Uncategorized

Chuyện Kể Cho Con: Giai Thoại về Lòng Chúa Thương Xót (Kỳ I)

Vào dịp phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30/4 năm 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt tên cho Chúa nhật tiếp liền sau Đại Lễ Phục Sinh là Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, để kính nhớ việc Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng.

Vào dịp phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30/4 năm 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt tên cho Chúa nhật tiếp liền sau Đại Lễ Phục Sinh là Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, để kính nhớ việc Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng. Truyền thống Giáo hội đã coi đây như là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.

Hôm nay, ba muốn chia sẻ với các con về suối nguồn của lòng thương xót này, qua những ấn tích con người từ những vị Thánh Tông đồ của chúng ta để cảm nhận về lòng thương xót vô biên của Chúa nhằm giúp chúng ta xa khỏi mọi cám dỗ và sự dữ…

Một Tông đồ điển hình nhất về lòng chúa thương xót là Đức giáo hoàng Gioan 23, vị Thánh của lòng nhân hậu và hay thương xót của Chúa. Trong tác phẩm “Thiên Chúa mà tôi không tin”, Cha Juan Arias đã viết:

Hồi ấy, ngài đang làm Giáo chủ Venise. Ngài được báo cáo về tình trạng của một vị linh mục mà ngài coi sóc có đời sống trụy lạc gây gương mù gương xấu cho mọi người. Ông này thường lui tới một nơi không mấy xứng đáng với hàng Giáo sĩ. Một hôm, ngài quyết định đến tận nơi ông thường lui tới. Ông tái mặt đi khi giáp mặt ngài. Nhưng ông càng ngạc nhiên vì không thấy phản ứng tiêu cực nào nơi vị Giáo chủ. Ngài cầm lấy tay ông và một cách nhẹ nhàng xin ông tháp tùng ngài về Tòa Thượng Phụ. Vào tới văn phòng, ngài quỳ xuống trước mặt vị linh mục và nói: “Xin cha vui lòng cho con xưng tội”. Vị linh mục hết sức ngạc nhiên và ngỡ ngàng trước sự khiêm tốn của vị Giáo Chủ. Ông xúc động và xấu hổ, muốn khước từ lời thỉnh cầu này nhưng cuối cùng, cũng đồng ý nghe vị Giáo chủ thú tội. Sau khi đã nhận phép lành của bí tích giao hòa, vị Giáo chủ ôm hôn ông và nói: “Cha mong muốn con nên nghĩ đến hồng ân kỳ diệu Chúa ban cho con là được tha tội cho người ta, kể cả Đức Giáo Chủ của con. Ước gì ơn huệ này cổ võ con hết sức tránh xa tội lỗi trong đời sống con…”.

Lòng bao dung ấy không dừng lại ở cảm xúc nhất thời nông nổi mà đối xử với vị linh mục như một người cha từ tâm. Nếu Đức Giáo Chủ tức giận và trục xuất vị linh mục bất xứng – điều này nằm trong quyền hạn của ngài, thì ngài đã nhẫn tâm dập tắt tim đèn đang le lói. Hay nếu ngài thiếu bình tĩnh mà thốt ra những lời thóa mạ thì chắc hẳn vị linh mục ấy có trở về thì cũng khó có thể tiếp tục sống đúng trách nhiệm vì những mặc cảm và những tổn thương. Trái lại, với tất cả sự nhẫn nại và từ tâm của một người cha, ngài đã thu phục nhân tâm để ông quay về mà không bị mặc cảm với những quá khứ lỗi lầm.

Nếu như Người Cha nhân hậu không chờ nghe một lời tạ tội của con mình thì ở đây, vị Giáo chủ lại trông chờ một lời xá giải từ tội nhân. Qua nghĩa cử đó, chúng ta nhận ra rõ ràng rằng ngài rất ý thức tình trạng yếu đuối, mỏng giòn của bản thân mà không dám lên án người khác. Việc thú tội của ngài không phải là một hình thức qua loa nhưng phát xuất từ một trái tim chân thành trước Chúa. Có lẽ, chính khi ngài dám thú tội với vị linh mục ấy lại là cách giúp tội nhân can đảm đối diện với thực tại bản thân. Ở đây, chúng ta cảm nhận một phép lạ đến từ bí tích của Lòng Thương Xót Chúa. Qua bí tích này, ngài đã giới thiệu cho các tội nhân và giúp họ cảm nhận một Thiên Chúa giàu lòng thương xót – Ngài xứng đáng mệnh danh là vị thánh, tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa.

