Cách đây ít tuần sau khi kết lễ Chủ Nhật đi ra về, Bác Tám tụi con có đỡ và dìu một ông cụ loạn choạng sắp té trước sân nhà thờ.
Không biết vì tim mệt hay lên máu đột xuất của tuổi xế chiều mà cụ không thể kiểm soát nổi bàn chân và thân người của mình để “chân nam đá chân chiêu” mất thăng bằng muốn té ngã. Hôm nay lại nghe Cha chánh xứ rao là cụ đã qua đời ở tuổi ngoài 70 và trước khi qua đời cụ cố dúi vào tay Cha $3000 dollars tiện tặng để giúp vào quỹ “Đời Đời cho Chúa Kitô”- một quỹ xây dựng nhà thờ kiếng, nhà thờ chính tòa của quận hạt Orange county, miền nam California tương lai. Nói thật ra không ai trên thế giới không biết “Quận Cam” là thủ đô của cộng đồng Việt Nam tị nạn cộng sản nói chung và của giáo dân Công giáo Việt Nam nói riêng trong một niềm tin đã “38 năm” vì tương lai tiếp nối và vì quê mẹ tự do.
Các con thân mến!
Ba không biết tên cụ là gì ? chỉ biết cụ hay xướng kinh trước lễ và đàn organ giúp cho nhà thờ. Cuộc sống thật vô thường phải không các con? “sanh ly tử biệt” nào ai hay được; nhưng có một điều chắc rằng, 38 năm về trước tất cả các người như cụ đến nước Mỹ này chỉ ở vào tuổi tráng niên, đầy nhiệt quyết. Họ lìa đất mẹ Việt Nam vì tránh cái hiểm họa Cộng Sản tù đày, vô nhân tính…để xây dựng một tương lai và một niềm tin cho dù rất mù mịt. Niềm tin vào ngày mai ấy là động lực giúp cho thế hệ các cụ sống và xây dựng nên cộng động Việt Nam vững mạnh về “chất” lẫn cả về “lượng”.
Khó khăn và gian nan luôn bao trùm thế hệ các cụ. “38 năm” về trước có thể các cụ ở “share phòng” một vài trăm bạc, ăn uống đạm bạc, và làm những việc cu ly cực nhọc…nhưng con cái của các cụ bây giờ là kỹ sư có, Bác sĩ có, Tiến sĩ cũng có…và ở nhà không còn là “share phòng” nữa mà là nhà bạc triệu cơ.
Niềm tin tôn giáo bị bóp nghẹt ở Việt Nam Cộng sản, nhưng ở những giáo xứ Mỹ, Mễ tạm dung này, thế hệ các cụ xây dựng niềm tin vào ngày mai trên nền tảng “Đức Tin”; cùng làm việc tông đồ và quyên góp xây dựng nhà thờ ở khắp quận Cam để lo đức tin cho con em mai sau…Trãi qua 38 năm, ngày nay ở quận Cam này, chúng ta đã có 14 cộng đoàn công giáo Việt Nam lớn mạnh trong tình yêu và ơn nghĩa Chúa.
Các con thương!
Không biết từ bao giờ câu “Ngày quốc hận” hay “tháng tư đen” lại lan truyền trong cộng đồng tị nạn và trở thành cửa miệng khi nhắc về biến cố đổi đời 1975. Ba tin chắc chắn câu nói ấy là của người dân Việt Nam tị nạn sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975; thế hệ mà ngày xưa khi Ba đi vượt biển bị bắt, phải đi tù đày học tập cải tạo vì cho là “phản quốc”…nhưng bây giờ đó là khúc ruột “ngàn dậm” không thể thiếu được – vì mỗi năm 10 tỉ Mỹ Kim tiền kiều hối chiếm 60 tới 70% nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thật là con số không nhỏ! Thật trớ trêu thay, 38 năm đời lưu vong, tị nạn chúng ta đã cho thế giới biết, nhận ra và không ai có quyền nghi ngờ về sự mất nước của người dân Việt nam Công Hòa yêu chuộng tự do và nhân quyền nữa; và cũng không ai còn nghi vấn về cái chế độ phi nhân, phi dân chủ “Xã Hội Chủ Nghĩa – Đỉnh cao trí tuệ” mà “bên thắng cuộc” đã cố công che đậy bao năm qua.
