Chu văn An, một người thầy nổi tiếng là cương trực và khó tánh, đối với kẻ xấu thì ông la mắng, quát tháo nhưng học trò theo ông thì luôn đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ.
Những học trò của ông là Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đã làm tới chức hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm ông thì lạy hỏi ở dưới giường, thỉnh an và hỏi chuyện; được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm vui mừng lắm. Thật thấm thiết thay một tinh thần “Tôn sư, trọng đạo” mà muôn thế hệ còn nhắc nhở.
Mới đây, một học sinh lớp 11 trường trung học ở Quảng Ngãi giơ tay xin được phát biểu ý kiến trong lớp. Không hiểu sao, cô giáo không đồng ý, và rồi trong lúc bực tức vì cô giáo bất chấp lời thỉnh cầu của mình, em học sinh đó đã dùng lưỡi lam cắt đứt gân cổ tay, máu chảy đầm đìa để tỏ rõ thái độ của mình.
Cũng là duyên thầy trò, nhưng sao thế hệ trẻ ngày nay đã mất rồi nét “Tôn sư, trọng đạo” mà ngàn năm dân tộc Việt vun đắp.
Ông bà ta xưa kia thường nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” , một chữ
cũng là Thầy, nữa chữ cũng là Thầy. Thầy cho ta kiến thức và đạo lý làm con người. Chính vì thế mà ông cha ta thường hay ví von: “Không thầy đố mày làm nên”…cho thấy cái ân cao vời của người thầy dạy dỗ ta nên một người hữu ích cho xã hội, cho gia đình không phải là một cái ân nhỏ. Trong “Quân, Sư, Phụ” mà Khổng giáo nói tới, “Thầy” đứng ở bậc thứ hai sau “Vua” và trên cả cha mẹ sinh ra ta. Nó cho ta thấy cái tinh thần “Tôn sư, trọng đạo” hay sự biết ân đối với người đã truyền đạt kiến thức cho ta hơn là những oán hận, căm thù với những người thầy khó khăn, hay quát mắng và phạt vạ ta.
“Muốn sang thì bắc Cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Các con thương !
Thế hệ các con ngày nay, khác rồi so với những thế hệ đã qua. Các con không coi trọng ân nghĩa “Thầy, Cô” hay “Cha, Mẹ” là người có công rất lớn đối với các con. Các con thích được mọi người nuông chiều và lắng nghe các con hơn là có ai đó trách phạt, la mắng hay làm phật ý các con. Từ cái ân bao la của “thầy” của “Cha, Mẹ”, các con đã biến nó trở thành cái oán, cái hận mà thầy, cô hay Cha, mẹ răn dạy các con khi muốn con nên người hữu ích cho xã hội như mẫu chuyện ở trên.
Khấu Chuẩn, người đời nhà Tống, đất Hạ Bì, lúc nhỏ là một cậu bé lêu lổng, ham chơi. Bà mẹ vốn là người nghiêm khắc, nên thường hay quở phạt ông. Tuy nhiên, tính nào vẫn tật ấy, Khấu Chuẩn vẫn không thay đổi. Một hôm, ông trốn học đi chơi, bà mẹ giận quá cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa… Từ đó, ông đã bỏ hẳn tính lêu lổng phóng túng, chỉ lo chuyên cần học tập. Về sau đỗ đạt, ông được bổ làm tể tướng. Mỗi khi sờ đến vết sẹo ở bàn chân, ông khóc nức nở: “Chính vết thương này đã làm ta nên người”.
Ở tỉnh Tiền Giang, có một người mẹ già chỉ vì rầy la đứa con trai hư đốn, gần 30 tuổi đầu mà cứ ham chơi để bà phải làm lụng nuôi nấng như con nít; thế là thằng con nghịch tử dùng dao sát hại mẹ ruột dã man rồi đem chôn gần nhà. Khi bị bắt giữ, gã thanh niên này đã thản nhiên khai nhận tội ác của mình khi ra tay sát hại chính người mẹ ruột, như là một kẻ xa lạ.
