Uncategorized

Chúa Giêsu và Đức Maria trung tâm Mùa Vọng

Đón mừng Chúa Giáng Sinh có ý nghĩa nhất chính là dấn thân phục vụ người khác trong khiêm tốn, và mang Chúa Giêsu đến cho người khác bằng chính cuộc sống thường ngày của mình. 

 

1. Với Chúa Giê-su : Con người trong nhân loại.

Đón mừng Chúa Giáng Sinh có ý nghĩa nhất chính là dấn thân phục vụ người khác trong khiêm tốn, và mang Chúa Giêsu đến cho người khác bằng chính cuộc sống thường ngày của mình. 

 

1. Với Chúa Giê-su : Con người trong nhân loại.

Mở đầu vào Mùa Vọng, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”
(Lc 21,36).

Thế giới này sẽ qua đi, nó sẽ kéo theo những kẻ say đắm trần thế, như tham lam, vơ vét những của bất chính, làm thiệt hại đến người khác, làm mất phẩm giá con người. Cùng với những trò quỷ ma quyến rũ người ta, là những biến cố lớn kinh thiên động địa xảy đến cách bất ngờ. Như ngày 11-9-2001, tòa tháp đôi ở Mỹ bỗng chốc nổ tung, chôn vùi trong kinh hoàng hơn 3.000 người, không phải là những con người nghèo khổ, bất hạnh, nhưng là toàn những con người tài cao, học rộng và thông thái. Như chiếc tầu hùng vĩ Titanic, ngẫu hứng hay cố ý lấy tinh thần “chống trời” của vị thần Hy Lạp Titan, có sức mạnh chống trời, để đặt tên cho con tầu khổng lồ, hàm ẩn một ý tưởng ngông nghênh không có gì có thể làm nó sụp đổ. Thế nhưng, chưa qua hết một ngày hành trình, con tầu đã giã từ nhân gian và những kiến trúc sư đã vẽ kiểu và tạo nên hình hài cho nó. Sức mạnh về hàng hải của nó phải được kể vào bậc nhất lúc bấy giờ, ngày nó xuất cảng ra khơi, năm 1912, nhưng dù thế, Titanic cũng đã không đứng vững được khi gặp một vật cản ngầm, mang theo xuống lòng đại dương mênh mông hơn một ngàn hành khách. Họ cũng không phải là những con người cùng khổ, lao động cơ cực, nhưng là những kẻ lắm tiền nhiều của.Như cơn sóng thần mấy năm trước đây, cũng như con bão Katrina tàn phá tiểu bang Louisiana và mới đây là cơn bão rồi cơn lũ liên tiếp số 9.số 10 và 11, tàn phá cơ sở, mùa màng của miền Trung Việt Nam, và cuốn theo cả con người nữa ,ở đây là những con người chài lưới và nghèo khổ thật sự.

Nền khoa học và công nghệ cao hiện nay cũng đang cao ngạo thách đố “Ông Trời”. Tuy nhiên, nó cũng phải thừa nhận khí thải của nó thải vào không gian trên toàn thế giới mỗi ngày đã tạo ra hiệu ứng nhà kính, băng ở Nam cực đang tan dần, băng trên dẫy Himalaya, theo dự báo của các chuyên gia về khí hậu, cũng sẽ biến mất trong 2-3 thập niên và đó là thảm kịch ghê gớm, thoạt tiên là lũ lụt dữ dội rồi sau đó là khô hạn triền miên.Việt Nam có hai vùng đồng bằng rộng lớn là vùng châu thổ sông Hồng và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khi nước biển dâng, sẽ khiến khoảng 11% diện tích đất Việt Nam bị ngập và 9 triệu dân sẽ phải tái định cư.(Tuổi Trẻ số 335/2009 (6018) Thứ tư ngày 9.12.2009 tr 19)

 

