Lần về Việt Nam vừa rồi khi chúng ta có dịp về thăm vùng đất Long Xuyên và Châu Đốc, ba còn nợ bé Thư của ba một câu trả lời mà hôm nay ba muốn chia sẻ với các con.
Số là bé Thư thắc mắc tại sao các nhà ở miệt lục tỉnh miền tây Nam bộ, như vùng tứ giác Long Xuyên và các vùng bảy Núi…có những căn nhà nho nhỏ trịnh trọng đặt trước sân của mỗi nhà . Bé Thư lại còn cho ba biết là cái “small house” đó rất dễ thương và trong đó không có cái gì cả ngoài cái hủ toàn là chân nhang và mấy ly nước mà thôi.
Các con thân mến!
Thật ra, vùng quê Nam Bộ, hầu như nhà nào cũng có đặt một bàn thờ gọi là “Thông Thiên” trước nhà (có nhiều nơi còn gọi là bàn thờ Ông Thiên). Bàn thờ thường được làm bằng gỗ đơn sơ, gồm một cây cột cao khoảng 1,5 m, (giữa đất và trời) phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 0,4 m. Nếu là những người khá giả hơn thì bàn thờ này được đổ cột bê-tông và dán gạch men trịnh trọng. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một lư hương và mấy ly nước mưa (loại ly nhỏ uống trà). Dĩ nhiên nhà giàu người ta dùng toàn đồ sứ cho bàn thờ của mình, còn nhà nghèo có khi người ta dùng lon sữa bò để cắm hương, dùng cái chai xá xị hay hủ tương để cắm hoa.
Thường thì bàn thờ Thông Thiên được đặt ở phía trước cửa nhà , những nơi có sân rộng thì đặt ngay chỗ giữa sân, giữ gìn nơi ấy thật sạch sẽ, trang nghiêm. Hằng ngày, vào lúc chập tối, vào thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm, các chủ nhà thường đốt một nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, và tâm sự cùng với trời. Họ thổ lộ với trời một ngày đã qua với bao thành công, lo âu, muộn phiền và cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an cho gia đạo. Từ làn khói nhang tỏa lên Trời họ luôn nghĩ rằng nó sẽ mang theo những lời cầu khẩn của họ, với bao ước muốn và nguyện vọng được ‘thông’ đến Trời (thông thiên), để Trời phù hộ cho người thân và gia đình mình.
Tại sao lại có Bàn Thông Thiên? Và nó có tự bao giờ ? đây là những câu hỏi mà chưa có những câu trả lời thỏa đáng.
Muốn nói về phong tục thờ cúng ở Bàn Thông Thiên, có lẽ chúng ta phải nói từ lúc Chúa Nguyễn Hoàng và ông cha ta mở mang bờ cỏi về phía Nam. Hành trang của cha ông ta khi đi mở đất và bờ cỏi và lập nghiệp ở những nơi “rừng thiên, nước độc” chỉ có họ và trời; họ chỉ tin vào trời, và trời là người luôn ở với họ mỗi ngày trước bao nhiêu sóng gió cuộc sống …và có thể “Bàn Thông Thiên” xuất hiện từ đây!
Có người cho rằng xưa người ta lập hương án trước nhà để nghinh đón vua, sắc thần … rồi vì lập rồi dẹp, dẹp rồi lập cho nên người ta làm luôn như vậy để khỏi tốn công lập và dẹp. Thuyết này cũng có lý nhưng không thuyết phục, vì đất miền Nam mới có sau này, vua chẳng hề ngự tới, còn sắc thần rất ít làng có, làng nào có mỗi năm cúng một hai lệ, đâu có phải hàng ngày, hàng tháng mà phải làm rồi để luôn biến thành Bàn Thông Thiên.
Có người cho rằng Bàn Thông Thiên là tín ngưõng dân gian thờ Trời Đất, Trời tròn là cái lọ cắm hương hình trụ, thân có miệng tròn, còn Đất vuông là cái bàn bằng gỗ hay xi măng hoặc miếng gạch tàu. Thuyết này xét ra hợp lý hơn, như Vua hàng năm tế ở Đàn Nam Giao, gồm có một nền tròn xây trên một nền vuông, biểu hiện cho Trời, Đất đạo lý Âm, Dương ngũ hành sinh hóa. Bàn Thông Thiên nôm na thờ Trời Đất là hợp lý, nhưng thêm ý nghĩa Trời tròn, đất vuông chỉ là lối giải thích, bởi vì nó quá sâu xa đối với người bình dân Nam bộ, họ không thể hiểu tới nghĩa lý sâu xa ấy.
