hay khoáng sản độc đáo gì; nhưng nếu một người của bên này mà bị bắn tỉa chết là liền sau đó một làng của bên kia bị máy bay bên này ném bom. Cả thế giới và những người yêu chuộng hòa bình đều bức xúc và yêu cầu ngừng bắn tôn trọng thỏa hiệp hòa bình. Cả nhân loại đều lên tiếng:
“Phải chi cả hai bên đều biết nhường nhịn nhau, một bên biết xin lỗi và một bên biết tha thứ thì đã không có chiến tranh xãy ra, thật là vì những chuyện oán thù lẩm cẩm không đâu mà chiến tranh dai dẳng suốt mấy chục năm làm khổ cho nhân dân Palestine và Israel !”
Các con thân mến, qua những câu chuyện trên chúng ta thấy lời xin lỗi và sự tha thứ là sức mạnh cần thiết để đập tan mọi hận thù và những thói nhỏ nhen ích kỷ của con người hết sức mỏng dòn và nông nổi của chúng ta; Nó là thước đo của tình yêu và lòng nhân ái mà con người sống chung đụng với nhau trong quần thể của gia đình và xã hội cần phải đối diện hằng ngày và học hỏi.
Khi chúng ta đọc Kinh Thánh cựu ước, trong sách Xuất hành (Xh 21,24) khoản luật trả đũa được ghi như sau: “Mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, phỏng đền phỏng, bầm đền bầm, sưng đền sưng”. Mục đích của khoản luật này là tuy cho phép sự trả đũa nhưng ở một mức giới hạn của sự trả đũa là đúng mức cho sự bị gây hại. Ba lấy ví dụ: kẻ thù làm mình hư một mắt, mình có thể trả đũa làm cho nó hư lại một mắt ( và không được hai); nó đánh mình bầm, mình có thể đánh nó bầm lại (và không được hơn)…Các con thấy đấy thời rất xa xưa mà con người “trả đũa” nhau ở mức tối thiểu và còn tôn trọng sinh mạng của nhau huống hồ chúng ta luôn sống theo “Tinh thần và Chân Lý” của Đức Ki-Tô ngày nay “thương kẻ thù như chính bản thân ta.” mà sao lại không tha thứ cho nhau.
Các con thương, nếu theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, “máu đền máu” và “nhân quả nhãn tiền” thì chúng ta sẽ không còn đủ mắt để thấy ánh sáng, và không còn đủ răng để mà ăn cháo và không còn đủ mạng để mà sống nữa. Hơn thế nữa con người chúng ta luôn sống trong hận thù và tương tàn lẫn nhau, đưa đến một xã hội sẽ trở nên không còn an bình, công bình, và nhân loại sẽ không còn hạnh phúc.
Đức Đạt Lai Đạt Ma đã viết : “…nhớ rằng sự giận dữ là nguồn gốc đưa đến vô số hậu quả tai hại và lòng từ bi sẽ mang lại các kết quả tích cực.” “… phải luôn luôn xem ba thứ nọc độc — dục vọng, hận thù và vô minh – là kẻ thù …”
Aristo ngày xưa đã nói: “Hạnh phúc không phải là di sản, vừa không thể lưu lại vừa không thể kế thừa. Hạnh phúc không thể thập toàn thập mỹ. Hạnh phúc là điều tốt đẹp nhất, cao quý nhất, đồng thời là niềm vui sướng nhất trong tất cả mọi sự.”
Henry Cheron nói:
“Hạnh phúc là gì?
Là được yêu khi trẻ, toại chí khi đứng tuổi, thừa sinh lực lúc về già và có tiền ở mọi lứa tuổi và Hạnh phúc nhất là người đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất.”
Các con thân mến, “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu.” Đây là điều một bản tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà ba hy vọng chia sẽ với các con. Các con sống, mọi người sống và mưu cầu hạnh phúc đó là yếu tố của tự do và thăng tiến xã hội. Các con thương, các con hãy sống thương yêu và tôn trọng nhau, hãy sống cởi mở không độc đoán và có tình người, hãy sống nhường nhịn và tha thứ cho nhau như chính Đức Ki-tô đã yêu thương và tha thư cho chúng ta.
Xin chúc các con mọi an bình gặp gỡ trong Đức Ki-Tô và trong Đức Ki-Tô các con sẽ tìm thấy hạnh phúc và sự bình an.
Orange coury tháng chín 12, 2011
Ngoan Nguyễn
Views: 0