Uncategorized

Chúa Nhật Phò Sự Sống

Chúa Nhật Sư Sống, năm nay được cử hành vào ngày 4 tháng Mười, là một ngày được dành riêng để người Công Giáo Hoa Kỳ suy niệm với lòng biết ơn hồng ân qúy giá Chúa Ban tức sự sống con người.

 

Công bố của một  vị hồng y

 

Chúa Nhật Sư Sống, năm nay được cử hành vào ngày 4 tháng Mười, là một ngày được dành riêng để người Công Giáo Hoa Kỳ suy niệm với lòng biết ơn hồng ân qúy giá Chúa Ban tức sự sống con người.

 

Công bố của một  vị hồng y

 

Chúa Nhật Sư Sống, năm nay được cử hành vào ngày 4 tháng Mười, là một ngày được dành riêng để người Công Giáo Hoa Kỳ suy niệm với lòng biết ơn hồng ân qúy giá Chúa Ban tức sự sống con người. Đây cũng là dịp để, trong tư cách quốc gia và cá thể, ta tự xét xem ta đã sống đẹp ra sao nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của những người vì tuổi tác, lệ thuộc, nghèo khó hay các hoàn cảnh khác đang gặp nguy cơ đối với chính mạng sống họ.

 

Trong cuộc tranh luận hiện nay về cuộc cải cách chăm sóc sức khỏe, hiển nhiên một điều là nhiều người Hoa Kỳ hiện tin rằng mạng sống và sức khỏe của một thiểu số xứng đáng được bảo vệ trong khi nhiều lớp người khác bị coi là không xứng đáng được hưởng sự bảo vệ ấy. Một thái độ như thế quả là đáng trách, càng đáng trách hơn nữa trong bối cảnh chăm sóc sức khỏe. Đưa ra sự kỳ thị trong phẩm chất chăm sóc dành cho các nhóm người khác nhau không hề có chỗ đứng trong ngành y học, và trực tiếp chống lại các qui phạm luân lý hiện đang hướng dẫn sự điều hành các bệnh viện và cơ sở cung cấp chăm sóc sức khỏe của Công Giáo.

 

Các trẻ chưa sinh vẫn là những con người mà mạng sống bị đe dọa hơn cả tại Hoa Kỳ: hơn một triệu trẻ em mất mạng trong các cơ sở phá thai. Phán quyết Roe v. Wade năm 1973 biến các tiểu bang thành bất lực trong việc chặn đứng nạn tàn sát ấy. Cám ơn (Chúa), Quốc Hội và phần lớn các tiểu bang trước đây đã ngăn cản việc dùng tiền công tài trợ các vụ phá thai (chỉ trừ một ít trường hợp ngoại lệ). Tuy thế, dù 67% người Hoa Kỳ đang chống đối phá thai bằng tiền người đóng thuế, tất cả các đề nghị về chăm sóc sức khỏe đang được Quốc Hội xem sét phần chắc sẽ cho phép hay áp đặt việc tài trợ phá thai ấy, hoặc qua việc đóng lệ phí bảo hiểm vào các chương trình của chính phủ hay bằng tiền của liên bang.

 

Cần phải nhắc lại rằng: phá thai, tức trực tiếp, cố tình giết một bé gái hay một bé trai chưa sinh, không phải là chăm sóc sức khỏe. Phá thai cướp mất sự sống của một trẻ thơ vô tội, và cướp mất bình an và hạnh phúc của các bà mẹ. Trong 25 năm qua, thừa tác vụ hậu phá thai của Giáo Hội Công Giáo, có tên là Dự Án Rachel, đã giúp đỡ các phụ nữ vượt lên trên các buồn đau và ân hận sau khi phá thai, bằng cách giúp đỡ họ tìm được bình an nhờ biết chấp nhận sự tha thứ của Chúa, biết tha thứ cho mình và tha thứ cho những ai có liên quan đến quyết định phá thai. Tài trợ phá thai chỉ có thể gia tăng con số người chết và đau buồn mà thôi.

 

Các trẻ em chưa sinh không phải là những con người nhân bản duy nhất bị thiệt thòi trong các đề nghị hiện nay. Nhiều người nằng nặc cho rằng không nên cho những người không có giấy tờ tùy thân hiện đang sống và làm việc tại Hợp Chúng Quốc được phép mua bảo hiểm sức khỏe để tham gia hệ thống mới, và phải khước từ không cho các di dân “nghèo” về phương diện luật pháp được quyền có bảo hiểm trong 5 năm đầu sống tại Hoa Kỳ. Có phải những di dân này đã từ bỏ tính người của họ ở biên giới hay chăng? Làm thế nào một xã hội công bình lại có thể từ khước việc chăm sóc sức khỏe cơ bản cho những người hiện đang sống và làm việc giữa chúng ta và cần được quan tâm về y tế? Xã hội ấy không thể và không được làm như vậy.

