Uncategorized

Chuyện gì sẽ xẩy ra?

Nhiều người Việt chống cộng ở hải ngoại đã vui mừng khi nghe tin Tổng Thống Obama sẽ đến Cambodia dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á và viếng thăm ba nước Cambodia, Thái Lan và Miến Điện từ 17 đến 20.11.2012 tới đây. Họ vui mừng vì tin rằng Mỹ đang trở lại Đông Nam Á.

 

HY VỌNG LÀ LẼ SỐNG

 

Nhiều người Việt chống cộng ở hải ngoại đã vui mừng khi nghe tin Tổng Thống Obama sẽ đến Cambodia dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á và viếng thăm ba nước Cambodia, Thái Lan và Miến Điện từ 17 đến 20.11.2012 tới đây. Họ vui mừng vì tin rằng Mỹ đang trở lại Đông Nam Á.

 

HY VỌNG LÀ LẼ SỐNG

 

Lạc quan vốn là bản tính của người Việt chống cộng ở hãi ngoại. Năm 2003, khi Tổng Thống Bush mở cuộc tấn công Iraq, có nhiều sĩ quan VNCH ở hải  ngoại, trong đó có Tướng Lý Tồng Bá, đã tình nguyện đi chiến đấu vì tin rằng sau Iraq sẽ đến phiên Việt Nam.

 

Năm 2011, khi “Cuộc Cách Mạng Hoa Lài” xẩy ra ở Trung Đông, khởi sự từ Tunisia, trên các diển đàn Internet và báo chí Việt ngữ ở hãi ngoại nhan nhãn những bài bày tỏ niềm hy vọng cuộc cách mạng này sẽ lan đến Việt Nam và làm sụp đổ chế độ cộng sản. Một ví dụ cụ thể: Nhóm Võ Toàn, Phạm Trần Anh và LS Nguyễn Xuân Nghĩa Hội Trưỏng Hội Đền Hùng Hải Ngoại, đã cho phổ biến “Tâm Thư Vận Động Diên Hồng” kêu gọi triệu tập Hội Nghị Diên Hồng để cứu nước. Tâm Thư viết:

 

“Đồng bào VN trong nước và ngoài nước đều nức lòng ai nấy đều mong cuộc cách mạng Hoa Lài sẽ lan nhanh đến Việt nam để dân tộc VN sớm thoát khỏi ách họa cộng sản.”

 

Khi “Cuộc Cách Mạng Hoa Lài” trở thành Hoa Thúi Địch, biến cố Miền Điện đã xuất hiện như một niềm tin mới. Website của BBC ngày 23.1.2012 đã phổ biến bài “Tác động của Mùa Xuân Miến Điện” của Đoàn Xuân Lộc nói lên niềm hy vọng mới đó:

 

“Nếu cuối cùng tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện thành công, dù muốn hay không một số nước khác chưa có tự do, dân chủ trong khối ASEAN buộc phải suy nghĩ và dần dần phải dân chủ hóa.”

 

Trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ, rất nhiều người Việt chống cộng nguyền rủa ông Obama vì cho rằng ông ta theo “xã hội chủ nghĩa”. Đa số đã bỏ phiếu cho ông Romney với tin tưởng rằng khi làm tổng thống, ông ta sẽ tấn công Trung Quốc và CSVN. Nhưng người Mỹ đã hành động có tính toán chứ không hành động theo cảm tính như một số người Việt.

 

Nay nghe tin ông Obama đi dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á, một niền vui đã bùng lên: “Hoa Kỳ đang trở lại Đông Nam Á”. Suy nghĩ như thế không có gì sai, nhưng Mỹ trở lại Đông Nam Á để làm gì, đó mới là điều quan trọng. Chắc chắn mục tiêu của người Mỹ không gióng mục tiêu của người Việt chống cộng.

 

Muốn hiểu chuyến đi của ông Obama, trước tiên cần tìm hiểu qua Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á là hội nghi gì, sau đó mới quan sát xem Mỹ sắp làm gì ở Đông Á.

 

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH ĐÔNG Á

Nói một cách vắn tắt, Hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á (East Asia Summit – EAS) là một diễn đàn của các quốc gia ở Đông Á được các nhà lãnh đạo của 16 quốc gia trong vùng và khu vực lân cận tổ chức, trong đó khối ASEAN là trung tâm. Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia, vào ngày 14.12.2005. Mỗi năm hội nghị họp một lần tại một quốc gia hội viên của ASEAN. Hội nghị gần nhất là hội nghị VI được tổ chức tại Indonesia trong hai ngày 18 và 19.11.2011. Năm nay hội nghị họp tại Cambodia. Sang năm hội nghị sẽ họp tại Miến Điện.

