Nền Kitô học của bài thánh ca định nghĩa Đức Giêsu theo ba chiều kích gắn liền nhau: Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa; vì vâng lời Ngài làm người phải chết; do sáng kiến của Thiên Chúa Ngài được đặt làm Chúa vũ trụ.
CHƯƠNG IV
CÁC MẤU ĐIỂM THẦN HỌC TRONG THƯ GỬI GIÁO ĐOÀN PHILIPHÊ
TƯƠNG QUAN GIỮA NHÂN TÍNH VÀ THIÊN TÍNH CỦA ĐỨC KITÔ
THEO BÀI THÁNH CA KITÔ HỌC 2,6-11
Để trả lời cho vấn nạn do tín hữu Giáo Hội thời khai sinh nêu lên liên quan tới tương quan giữa nhân tính và thiên tính của Đức Giêsu, một tác giả vô danh đã sáng tác bài thánh ca kitô học được thánh Phaolô lấy lại và lồng khung trong chương 2,6-11 thư gửi giáo đoàn Philiphê. Tác giả bài thánh ca đã đưa ra câu trả lời như sau: Đúng, Đức Giêsu là một người, nhưng không phải như bất cứ con người nào khác. Sự đặc thù nằm ở chỗ nhân tính vẹn toàn của Ngài được hiện thực toàn vẹn trong thái độ hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha. Nghĩa là Đức Giêsu đã là người không phản bội chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa, là Đấng đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh rạng ngời của Ngài và cho con người được quyền tham dự vào sự bất tử của Ngài. Bài thánh ca kitô học trong chương 2,6-11 thư gửi tín hữu Philiphê dùng lược đồ ”hạ xuống thấp nâng lên cao” để diễn tả hai nhịp trong cuộc đời Đức Giêsu Kitô. Nền kitô học của bài thánh ca định nghĩa Đức Giêsu theo ba chiều kích gắn liền nhau: Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa; vì vâng lời Ngài làm người phải chết; do sáng kiến của Thiên Chúa Ngài được đặt làm Chúa vũ trụ.
Bài thánh ca mở đầu với một mệnh đề phân từ (proposizione participiale) khẳng định chiều kích thiên linh của Đức Kitô: Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa. Khẳng định này cũng quy chiếu về Adam được tạo dựng nên giống hình ảnh của Giavê như viết trong sách Sáng thế chương 1,26-27. Nhưng nó cũng diễn tả tư tưởng của chương 2,23 sách Khôn ngoan giải thích hình ảnh của Thiên Chúa như là ơn được tham dự vào sự bất tử của Thiên Chúa. Văn bản sách Khôn ngoan viết: ”Phải, Thiên Chúa đã tạo dựng con người không thể hư nát, vì Ngài đã khiến cho con người trở thành hình ảnh sự vĩnh cửu của Ngài”. Như thế nguồn gốc tuyệt diệu của con người chưa bị tội lỗi đụng chạm tới, được canh tân trong Đức Kitô, là Đấng trực tiếp tham dự vào sự bất tử của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Đức Kitô đã không lợi dụng điều kiện đáng ganh tị này của mình. Trái lại Ngài đã khước từ điều kiện đó bằng cách lựa chọn kiểu sống chung của mọi người phải tàn tạ và chết đi. Bài thánh ca nhấn mạnh trên điều kiện lịch sử trong cuộc sống của Đức Giêsu bằng các công thức song song: Đức Kitô đã lột bỏ chính mình để trở nên giống hình hài của một tên nô lệ. Ngài đã tự đồng hóa với các người khác, dung nhan vĩnh cửu (skêma) của Ngài đã trở thành dung mạo của bất cứ một người phải chết nào khác. Ngài đã tự hạ mình bằng cách vâng lời cho tới chết. Tắt một lời, bài thánh ca nêu bật nhân tính của Đức Giêsu đồng thời cũng nhấn mạnh trên sự khác biệt: Ngài là người không thể hư nát trong chương trình của Thiên Chúa Tạo Dựng. Nhưng Ngài đã lựa chọn chia sẻ điều kiện sống của những người tội lỗi bị kết án phải chết. Ngài là Đấng vâng lời, đã liên đới với những kẻ không vâng lời bằng cách chia sẻ thân phận là người tội lỗi của họ là những kẻ đã kéo lôi cái chết tới trên mình. Ở đây chúng ta cũng có thể nói rằng bối cảnh của bài thánh ca là chương 2,24 sách Khôn ngoan khẳng định rằng cái chết đã bước vào lòng thế giới do hoạt động của ma qủy và tội lỗi của con người.