 

Trong khi phần lớn người Hoa Kỳ nhất trí rằng những ai không thể trả tiền để mua bảo hiểm sức khỏe vẫn cần được chăm sóc về y tế, thì một số nhà bình luận đã đi quá xa bằng cách gợi ý rằng muốn bù trừ chi phí do việc mở rộng phạm vi bảo hiểm gây ra, thì cần phải cắt giảm mức chăm sóc hiện đang dành cho người Hoa Kỳ cao niên. Nhiều chuyên gia còn gợi ý rằng nên xem sét các quyết định chữa trị không dựa trên nhu cầu của các bệnh nhân cao niên, mà dựa trên “phẩm chất sự sống” bị coi là thấp của họ hay dựa trên tỷ lệ giữa chi phí và hữu hiệu tính theo quãng đời dự phóng còn lại của họ. Những tính toán kiểu đó quả đã không còn đếm xỉa gì tới phẩm giá nội tại của người đang cần được chăm sóc, và phá hoại mối tương quan trị liệu giữa các nhà chuyên nghiệp về sức khỏe và các bệnh nhân của họ.

 

Không nên ngạc nhiên khi thấy việc bỏ rơi hay cái chết của một số người đã được đưa ra làm giải pháp cho vấn đề gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe. Những người ủng hộ việc kiểm soát dân số lâu nay vốn cổ vũ việc trục thai các trẻ thơ trong thế giới đang phát triển như một phương thế lầm lẫn để giảm nghèo.

 

Hiện nay, một số nhà duy sinh thái cho rằng cách hữu hiệu nhất để chặn đứng việc thay đổi khí hậu hoàn cầu là làm cho chương trình “kế hoạch hóa gia đình” phổ biến cùng khắp các nước đang phát triển. Họ phúc trình rằng trung bình mỗi ngày sẽ loại được 2.3 cân Anh chất carbon dioxide bị thải ra, bằng cách loại bỏ một con người nhân bản. Trong thuật ngữ những người ủng bộ việc kiểm soát dân số, thì cái hạn từ vô hại “kế hoạch hóa gia đình” bao gồm luôn cả những viên thuốc ngừa thai có tính phá thai, việc triệt sản, và các vụ phá thai bằng tay bằng cách dùng khỏang không hút thai nhi ra.

 

Tiểu bang Oregon, nơi chính phủ đứng ra phân phối việc chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân có lợi tức thấp, vốn từ khước không cung cấp cho một số bệnh nhân những thứ thuốc kê đơn quá mắc hòng kéo dài mạng sống của họ, trong khi nhắc cho các bệnh nhân này hay: giải pháp được giúp để tự sát là điều rất thuận lợi, sẵn có trong kế hoạch y tế của Oregon.

 

Nhiều khoa học gia biện minh cho việc thao túng và sát hại các phôi thai nhân bản trong việc thí nghiệm tế bào gốc, dựa vào hy vọng hão huyền sẽ tìm ra được các phương thế trị liệu mới. Thế nhưng, ngày càng có nhiều sự kiện cho thấy phương thức này chỉ tạo nên nguy cơ cho bệnh nhân, và cho các phụ nữ là những người bị lợi dụng phải cung cấp trứng cho việc nghiên cứu này.

 

Chết không phải là giải pháp cho các vấn đề sự sống. Chỉ những ai đui mù đối với thực tại siêu việt và ý nghĩa của sự sống nhân bản mới có thể ủng hộ việc giết các hữu thể nhân bản để làm nhẹ các nan đề kinh tế, xã hội hoặc môi trường.

 

Đối cực của một cái nhìn thiển cận ấy là tái khám phá sự trân qúy đối với tính thánh thiêng và phẩm giá của từng hữu thể nhân bản cá biệt một. Ta có thể khởi sự bằng cách dành một ngày nào đó cho một trẻ thơ. Một em bé trung bình thôi cũng là nguồn suối của niềm vui, của giọng cười, có khả năng nhảy những bước nhảy vọt táo bạo đầy tưởng tượng, đầy tò mò khám phá, và cả những mời gọi có suy nghĩ về công bình (tuy đôi khi có tính vị kỷ). Trẻ em thích thú trong thế giới sáng tạo của Thiên Chúa và yêu gia đình các em một cách vô điều kiện. Thiên Chúa ban cho mỗi con người nhân bản những khả năng diệu kỳ ấy, và trẻ em có thể giúp ta tái khám phá và biết trân qúy các khả năng này như mới.