Cả hai câu chuyện trên, cũng cùng là bị cha mẹ la rầy hay đánh phạt, và cũng chỉ vì muốn con mình nên người. Nhưng một đàng cha mẹ dạy con, con sanh oán hận mà ra tay sát hại đấng sinh thành dưỡng dục ra mình; còn một đàng cha mẹ dạy con, thì nhớ ân cha mẹ của mình khi trưởng thành, đỗ đạt mà mẹ cha không còn để mà phụng sự.
Nguyễn Công Trứ ngày xưa từng khẳng định:
“Có trung hiếu nên đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây.”
Các con nên biết rằng, chúng ta không từ đất nứt sinh ra mà thành và công danh của các con không tự nhiên mà có được. Thân xác mọi người nhờ ân đức cha mẹ mà có được, và công danh sau này chúng ta thành đạt cũng là nhờ một phần lớn công lao của Cha mẹ, và thầy cô hy sinh và đào tạo. Tại sao các con lại có thể ôm lòng oán hận cha mẹ được khi cha mẹ khó khăn răn đe chúng ta để chúng ta có đủ hành trang mai sau trưởng thành vào đời. Ba không muốn bàn tới nhiều về các vấn đề bạo hành hay ngược đãi trẻ em trong gia đình của xã hội đương đại…nhưng ba chỉ muốn nhắc đến cái “Ân” rất lớn của Cha mẹ đã đưa chúng con vào đời, cho dù rằng đôi khi chúng ta thật sự không muốn.
Con người có thói quen chóng quên chuyện ân nghĩa, nhưng chuyện oán thù thì nhớ đời đời. Có người ân tình thì không màn đến nhưng oán hận thì: “Sống để bụng, chết mang theo.”
Còn có người thì quan niệm: “Ân đền, oán trả hay báo thù mười năm cũng chưa muộn.”
Nhưng có mấy ai biết đựơc rằng chuyện ân, oán chính là những nguyên nhân, dẫn dắt và nhận chìm con người trong biển khổ đau không bao giờ dứt và là hiễm họa của sự chia rẽ, lạc hậu và phân hóa nếu con người không biết tìm cách thoát ra.
Các con đã thọ nhận sự giúp đỡ, sự quan tâm, sự chiếu cố, bất cứ đến từ đâu hay bất cứ do ai làm, dù lớn lao hay nhỏ nhặt đến đâu, các con phải biết tri ân và báo ân. Tức là các con phải biết ơn và đền ơn mặc dù người ra ơn không còn nghĩ đến. Nước mắt không bao giờ chảy ngược; Thầy, cô hay cha mẹ khi nuôi nấng, day dỗ các con không bao giờ họ nghĩ đến sự báo đáp đến từ phía các con; thì cớ gì sự oán hận lại đeo mang theo các con khi các con không hài lòng với người đã có ơn với mình. Chuyện đời cũng xảy ra không hiếm sự bất công, nhưng các con nên tin rằng Thượng đế rất công bằng với tất cả mọi người.
Trên cõi đời này, chuyện ân nghĩa biến thành oán thù rất dễ dàng, như trở bàn tay. Nhưng ngược lại, chuyện oán thù trở thành ân nghĩa thực là khó khăn vô cùng, mấy ai dễ làm được. Chỉ có những bậc thánh nhân, hoặc những người biết tu tâm dưỡng tánh, tức là những người muốn sống trong ân nghĩa, an lạc và hạnh phúc thực sự, mới có thể thực hành được mà thôi.
Cụ Nguyễn Du xưa kia hữu tâm đã viết:
“Thiện căn kia bởi lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.”
Các con nên nhớ rằng chữ “tâm” là cái thiện trong chúng ta; nó không phải do cầu xin, van vái, mới có được. Nó đến từ sự giáo dục và tu dưỡng của những người dạy dỗ các con và trong chính bản thân của các con. Nó chính là: lòng biết xót thương, lòng ngay thẳng, thành thật, lòng cảm thông, tha thứ, lòng hy sinh, và biết chia sớt, bố thí…
Xin chúc các con nhận thức rõ ân, oán mà trải tấm lòng vị tha để học hỏi cái tâm và thi thố cái ‘tài’ của các con trong cuộc sống đương đại.
Thương các con.
Orange County ngày 19 tháng 10 năm 2012
Ngoan-Thùy-Dương
Views: 0