Hồi còn là sinh viên Công Giáo Saigon, sinh hoạt ở trung tâm Phục Hưng, nơi “bản doanh” của các cha Đaminh (chi nhánh Lyon), nghĩa là các cha toàn dân trí thức “thứ thiệt” (tiến sĩ thần học, tiến sĩ triết học của Pháp…).
Các cha phụ trách một tạp chí có tên là “Nhà Chúa” gồm những bài biên khảo, luận đề về thần học và tôn giáo, tôi nghe tên là đã thấy “nể” nên “kính nhi viễn chi”, thỉnh thoảng các cha “thương tình” cho, bảo đem về đọc, nhưng tôi mang về bỏ đó chứ có bao giờ dám đọc vì sợ “nhức đầu” (mặc dù tôi là người rất mê đọc sách). Cứ nghe đến Nhà Chúa và những người liên quan đến Nhà Chúa là thấy e dè, kiêng nể vì mình vẫn còn là “người trần mắt thịt” chứ có phải các bậc “chân tu” đâu !
Sau này một tạp chí Công Giáo mời tôi cộng tác viết bài, tôi từ chối “chả dám” vì cảm thấy mình chưa đủ trình độ liên quan đến vấn đề tôn giáo, làm sao dám “múa rìu qua mắt thợ”, nhưng không ngờ người phụ trách lại “bỏ nhỏ” : ‘Những bài của các cha, các đấng toàn lý thuyết “khô như ngói” nên ít ai đọc, do đó rất cần những bài “đời thường” cho tươi mát, người ta mới thích đọc, nên hãy nhận lời…”. Dần dần tôi mới khám phá ra Nhà Chúa, Nhà chung, Nhà dân… cũng đều là Nhà, nơi hội tụ những con người với tất cả hỉ nộ ái ố …của kiếp người, nhưng mấy ai dám kể những gì thuộc về thâm cung bí sử “bên trong” ấy! Nhưng Đức cha Mai thanh Lương thì khác, ngài hồn nhiên kể lại một cách vô tư:
Nhà Chúa cũng có đẳng cấp hẳn hoi, các đấng đi đâu cũng có kẻ đón người đưa, ăn thì toàn món ngon vật lạ. Ăn cơm có người quạt hầu…
Tu kiểu này thì đúng là :
“Ai bảo đi tu là khổ,
Đi tu sướng lắm chứ!”
Hay như là câu hát các nữ tu trong dòng ở Việt Nam vẫn hát để kể về nổi khổ với “Bề Trên”:
“Chúa ơi! thân con là thân con gái
Đi vào nhà dòng và mục nát với Bề Trên!”
Nói tới đây tôi lại chợt nhớ tới “Bức Tâm thư” sám hối về những ưu đãi mình đã hưởng quá nhiều của một linh mục Việt Nam,cha viết sau khi nghe kể về những đức tính giản dị, nghèo khó và thường từ chối những ưu đãi riêng cho mình của Đức Tân Giáo Hoàng Phanxico . Tu như Đức Thánh Cha mới thật là “ChânTu”!
Con đường tu hành của mỗi người có một khởi đầu hết sức huyền diệu, đôi khi rất ư tự nhiên và giản dị. Nó mang một lý do riêng biệt. Và Đức Cha Mai Thanh Lương cũng không ra ngoài những định luật tự nhiên ấy:
“Chú” MTL học sáng dạ thông minh, cứ nhìn đôi mắt sáng như sao của “chú” thì đủ biết (người ta bảo người ngu con mắt “lờ đờ”, còn người khôn con mắt sáng trưng), chú học giỏi nên chú được hân hạnh phục vụ đứng hầu quạt mát cho các Đấng xơi cơm. Sau khi các đấng ăn xong thì chú được hưởng chỗ thức ăn thừa, tuy là “thừa” nhưng vẫn còn ngon chán! Một hôm chú bận việc không đứng hầu quạt được, bèn nhờ một chú khác thế chân vời lời “chiêu dụ”: “chịu khó đứng quạt tí, rồi thế nào cũng được hưởng đồ ăn ngon”. Ai dè lần ấy xui thế nào hai con cá giếc chiên thơm ngon quá, nên hai cha khách cứ “tà tà” thưởng thức gần hết, chả nhớ gì đến người đứng cạnh hầu quạt mỏi tay, lại đói bụng đang ấm ức tự bảo bụng: “ Nếu mà giở mặt con cá sang bên kia ăn nốt, thì tớ “cóc tu” nữa, tớ bỏ nhà chúa đi luôn!”
