Uncategorized

Chuyện Tử Tế

Tên nó là Beo. Hàng ngày nó vẫn ngồi đó, cạnh cây cột điện, trước con hẻm 549, ngó xéo qua bên kia đường là chợ Bàn Cờ luôn rần rần mỗi buổi sáng.

Tên nó là Beo. Hàng ngày nó vẫn ngồi đó, cạnh cây cột điện, trước con hẻm 549, ngó xéo qua bên kia đường là chợ Bàn Cờ luôn rần rần mỗi buổi sáng. Dáng nó gầy gò, nhỏ thó, ngồi lọt thỏm giữa phố đông người, đầu luôn cúi gằm xuống, mấy ngón tay gầy đan theo từng mũi kim sợi chỉ trên những chiếc giày cũ, ít khi nào nó ngước mặt lên nở nụ cười chào buổi sớm để cầu may mắn cho một ngày mới. Tôi đi qua hàng sửa giày dép của nó, không để ý lắm đến thằng nhóc sửa giày như những thằng nhóc khác sớm mưu sinh trên đường phố, đứa đánh giày, đứa bán vé số, đứa đẩy xe bán dừa, bán chuối hay ôm thúng đậu phộng luộc nhan nhản trên mọi nẻo đường góc phố mà tôi thường gặp, cho đến một ngày tôi tình cờ nhìn thấy tấm bảng ghi dòng chử:

“Nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số xích lô ba gác và người khiếm thị”.

Tôi bổng chú ý đến thằng nhỏ gầy gò sửa giày nép bên cây cột điện đó. À thì ra em cũng là một người Sài Gòn tử tế như bao nhiêu người Sài Gòn tử tế khác đang hiện hữu trong thành phố này, sự tử tế của em không lớn lao nhưng cách tử tế của em rất đáng trân trọng, dù nghèo hèn, vất vả mưu sinh vẫn luôn nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình.

Lựa một đôi giày cũ, sút đế tôi đem ra nhờ em dán đế lại, và thật bất ngờ khi em ngước mặt lên nhìn tôi cười chào, một nụ cười đẹp trên một gương mặt sáng bừng,cả đôi mắt cũng sáng trong và thật hồn nhiên.

-Em tên gì nhóc?

-Dạ con tên Beo! Nó đáp với chút bẽn lẽn.

-Sao Beo không đi học mà đi làm sớm vậy nhóc? Tôi hỏi với chút ái ngại, nhưng thằng nhỏ lại cười, trả lời rất vô tư:

-Nhà nghèo phải đi làm phụ ba mẹ con chú ơi, nhà con ở dưới quê khổ quá phải dạt lên này sống, cơm không đủ ăn tiền đâu mà đi học chú!

Thằng Beo nói về cuộc sống khó khăn của gia đình nó rất hồn nhiên, như nhà nghèo thì phải khổ, khổ thì không có tiền để đi học, khổ thì phải đi làm kiếm tiền phụ ba mẹ nên cái nghèo và cái khổ là điều hiển nhiên,không oán trách, không buồn bã, không than vãn, lời nói của em làm tôi chợt đăm chiêu.

Beo nghèo khó nhưng biết cách sống, cả câu em viết nghuệch ngoạc trên cánh của tủ đựng giày “sống là phải biết lao động mới thành công trong cuộc sống, sống thật thà mới thành người được quý trọng”, như một câu tâm niệm mỗi ngày em phải nhớ khi mở cánh cửa tủ lấy giày cho khách, em đang lao động không chỉ cho em mà cho cả gia đình đang khốn khó của em, và còn nghĩ đến cả những người khốn khó khác, đứng trước thằng nhóc sửa giày bên vệ đường tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước nhân cách đáng quý của em….

Cậu bé này rất đáng để tôi suy gẫm, em có một nhân cách đẹp trong một thân thể gầy gò, trong bộ quần áo lấm lem và đôi tay đen nhẻm, tâm hồn em rất sáng trong như ánh mắt, như nụ cười em.

Và bạn tôi có đi đâu ngang đường Nguyễn Đình Chiểu, gần chợ Bàn Cờ, nhìn qua bên kia đường, dưới cây cột điện có hàng sửa giày dép, có một thằng nhóc đang lui cui sửa lại những đôi giày cũ, là nó đó.

Tên nó là Beo.

Hãy mang những đôi giày cũ rách của bạn đến đây để nhờ em nó sửa nhé, đó là cách giúp em nó “lao động để thành công” và trở thành người “được quý trọng”! Chúc em luôn an lành và vui sống nha nhóc! (Nguồn từ internet)

Beo đúng là mẫu người tốt, người tử tế mà chúng ta muốn con cái chúng ta hướng tới.