Thành viên của hội nghị này trước tiên là 10 quốc gia thuộc khối ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines. Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia. Sau đó thêm ba quốc gia Đông Bắc Á được gọi là ASEAN+3, đó là Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn. Tiếp theo, các quốc gia thuộc vùng Nam Á là Ấn Độ, Úc, New Zealand cũng gia nhập. Nga và Hoa Kỳ mới gia nhập năm 2011. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ V ở Hà Nội ngày 30.10.2010, Mỹ chỉ là «khách mời».

 

Có rất nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận tại mỗi hội nghị như vấn đề môi trường, vấn đề năng lượng v.v., nhưng vấn đề phát triển kinh tế bao giờ cũng là vấn đề quan trọng.

 

HOA KỲ MUỐN GÌ?

 

Tại hội nghị ở Indonesia năm 2011, lần đầu tiên nói chuyện tại diễn đàn, Tổng Thống Obama đã nói:

 

“Vùng Á Châu Thái Bình Dương sẽ là trung tâm điểm về sự tăng trưởng kinh tế mới và những quan tâm về an ninh trong phần đầu của thế kỷ 21.”

 

[The Asia Pacific region will be the center point for new economic growth and security concerns in the first part of the 21st century].

 

Nói trắng ra, Hoa Kỳ muốn tăng cường cả về kinh tế lẫn an ninh ở Đông Á để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc ở trong vùng. Nhưng vấn đề không dễ dàng.

 

TRUNG QUỐC RA TAY TRƯỚC

 

Các nước Đông Á đã hình thành các tổ chức để phát triển kinh tế trong vùng nhưng rồi cũng đã đi vào quỹ đạo của Trung Quốc.

 

1.- Thành lập khối ASEAN

 

Trước tiên, ngày 8.8.1967 các quốc gia tại vùng Đông Á đã thành lập Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations), viết tắt là ASEAN. Đây là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực. Trước 30.4.1975 VNCH là thành viên của tổ chức này. Sau năm 1975, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã gia nhập ngày 28.7.1995, rồi đến Lào và Myanmar (Miến Điện) ngày 23.7.1997.

 

2.- Thành lập Khu Vực Mậu Dịch Tự Do ASEAN

 

Hiệp ước thành lập Khu Vực Mậu Dịch Tự Do ASEAN (ASEAN Free Trade Area, viết tắt là AFTA)  được 6 quốc gia ký kết năm 1992 tại Singapore là Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, nên thường gọi là ASEAN6. Hiệp ước quy định các quốc gia hội viên sẽ hạ dần thuế quan xuống đến mức từ 0% đến 5%. Hiện nay, có khoảng 90% mặt hàng nhập khẩu trong khu vực được miễn thuế quan. Bốn nước trong ASEAN đã gia nhập sau: Vietnam 2006, Lào và Myanma 2008,  Campuchia năm 2010.

 

3.- Khu vực Tự do Mậu dịch Trung Quốc- Asean

 

Ngày 4.1.2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký kết một hiệp định khung thành lập Khu Vực Tự Do Mậu Dịch Trung Quốc – ASEAN (ASEAN China Free Trade Area, viết tắt là CFTA) gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc. Hiệp ước này có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2010.

 

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc đã tăng trên 20% và hiện nay đã lên tới gần 300 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, còn ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc.

 

Việt Nam chưa đủ khả năng gia nhập Khu Vực Tự Do Mậu Dịch Trung Quốc – Asean và vẫn đang chuẩn bị để cùng Lào, Campuchia, Miến Điện gia nhập kể từ 2015.

 

Mặc dầu đã thành lập thành lập Khu Vực Mậu Dịch Tự Do ASEAN, Trung Quốc vẫn ký hiệp ước thương mại riêng rẻ với một số nước ASEAM như Indonesia, Mã Lai, Brunei để tìm những mối lợi riêng. Các nước buôn bán với Trung Quốc theo lối này thường có cán cân thương mại thặng dư về phía họ nhờ bán được nhiều khoáng sản cho Trung Quốc, nhất là dầu thô, khí đốt, quặng vàng và các kim loại khác. Tờ Wall Street Journal ngày 2.8.2012 cho biết công ty Bosai Minerals Group Co của Trung Quốc vừa bỏ thêm 1 tỷ USD để khai thác bauxite tại Indonesia. Trung Quốc đã tiêu thụ khoảng 80% bauxite của Indonesia. Việt Nam vì không bán được khoáng sản nào cho Trung Quốc nên cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn bị thâm hụt.

 

Với con đường làm ăn nầy của Trung Quốc, còn lâu một số quốc gia ở Đông Á mới bỏ Trung Quốc.

 

TRANH NHAU HAI THÔNG LỘ

 

Trung Quốc có hai con đường để đi xuống Đông Á là Việt Nam và Miền Điện. Hai con đường khác là Thái Lan và Lào có quá nhiều hiểm trở không thể biến thành thông lộ được. Từ lâu Hoa Kỳ cũng đã thấy như vậy. Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tranh nhau hai cái thông lộ này.

