Uncategorized

Chung thủy: Yếu tố nền tảng của hôn nhân

Chung thủy hay chung thỉ hoặc thủy chung có nghĩa là trước sau như một, vì thủy có nghĩa là trước và chung có nghĩa là sau. Như vậy, khi nói đến một cuộc tình chung thủy, một hôn nhân chung thủy là nói đến một cuộc tình, một hôn nhân mà từ ngày đầu đến khi kết thúc hai người vẫn có nhau, vẫn giữ trọn lời hứa “yêu nhau” ban đầu của họ.

 

Chung thủy hay chung thỉ hoặc thủy chung có nghĩa là trước sau như một, vì thủy có nghĩa là trước và chung có nghĩa là sau. Như vậy, khi nói đến một cuộc tình chung thủy, một hôn nhân chung thủy là nói đến một cuộc tình, một hôn nhân mà từ ngày đầu đến khi kết thúc hai người vẫn có nhau, vẫn giữ trọn lời hứa “yêu nhau” ban đầu của họ.

 

Đây là một yếu tố nền tảng hết sức quan trọng và cần thiết cho hạnh phúc hôn nhân. Sở dĩ trong hôn nhân ngày nay con người không tìm được hạnh phúc, và sở dĩ nhiều cuộc hôn nhân đi tới chỗ đổ vỡ vì nhiều người đã không ý thức hoặc đánh mất ý nghĩa của hai chữ chung thủy khi bước vào đời sống này. Sau đây là một trích đoạn của Thánh Kinh Kitô Giáo dẫn chứng về nền tảng hạnh phúc của hôn nhân, dựa trên yếu tố chung thủy: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mk 10:6-9).
 
Sẽ có nhiều người nghĩ rằng đây là một quan niệm tôn giáo lỗi thời hoặc có tính áp đặt. Làm gì có chuyện Thiên Chúa kết hợp hoặc phối hợp, và làm gì có chuyện vợ chồng phân ly, chẳng qua chỉ là hai kẻ trai gái đến với nhau do hấp lực tình yêu, do sức cuốn hút của tình cảm, sự thôi thúc của tình dục, hoặc vì một lý do nào đó. Nhưng khi những cuốn hút ấy, những thôi thúc ấy, những lý do bên trong và bên ngoài ấy không còn nữa thì người ta cảm thấy không còn yêu, và kết quả là cuộc tình chấm dứt, chia tay. Đến với nhau và chia tay nhau như vậy là chuyện tự nhiên không liên quan gì đến niềm tin hay xác tín tôn giáo. Tại sao vì một quan niệm tôn giáo mà tôi phải sống với người vợ già nua, bẳn gắt, và khó tính suốt đời. Tại sao tôi phải sống với người chồng bất tài, thiếu đức?! Ở với nhau không được thì chia tay.

 

Chuyện tưởng vậy nhưng không phải vậy. Người này, người khác ly dị nhưng ly dị không phải là chọn lựa của tôi, vì tôi phải chung thủy với lời hứa hẹn và sự chọn lựa của mình. Luật pháp cho phép ly dị, nhưng tôi không cần dùng đến cái luật ấy, chỉ vì duy nhất tôi là người ý thức về chọn lựa và trưởng thành để chấp nhận chọn lựa của mình. Như vậy, ngoài ý thức tôn giáo ra, sự chọn lựa trưởng thành của tôi đòi hỏi tôi phải chung thủy và có trách nhiệm với chọn lựa ấy. Thật ra, không phải là con người ngày nay mới phải đối diện với những cám dỗ, mới có những lý do để chối bỏ cái ý nghĩa thủy chung trong hôn nhân. Chuyện kể rằng:

 

Án Tử, người nước Tề, nổi tiếng là một người thanh liêm. Xuất thân từ một gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh buôn tảo bán tần để mình ăn học. Đỗ đạt làm quan, Án Tử không bao giờ quên được ơn ấy của vợ. Cuộc sống đầy cạm bẫy, ông vẫn một lòng trung thành với vợ.

Một hôm vua Cảnh Công đến thăm ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà đã già xuất hiện trong bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người đàn bà đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt. Ông đề nghị với Án Tử :

 

– Ôi, vợ khanh trông vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao ?

 

Án Tử trả lời một cách dứt khoát, không chút do dự :

 

– Nội tử của tôi nay thật già và xấu. Nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay, kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc còn trẻ cốt để nhờ cậy lúc tuổi già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi cũng như tôi đã từng nhận sự giúp đỡ của nội tử tôi. Nay, bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi phải mang tiếng ăn ở bội bạc với nội tử tôi.

 

Nói xong, Án Tử lạy hai lạy, xin từ chối không lấy con gái của nhà vua. (Lẽ sống, tr 302).

Câu truyện của Án Tử cũng là câu truyện của rất nhiều cặp phu phụ đã sống và đã phản ảnh một cách đầy đủ ý nghĩa hạnh phúc của triết lý một vợ một chồng, triết lý một xương và một thịt của Kitô Giáo như đã trích dẫn ở trên. Có lẽ người đời sau không nhớ nhiều đến Ông vì những việc cao cả khác hơn là tấm lòng thủy chung Ông có đối với người vợ già nua và xấu xí.

