Uncategorized

Chúa phạt

Đứng trước những thảm cảnh như vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ, trận động đất kinh hoàng mới xảy ra tại Haiti, New Zealand, và hiện nay là cơn động đất-sóng thần khủng khiếp đang gây bao đau khổ tại Nhật Bản, và biết bao những thảm kịch khác thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong cuộc đời như bệnh tật, tai nạn, rủi ro,… có vài người nhận định: “Những sự việc này là hình phạt Chúa giáng xuống những người tội lỗi.” Bạn nghĩ sao?

Đứng trước những thảm cảnh như vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ, trận động đất kinh hoàng mới xảy ra tại Haiti, New Zealand, và hiện nay là cơn động đất-sóng thần khủng khiếp đang gây bao đau khổ tại Nhật Bản, và biết bao những thảm kịch khác thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong cuộc đời như bệnh tật, tai nạn, rủi ro,… có vài người nhận định: “Những sự việc này là hình phạt Chúa giáng xuống những người tội lỗi.” Bạn nghĩ sao? Có người khác lại cho rằng Thiên Chúa giống như một người cha đôi khi dùng hình phạt nghiêm khắc để răn dạy con cái? Bạn có đồng ý với ý kiến này không?

 

 

Đứng trước một vấn đề nan giải, khuynh hướng phổ biến của con người là tìm cho ra một câu trả lời. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng thực tế là người ta dễ kết luận một cách vội vàng thiếu căn cứ cho những vấn đề phức tạp đòi hỏi phải có nhiều thời gian suy tư, nghiên cứu. Vấn đề mà ta đề cập ở trên là một vấn đề rất phức tạp và cần được xem xét một cách có cơ sở.

 

 

Trong truyền thống Kitô giáo, tiêu chuẩn chân lý tối thượng của chúng ta là chính Chúa Giêsu Kitô. Mọi nhận định về Thiên Chúa phải được đối chiếu với mạc khải của Chúa Giêsu qua lời dạy và cuộc sống của Người. Nếu không, ta rất dễ hiểu sai về Thiên Chúa và gây ra những hậu quả đáng tiếc cho đức tin của chính mình cũng như của anh chị em. Ta cùng trở lại câu hỏi đã đặt ra: Thiên Chúa có ra tay trừng phạt tội lỗi con cái nhân loại bằng những đau khổ như thiên tai, bệnh tật, rủi ro không?

 

 

Mời bạn cùng nhìn vào tiêu chuẩn tối thượng của chúng ta: Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Abba, nghĩa là Cha, là Bố. Thiên Chúa và người Cha đó đã làm gì cho nhân loại? Đức Giêsu khẳng định “Ai thấy tôi là thấy Cha.” (Gioan 12:45) Ta thấy gì nơi Đức Giêsu? Có bao giờ Đức Giêsu làm hại ai chưa, ngay cả tội nhân? Có bao giờ Người gây ra đau khổ cho ai không? Không biết bạn có tìm được một bằng chứng nào trong Tin Mừng về việc Chúa Giêsu phạt tội nhân hay không chứ mình thì hoàn toàn không. Ngược lại, mình chỉ tìm được vô số những bằng chứng về sự tha thứ, lòng nhân hậu và tình thương yêu của Người dành cho những người tội lỗi, trong đó có bản thân mình. Nói rõ hơn một chút, Chúa Giêsu ôm trọn lấy tất cả mọi cuộc đời, đặc biệt là các tội nhân: “Những người khỏe mạnh thì không cần thầy thuốc, nhưng những người đau yếu thì cần. Hãy đi và học cho biết điều này: Ta muốn lòng nhân từ chứ không cần lễ tế. Tôi đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng để kêu gọi những người tội lỗi.” (Mt 9:12-13, cf. Ed 18:31-32). Thậm chí khi những kẻ được Người chăm sóc phản bội và ra tay giết chết mình, Chúa Giêsu vẫn chan chứa một tình thương không bao giờ đổi thay. Trong trái tim Người không hề có bóng dáng của hận thù, của trừng phạt. “Phương pháp giáo dục” của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu là “yêu thương cho đến cùng” chứ không phải “quất vài roi thật đau cho chừa cái tật”. Thiên Chúa muốn con cái mình tương quan với Người bằng tự do yêu mến chứ không phải bằng khúm núm sợ sệt.

 

 

Tóm lại, Thiên Chúa mà chúng ta tin là Thiên Chúa được mạc khải bởi Đức Giêsu. Thiên Chúa ấy không thể nào gây ra những thảm cảnh cuộc đời như khủng bố, thiên tai, bệnh tật, giết chóc, v.v… Không, Thiên Chúa không thể làm những chuyện như thế, không phải vì Người không đủ sức làm, nhưng vì Người là Tình Yêu (1Ga 4:16). Những thảm cảnh này là do các nguyên nhân khác mà ta phải tìm hiểu cho kỹ lưỡng.

 

 

Có thể ai đó vẫn thắc mắc: “Nếu Thiên Chúa không làm những điều tiêu cực ấy, vậy Thiên Chúa ở đâu? Chẳng lẽ Người bỏ mặc con cái?” Để trả lời câu hỏi này, cần phải có nhiều thời gian và giấy bút. Trong giới hạn ở đây, ta có thể vắn tắt thế này: Hãy chiêm ngắm những người đang cố gắng hết sức để cứu sống các nạn nhân, dấn thân không quản ngại nguy hiểm, hy sinh giúp đỡ để khắc phục hậu quả của thảm cảnh,… Thiên Chúa ở đấy đấy.

 

 

Lm. Giuse Đinh Tuấn Việt, O.Carm.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.