Con người với trí tuệ do Thiên Chúa ban tặng, đoán được trước những nguy cơ bị hủy diệt bởi chính con người , nhưng lại không biết ăn năn sám hối về các tội phạm đến Thánh Thần, miệt thị người nghèo khó, buôn bán phụ nữ và trẻ em, coi họ như những món hàng trao đổi để có những đồng tiền nhơ nhuốc. Họ không biết rằng, hành động như thế là phạm đến chính Thiên Chúa, Đấng tạo ra họ (Cn 14, 31). Cánh cửa của thế giới này sẽ đóng lại đồng thời cũng mở ra một cánh cửa khác, dẫn vào một trời mới, đất mới.Khi đến giờ này, nhân loại đứng trước những thách đố. Ranh giới giữa Thiên đàng và địa ngục không xa cách bao nhiêu. Nếu những tai họa khủng khiếp khôn lường, có làm cho lòng người sợ hãi mà trở về với Thiên Chúa, cầu nguyện , sám hối và thực thi bác ái, thì họ sẽ được cứu. Nhưng đồng thời bên cạnh những tai ương, con người không biết thức tỉnh, vẫn đắm chìm trong những trò tiêu khiển quỷ ma, vẫn mê ăn mê uống vì nghĩ rằng chết là hết rồi, chẳng có thiên đàng mà cũng chẳng có hỏa ngục, chẳng có thần thánh. Trước mắt, cái cụ thể đây, cái ta trông thấy đây là một niềm hoan lạc đầy cám dỗ, rũ bỏ nó đi, ta còn gì đây ? Đó là một thái độ báo trước hiểm nguy, không thể đứng vững trong ngày tăm tối.

 

Tuy nhiên, không phải là tất cả mọi người, không trừ một ai và cũng không phân biệt giàu nghèo, chủng tộc v.v…đều được Chúa kêu gọi đi làm vườn nho cho Chúa sao ?
Bài Tin Mừng đọc trong ngày Thứ Ba tuần 3 MV năm C này (Mt 21, 28-34), đề cập đến hai người con, đáp lại lời kêu gọi của người cha : “Này con ! hôm nay, con hãy đi làm vườn nho.!”Người con thứ nhất thưa: “Tôi không muốn !” Nhưng về sau, nó hối hận và đã ra đi.Gặp người con thứ hai, ông cũng bảo như vậy; đáp lại nó thưa: “Vâng ! Thưa Ngài !” Nhưng nó đã không đi.” (Mt 21, 28-30) Chúa Giê-su hỏi các thượng tế : “Ai trong hai người đã làm theo ý người cha ?” Họ đáp : “Người thứ nhất”. Đức Giê-su nói với họ : “Tôi bảo các ông, quân thu thuế, lũ đàng điếm qua trước các ông mà vào nước Thiên Chúa.”(Mt 21,31)

 

Trong xã hội cũng như trong giáo hội, không thiếu loại người thứ hai này. Nói mà không làm, có khi nói thì hay nhưng làm thì như “mèo mửa” ! Giai cấp kinh sư trong đạo Do Thái giữ luật rất nghiêm nhặt, đã không thi hành bác ái, nhưng “ Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.” (Mc 12,41). Vì thế, Chúa Giê-su đã phán : “Không phải những người nói : Lạy Chúa ! Lạy Chúa ! là được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ thi hành ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời.”(Mt 7,21)

Chúng ta đang bước dần tới ngày Chúa Giáng Sinh, Phụng vụ cho chúng ta biết về Gia phả của Chúa Giê-su (Mt 1,1-17). Về phương diện nhân loại, Chúa Giê-su thuộc một dòng tộc có những bậc thánh thiện và những người xấu, kể được là tội lỗi. Người đời thường hay khoe cái tốt, cái hay của mình; còn cái xấu, cái khuyết điểm thì che đậy. Thánh Mat-thêu thì không thế, ngài muốn cho chúng ta thấy cả một lịch sử của ơn cứu độ bao gồm hai mặt : tích cực và tiêu cực, thánh thiện và tội lỗi, ánh sáng và bóng tối. Sau này, khi đi giảng dậy, Chúa Giê-su cũng nói đến một ruộng lúa, có lúa tốt và có cả cỏ lùng.Khi Mẹ Maria sinh hạ Người, thánh Giu-se không tìm được một nhà trọ nào trong thành của Đa-vít, tổ phụ của Người. Không biết có phải các nhà trọ trong đêm đó đã thật sự hết chỗ vì chậm chân, hay chỉ vì người ta thấy Mẹ Maria và thánh Giu-se trông bề ngoài sao mà nghèo nàn quá, khổ sở quá, tiền đâu mà thuê nhà trọ ! Cho nên, thánh Giu-se đành phải dẫn Mẹ Maria ra ngoài đồng giữa một đêm tuyết rơi tư bề lạnh giá, vào một cái lều tranh dùng làm chỗ nghỉ chân qua đêm của các trẻ mục đồng.Trong ba năm đi giảng dậy, Người thường bị nhóm biệt phái chê bai, làm bạn với phường tội lỗi, ăn uống với quân thu thuế. Ba năm trời giảng đạo, Chúa Giê-su không có “hòn đá gối đầu”.Khi chết thì bị liệt vào hàng trộm cướp, đất không có mà chôn tấm thân chí thánh, các môn đồ phải táng nhờ trong một hang đá ! Người đời cho như thế là nhục nhã, Chúa Giê-su hoàn toàn thất bại.Nhưng sau hơn 2.000 năm, ngày nay Chúa Giê-su trở nên một con người được nghiên cứu nhiều nhất, từ người thông thái, khoa học gia,các nhà chính trị, các tay xã hội học, nhà văn, đến các thành phần bình dân.