Cuối cùng chỉ vì ½ con cá chiên bị ăn nốt mà một người đã bỏ ơn gọi tu trì, dù chú MTL ra sức kêu gọi trở về, nhưng chẳng ăn thua! “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên đầu”! Thế mới biết có những giây phút, những việc tưởng chừng rất nhỏ lại trở thành khúc quanh quan trọng của một đời người! Nhiều tu sĩ vì bất mãn với bề trên hoặc khi “lổi lầm” bị các anh em trong dòng xa lánh, lạnh nhạt đã rời bỏ ơn gọi. Ngược lại nếu được quan tâm, bao dung và nâng đở kịp thời thì mọi sự sẽ quay sang một hướng khác tốt đẹp hơn! Bởi thế trong cuộc sống chúng ta nên quan tâm đến từng việc nhỏ, sống cho có tình người, kẻo “lổ nhỏ đắm thuyền”!
Cuộc sống tu trì không phải lúc nào cũng trôi êm đềm, cũng có lúc gập ghềnh sóng gió :
“Con tưởng rằng con vững tin…khi đời sống nhẹ trôi êm đềm
Nhưng khi đường đời gieo nguy khó…con lo âu lạc bến xa bờ
Con mới biết rằng con chưa vững tin…”
Dù khởi đầu như thế nào, thì cuộc đời tu hành vẫn là một thách đố đòi hỏi nhiều hy sinh, cố gắng.
Lúc ở Boston tham gia giảng dạy đại học, ngài có một linh mục bạn rất thân dạy cùng trường. Sau vì một “trục trặc” nào đó cha bạn đã bỏ về, rồi “xuất” luôn. Mất bạn thân đồng hành là một cú sốc tinh thần rất nặng, ngài đâm ra ngao ngán với cuộc sống tu trì, rồi lại gặp thêm một vài khó khăn khiến thêm chán nản cảm và thấy muốn “buông xuôi”. Sẵn túi đang “rũng rĩnh” tiền lương đi dạy, ngài bèn đặt mua vé máy bay đi du lịch vòng quanh thế giới để “thưởng thức” cuộc đời cho bõ những ngày tu hành khổ cực.
Chuyến về, cha ghé Pháp đến viếng Đức Mẹ Lộ Đức và đang khi cầu nguyện trước Đức Mẹ, cha nghe tiếng Đức Mẹ gọi tên mình và kêu gọi “Hãy quay về với Chúa…”. Ngài như người bừng tỉnh sau cơn mê…Nếu không có giây phút thiêng liêng nhắc nhở quan trọng đó của Đức Mẹ, thì không biết cuộc đời tu hành của ngài sẽ đi về đâu???
“ Nhiều khi con chẳng trung thành
Là vì con đâu phải thần thánh”.
Từ đó ngài luôn luôn sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính này Ngài đã học được từ thân mẫu Ngài. Nhân đức nàyTrong thánh lễ kỷ niệm 10 năm Giám mục, Ngài đã dành những phút cuối đến qùy dưới chân Đức Mẹ để khấn nguyện cảm tạ tri ân:
“Con dâng mẹ đây tâm hồn, đây trí khôn
Cả dĩ vãng, cả hiện tại với tương lai
Đức thiện toàn con cương quyết gắng đi tới
Trông lên Mẹ là gương mẫu của đời con”.
Trong sinh hoạt đời thường, như ông bà ta xưa có câu “Có thực mới vực được đạo”, Ngài là người rất tán đồng quan điểm này, nên mỗi lần họp với Ngài là đều có ăn (pot luck). Ngài luôn đến trước hoặc đúng giờ và luôn là người khai mạc phần ẩm thực đầu tiên. Ngài bảo ngày xưa làm tuyên úy cho sinh viên cứ mỗi buổi họp đều có ăn là chúng đến đông lắm! Ở những chổ họp khác cũng có ăn, nhưng họp xong mới ăn, nên có khi đói meo cả ruột. Đối với nhóm của Ngài thì “dĩ thực vi tiên” nên ăn trước, bụng no rồi mới họp và cầu nguyện sau. Ngài rất thích nấu ăn như lời ngài tự giới thiệu trong bửa tiệc mừng 10 năm Giám Mục, Ngài đang dự định mở “tour nấu ăn” để giới thiệu tài nấu nướng của mình. Vì thế mới có cảnh Ngài đi chợ mua 3 con ghẹ to tướng đem về nấu để đãi khách, khi xách ghẹ ra cửa chợ thì gặp một bà cụ giáo dân:
– Lạy Chúa tôi! Trông đức cha chẳng ra làm sao cả! Ai lại thế bao giờ ??
– Thế bà bảo tôi phải làm sao để trông giống đức cha theo ý của bà?
