Chuyện kể rằng: Một lần, Phật đi giáo hóa ở vùng có nhiều người tu theo Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật mà mắng chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau không tiếc lời rủa xả. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
-Ngài có điếc không?
-Ta không điếc. Đức Phật trả lời.
-Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
Đức Phật đáp:
-Này tín đồ Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
-Quà ấy về tôi chứ ai.
-Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.
Từ xưa đến nay, nhân loại đã biết rằng: Vua tin lời thị phi thì quần thần bị hại, triều đại sẽ sụp đổ. Cha mẹ tin lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ, cha, mẹ và con cái bất hòa. Vợ chồng tin lời thị phi thì gia đình sẽ mất hạnh phúc, li dị, gia đình ly tán, tan nát. Nhưng có mấy ai tìm ra cách vượt thị phi để được sống an vui và hạnh phúc?
Thị phi: Thị có nghĩa là đúng, là tốt đẹp, phi có nghĩa là sai, là xấu, là không tốt. Nói một cách dễ hiểu, thị phi là đúng sai không phân biệt.
Dân gian ta phân tích sâu xa hơn, thị phi là sự gièm pha, bàn tán, chê bai người này hay người khác, việc này hay việc khác, nhà này hay nhà khác…Thị phi là hình thức nói xấu sau lưng người khác, “nói hành, nói tỏi” gây chia rẽ nội bộ, xâu xé tình thân, nguy hại gia đình, và còn hơn thế nữa là chửi rủa, hạ nhục, đánh nhau và giết chóc lẫn nhau…
Khen chê là chuyện thường tình của thế gian. Thương thì “khen lấy khen để,” ghét thì nói “bỏ xó chó chê”, đây là chuyện bình thường, nhưng cũng sẽ bất thường nếu con người không hiểu rõ đúng sự thật, và tầm ảnh hưởng của nó. Cần phải ý thức được rằng phàm làm bất kỳ một công việc gì thì sẽ có người chê và cũng sẽ có người khen, chúng ta cũng đừng hãnh diện vì lời khen và cũng đừng nản lòng về lời chê trách.
Thời Hi-lạp cổ đại, triết gia Socrates là một người nổi tiếng về sự thông thái khôn ngoan và được nhiều người ngưỡng mộ. Một hôm có một người quen đến nói thì thầm vào tai ông rằng :
-Ông có biết chuyện gì mới xảy ra cho ông bạn thân của ông hay không ?
Socrates liền nói :
-Khoan đã. Trước khi nghe ông kể câu chuyện đó, tôi muốn ông cùng với tôi xem xét để sàng lọc ba bước về câu chuyện đó đã.
Người kia hỏi lại :
-Xem xét để sàng lọc ư ?
– Đúng vậy. Socrates đáp: Bước sàng lọc thứ nhất là xét về sự thật : Ông có cam đoan với tôi rằng những gì ông sắp nói ra về ông bạn thân của tôi hòan tòan chính xác hay không ?
Người kia trả lời :
-Không chắc lắm. Thật ra tôi chỉ được nghe người khác thuật lại mà thôi.
Socrates liền nói :
-Được rồi. Bây giờ qua bước sàng lọc thứ hai là Xét về thiện ý: Điều ông sắp nói ra với tôi có phải là điều tốt đáng biểu dương không ?
-Không phải điều tốt, mà còn ngược lại ! Người kia đáp lại.
Socrates tiếp tục :
-Như vậy là ông đang định nói một điều không tốt về người bạn thân của tôi. Nhưng ông lại không chắc điều đó có phải là sự thật hay không. Bây giờ là bước sàng lọc cuối cùng là xét về lợi ích : Câu chuyện ông sắp nói với tôi có mang lại lợi ích gì cho tôi không ?
Người kia đáp :
-Không. Thực sự là không !
Bấy giờ Socrates mới ôn tồn kết luận như sau:
-Vậy thì những điều ông muốn nói với tôi không phải là sự thật, không phải là điều tốt đáng biểu dương, và cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho tôi. Thế thì ông nói nó ra với tôi làm chi?
Ngày nay chúng ta đang sống trong một thời đại công nghệ cao, đi đến đâu cũng “free wifi”, đâu đâu cũng có iphone, ipad, android, tablet, laptop…để kết nối với cả hoàn vũ. Khoảng cách liên lạc giữa người và người, giữa tình thân như ngắn lại, nhưng ngược lại lòng người mấy ai được thẳng ngay và dễ dò. Nói xấu và thị phi hầu như là virus cúm, dịch bệnh, nó lây lan nhanh chóng và di chuyển không thể lường trước được. Nhẹ thì dùng mạng thông tin, mạng xã hội như Facebook, twister, Google+ …nói xấu, chửi xéo, ném đá nhau…, nặng thì dùng cả nhà, dòng họ, cả group, cả company để sỉ nhục nhau, hạ uy tính nhau, cạnh tranh không lành mạnh, tuyên truyền những tư tưởng tai hại, đầu độc lớp trẻ, thanh thiếu niên, xuyên tạc cả một chế độ, một quốc gia ..v..v.. Tất cả những hình thức này là đi gieo thị phi.
Khi chúng ta nói xấu người khác chẳng qua là vì ganh ghét họ. Chúng ta muốn được mọi người tôn trọng và đánh giá cao như người kia vậy. Từ trong thâm tâm, chúng ta nghĩ rằng: “Nếu những phẩm chất người kia xấu thì dĩ nhiên phẩm chất mình tốt hơn”. Chúng ta đàm tếu, thị phi để giành lấy sự tôn trọng và đánh giá cao của người khác cho mình nhưng ngược lại chính chúng ta càng hạ thấp danh dự và nhân phẩm của mình qua việc nói xấu người khác.
Người hứng chịu thị phi, bị nói xấu nếu không biết cách đối phó, không đủ bản lĩnh để vượt qua thường sẽ khổ đau và mệt mỏi tâm trí vô cùng. Họ bị “stress”, hụt hẫng, mất phương hướng…dẫn tới bị bệnh. Vì vậy hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng trách móc người khác chỉ vì lỗi lầm của họ bởi: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”. Tiếng thị phi của thế gian độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người mà không thấy máu.
Hãy tập thói quen khen ngợi người khác là một việc mà chúng ta cần phải thực tập trong quá trình tu đức của mình. Nếu chúng ta thường nghĩ đến những tài năng, những phẩm chất tốt của người khác thì chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn và người khác cũng vậy. Chúng ta sẽ tạo được mối quan hệ tốt đẹp với người khác, từ nơi sở làm và gia đình của chúng ta, môi trường làm việc cũng như hoàn cảnh sống của chúng ta sẽ hòa hợp hơn, tốt đẹp hơn.
“Gieo nhân nào thì gặt quả ấy”
Nếu chúng ta gieo yêu thương thì gặt hạnh phúc, gieo thù hận thì sẽ gặp khổ đau. Gieo những hạt giống từ những hành vi bác ái, công bằng ở trong tâm thức của mình, chúng ta sẽ tạo nhân duyên cho những mối quan hệ chan chứa tình người và cho sự thành tựu trong cuộc sống đời thường.
“Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Orange county tháng 9 ngày 09 năm 2015
Ngoan Nguyễn
Views: 0