 

Tháng 8 năm 2010, Hoa Kỳ muốn xây dựng hệ thống xa lộ và đường sắt cao tốc xuyên Á từ Việt Nam qua Cambodia, Thái Lan, xuống Malaysia và Singapore, qua Miến Điện, Ấn Độ và Bangladesh. Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đã xem xét việc thiết lập 4 đường sắt trong vùng, trước tiên là nối 300 triệu dân trong khu vực Đông Nam Á với Nam Trung Quốc. Nhưng khi Nhật Bản lập kế hoạch xây đường cao tốc Hà Nội – Sài Gòn trị giá 15 tỷ USD, Trung Quốc nhảy vào ngay và tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng xây cất một đường cao tốc từ Côn Minh bên Trung Quốc đến Singapore giá 15 tỷ USD mà thôi! Qua cuộc suy thoái kinh tế, Hoa Kỳ phải ngưng kế hoạch xây đường xuyên Á lại.

 

Trong khi Miến Điện bị Mỹ và các nước Tây phương cấm vận, Trung Quốc nhảy vào và có kế hoạch xây cất đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD trên sông Irrawaddy cho Miến Điện, một đường xe lửa nối liền Trung Quốc với Miến Điện và hai đường ống dẫn dầu khổng lồ dài trên 1.100km chạy suốt chiều dài đất nước Miến Điện, dẫn dầu và khí đốt từ ngoài khơi Miến Điện đến Trung Quốc. Khi các kế hoạch trên đang tiến hành, chính quyền Miến Điện thay đổi chính sách, quay lại với Tây phương.

 

CON ĐƯỜNG CÒN LẮM CHÔNG GAI

 

Ngoài Hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á đã nói trên, Hoa Kỳ còn dùng Diễn Đàn Hợp Tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation, viết tắt là APEC) để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc.

 

Trong Hội Nghị APEC lần thứ 19 tổ chức tại Hawaii từ 12-13.11.2011, Tổng Thống Obama tuyên bố sẽ lập một thị trường chung Châu Á – Thái Bình Dương gồm 21 quốc gia trong vùng để đối đầu với Trung Quốc. Nhưng đây là một giấc mơ khó trở thành hiện thực. Cứ nhìn Khu Vực Mậu Dịch Tự Do ASEAN được lập từ năm 1992 mà đến nay còn 4 nước thành viên của ASEAN chưa thật sự gia nhập là Việt Nam, Lào, Cambodia và Miến Điện.. Ba nước Indonesia, Malaysia và Brunei tuy đã gia nhập Khu Vực Mậu Dịch Tự Do ASEAN nhưng lại làm ăn riêng với Trung Quốc.

 

Năm 2006, khi Tổng Thống Bush viếng thăm Việt Nam, bà Ngoại Trưởng Condoleezza Rice đã thúc dục Miến Điện và Bắc Hàn theo gương Việt Nam (urged Burma and North Korea to follow the example set by Vietnam)!

 

Việt Nam và Miến Điện ở trong vị thế “sông liền sông, núi liền núi” với Trung Quốc nên không dám tách rời khỏi Trung Quốc vì biết rõ chuyện gì sẽ xẩy ra nếu tách rời. Hôm 9.12.2011, khi bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đến thăm Miến Điện, ông Shwe Mann. Chủ Tịch Quốc Hội Miến đã nói với phóng viên AFP: «Chúng tôi sẽ tăng cường hữu nghị và hợp tác giữa Trung Quốc và Miến Điện trong khi vẫn nỗ lực tối đa để có quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ».

 

Về quân sự, có thể coi việc Mỹ thiết lập thêm một căn cứ ở Úc với giàn radar chỉ là một cách trấn an Việt Nam và Phi Luật Tân. Thời buổi chiến tranh điện tử (ciber war), những căn cứ như vậy không cần thiết. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện nay chưa thể đối đầu với Mỹ. Vã lại Mỹ đã tuyên bố rất rõ ràng rằng Mỹ không can dự vào việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Mỹ chỉ quan tâm đến thông lộ quốc tế mà thôi.

 

Còn lâu Mỹ mới từ bỏ Trung Quốc, vì hiện nay Mỹ có hai thị trường lớn nhất trên thế giới, thứ nhất là Âu Châu chiếm 32% tỷ lệ hàng xuất khẩu của Mỹ, và thứ hai là Trung Quốc 27%. Trong khi Âu Châu đang bị suy thoái kinh tế trầm trọng, thị trường Trung Quốc trở nên quan trọng.

 

Chúng ta nên nhớ năm 1972 Mỹ đã quyết định bỏ Miền Nam Việt Nam để thiết lập bang giao và làm ăn với Trung Quốc. Chuyến đi lần này của Tổng Thống Obama chỉ có giá trị như một lời trấn an các nước ở Đông Á: Mỹ sẽ không để Trung Quốc tiến xa hơn.

Ngày 15.11.2012
Lữ Giang

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.