Theo Đức Cha, thì ai cũng là người, cũng phải ăn, tự đi chợ, tự nấu ăn là một điều tốt, có gì sai ? Đáng khen nữa là đằng khác! Chắc các bà cụ quen não trạng phong kiến ở Việt Nam : Các cha (kể cả các ông) cứ ngồi nhà muốn ăn gì thì sai các bà đi chợ về nấu xong đem dâng lên để các ông xơi! Chuyện đó “xưa rồi Diễm”! nhất là chúng ta đang ở Mỹ! Hoan hô Đức Cha Mai Thanh Lương đang làm “gương sáng” cho các ông noi theo! Chúng tôi đã được thưởng thức món ăn Ngài nấu, ví dụ món bắp cải xào với tàu hủ chiên, ngài bảo ăn “healthy” lắm ! Đúng vậy, bắt chước tính thật thà, đơn sơ của Ngài, con xin tặng Ngài câu nói : “Nấu hay không bằng hay nấu”, Ngài là người “hay nấu”, đáng quý là tinh thần phục vụ anh em. Ai muốn thưởng thức tài nấu ăn của Đức Cha thì xin gọi cho Ngài để ghi danh làm khách mời của Ngài, ngài sẽ rất “welcome”.
Nét đáng yêu nổi bật của Đúc Cha Mai Thanh Lương có lẽ là tính thật thà đơn sơ, thẳng thắn không câu nệ hình thức, giữ ý theo kiểu “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Ngài kể chuyện về mình rất hồn nhiên, rất “đời thường”, nhiều khi làm chúng tôi lăn ra cười mệt nghỉ, như có lần ngài kể: Một lần định chuyển hướng xin vào dòng khổ tu xem sao ? Ngài xin đến dòng “ở thử”, thường thì chương trình “ở thử” là 7 tuần, nhưng bề trên nhìn “tướng tá” Ngài ra sao mà chỉ cho ngài ở thử 1 tuần thôi ! Ôi sao mà hãm mình, hãm xác nhiều quá, lại thêm cái cửa hàng Hambuger ở dưới cuối dốc, mỗi ngày nấu nướng thơm lừng bay lên tận trên này chịu sao cho thấu? Đến cuối tuần bề trên gọi lên cho biết : “Cha không phù họp với dòng này, nên cho cha về!” Ôi nghe kết quả bị bề trên “từ chối” sao mà sung sướng thế! vội cám ơn bề trên rối rít, rồi đeo balô chạy thẳng một mạch xuống cuối dốc vào order luôn một lúc 5 cái Hambuger ăn cho đã cơn thèm bấy lâu! Ma quỷ cũng đã từng dùng miếng ăn để cám dổ Chúa, bởi thế trong kinh Lạy cha, Chúa đã dạy chúng ta “xin đừng để con sa chuớc cám dỗ”, cách tốt nhất là tránh chước cám dỗ kẻo sa vào lúc nào không hay!
Ngoài ra nơi ngài luôn tràn đầy tinh thần lạc quan vui vẻ, mỗi khi họp với Ngài là luôn luôn được Ngài “đãi” những trận cười thỏa thuê. Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ, nên đến với ngài sẽ luôn trẻ mãi không già. Ngài có khiếu kể chuyện khôi hài và người ta thường nói người có đầu óc hài hước là những người thông minh. Ngài kể lại lần lên làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đan viện Xito ở San Bernadino. Lúc dâng thánh lễ ngoài trời, gió cuồng phong nổi lên, Ngài phải nhắm mắt lại để tập trung cầu nguyện cho sốt sắng, khi mở mắt ra: Lạy Chúa! lạ thay lều chỏng bay đâu cả, giáo dân cũng biến mất đằng nào?? Một giọng nói vang bên tai: “chạy nhanh cha ơi! kẻo gió thổi bay mất” Thế là xách áo lễ lên cuống cuồng chạy cho nhanh…
Ngài là vị Giám Mục Việt Nam đầu tiên ở hải ngoại, nơi Ngài là một sự kết hợp hài hòa giữa phong cách và lối sống theo văn hóa Mỹ (ngài du học và ở Mỹ cả ½ thế kỷ), nhưng vẫn giữ gìn tốt ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, đặc biệt là gắn liền với nguồn cội quê nhà. Ngài đang dốc lòng yểm trợ quỹ xây dựng Linh địa Ninh Cường để có thể khánh thành vào cuối tháng 11/2013
Chúng con, giáo dân Việt Nam ở hải ngoại yêu quý và tự hào về Đức Cha, nguyện cầu cùng Chúa:
“Vì tình yêu bao la Chúa nâng đỡ cha như phượng hoàng tung đôi cánh
Chúa dắt dìu cha đi trong ánh sáng Người hạnh phúc nào hơn?”
5/2013
Phượng Vũ
Views: 0