Ông bà ta hay nói: “Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh”, một cảm nghiệm sai lầm khi giáo dục con cái của ông bà ta ngày xưa. Thêm nữa chúng ta hay dạy cho các trẻ lối sống “Hết trong nhà rồi mới ra tới ngoài ngõ” nên niềm vui và sự thỏa mãn của con trẻ được đặt lên hàng đầu. Điều này quá nhiều sẽ khiến con trở thành đứa trẻ ích kỷ, chỉ biết sống nhận mà không sẵn sàng chia sẻ. Trẻ cần phải học cách cân bằng nhu cầu của mình và nhu cầu của người khác để sống hòa nhập trong cộng đồng. Chúng ta hãy thử thay đổi những cách nhìn của mình về “hạnh phúc” và “người tử tế” cho con mình và đừng bao giờ e ngại khi con của mình dám đứng lên bảo vệ sự công bằng trong trường học hay một bạn học yếu thế bị trêu chọc…

Chúng ta học cách biết rằng để có những con người tốt, con người tử tế cho gia đình, cho xã hội, các bậc làm cha, làm mẹ như chúng ta phải biết tìm hiểu cá tánh của con mình, để hướng chúng thành một con người hữu ích.

Chuyên gia tâm lý về gia đình Richard Weissbourd, cũng là chuyên viên hàng đầu điều khiển dự án “Making Caring Common” với mục tiêu nuôi dạy trẻ thành người tử tế thuộc Đại học Harvard (Mỹ), cho biết: “Nhiều ông bố bà mẹ không quan tâm đến việc uốn nắn con mình thành những đứa trẻ tử tế, nền tảng của một xã hội văn minh, tiến bộ”.

Trong một khảo sát nhanh do “Making Caring Common” tiến hành, có đến 80% bạn trẻ nói rằng bố mẹ chỉ quan tâm và tự hào khi con đạt thành tích tốt trong học tập hoặc khi con có niềm vui, hứng thú vào việc gì đó. Hầu hết họ không quan tâm lắm đến việc con mình có ý thức đóng góp cho cộng đồng hay không hay khơi gợi, khuyến khích sự tử tế ở trẻ thơ.

Tử tế, là từ Hán-Việt. “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé, “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé. Tử tế không phải là chuyện nhỏ bé, bình thường mà có ngay được. Nó cũng phải được tu dưỡng, học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ.

Sự tử tế không thể tự có, đó là một quá trình “phản xạ có điều kiện” lặp đi lặp lại hành vi quan tâm người khác và thể hiện lòng biết ơn mà các bậc phụ huynh rèn luyện cho con. Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, những ai có tấm lòng bao dung, tốt bụng, thích giúp đỡ người khác sẽ thấy mình luôn hạnh phúc, nhiều năng lượng, sống hài hòa, có mục đích đời người. Hãy để ý và quan sát thái độ của con và bạn cũng cần là người đầu tiên dạy con cách biết ơn. Khuyến khích con trân trọng những điều người khác mang đến cho mình. Bạn cảm ơn khi được con quan tâm, làm điều gì cho bạn và sau đó đặc biệt khích lệ những việc tốt mà con làm cho những người xung quanh. Hãy bắt lấy những ví dụ về sự tử tế ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào để trao đổi với con.

Ban đầu, chúng ta hướng trẻ chỉ dành sự quan tâm đến những người thân trong phạm vi trong gia đình và bạn bè xung quanh chúng. Xa hơn, chúng ta cần khuyến khích trẻ mở rộng sự quan tâm ra ngoài phạm vi này. Một bạn học mới chuyển đến, một bạn học nhút nhát cần sự giúp đỡ, quan tâm… và rộng hơn nữa là những người lớn các con bạn sẽ gặp như bác tài xe bus, nhân viên phục vụ nhà trường, Principal, Front desk secretary, Security…  Hãy cùng xem với con vào một câu chuyện phim  mà nhân vật chính là những đối tượng trên để tăng sự cảm thông của con, giúp con hiểu và tập cách quan sát và tạo được liên bằng sự cảm thông, thấu hiểu với con người.

 

“Ask not what your country can do for you – ask what you can do for your country (John F. Kennedy) –  Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn. Hãy hỏi: Bạn có thể làm được gì cho tổ quốc.” Một câu nói bất hủ mà cái tôi, cái ích kỷ không được coi trọng trong một xã hội nhân văn, tiến bộ của chúng ta đang sống.

Chúng ta hãy luôn nói và dạy con những điều tương tự như :

Đừng hỏi gia đình có thể làm gì cho bạn. Hãy hỏi: Bạn có thể làm được gì cho gia đình.

Đừng hỏi trường học có thể làm gì cho bạn. Hãy hỏi: Bạn có thể làm được gì cho trường học.

 

(Còn tiếp)

 

Orange county tháng 9 ngày 14 năm 2015

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.