 

Từ ngày có nạn ngừa thai và phá thai phổ quát, việc thù nghịch có tính văn hóa đối với trẻ em mỗi ngày một gia tăng. Các em thường bị mô tả như những vướng bận tốn kém pha mình vào cuộc sống vô tư của người lớn. Không ít hơn sáu cuốn sách gần đây đã được đưa ra nhằm bênh vực cho lối sống cố tình không có con, vì các lý do vị kỷ, hay để chống lại việc “thặng dư dân số”, một huyền thoại hoàn toàn vô giá trị. Đối với họ, nếu các cặp vợ chồng có thêm nhiều con nữa, thì Medicare và An Sinh Xã Hội chắc chắn sẽ phải phá sản. Từ năm 1955, vì số trẻ em ít đi và vì người ta sống thọ hơn, nên con số công nhân đã giảm đi so với con số người thụ hưởng, từ 8.6 chỉ còn 3.1 công nhân đóng góp cho qũy để hỗ trợ 1 người thụ hưởng. Nếu con số công nhân trẻ tham gia lực lượng lao động không gia tăng đáng kể, thì 25 năm nữa, chỉ còn 2.1 công nhân hỗ trợ một người thụ hưởng. (Như thế), việc chúng ta loại bỏ người trẻ không hề giải quyết được vấn đề chi dù trên cơ sở thực tiễn. Nó chỉ tổ góp thêm vấn nạn mà thôi.

 

Trẻ em, và những ai tùy thuộc chúng ta vì khuyết tật hay tuổi tác, đem lại cho chúng ta một cơ hội để gia tăng lòng nhẫn nại, lòng tốt và tình yêu. Họ dạy chúng ta rằng sự sống là một quà phúc để chia sẻ, không phải là một bận bịu vướng chân. Về cuối đời, ta sẽ được phán xử dựa trên tình yêu mà thôi. Trong khi ấy, giữa nhiều thách đố đối với cuộc đời, ta hãy nhìn lên “Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1:1), Đấng đã làm cho toàn bộ thế giới được chia sẻ vào vinh quang Người chiến thắng sự chết.

 

Cuộc cải tổ y tế

 

Trên đây là lời công bố ngày 29 tháng Chín, của Đức Hồng Y Justin F. Rigali, chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gửi người Công Giáo toàn quốc nhân Chúa Nhật Sự Sống, năm nay rơi vào ngày 4 tháng Mười. Công bố này một lần nữa cho thấy Giáo Hội Công Giáo không hẹp hòi chỉ giới hạn vấn đề sự sống vào các trẻ thơ chưa sinh, mà là sự sống nói chung từ lúc tượng thai cho tới lúc kết thúc tự nhiên. Cũng cần thêm rằng: công bố này nhằm các chủ thể hiện là đối tượng của cuộc cải tổ chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ, chứ không hẳn vấn đề sự sống chỉ liên quan tới các thành phần này mà thôi. Giáo Hội Công Giáo vốn không ủng hộ án tử hình cũng như cực lực lên án chiến tranh, dưới bất cứ danh nghĩa và ý thức hệ nào.

 

Bởi thế không nên lầm lẫn chủ trương của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đối với cuộc cải tổ chăm sóc sức khỏe nói chung, một cuộc cải tổ tự nó không bị Hội Đồng này bác bỏ. Vấn đề gai góc chỉ là vì kế hoạch cải tổ này đụng tới hai điểm chủ yếu đó là vấn đề quyền lương tâm của các nhân viên chăm sóc sức khỏe và việc tài trợ phá thai. Giải quyết hai vấn đề này chắc chắn sẽ giải quyết phần lớn các khúc mắc của người Công Giáo tại Hoa Kỳ đối với chương trình cải tổ y tế của chính phủ Obama.

 

Ông Obama biết rất rõ điều ấy, nên cái nhìn của ông hiện nay đã thay đổi nhiều, so với cái nhìn thời tranh cử, một cái nhìn hoàn toàn bị chi phối bởi ý thức hệ đảng phái. Nay ông đã là tổng thống của cả nước, điều mà ông đã long trọng tuyên nhận vào lúc nhậm chức, thì cái nhìn ấy phải phản ảnh cái nhìn của cả nước. Chính vì vậy, trước khi qua gặp Đức Bênêđíctô XVI tại Vatican, nhân gặp gỡ đại diện báo chí Công Giáo ngày 2 tháng Bẩy năm nay, ông đã cam đoan với họ sẽ tôn trọng quyền lương tâm của các nhân viên cung cấp chăm sóc sức khỏe. Hẳn mọi người còn nhớ câu thời danh ông nói hôm đó, theo cha Owen Kearns, chủ bút và là nhà xuất bản tạp chí National Catholic Register, có mặt tại cuộc gặp gỡ: “Tôi có thể đảm bảo với toàn thể các độc giả của qúy vị rằng khi cuộc duyệt xét này hoàn tất, sẽ có một điều khoản khỏe khoắn về lương tâm được công bố. Rất có thể nó không thoả mãn được mọi tiêu chí do những người phê phán phương thức của chúng tôi nêu ra, nhưng chắc chắn nó không yếu hơn điều hiện có trước khi có những thay đổi”.