Theo nhà sử học Trần Gia Phụng và theo tài liệu của UNHCR, The State of the World's Refugees – Fifty Years of Humanitarian Actions, sau biến cố 30-4 đã có khoảng 150 ngàn quân cán chính của VNCH phải bỏ nước ra đi lập tức. Trong đó khoảng 140 ngàn người đã đến Hoa Kỳ, còn lại là đến các nước khác. Cũng theo số liệu của Cao Ủy về Người tị nạn Liên Hợp Quốc UNHCR thì sau đó đã có 989,100 người vượt biên, vượt biển đến được các trại tị nạn (tính đến 1995). Một con số đau đớn khác là đã có khoảng 400 đến 500 ngàn thuyền nhân đã chết vì những tai nạn và nạn cướp biển trên biển Thái Bình Dương. Tổng cộng cho đến ngày nay đã có khoảng trên 1 triệu 500 ngàn người Việt đã phải bỏ nước ra đi bằng nhiều con đường. Và ngay lúc này, nếu được phép ra đi và ra đi thành công, có thể quả quyết rằng: Người dân Việt Nam sẽ đi hết, chỉ còn lại bộ máy cầm quyền mà thôi.
Người dân Miền Nam đã chịu bao nhiêu mất mát và tan tóc sau 30-4-1975 năm, còn đối với người dân Miền Bắc và cả nước sau này đã chứng kiến thành quả của cuộc chiến tranh tương tàn đem lại cho họ điều gì? 38 năm qua họ vẫn thua kém Thái Lan, thua Singgapore, và thua cả Indonexia rất nhiều nhiều năm phát triển. Những nước này trước đây đều bị quốc tế đánh giá là nghèo hơn VNCH rất nhiều.
Xem qua “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức chúng ta mới thấy rằng những người dân sống ở miền Bắc trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, họ hy vọng rằng, theo như lời phủ dụ của nhà cầm quyền Hà Nội, sẽ vào miền Nam giải thoát sự kềm kẹp, sự đói nghèo cho đồng bào ruột thịt, nhưng nào ngờ, khi vào đến miền Nam, họ nhìn cảnh sống và lối sống ở đây đã không giống như bức tranh vẽ của “chánh phủ” họ, mà ngược lại họ thấy rằng bức tranh đó không phải cho người miền Nam, mà chính là bức tranh vẽ rất chính xác đời sống của người dân miền Bắc từ năm 1954 đế ngày hôm đó, và lại càng chính xác cho tận đến ngày hôm nay sau 38 năm dài. Tuy vậy, họ đã cám ơn người dân miền Nam đã mở mắt, mở trí nảo để họ thấy tự do, phồn thịnh thật sự là như thế nào. Nhưng hởi ơi sự u mê tâm tối và đà say chiến thắng đã làm họ quên đi mục đích cao cả của cả dân tộc để rồi 38 năm qua chỉ là nổi đau cho nhân dân miền Nam.
Các con thân thương!
38 năm qua, với bao nhiếu thế hệ tiếp nối, các con bây giờ là những người Mỹ gốc Việt, nói tiếng Mỹ thạo hơn nói tiếng Việt nhưng niềm tin vào ngày mai vẫn còn đó cho tương lai chúng ta và cho dân tộc chúng ta. Chúng ta không mong thù hận, đau thương và chết chóc như chúng ta đã từng bị chà đạp, bị đối xử như con thú bởi bọn người cộng sản vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo, chúng mang cái chủ nghĩa ngoại lai, cái quái thai của nhân loại, đè đầu cởi cổ dân ta và bắt dân ta lòn cúi bọn xâm lược ngoại bang; chúng ta chỉ muốn hòa bình, yêu chuộng tự do và khát khao một niềm tin tôn giáo…cho tất cả mọi người và cho quê hương Việt Nam.
Mến chúc các con, thế hệ tiếp nối mãi là cây câu nối của hòa bình và của sự thịnh vượng, của hôm nay và của ngày mai trên quê hương Mỹ thứ hai này và cho cả Việt Nam; nơi mà các con gọi là:
“Mẹ Việt Nam”
Orange county ngày 30 tháng 4 năm 2013
Ngoan Nguyễn
Views: 0