Uncategorized

Chùm khế quê hương

Con người là một sự kết hợp bất khả phân ly giữa ba đời sống: thể lý, tâm lý và tâm linh. Với cái nhìn của hôn nhân Công Giáo, sinh lý là nghĩa vụ vợ chồng, là một hành động thánh thiện và qua tác động của quyền năng Thiên Chúa, cộng tác trong công trình sáng tạo của Ngài.

 

Con người là một sự kết hợp bất khả phân ly giữa ba đời sống: thể lý, tâm lý và tâm linh. Với cái nhìn của hôn nhân Công Giáo, sinh lý là nghĩa vụ vợ chồng, là một hành động thánh thiện và qua tác động của quyền năng Thiên Chúa, cộng tác trong công trình sáng tạo của Ngài.

 

Biết và hiểu về sinh lý không phải là một hành động tội lỗi, xấu xa. Đây là vấn đề mang tính tế nhị và khó nói, nhưng thật sự là vốn kiến thức cần thiết cho các bạn trẻ chuẩn bị sống đời hôn nhân, cho các bậc làm cha mẹ trong việc hướng dẫn con cái, các cá thân trong việc hiểu biết và mưu cầu hạnh phúc trong ơn gọi gia đình.

Chiều ngày 27/02/2010 tại giảng đường F.X. Nguyễn Văn Thuận, lầu I, TTMV TGP TPHCM, đã diễn ra bài thuyết trình của Tiến sĩ Bác sĩ (Ts Bs) Trần Mỹ Duyệt, với đề tài hết sức tế nhị và gai góc: “Những chấn thương tâm sinh lý trong đời sống vợ chồng thời @”, trước cử toạ hơn 200 tham dự viên và nhiều vị khách mời đặc biệt.

Bác sĩ tâm lý Trần Mỹ Duyệt, Cử nhân Tâm Lý Ứng Dụng, Cao Học Tâm Lý Trị Liệu và là Tiến sĩ Tâm Lý cũng là tác giả và dịch giả của 11 tác phẩm chuyên về Tâm Lý. Tác phẩm mới nhất xuất bản tháng 11 năm 2009: “Ðàm Ðạo Với Chúa Bằng Thánh Kinh” được chuyển ngữ từ nguyên tác mang tên “Conversing with God in Scripture” của học giả Stephen J. Bin. Ông từng được mời thuyết trình trong nhiều đại hội và đại học về các đề tài liên quan đến tâm lý, giáo dục, gia đình và từng xuất hiện trên các chương trình TV và phát thanh về các đề tài liên quan.

Từ USA, Ts Trần Mỹ Duyệt đã làm cuộc hành trình đến với khán giả của CTCDCT cùng với hành trang là vốn kiến thức uyên bác, giọng văn dí dỏm, trái tim nhiệt tình của người đi xa trở về thăm quê nhà và niềm xác tín đời sống Kitô hữu về vần đề bản năng, nhân cách con người và tính Thiên Thánh của đời sống hôn nhân, dưới cái nhìn của một nhà tâm lý.

Hôn nhân là ơn gọi của phần đông nhân loại. Cuộc hôn nhân hạnh phúc dựa trên cơ sở không thể thiếu là tình yêu và sự hy sinh. Không phân biệt giữa tình yêu và tình dục, giữa cảm giác cá nhân và những biểu lộ tình yêu là một trong những lý do khiến người ta có cái nhìn phiếm diện về đời sống vợ chồng, và xem hoạt động sinh lý trong đời sống hôn nhân chỉ là để thoả mãn nhu cầu bản năng và hoàn tất mục đích duy trì nòi giống.

Diễn giải bằng Thánh Kinh, Ts Trần Mỹ Duyệt đã minh chứng sinh lý dưới góc nhìn của một Kitô hữu là một hồng ân (Giới răn thứ 4, 6 và 9); một trách nhiệm (1 Côrinto 7: 3,4) và là một hành động cộng tác sáng tạo đem lại sự sống và lưu truyền nòi giống. (Sánh Thế 1:28).

Nửa giờ sau của chương trình, không khí giảng đường nóng lên khi Ts Trần Mỹ Duyệt trao đổi, giải đáp hàng loạt thắc mắc “không biết hỏi ai” của nhiều anh chị em tham dự viên về vấn đề sinh lý liên quan đến khía cạnh tâm lý.

Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, trưởng BMVHNGD, đã xuất sắc trong phần giải đáp thắc mắc về vấn đề sinh lý dưới khía cạnh luân lý.

Món quà tinh thần mà cộng đoàn tặng Ts Bs Trần Mỹ Duyệt là những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt, là sự tinh tế khi kết hợp giữa giai điệu êm đềm của bài hát “Quê Hương” của nhạc sĩ Đỗ Trung Quân và giỏ khế mang đậm tình quê nhà. Quả thật là một món quà và là một sáng kiến thú vị, ý nghĩa của BTC!

Hình ảnh chùm khế cùng lời bài hát “Quê Hương” như lời nhắc nhớ người ta về một cội nguồn không thể phôi pha, như lời mời gọi những bước chân xa quay về.

Cơn quốc biến năm 1975 đã ly tán anh em máu đỏ, da vàng cùng một Mẹ, để quê hương chỉ còn lại trong chiếc hộp ký ức của người đi xa, là hình ảnh cánh diều bay, con đò nhỏ, luỹ tre làng, giọt đàn bầu thong thả…và cả chùm khế vàng ươm nắng.

Chắc chắn nơi trời xa, những trái khế mộng nước được bọc trong bao lưới, bày bán ở siêu thị, không gợi được cái cảm xúc đằm thắm, quen thuộc, thân thương, vì chúng chỉ đơn thuần là hàng hoá mà thôi. Chùm khế quê hương hẳn thiêng liêng và quý giá hơn nhiều!

Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn; nơi người ta thừa hưởng di sản văn hoá, nghệ thuật; nơi có mồ mả ông bà, tổ tiên; nơi ta để lại một phần đời và cũng là nơi luôn hiện hữu trong suốt cuộc đời ta. Đối với người xa xứ, quê hương luôn đông đầy trong tâm trí. Nỗi nhớ có xa mới hiểu, nó thâm sâu, da diết ở trong lòng…

Chùm khế quê hương có cái mơn mỡn của tuổi thiếu thời, có vị ngọt của tất cả những gì ta cảm thụ từ con người và đất trời, sông núi Việt Nam.

Có phải chùm khế quê hương ngày nay héo nắng và nhiều vị chua, để ta e ngại muốn “trèo hái mỗi ngày”? Báo chí thời nay bàn nhiều về vấn đề “chảy máu chất xám”. Bên cạnh tiềm năng của lực lượng trí thức kiều bào chưa được khai thác cách hiệu quả, qua các trào lưu xã hội, hàng loạt trí thức và du học sinh bỏ nước ra đi… Có phải, với nhiều người, câu chuyện “ăn khế, trả vàng”, chỉ là một câu chuyện cổ tích mà thôi? Có phải “chiếc túi ba gang” không thoả lòng người, nên cánh chim phượng hoàng không kham nổi?..

Quê hương không chỉ là tất cả những gì ta bỏ lại trong tuổi thơ. Quê hương luôn hiện hữu cách cụ thể nơi đây, với những dòng sông, cánh đồng, với những con người lam lũ, với những mãnh đời nhọc nhằn, đau thương….

Quê hương vẫn cần lắm những khối óc, bàn tay chung xây, vun xới, để mãi mãi “Quê hương là chùm khế ngọt” của mỗi người.

Hạt Cát
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.