Chỉ vì những bài giảng Tin Mừng viết sẵn như thứ mì ăn liền, những bài chia sẻ, những bài hát trong Mùa Vọng này nên tôi phải tuyên xưng đức tin. Không tuyên xưng sao được khi mà lòng tôi nó nhức nhối vì một thứ đạo thuộc lòng, sáo mòn, thói quen, trống rỗng và nhai đi nhai lại mãi một điệp khúc ấy.
Một thứ đạo chỉ với những lời khuyên luân lý là chúng ta phải, ông bà phải, anh chị em phải, các con phải… trong những lời giảng trên tòa, và những bài chia sẻ viết sẵn hầu như giống nhau.
Thung lũng lấp cho đầy, núi đồi phải bạt xuống, đường quanh co phải sửa ngay thẳng… và cứ thế là bốc phét ra!!! đến nỗi tôi phải nổi quạu và buồn cho ‘ông Giêsu’ của mình:
Ông Giêsu ơi! ông là cái khỉ khô gì mà bắt tôi phải dọn đường thẳng băng trơn tru cho ông đến?
Bắt tôi phải trải chiếu hoa hay thảm nhung đỏ mượt mà cho ông bước đi à?
Ông đòi hỏi hơi bị quá đấy và Ông được tiếp đãi như thế thì ông có đến rồi lại đi thôi !!! Vô tích sự.
Ông Giêsu ơi! ông là cái đinh gì mà bắt tôi đào đường cuốc đất lấp hố sâu, bạt núi đồi, uốn thẳng đường quanh co…
với sức con người giới hạn của tôi làm sao mà thực hiện được. Tức là ý muốn bắt tôi gồng mình khử trừ tội lỗi hả! Còn khuya nhá! Càng khử càng chết sớm đấy!
Đấy, những sách soạn sẵn những bài giảng, bài chia sẻ, bài hát…
Nói rằng nhân vật “trầm trọng” đến sau, vì Mác-cô muốn nói với người Rôma, nên phải có người đi trước hô hào quát tháo dọn dẹp đường phố, quét rác hút bụi các vỉa hè, giăng cờ quạt biểu ngữ tung bay lộng gió, đèn xanh đỏ vàng nhay nháy chí choé, hoa lá cành đủ màu muôn sắc muôn hương… chuẩn bị cho một vị vua… cóc chết thối, oai hùng quyền thế hét ra lửa sắp đến.
Sự thật Đức Giêsu có cần phải hay đòi hỏi phải như thế không?
Trong Tin Mừng nói là:
“Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng” (Mt 12,19-20)
Ngài đến quá nhẹ nhàng có bài hát diễn tả nhẹ nhàng như ‘hạt sương rơi trên biển lặng’ bởi vì con người, ở thời đại nào cũng thế, vẫn đang chìm vào trong giấc ngủ cuộc sống trần gian.
Người nhẹ nhàng lặng lẽ và vẫn cứ nhẹ nhàng lặng lẽ mãi đấy… chẳng ngờ đâu!
Mỗi con người phải tự gồng sức mình lên lấp hố sâu tham vọng, bạt núi đồi kiêu căng, san phẳng lối quanh co lắt léo… cho mình ra ‘ngon lành’ và như thế tôi cóc cần ông Giêsu đến, bởi đến để làm gì vì mọi chuyện tôi đã tự làm được rồi!!!.
Ngược lại đấy, tôi rất hạnh phúc, tôi sung sướng khóc lên được vì Người thương tôi, đến với tôi khi mà tội lỗi của tôi chất chồng, yêu tôi ngay khi tôi là tội nhân cơ mà.
“Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi ; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8)
Thằng con hoang đàng trở về, ông bố đã chạy ra ôm hôn, hôn lấy hôn để, hôn bịt mồm nó lại để nó khỏi cần kể lể tội nó ra.
Đức Giêsu vào đền thờ xua đuổi những người buôn bán, đổi tiền bạc… thì đền thờ là chính tôi chẳng lẽ Người không xua đuổi cho tôi sao ?
Nên nhớ là Chúa làm nhé !
Con người tôi có làm được cái khỉ khô gì đâu !
Bởi nếu có làm được tí gì thì lại hay vênh vang lắm
“Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ :
đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa ;
cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2,8-9)
Hố sâu, núi đồi, đường quanh co… Đức Giêsu vượt qua được hết, tội lỗi trần gian ngập tràn thế mà Người vẫn cứ đến.
Giả như trong tương quan yêu thương hạnh phúc với Người thế mà có thứ giống tội tôi không sao chừa được, tôi đã cố gắng chừa lắm, thì tôi tin Người cùng đồng lao cộng khổ gánh vác tội với tôi và Người sẽ rất thương cảm tôi vì tôi đã phải oằn vai gánh vác tội lỗi của tôi.
“…và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu,
vì Chúa Cha ở với Thầy” (Ga 16,32).
Đời sống Kitô hữu, điều quan trọng cần thiết là nói đến tình thương yêu âu yếm chứ không phải gồng mình xua đuổi khử trừ tội lỗi.
Tội lỗi cứ xếp lại đó,
điều bận tâm lớn hơn là làm sao gặp gỡ được, nhận ra được tình yêu có một không hai.