Nhưng nếu có người muốn nhìn vấn đề với cái nhìn của tâm lý thì sao? Thật ra trong tâm lý phát triển cũng không cho phép có những thay đổi bất thường trong đời sống tình yêu và tình cảm. Lý do vì hai chữ “trưởng thành” chỉ áp dụng cho một thanh thiếu niên nam nữ khi người này có khả năng làm chồng, làm cha, làm vợ và làm mẹ. Ngoài ra, nó còn được áp dụng khi một người làm chủ được tình cảm, và những ham muốn của mình. Như vậy, hạnh phúc của một người là tự do hành động có trách nhiệm và trách nhiệm ấy đến từ một chọn lựa trưởng thành. Trong đời sống hôn nhân thì niềm vui và hạnh phúc đến từ những kết quả gặt hái được do những cố gắng và do những chọn lựa có trách nhiệm đối với chồng hoặc vợ. Ngoài ý thức hành động, ngoài việc chọn lựa và chấp nhận một cách trưởng thành, hôn nhân sẽ chỉ là một trò chơi ái tình tiềm ẩn may rủi, mà rủi nhiều hơn may. Đó cũng là lý do tại sao khi bước vào đời sống hôn nhân một cách vội vàng, thiếu suy nghĩ và để cho lý trí của mình bị che lấp bởi những vẻ hào nhoáng và sức cuốn hút của tình cảm, của dục vọng, hôn nhân của nhiều người đã sớm đi đến đỗ vỡ. Tóm lại, chung thủy trong đời sống hôn nhân là một hành động trưởng thành. Một hành động phát triển đầy đủ về tâm lý sống và nhân cách của một người.

Trong tâm lý trị liệu, thái độ trưởng thành và chấp nhận sự chọn lựa cũng là một trong những nguyên nhân khiến con người cảm thấy thanh thản, hạnh phúc, mạnh mẽ trong đời sống tâm lý hơn so với tình trạng bị lung lạc, bị khủng hoảng bởi những yếu tố tâm lý. Thí dụ một người nuôi tư tưởng tự tử, nếu tư tưởng ấy không bị loại bỏ ra khỏi suy tư của họ, thì trước sau gì người ấy cũng sẽ tìm dịp để tự tử. Một cách tương tự, nếu một người bước vào đời sống hôn nhân mà lại nuôi ý nghĩ ly dị hoặc để ý nghĩ ấy chi phối đời sống thì trước sau gì người ấy cũng có lý do để đi tới ly dị. Tư tưởng dẫn đến hành động. Tư tưởng ly dị trong trường hợp này chính là nguyên nhân dẫn đến một đời sống hôn nhân bệnh hoạn. 

Và trong tâm lý hôn nhân, thì hành động chung thủy và ý nghĩ chung thủy sẽ giúp cho người chồng hay người vợ tìm được ý nghĩa cho cuộc sống, cho những hy sinh và vất vả của mình, cũng như cho hạnh phúc gia đình của mình. Trường hợp của Án Tử vừa kể trên rất điển hình. Từ thái độ tích cực ấy, người ta sẽ khám phá ra hằng ngày những vẻ đẹp, nét duyên dáng, và đáng yêu của người chồng, người vợ để rồi họ sẽ hạnh phúc với đời sống và chọn lựa của mình, mặc dù vẫn biết rằng đời sống chung luôn có những thử thách và hy sinh cần phải chấp nhận. Người mang tư tưởng và hành động chung thủy trong hôn nhân sẽ luôn luôn cảm thấy mình hạnh phúc. Họ không bị chao đảo bởi những cám dỗ bên ngoài, không phải lo lắng, hoài nghi và ghen tỵ. Và nhất là không phải sống trong tâm thức phập phồng lo sợ còn hay mất chồng hoặc vợ. Cũng trong tâm lý hôn nhân, khi một người đã ly dị thì hôn nhân sau này của người ấy cũng rất bấp bênh, và họ cũng rất dễ bị “cám dỗ” ly dị nếu như cuộc sống này có những điều làm cho họ không được hài lòng. Nhưng thử hỏi, có ai trong nhân loại có thể lúc nào cũng làm hài lòng một người dù người ấy là vợ hay chồng của mình. Và có đời sống nào lại không có những thử thách. Do đó, người kết hôn với một người đã ly dị thì chính hành động ly dị của người vợ hay người chồng cũng sẽ là một thử thách đối với hạnh phúc hôn nhân của họ sau này.

Tóm lại, chung thủy – sau trước, trước sau như một trong hôn nhân –  vẫn là một tư tưởng và hành động của người trưởng thành: Trưởng thành tâm lý và trưởng thành tâm linh. Nó sẽ không bao giờ khiến ta phải hối hận, dù nhìn dưới khía cạnh tâm linh hay tâm lý. Nếu có những cám dỗ bất trung xẩy ra trong cuộc sống hôn nhân thì càng làm cho ý nghĩa chọn lựa và trách nhiệm của một người trở nên đáng quí, vì tình yêu cần phải nuôi dưỡng bằng hy sinh. Nói một cách tự nhiên hơn, có nghĩa là chung thủy trong đời sống vợ chồng chính là nền tảng căn bản cho hạnh phúc hôn nhân của một người. 

 

(Bài viết đã được phổ biến trên Việt Tide, số phát hành ngày 21 tháng 3 năm 2014. Và được phép Việt Tide và tác giả để phổ biến trên trang nhà Nazareth.)

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.