 

Gần đây nhất, ngày 9 tháng 9, nhân nói truyện với quốc dân về kế hoạch cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe, Obama đã hứa sẽ không dùng tiền dân đóng thuế để tài trợ phá thai, một động thái được các cố vấn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hoan nghinh. Nhân cơ hội này, Hội Đồng cho thấy trong nhiều thập niên qua, Hội Đồng luôn cố gắng để có được một hệ thống “chăm sóc sức khỏe xứng đáng cho mọi người… Cuộc cải tổ chăm sóc sức khỏe nào biết tôn trọng sự sống và phẩm giá mọi người phải là một mệnh lệnh luân lý và là một ưu tiên khẩn cấp cho quốc gia”.

 

Các cố vấn của Hội Đồng khi tỏ ý hoan nghinh lời tuyên bố của tổng thống Obama thẩy đều cho rằng họ sẽ ủng hộ kế hoạch cải tổ y tế của ông để có được “một chính sách y tế thực sự phổ quát, biết tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, mọi người được tham gia nhất là người nghèo và cả di dân nữa”. Theo lời Đức Cha Thomas Wenski, giám mục Orlando, thì đó phải là một cuộc “cải tổ dẫn tới chăm sóc sức khỏe cho mọi người”, dĩ nhiên trong đó, có cả trẻ chưa sinh. Ngài cho hay: “Đối với Giáo Hội, vấn đề căn bản là vấn đề sự sống và phẩm giá con người”.

 

Sự xích lại gần nhau trên đã được tạp chí The America (số ngày 28 tháng Chín) nhận định như một ngã tư đường chính trị đối với việc chăm sóc sức khỏe. Tạp chí này cho rằng tại cái ngã tư đường này, nếu không loại bỏ những quan điểm thiển cận và phe phái, thì nước Mỹ sẽ đánh mất cơ hội mấy chục năm mới có một lần này để cải tổ y tế, một nền y tế đang biến “vận xui y khoa thành thảm kịch bản thân và khánh kiệt kinh tế; nó cũng đè nặng lên nền kỹ nghệ Hoa Kỳ, làm trở ngại ngành sản xuất của Hoa Kỳ trong một thị trường hoàn cầu càng ngày càng có tính cạnh tranh. Nó cũng làm cạn các nguồn tài nguyên tài chánh trên cả ba bình diện địa phương, tiểu bang và liên bang…”

 

Tạp chí này cũng nhắc lại học thuyết xã hội Công Giáo đòi phải có một hệ thống y tế dành cho mọi người và không nên sợ một cách mù quáng vai trò các thẩm quyền công trong lãnh vực này bởi “thẩm quyền công là cơ chế thông thường qua đó người dân đưa ra hành động tập thể”, miễn là phải nhằm công ích, không nhằm tư lợi, điểm thắng cho phe phái mình. Vì chính sách ưu tiên chọn người người nghèo, nên phải coi việc chăm sóc y tế như một nhu cầu nhân bản có tính nền tảng, một nghĩa vụ tôn giáo y như bổn phận cung cấp thực phẩm cho người đói ăn, chỗ ở cho người không nhà và quần áo cho người trần truồng.

 

Dù đôi khi có giọng “lên mặt dạy dỗ” thẩm quyền Giáo Hội về phương diện này, tạp chí The America cũng phải thừa nhận rằng Giáo Hội không nên thỏa hiệp đối với việc chính phủ liên bang mưu toan dùng tiền liên bang để tài trợ phá thai cũng như đe dọa phá bỏ quyền lương tâm của các nhân viên y tế. Hai điều ấy đã được ông Obama trả lời sáng tỏ.

 

Tuy nhiên, như nhận định của Đức Hồng Y Rigali, cuộc tranh đấu của những người phò sự sống hình như không bao giờ được giải quyết hoàn toàn. Không dùng tiền liên bang để tài trợ phá thai không có nghĩa là các thế lực thế tục hết khuyến khích việc thả dàn phá thai. Họ vẫn còn muốn cho phép người ta mua những chương trình bảo hiểm được liên bang bảo đảm để phá thai hợp pháp, có thể tại bất cứ bệnh viện hay bệnh xá nào họ muốn. Người bảo vệ sự sống vẫn còn cần phải tỉnh táo vậy.

Vũ Văn An

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.