Tháng 8, 2011 vừa qua giám đốc công ty Apple, ông Steve Jobs loan báo trong thư từ chức gửi cộng đồng điện toán:
“Tôi đã từng nói, ngày nào không còn làm tròn bổn phận, sẽ là người đầu tiên thông báo cho các bạn biết. Thật buồn là ngày đó đã đến.”
Nhà tỷ phú danh tiếng nhất trong thế giới điện tử, với gia tài ước tính gần 10 tỉ mỹ kim, người ăn mặc vẫn như homeless muôn đời, người đồng khai sinh ra hệ thống computer với quả táo cắn dở và thế hệ smartphone (Iphone) và tablet (Ipad) thống trị trong thập niên vừa qua đang ở những ngày tháng sau cùng vì bệnh ung thư gan đã đến lúc không còn cứu chữa được nữa.
Không ai xài iphone, ipad mà không biết đến ông, Steven Paul “Steve” Jobs sinh ngày 24 tháng 2-1955 được biết đến như là người bước những bước tiến vĩ đại của nhân loại đi từ các máy điện toán khổng lồ IBM dùng trong quốc phòng và kỹ nghệ trở thành computer đem đến mỗi nhà. Cuộc đời của ông là một chuỗi dài sống hết sức nghèo khổ và cùng cực; không tiền đến lớp để học, ngủ thì ngủ sàn garage nhà bạn, và ăn thì ăn cơm chùa (chùa Hare Krihna). Nhưng ở ông cái gương chăm chỉ học bởi bản thân mình, sách vở và bạn bè mình. Ông từ những tìm tòi, nghiên cứu, học và hỏi cộng thêm chuyền cần tìm hiểu nên bộ óc vĩ đại và tư duy xuất sắc đã đưa Steve Jobs lên tới đỉnh vinh quang. Steve Jobs mới ngoài 50, và gia tài gần 10 tỷ mỹ kim, phải ra đi vì chứng ung thư quái ác, quả thực là đại bất hạnh trong thế giới điện toán. Thương về ông, chúng ta nghiên mình về tấm gương thành công về sự “Học và Hỏi” cộng thêm bao nổ lực phấn đấu không buông xuôi cho số phận. Thượng đế khéo trêu cho một nhân tài bạc phước và chuẩn mực của sự học hỏi và làm việc.
Có một lần, vì muốn tìm hiểu về lễ nhạc tế đàn ở thái miếu nước Lỗ mà Khổng Tử khi ấy đã thành danh vẫn hỏi đi, hỏi lại người quan xướng lễ đứng coi tế đàn từ li và từ tí- từ việc các xiêm y, lễ nhạc đến lễ đi từ ngoài vào miếu, các bậc thềm bên trái hay phải và phương hướng vào ra. Các kẽ sĩ thời đó họ rĩ tai nhau với giọng điệu chê bai, dị nghị:
“ Tưởng đâu Khổng Khâu (tên thật Khổng Tử) uyên bác và hiểu về lễ, chẳng dè không biết gì cả, gặp gì cứ hỏi.Tôi thấy anh ta hầu như không biết gì cả.”
Những lời xỏ xiên đến tay Khổng Tử, ông tự nghĩ: “Mình không biết mình hỏi là đúng theo Lễ tại sao lại cười mình…? Kẻ không biết mà cứ cho là biết mà không hỏi chính là kẻ đáng chê không xứng là bậc đại nhân, trí sĩ.”
Mở đầu quyển Đại học Khổng Tử bảo: “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.” (tạm dịch là : “cái học là đường làm sáng cái đức, mở mang trí tuệ nơi con người, và hướng tới mọi sự tốt đẹp.”) Đây chính là cái gốc của “Học” và “Hỏi”.
Nó nói lên mục tiêu của sự học hỏi ở các bậc đại nhân, trí sĩ; Mục tiêu đó là học hỏi để làm cho tâm trí của mình được sáng tỏ, và khi tâm trí mình được sáng tỏ mở mang thì hãy đem sự hiểu biết của mình mà giúp đỡ và khai hóa mọi người làm cho dân chúng được tiến bộ, và đưa nước nhà tới sự tốt đẹp.
Các con thân mến, Khổng Tử là một trong bảy triết gia nổi tiếng của Trung Quốc được biết đến bởi gương “Học và Hỏi”. Ở ông những gì muốn học rõ là phải hỏi để tìm hiểu cặn kẻ mọi điều thì mới là cái “Lễ” của kẻ trí, kẻ sĩ. Thật là đáng cho chúng ta nghiên mình mà học hỏi con người học vấn uyên bác nhưng lại rất khiêm nhường.
Các con thân mến, “Học và Hỏi” là hai yếu tố không thể thiếu của người đèn sách đến trường, và cũng không thể thiếu của những người muốn tiến thân trên con đường học vấn ở trên đất nước tự do này. Cái học thì bao la, bát ngát và tiếp thu nó thì có sự khác biệt dựa vào cách học và hỏi và phương pháp học và hỏi nhưng cái đáng quí nhất là không buông xuôi cho số phận như (gương Steve Jobs) và lời dị nghị chê bai (gương Không Tử.) Ba lấy ví dụ nhé:
Người giàu có tiền thì mướn thầy về dạy cho con cái họ, còn gia đình mình đủ ăn thôi không tiền mướn thầy cho các con thì các con tự học bằng những phương pháp của Khổng Tử hay Lê Quí Đôn như là học trên sách vở, hỏi từ thầy, hỏi lại bạn, và hỏi những người mà mình có thể mắt thấy tay nghe và cẩn thận ghi chép lại các con nhé !
Người ta tư chất thông minh hay thần đồng từ nhỏ thì “học một biết mười” còn mình tư chất bình thường thì “ học một biết một vậy” cũng không làm nhọc công thầy, không phụ lòng cha mẹ, và cũng không xấu hổ lắm đâu các con nhé !
Người ta nổi danh từ mảnh bằng của các trường UC danh tiếng, còn các con thì cũng đừng coi thường mảnh bằng của mình từ những trường khác tầm thường hơn. Nhưng các con hãy nhớ rằng tài năng của các con sẽ được coi trọng và nổi bật khi các con luôn tìm tòi “Học Hỏi.” và biết thi triển như Steve Jobs vậy.
Các con thương, hở “Học” thì phải “Hỏi” mới biết đó là logic về tiếp thu và lấp đầy những lỗ trống kiến thức mà mỗi người ham học đều trân quí. Steve Jobs đâu có một cái bằng Đại học nào đâu nhưng các trường Đại học luôn mời ông về để phát bằng Tiến Sĩ danh dự. Không phải vì nịnh bợ ông nhưng vì cảm phục những gì ông đã tìm tòi học hỏi và cống hiến cho nhân loại. Các con đừng bao giờ vì lời dị nghị, chê bai mà nản lòng học hỏi; cũng đừng bao giờ các con tự họm mình đã không biết mà luôn vỗ ngực ta đây trí tuệ uyên bác mà chỉ chuốc mất mặt và xấu hổ. Các con nên nhờ rằng “núi cao còn có núi cao hơn” mà luôn khiêm nhường học hỏi con nhé !
Xin thương chúa tình thương nâng đỡ các con trong mọi gian khó trong đức khiêm nhường và mọi nghị lực khi học hỏi để mọi điều hay đều trở thành gương thành công và là người hữu ích cho xã hội.
Thương các con nhiều !
Orange County ngày 21, tháng 9 năm 2011
Ngoan Nguyễn
Views: 0