Bên cạnh khẳng định ”Người lại còn hạ mình vâng lời cho tới nỗi bằng lòng chịu chết” thánh Phaolô thêm ”và chết trên thập giá” để xác định và kéo dài tư tưởng của bài thánh ca. Thái độ sống vâng phục của Đức Kitô không lùi bước kể cả trước kinh nghiệm đớn đau và hổ nhục nhất trong cuộc sống con người: đó là vác thập giá tới nơi hành quyết rồi bị lột trần truồng và đóng đanh như một tên tội phạm. Đức Giêsu đã sống thái độ vâng phục đến độ trở thành kẻ bị đóng đanh trên thập giá là ”gương mù gương xấu đối với người Do thái, điên dại đối với người ngoại giáo”, như viết trong chương 1,23 thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô. Trong chương 3,13 thư gửi giáo đoàn Galát thánh Phaolô còn đưa ra khẳng định mạnh mẽ hơn nữa, khi nói Đức Giêsu đã vâng phục cho đến độ trở thành kẻ ”bị Thiên Chúa chúc dữ”. Nếu tác gỉa vô danh của bài thánh ca kitô học đã chú ý tới sự kiện Đức Giêsu chia sẻ thân phận làm người phải chết, thì thánh Phaolô hướng cái nhìn của mgài tới sự bất lực và hổ nhục mâu thuẫn của sự kiện Đấng Cứu Thế bị đóng đanh trên thập giá. Đây là điều trái nghịch với cái luận lý và tâm thức của con người. Nhưng Thiên Chúa đã dùng nó để đánh đổ thái độ sống kiêu căng đã đẩy đưa nhận loại vào tình trạng phải chết. ”Dữ độc trị độc”. Thiên Chúa dùng chính cái chết vô tội của Đức Giêsu để tiêu diệt sự chết.
Phần hai của bài thánh ca gồm các câu 9-11 trong chương 2 thư gửi giáo đoàn Philiphê trình bầy lời đáp trả và phản ứng của Thiên Chúa trước thái độ vâng phục triệt để, tự dốc đổ và khiêm hạ tột cùng đó của Đức Kitô. ”Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người”. Kinh Thánh Cựu Ước đã trình bầy năng động trong sinh hoạt này của Giavê Thiên Chúa là Đấng tôn vinh các người công chính bị bách hại và áp bức, đặc biệt là Người Tôi Tớ Khổ Đau như sách Khôn ngoan viết trong chương 3,4-5: ”Trước mắt con người, họ bị coi là chịu trừng phạt, nhưng niềm hy vọng của họ tràn đầy bất tử. Vì một chút khổ hình họ sẽ lãnh nhận các ân lộc lớn lao”. Còn ngôn sứ Isaia trong chương 53,12 thì ghi lại lời Giavê phán về Người Tôi Tớ Khổ Đau như sau: ”Chính vì thế nên Ta sẽ ban cho Người các đám đông và Người sẽ cùng chia chiến lợi phẩm với các người quyền qúy, bởi vì Người đã tự nộp mình cho cái chết và bị liệt vào hàng tội lỗi”. Ở đây tác giả bài thánh ca nhấn mạnh trên tính cách siêu vượt của sự tôn vinh Đức Giêsu. Không có gì có thể so sánh được với vinh quang Thiên Chúa dành để cho Đức Giêsu. Cụ thể Thiên Chúa đã trao tặng Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Nói cách khác, Chúa Cha đã ban cho Đức Giêsu Đấng đã sống vâng phục dường ấy, một phẩm giá khôn sánh. Đó là phẩm giá là Chúa, như tác giả bài thánh ca xác định trong câu 11, nghĩa là tước hiệu của chính Thiên Chúa!
Khung cảnh văn chương của phần này là bối cảnh của buổi lễ phong vương và đăng quang: Đức Giêsu được Thiên Chúa Cha đặt làm Chúa vũ trụ và nhận lễ bái phục của mọi loài mọi vật đang qùy gối trước mặt Ngài, tung hô và tuyên nhận Ngài là Chúa vũ hoàn. Cũng có thể nói rằng đây là một buổi cử hành phụng vụ đích thực như được chứng minh trong công thưc tôn vinh chúc tụng kết thúc bài thánh ca: ”để tôn vinh Thiên Chúa Cha!”. Tác giả bài thánh ca hướng cái nhìn về ngày kết thúc lịch sử nhân loại, khi buổi cử hành phụng vụ của Giáo Hội hiện nay sẽ biến thành buổi cử hành phụng vụ của toàn vũ trụ và tất cả mọi loài mọi vật đều tuyên xưng ”Đức Giêsu Kitô là Chúa” (x. Rm 10,9) như kitô hữu đã từng tuyên xưng trong công thức lòng tin của họ.