Tình Yêu còn lớn hơn tội lỗi cơ mà !
Một khi đã gặp gỡ, đã cảm nhận được Tình Yêu thì chính Chúa sẽ sắp đặt lại trật tự cho đâu ra đấy !
Một câu chuyện lạ ở một giáo xứ kia, chuẩn bị một lễ lớn, có đấng bậc tới… những vị có trách nhiệm bắt con chiên, đặc biệt là chiên non, mặc quần áo đẹp, xếp hàng chờ đón trước cả tiếng đồng hồ.
Các chiên non phải cầm hoa, cầm cờ, cầm dây vải dài từ cổng vào… các chiên non đứng lâu mỏi chân tê cẳng, người uốn éo đứng không vững, trông rất là thảm thương.
Chiên già tôi đây thấy vị có trách nhiệm, lâu quá không gặp, mới tiến tới có mấy bước, thấy vị có trách nhiệm mặt mũi đanh lại, nhíu mày, bộ mặt căng thẳng vì chờ đợi nên chiên già tôi phải tụt lùi lại, sợ quá !
Ô, cả một bầu khí chờ đợi, hồi hộp đăm chiêu, căng thẳng…
Mục tử có đến sớm thật nhưng lại sì tốp ở gần đó, chờ đúng giờ mới tới và tới vù một cái trong tích tắc vào phòng mặc áo… thế là chiên già chiên non hoàn thành nhiệm vụ.
Không hiểu ai đã đặt ra truyền thống nghi thức đón tiếp ‘long trọng đại’ này nhỉ ?
Ai bắt chúng ta phải hành hạ nhau như thế nhỉ ?
Tại sao chúng ta phải làm khổ mình nhỉ ?
Mục tử đúng lý ra, khi đi đến đâu là chăm sóc đoàn chiên đến đó, từng con một, con nào đau yếu thì cho thuốc thang, con nào bị thương thì băng bó lại, con nào đói khát thì cho của ăn thức uống, con nào hay đánh nhau thì dẫn về chuồng, con nào còn đang nhậu nhoẹt say xỉn thì dìu về ràn chiên, con nào lạc lối thì tìm về cho bằng đđược, chiên con thì ôm ấp vào lòng và chiên mẹ thì tận tình săn sóc.
Nhưng mọi sự đều ngược lại, chiên to chiên bé đều phải sắp hàng ngăn nắp, chỉnh tề khăn áo, đèn đuốc cờ quạt… căng mặt trợn mắt tim hồi hộp để đón rước mục tử.
Thật buồn… cười !
Câu chuyện giáo xứ này cũng chỉ muốn phụ họa thêm cái tâm tình đã trình bày ở trên với những bài chia sẻ theo kiểu mì ăn liền. Dập khuôn, sáo mòn trong những Mùa Vọng năm này tới năm khác.
Điều ông Gioan Tẩy giả nói thế mà không phải thế,
tôi dọn con đường tức là tôi mở cửa đời tôi ra để cho Người vào,
đón nhận Người, cho phép Người vào nhà tôi, tôi gặp gỡ Người.
Tôi dọn con đường là lòng khát vọng, kiếm tìm, khám phá ra Người đang cận kề ngay bên trong cuộc sống của tôi như ông Gioan đã gặp gỡ và cảm nhận ngay còn trong bụng mẹ, để rồi ông đã được sai đi.
Lời ông kêu gọi con người chuẩn bị gặp gỡ Đấng là Tinh Yêu đến để cứu độ, đến để cho chiên sống và sống dồi dào…
Hiểu tốt cho ông nhé ! Vì ông là vị ngôn sứ Cựu Ước cuối cùng nên ông vẫn còn đưa những hình ảnh làm cho thính giả hoang mang sợ hãi như rìu đã kề gốc cây, thóc lúa đã nằm trên nia sàng…
Lý lẽ của những bài chia sẻ soạn sẵn là đưa hình ảnh những con đường ở trần gian, việc quan trọng và cần thiết của một con đường đối với một quốc gia, một châu lục… để rồi áp dụng vào đời sống tâm linh nhưng hẳn nhiên ta sẽ thấy nó rất là khập khiễng bởi nó đi ngược lại tình yêu thương âu yếm của Chúa.
Yêu nhưng-không, yêu đi bước trước, yêu xóa bỏ tội lỗi…
Đọc hai câu Tin Mừng dưới đây để kết luận :
– Các ông Pharisêu, kinh sư, luật sĩ, tư tế tự phong cho mình là những người công chính, đường lối thẳng băng :
“Toàn dân đang nghe, thì Người nói với các môn đệ :
"Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn." (Lc 20,45-47)
– Các người thu thế, đĩ điếm và quân bị xếp vào hạng tội lỗi thì quanh co, thung lũng hố sâu, gò nổng núi đồi gồ ghề :
“Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ?"
Họ trả lời : "Người thứ nhất."
Đức Giê-su nói với họ : "Tôi bảo thật các ông : những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31).
Tôi tin. Tôi tin Chúa thương tôi vì Người thương tôi nên tôi buông lỏng toàn thân cuộc sống để Người thực hiện những điều tốt đẹp cho tôi theo ý muốn của Người và vì đó cũng là bình an hạnh phúc của tôi.
Views: 0