Uncategorized

Chung thủy không phải là một ngôn ngữ trừu tượng trong hôn nhân

Bạn sẽ được coi là lập dị, không thức thời, và cổ hủ nếu bạn nêu lên tư tưởng “chung thủy”, một vợ một chồng trong hôn nhân giữa đám đông bạn bè. Trong hôn nhân ngày nay, hai tiếng chung thủy coi như hiếm quí, và là một thứ ngôn ngữ trừu tượng.

Bạn sẽ được coi là lập dị, không thức thời, và cổ hủ nếu bạn nêu lên tư tưởng “chung thủy”, một vợ một chồng trong hôn nhân giữa đám đông bạn bè. Trong hôn nhân ngày nay, hai tiếng chung thủy coi như hiếm quí, và là một thứ ngôn ngữ trừu tượng. Tuy nhiên, ở một nghĩa tích cực của nó, chung thủy vẫn được coi như một yếu tố nền tảng để xây dựng toà nhà hôn nhân và để bảo vệ hạnh phúc hôn nhân.

Không hẳn là bi quan hoặc tiêu cực khi cho rằng hai chữ chung thủy như đang biến mất khỏi đời sống hôn nhân, và những người trung thành với đời sống này cũng đang dần dần bị “diệt chủng”.   Nhìn vào sự thật về quan niệm và về đời sống hôn nhân trong xã hội hiện nay vẫn lại là điều khiến cho những ai đang quan tâm đến đời sống này phải suy nghĩ. Con số thống kê ly dị ngày càng gia tăng từ 50% đến 70% tại nhiều nơi đã khiến những ai dù lạc quan mấy cũng cảm thấy lo sợ. Không biết rồi ra hôn nhân sẽ được định nghĩa như thế nào. Và thế nào là tình yêu, là sự trung thành với lời hứa hẹn, là hạnh phúc của hôn nhân.

Giữa những liên hệ chằng chịt về văn hóa, xã hội, chính trị và tôn giáo, gần đây một số ý kiến cho rằng với đà tiến hóa của nhân loại, và với phong cách sống hiện tại, từ ngữ hôn nhân và gia đình cần phải được định nghĩa lại.  Lý do hôn nhân ngày nay không nhất thiết phải là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, cũng như gia đình không chỉ qui tụ những thành phần gồm ông, bà, cha mẹ, anh chị em và con cháu. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn vào yếu tố chính của đời sống hôn nhân và gia đình để tìm ra một ý nghĩa đúng và khách quan khi nói về hôn nhân và gia đình. 

Từ rất xa xưa và trong mọi nền văn minh và văn hóa, hôn nhân vẫn là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Dưới cái nhìn xã hội, hôn nhân còn được bảo đảm bằng những tục lệ, những lễ nghi đôi khi rất rườm rà, cầu kỳ và khó hiểu. Nhưng đó là hôn nhân, và những ai muốn bước vào đời sống này đều cần phải trải qua. Ngay trong xã hội Việt Nam dù trước đây hay hiện tại, việc tiến tới đời sống hôn nhân là một tiến trình với nhiều giai đoạn, do những nghi thức và đòi hỏi gắt gao. Chủ yếu, những truyền thống hôn nhân ấy chỉ muốn nói lên rằng hôn nhân là một việc quan trọng. Nó sẽ là khởi đầu cho một cuộc sống mới, một gia đình mới, và một xã hội mới thu nhỏ.

Và cũng rất từ xa xưa, cũng như trong mọi nền văn hóa, khi hai người bước vào đời sống hôn nhân thì kết quả đầu tiên của hôn nhân ấy là những đứa con. Dù nhiều hay ít, dù con trai hay con gái, con cái luôn được coi như những hoa trái tình yêu của cha mẹ dành cho nhau, và như phúc lộc trời ban cho cha mẹ. Tình yêu trai gái trong hôn nhân theo Form là một thứ tình yêu quan trọng nhất, vì từ đó mới phát sinh ra tình yêu cha mẹ, tình yêu anh chị em, tình yêu gia đình, và tình yêu xã hội. 

Nhưng cũng như quan niệm về hôn nhân, quan niệm về gia đình hiện nay đang gặp phải những đe dọa và khủng hoảng trầm trọng. Con số người trẻ không muốn kết hôn nhưng chỉ muốn sống với nhau như tình nhân, như bạn bè, hoặc kết hôn nhưng lại không muốn sinh con đang là một thách đố cho đời sống này. Ngoài ra, tuổi kết hôn ngày nay càng ngày càng cao so với tuổi kết hôn của những thập niên trước cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hôn nhân và gia đình. Tại nhiều quốc gia hiện nay, thí dụ như Úc Châu chính phủ phải cho tiền để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Nhìn vào sự khủng hoảng dân số của Trung Hoa, hay một số quốc gia Âu Mỹ, việc sinh con không chỉ ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân, gia đình mà còn là một vấn nạn về phương diện kinh tế, chính trị và xã hội nữa. Xã hội sẽ già nua đi bằng những công dân cao tuổi, kinh tế sẽ gặp trở ngại với thành phần nhân lực già nua. 