Các con thấy đấy, ông Trời từ một “đấng siêu nhiên” đã đi vào nhà người nông dân chất phát vùng Nam Bộ như là một người thân thiết thấu hiểu tâm tư, tình cảm, và đồng thời chứng kiến những vui buồn, những khó khăn, và vất vả của mọi người để sẵn sàng ra tay cứu giúp. Ông Trời đã trở nên rất gần gũi như ông bà, cha mẹ, như người thân trong gia đình, nên việc thờ Trời là hết sức bình thường, và hết sức tự nhiên. Vì thế mà Đạo Cao Đài, và Đạo Phật Giáo Hòa Hảo có cùng chung cách thức cầu nguyện và Bàn Thông Thiên như mọi người sống ở vùng quê Nam Bộ.
Bàn Thông Thiên là nơi nối kết tâm linh giữa con người với Trời; nó là nơi giữ mối liên hệ giữa Đất với Trời và giữa những người đang sống và Thượng Đế của họ. Điều này thể hiện rất rõ bằng việc thắp nhang thường xuyên mỗi ngày vào lúc chập tối : đó là thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm; nén nhang được cắm trên lư hương đặt trên cây cột cao 1.5m: là nơi ở giữa Trời và Đất. Các con có thể nhận thấy sự mộc mạc, giản dị và chân thành của người dân đất phương Nam trong văn chương truyền khẩu từ niềm tin vào Trời của họ:
“Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp…”
Ki-Tô giáo là tín ngưỡng rất gần gũi với người Nam bộ, vì cùng chung niềm tin vào “Trời”, một ông trời không có hình dạng (Bàn Thông Thiên cũng không có ngẫu tượng và hình dạng) nhưng lúc nào chúng ta cũng tin cậy và tâm sự với Ông Trời này mỗi ngày. Chính vì thế mà các Cố đạo Công Giáo khi đi truyền giáo ở đất phương Nam có rất nhiều người hưởng ứng và theo đạo.
Nói tóm lại, “Bàn Thờ Ông Thiên” hay “Bàn Thông Thiên” của các cư dân vùng châu thổ sông Cửu Long cho thấy dân cư các vùng sông nước Nam Việt này rất tin vào Trời và không ai bảo ai nhưng mỗi nhà, mỗi người đều thành tâm thờ kính và cầu khấn Trời. Nó tạo thành một nét tín ngưỡng rất đơn giản, mộc mạc nhưng rất thiêng liêng. Một tín ngưỡng rất gần gũi với mọi sắc dân của vùng châu thổ này nhưng mà rất cao siêu vời vơi. Dù với bất cứ danh gọi nào, là “Bàn Thờ Ông Thiên”, “Bàn Ông Thiên”, “Bàn Thiên” hay “Bàn Thông Thiên” thì mục đích và ý tưởng của cư dân Nam Việt này đã tạo cho mình một đời sống tâm linh rất ư phong phú, thanh cao, và an lạc.
Người miền Nam luôn cám ơn Trời và cũng ghi nhớ công khó của tiền nhân đã có công mở mang bờ cỏi về phía Nam. Mảnh đất màu mỡ mà bây giờ bè lũ Đảng Cộng Sản chựa bao giờ ghi công cho dòng họ Nguyễn. Họ đang từng ngày vơ vét và làm băng hoại đời sống tâm linh phong phú và thanh cao của những người dân cần lao, chất phát, và hiền lành. Mảnh đất đầy tình người và thánh thiện này đang ngày mỗi ngày chịu biết bao nhiêu thay đổi của cái chủ thuyết lai căn Xã Hội Chủ Nghĩa đến từ Trung Quốc.
Ba rất hy vọng trong năm Đức Tin này, và qua mẫu chuyện về “Bàn Thông Thiên” cùng người dân Nam bộ thân thương mà các con có cái nhìn về một niềm tin trong Thiên Chúa toàn năng; Người là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn mà các con tin tưởng như khi xưa ông cha ta vẫn tin vào Đấng ấy.
Thương các con
Orange County ngày 12 tháng 11 năm 2012
Ngoan Nguyễn
Views: 0