Với ý thức dâng hiến cả thế giới cho lòng thương xót Chúa, Thánh Gioan Phaolô II vị Tông đồ của lòng thương xót qua thông điệp thứ 2 trong triều đại Giáo Hoàng của ngài: đó là Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Có thể nói, thông điệp là bức tranh toàn diện diễn tả hình ảnh về Vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Thông điệp đã tạo một tiếng vang lớn trong một thế giới loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mình và giới thiệu một Thần dược chữa lành căn bệnh mất dần cảm thức tội lỗi nơi con người thời đại, là Lòng thương xót. Ngoài ra, từ thông điệp này, chúng ta có thể cảm nhận về trực giác của một vị chủ chăn liên quan đến Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót và sẵn sàng tha thứ cho các tội nhân. Có một giai thoại kể rằng:

Scott Hahn, học giả vĩ đại về Kinh Thánh và là một mục sư Tin Lành đã chuyển qua Công Giáo. Trong khi đi tiếp kiến Đức Giáo Hoàng, ông đi dọc theo các giáo xứ ở Roma, ông thấy một người hành khất với vẻ mặt quen thuộc, hỏi ra mới biết người này chính là bạn của ông từ thời chủng viện và được thụ phong linh mục cùng ngày với mình. Sau một hồi trao đổi, ông được biết người này đã mất niềm tin và ơn gọi của mình ra sao. Khi chia tay, người hành khất xin ông và Giáo Hoàng cầu nguyện cho mình.

 Sau đó, linh mục đi gặp vị Giáo Hoàng với một thổn thức sâu sắc không thể giấu được. Ông bộc lộ hết sự kiện liên quan đến người bạn hành khất cho ngài nghe. Nghe xong, Đức Gioan Phaolô 2 cho ông một cuộc hẹn ngày mai cùng người bạn ấy đến gặp ngài.

Vị linh mục trở lại giáo xứ này và nói cho người bạn của mình về mong muốn của Đức Giáo Hoàng. Ban đầu, ông từ chối thẳng thừng và coi đó như một điều không tưởng. Nhưng sau khi được thuyết phục, người hành khất theo linh mục về nơi lưu trú để thay quần áo và một cơ hội thanh tẩy đang đến.

 Hai người đã có mặt để sẵn sàng dùng bữa với Đức Thánh Cha, sau khi ăn xong, ngài nói với linh mục ấy hãy ra ngoài để hai người có chuyện riêng. Ngài nói người hành khất hãy lắng nghe ngài xưng tội. Nhưng người đàn ông này ngạc nhiên và trả lời rằng con không còn là một linh mục nữa, con chỉ là tên ăn mày trên đường hành hương. Đức Giáo Hoàng đã trả lời, "Tất cả chúng ta đều là những kẻ ăn mày lòng thương xót của Thiên Chúa. Người hành khất nói tiếp, "nhưng con không còn quyền nào trên sứ vụ mục tử nữa". Đức Giáo Hoàng nói, "Cha là Giám Mục Rôma, Cha có thể giải quyết điều đó".

Thế rồi, người đàn ông lắng nghe lời xưng tội của Đức Giáo Hoàng nhưng lời xá giải vị linh mục này bỏ lâu quá không còn nhớ. Một lần nữa, ngài lại nhắc công thức cho vị linh mục này để ngài nhận phép lành của bí tích. Chứng kiến và cảm nghiệm lòng khiêm tốn của vị mục tử đứng đầu Giáo hội, ông cũng quỳ xuống xin ngài giải tội cho ông sau bao ngày khước từ tình Chúa và ông đã khóc lóc thảm thiết trong vòng tay của ngài. Sau một hồi lắng đọng, ngài ra lệnh truyền cho ông hãy quay về nơi ông hành khất để làm mục vụ cho họ. Thế là lòng thương xót lại một lần nữa được lan tỏa và loan truyền đến những người bất hạnh.

 Các con thân mến!        

 Nhiều người nghĩ rằng tội của họ không thể tha thứ được, nhưng Chúa Giêsu đã phán, “Cho dù linh hồn giống như xác chết mục nát, qua cái nhìn của loài người, họ không còn có hy vọng phục hồi và mọi sự đã hoàn toàn vô phương cứu chữa, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải như vậy. Mầu nhiệm của Lòng Thương Xót Chúa sẽ phục hồi trở lại những linh hồn đó một cách toàn diện.

 Rất nhiều người bị mặc cảm tội lỗi đè nặng và vì lòng kiêu hãnh, tính tự phụ đã khiến họ trốn tránh đến tòa cáo giải để xưng tội. Họ sống trong trạng thái đau khổ, bất an. Chúa Giêsu phán, “Ôi! thật là đau buồn cho những ai không biết lợi dụng cơ hội đón nhận sự màu nhiệm từ lòng khoan dung của Ta! Họ sẽ phải kêu van vô hiệu quả, nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn.”

 Qua 2 giai thoại trên, chúng ta cảm nghiệm tình yêu và lòng thương xót, sự tha thứ đến từ Thiên Chúa. Cũng cùng một thể thức như Thánh Giáo Hoàng Gioan 23, và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Chúa đã tỏ cho con người biết lòng thương xót của Thiên Chúa như thế nào để qua Ngài, qua con người Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta.

 Các con hãy tìm hiểu để nhận biết Thiên Chúa chúng ta tốt đẹp ra sao các con nhé!

 Thương các con

Orange county tháng 4 ngày 10 năm 2015

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.