Song song với việc kết hôn và sinh con, đề tài gia đình hôm nay còn gặp phải những thử thách khác nữa như việc giáo dục con cái. Sinh và nuôi con đã là một khó khăn đối với nhiều cha mẹ, nhưng giáo dục con càng trở nên khó khăn hơn trong xã hội hiện tại khi mà tự do được trao ra cho các em quá sớm, và thiếu kiểm soát. Những tội phạm xã hội hiện nay do ảnh hưởng của việc thiếu giáo dục, nhất là giáo dục gia đình, đang thu hút và lôi kéo đông đảo tuổi trẻ, làm cho tuổi trẻ dễ dàng lao vào những nguy cơ buông thả, hư hỏng, và mất định hướng. Nhiều cha mẹ phải đau khổ vì con. Nhiều gia đình phải tan vỡ cũng vì những đứa con hư hỏng. Đó là chưa kể đến việc lợi dụng và lạm dụng tuổi trẻ nhằm khai thác tình dục, khai thác thể xác và tâm lý tuổi trẻ vào những mục tiêu kinh tế cũng như chính trị.

Từ những khó khăn hiện tại của đời sống gia đình và xã hội, cần thiết chúng ta phải quay về với mục đích và ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân, mà một trong những điểm quan trọng làm nền tảng cho mục đích cũng như ý nghĩa ấy là sự chung thủy. Tình yêu là căn rễ của hôn nhân, nhưng tình yêu nếu thiếu yếu tố chung thủy là một tình yêu không trọn vẹn. Không thể mơ mộng và ngây thơ hát lên rằng:

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề”.
(Hồ Dzếnh)

Chẳng có gì là đẹp ngay cả tình yêu nếu nó dang dở, mặc dù ở một khía cạnh lãng mạn nhất đi nữa, cái không trọn vẹn kia cũng chỉ nói lên yếu tố “si mê” khờ dại của nó. Thí dụ, có những thanh niên hay thiếu nữa tự tử vì tình, dĩ nhiên thường là những mối tình dang dở, những mối tình không trọn vẹn. Vẻ đẹp thực tế và trọn vẹn của tình yêu không dừng ở chỗ dang dở. Nếu dang dở là tình đẹp thì chẳng cần phải cưới hỏi, chẳng cần phải sống với nhau, và cũng chẳng cần phải hy sinh cho nhau.

Một cách tương tự, nếu “đời hết vui khi đã vẹn câu thề” là một trong những khía cạnh đẹp của tình yêu, thì làm gì con cháu có thể nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt sáng ngời, những nét mặt hân hoan của ông bà, cha mẹ qua cách thức biểu lộ tình cảm và hạnh phúc của một gia đình êm ấm. Làm gì con cái, cháu chắt còn được cái phúc chúc tuổi thọ ông bà, cha mẹ, chúc mừng ngân khánh, kim khánh, ngọc khánh ngày thành hôn của ông bà, cha mẹ. Tóm lại, mối tình đẹp, hôn nhân đẹp, hôn nhân hạnh phúc, phải trọn vẹn khởi đi từ ngày đầu đến ngày cuối. Dĩ nhiên, sẽ không có hạnh phúc tuyệt đối trong chuỗi dài của hành trình yêu đương, của hành trình hôn nhân này.

Hôn nhân là một đời sống hạnh phúc. Và hạnh phúc hôn nhân là một hạnh phúc tương đối, bao gồm niềm vui và nỗi buồn, sung sướng và thử thách, một hạnh phúc rất tự nhiên gắn liền với thân phận và cuộc sống của con người. Nhưng cao điểm của hạnh phúc này là sự chung thủy, là một chuỗi dài nối tiếp không đứt đoạn của hai trái tim, hai tâm hồn, và hai thể xác đi bên nhau, san sẻ, chịu đựng, và đón nhận nhau. Đi sâu vào những rạn nứt, những chia tay, và đổ vỡ của hôn nhân ngày nay, điểm nổi bật nhất được tìm thấy là “cái tôi” của mỗi người. Cái tôi bình thường khi được vỗ về,  an ủi sẽ nằm im trong lòng mỗi người, nhưng nó sẽ chỗi dậy gây sóng gió khi bị va chạm, thử thách dù là vô tình hay hữu ý của người chồng hoặc người vợ. Đây được coi như mấu chốt của sự bất trung, của sự chia tay và phá hủy. Ý thức được cái tôi ấy, và trung thành, bền bỉ trong tình yêu đó chính là vẻ đẹp và hạnh phúc của một cuộc tình, của đời sống hôn nhân giữa vợ chồng. Tóm lại, chung thủy trong hôn nhân không phải chỉ là sáo ngữ, trừu tượng, hoặc chỉ để nói lên cho vui lòng người. Chung thủy là một lẽ sống, một triết lý sống thực tế, nó có khả năng kiến tạo hạnh phúc và làm cho hạnh phúc ấy thăng hoa trong đời sống hôn nhân của con người.
  

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.