Kiểu giải thích này theo sát viễn tượng do học giả Murphy O’Conor mở ra, và đem chúng ta trở về với vấn nạn do một hay nhiều cộng đoàn kitô thời Giáo Hội khai sinh nêu lên đối với điểm nòng cốt của lòng tin kitô. Đó là làm thế nào để hòa giải nhân tính của của Đức Giêsu với vai trò là Đấng Cứu Thế và với tước hiệu là Chúa mà công thức tuyên xưng lòng tin gán cho Ngài? Câu trả lời đã được tìm ra ngay trong các giới hạn sít sao liên quan tới nhân tính của Đức Giêsu. Một cách cụ thể, tác giả bài thánh ca đã đưa ra câu trả lời như sau: Đúng, Đức Giêsu là một người, nhưng không phải như bất cứ con người nào khác. Sự đặc thù nằm ở chỗ nhân tính vẹn toàn của Ngài được hiện thực toàn vẹn trong thái độ hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha. Nghĩa là Đức Giêsu đã là người không phản bội chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa, là Đấng đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh rạng ngời của Ngài, và cho con người được quyền tham dự vào sự không hư nát của Ngài. Thật ra Đức Giêsu đã loan báo trở lại thực tại tuyệt diệu này cho loài người bằng cách liên đới với thân hận của nhân loại tội lỗi. Chính vì thế nên Thiên Chúa Cha đã nâng Người lên cao vượt trên sự chết, đặt Người làm Chúa vũ hoàn và như thế hiện thực chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Việc tham dự của tất cả mọi người vào sự sống toàn vẹn của Thiên Chúa theo chương trình cứu rỗi được thực hiện qua sự kiện Đức Giêsu vâng phục tham dự vào vào số phận phải chết của những người bất phục tùng Thiên Chúa.
Đây là một lược đồ đầu tiên trong nền kitô học của Kitô giáo thời Giáo Hội khai sinh, qua đó tín hữu ý thức về lòng tin của mình nơi Đức Giêsu. Để phác họa ra nền kitô học đó tác giả bài thánh ca đã dùng lại nhiều đề tài thần học đã có sẵn trong Kinh Thánh Cựu Ước. Thứ nhất là đề tài thần học con người được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh của Ngài như khẳng định trong sách Sáng thế 1,26-26 và sách Khôn ngoan 2,23. Thứ hai là đề tài Thiên Chúa theo đuổi cuộc sống con người như sách Khôn ngoan viết trong 1,13-14: ”Thiên Chúa đã không làm ra sự chết và không vui vì sự hư mất của con người. Ngài đã tạo dựng nên tất cả để tất cả được sống”. Nghĩa là Thiên Chúa tìm mọi cách để trao ban trở lại cho con người sự sống mà con người đã đánh mất khi phạm tội. Thứ ba là đề tài tội lỗi đã khiến cho cái chết bước vào lòng lịch sử loài người như viết trong sách Khôn ngoan 2,24: ”Do sự ghen tương của ma qủy mà cái chết đã bước vào lòng thế giới”. Thứ bốn là đề tài Thiên Chúa đón nhận người công chính vào trong nước của Ngài sau khi họ chết như sách Khôn ngoan khẳng định trong chương 3,1-3: ”Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa và sẽ không có khổ hình nào đụng tới họ. Trước mắt những người dại khờ, xem ra họ đã chết, việc họ ra đi bị coi như đại họa, như án tận tuyệt việc họ xuất hành lìa xa, nhưng kỳ thực họ sống trong an bình”. Và thứ năm là đề tài Người Tôi Tớ Khổ Đau của Giavê Thiên Chúa, tuy vô tội nhưng chấp nhận mọi khổ đau, bách hại và cái chết bất công để đền tội thay cho người khác, và vì thế nên được Thiên Chúa tôn vinh, như ngôn sứ Isaia miêu tả trong chương 52,13-53,12.
Đức Ông Linh-Tiến-Khải
TRONG SỐ TỚI.
Nhưng chúng ta hãy trở về với bài thánh thi từ Thư gửi tín hữu Philipphê. Cấu trúc của bản văn có thể được chia thành ba đoạn, là những đoạn trình bày các thời điểm chính của hành trình mà Đức Kitô đã đi qua. Thời điểm có từ trước muôn đời của Người được diễn tả bằng những từ: “đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa, mà không nghĩ phải giữ cho được địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (câu 6). Tiếp theo đó là việc tình nguyện tự hạ của Chúa Con được diẽn tả trong đoạn thứ nhì: “Người đã hoàn toàn trút bỏ chính mình, để mặc lấy hình dạng của một tên nô lệ” (câu 7), “Người tự hạ mình, vâng lời đến nỗi chịu chết, và ngay cả chết trên thập giá” (câu 8). Đoạn thứ ba của bài thánh thi công bố câu trả lời của Chúa Cha đối với sự khiêm hạ của Chúa Con: “Chính vì thế, mà Thiên Chúa đã siêu tôn Người và đã ban cho Người một danh hiệu vượt trên hết mọi danh hiệu” (câu 9).
Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI, Giáo Lý về thư gửi tín hữu Philipphê
LÒNG TIN VÀO CHÚA KITÔ VÀ THÁI ĐỘ SỐNG TƯƠNG XỨNG VỚI LÒNG TIN
Views: 0