Uncategorized

Chuyện kể cho con : Sống có nhân, có đức

Hôm qua bé Thư lại hỏi Ba về những cụm từ rối rắm như là: “ Có đức mặc sức mà ăn”, “ Nhân nghĩa tựa thiên kim (nhân nghĩa đáng ngàn vàng)”

Hôm qua bé Thư lại hỏi Ba về những cụm từ rối rắm như là: “ Có đức mặc sức mà ăn”, “ Nhân nghĩa tựa thiên kim (nhân nghĩa đáng ngàn vàng)”

Chẳng qua chỉ là mẩu chuyện giữa ba và bà Ngoại trao đổi trong lúc hàn huyên về cuộc sống nhưng ba rất ngạc nhiên và bất ngờ là cô gái bé nhỏ của Ba lại xen vào muốn học và đòi hiểu thêm tiếng Việt. Nhìn cặp mắt tròn xoe ánh lên sự ham muốn để nghe ba kể chuyện và học hỏi ba lại dặn lòng phải thêm thời gian giải thích cho các con hiểu thêm tiếng Việt và lối sống nhân nghĩa của dân tộc ta.

Các con thân mến,

 

Cuộc sống của chúng ta trải dài từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành và xế bóng già nua gầy yếu. Các con sống ở đời, qua bao nhiêu học hỏi bon chen và làm việc…rồi cuối cùng khi nhắm mắt ra đi chỉ hai bàn tay trắng mà thôi. Mọi cái các con gom góp, gầy dựng và tiền tài cho cả đời chỉ như bụi đất, phủi một cái là bay đi hết (chết tức là hết!), còn cái đức, cái nhân nghĩa mới là thứ đáng giá ngàn vàng cần phải vun đắp, giữ gìn.

 

Các con thương,

 

“Sống có đức” ở đây có nghĩa là sống đúng theo luân thường đạo lý hay nói nôm na là sống phải theo phép tắc (luân thường) . Hơn nửa, lối làm việc và cách ăn ở (đạo lý) cũng tuân theo phép tắc. Nói rộng ra cho dể hiểu “sống có đức” là những lề luật về cách sống, cách hành xử của con người trong quần thể xã hội. Đây cũng là một sự phản ánh về quan hệ xã hội giữa người với người, giữa thiện và ác và giữa cái tốt và cái xấu. Ba lấy ví dụ:

 

Một người giúp việc tốt bụng làm công trong một gia đình đã 9 năm, chị được chủ nhà rất tin tưởng, thân thiết như ruột thịt. Ngoài mức lương luôn khá hơn những “đồng nghiệp” xung quanh một chút, chị còn được chủ nhà giúp tiền xây cho gia đình chị với mẹ già một căn nhà tươm tất che mưa, che nắng.

 

Nhưng cũng là người giúp việc, một cô bé mới 18 tuổi đã giết chết chủ nhà một cách dã man nhằm cướp của, để rồi bây giờ phải nhận mức án 18 năm tù. Cha mẹ đau lòng, xã hội nhức nhối, và tương lai của cô sau này sẽ ra sao?

 

Một cậu sinh viên programer mới ra trường làm trong một công ty điện toán. Bắt đầu với mức lương “basic”. Chẳng hề gì, cậu cần mẫn học hỏi đàn anh để hoàn thành bằng được trách nhiệm của mình. Chẳng bao lâu sau cậu thành thạo mọi việc, rồi những dự án cậu quản lý chẳng ai phải phàn nàn. Sau 5 năm, bây giờ cậu là một trong những trụ cột của công ty rồi, không những lương thưởng cao công ty còn chia cổ phần để gắn bó với cậu lâu dài.

 

Cũng vậy cậu sinh viên này có cô bạn cùng lớp đại học luôn tự coi mình là “ngôi sao tương lai”, đi xin việc ở đâu cũng khoe khoang về những khả năng “hơn người”. Bởi vậy khi nhận được công việc bình thường cô cho rằng không “xứng tầm”. Sau khi làm một thời gian chẳng có gì thay đổi, cô kết luận “sếp” không biết đánh giá “đúng chất” con người, cô tìm một công ty khác. Nhưng lãnh đạo của công ty mới hình như cũng không biết “nhìn nhận”, chẳng mấy chốc cô lại chán. Rốt cuộc, 5 năm trời nay cô chạy hết công ty này sang công ty khác để “thử việc”. Cô stress và cũng chán ngán cảnh này và thường than vãn với mọi người là “không hiểu sao số tôi đen thế”.

 

Theo các con, lối sống thế nào ở những câu chuyện trên là “sống có đức” và đúng theo “đạo lý luân thường”. Tất nhiên “có đức mặc sức mà ăn” như mẫu chuyện của người giúp việc tốt bụng được chủ trả công và anh sinh viên mới ra trường nhẫn nại và làm việc cần mẫn để gặt hái mọi thành công.

 

“Nhân và Nghĩa” là hai nhân tố đứng đầu trong ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín. Đây là năm điều phải hằng phải có khi sống ở đời (ngũ thường) mà người Việt Nam chúng ta ảnh hưởng rất nhiều bởi nho giáo, với:

Nhân: là lòng từ thiện, có tình người
Nghĩa: là việc nên làm, cư xử công bình
Lễ: sự lễ phép, hòa nhã và tôn trọng
Trí: khôn ngoan, sáng suốt, thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác
Tín: Giữ đúng lời, đáng tin cậy

 

Để sống có “Nhân”, có “nghĩa” tức là con người sống phải có tình người và thực thi công bằng, bác ái. Ba xin mượn dụ ngôn của Chúa Giêsu về người Samraria nhân lành làm ví dụ:

 

Có một người từ thành Jerusalem xuống thành Jericho, lâm vào tay kẻ cướp, nó trấn lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để ngươi đó nửa sống nửa chết. Một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Levite cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Samaria đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả công.

 

Theo các con, ai trong ba người đó là người lân cận với kẻ bị cướp? Đó có phải là người Samaria, người bị khinh miệt và đố kỵ vào thời bấy giờ, đã lấy lòng thương xót mà đãi người; người Samaria đã sống có tình người và thực thi công bằng bác ái và sống có “nghĩa” có “nhân”.

Nói đến đây ba lại nhớ đến một câu truyện trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam với câu thành ngữ bất hủ:

“Cứu vật, vật trả ơn.
Cứu nhân, nhân trả oán”

 

Một câu chuyện mà các con cần đọc tham khảo hơn là áp dung vào đạo lý làm người. Vì nếu các con cứu người mà sợ phải gặp lấy oán hay phải đau khổ, tai ương cho mình thì các con sẽ dửng dưng như các thầy thượng tế hay Levite trong truyện dụ ngôn ở trên. Lúc đó các con sẽ trở thành những con người sống không có tình người, không bác ái và không có trái tim.

Các con thân mến,

 

Đời người rồi cũng qua đi, nhưng những việc mình làm tiếng tốt, tiếng lành sẽ còn mãi với mọi người từ mọi việc chúng ta làm cho gia đình, cho cộng đồng, cho dân tộc, và cho đất nước:

 

“Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng, vẫn còn trơ trơ.”

 

Chúc các con sống làm người luôn vui vẻ, cởi mở và làm những việc đáng làm. Hãy thực thi đức bác ái và hãy sống có nhân, có đức.

Thương các con nhiều.
Orange County, ngày 12 tháng 1 năm 2012
Ngoan Nguyễn

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.