 

2. Với Đức Mẹ Maria : Người thiếu nữ khởi đầu của Tân ước

 

Trong Gia phả Chúa Giê-su, chúng ta biết khởi đầu là Abraham của dòng Cựu ước và Trinh nữ Maria, là người mở đầu cho Tân ước.

Trước khi bước sang thời kỳ Tân ước qua việc Chúa Nhập thể làm người, chúng ta học được ở Abraham điều gì ?

Chúng ta biết, Abraham thuộc về một gia đình “ở mãi bên kia Sông Cả và đã phụng sự các thần khác” (Gs 24, 2). Nhưng Thiên Chúa đã kêu gọi Abraham, dẫn ông và gia đình ông ra khỏi đất Ur của dân Kan-dê để đến đất Canaan (Stk 11, 31).Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã tỏ ra vô cùng đại lượng đối với Abraham. Những lời hứa của Thiên Chúa đã vạch ra cho Abraham cả một tương lai huy hoàng tuyệt diệu. Chúa luôn nhắc đi nhắc lại : “Ta sẽ ban cho”. Ngài sẽ cho Abraham một giải đất. Ngài sẽ cho ông được sung mãn và cho dòng dõi ông nên cực kỳ đông đảo.Nhưng nói đúng ra, hoàn toàn lại có vẻ trái ngược với những viễn ảnh kia :

Abraham là một người du mục, Sara (vợ ông) thì đã quá tuổi sinh con. Do đó tính cách nhưng không của những lời Thiên Chúa hứa càng thêm rõ rệt : tương lai Abraham tùy thuộc hoàn toàn vào quyền năng và lòng nhân từ của Thiên Chúa…Ngài chỉ đòi hỏi ở Abraham một đức tin chuyên cần và dũng cảm, một tấm lòng sẵn sàng đón nhận ý định của Ngài.” (x. Điển ngữ Thần học Thánh kinh (I) , Phân khoa thần học, Giáo hoàng Học viện Thánh Pi-ô X Đà Lạt, tái bản lần thứ hai, 1971, tr 49).

Chúa đã ban Isaac cho Abraham, một người con duy nhất. Thế nhưng, Chúa lại thử luyện ông bằng cách đòi ông hiến tế người con chí ái này, dấu chỉ tương lai của lời hứa. Abraham “ đã không từ chối đứa con một của ông” (Stk 22, 16).

 

Còn với Mẹ Maria

Phụng vụ Mùa Vọng hướng về Đức Maria là nhằm giúp mỗi người giáo dân học hỏi nơi Mẹ Maria hai điều căn bản của đạo làm con. Đó là sống khiết tịnh trong bổn phận, trong ơn gọi của mình, (lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Lc 1,26-38).Đây chắc chắn là điều tốt nhất và đẹp lòng Chúa và Đức Mẹ nhất, để đón mừng ngày Chúa đến, với mỗi người hay với toàn thể nhân loại trong ngày cánh chung. Nhưng nếu chỉ có điều này thôi thì chúng ta mới tạo lập mối tương quan chiều dọc, một cái thang lên xuống giữa người tín hữu và Thiên Chúa. Chúng ta còn một tương quan xã hội, nên chúng ta còn bổn phận với người khác. Chính vì “người khác” này, mà Chúa Giê-su từ địa vị Thiên Chúa, đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập giá (Pl 2,6-11), hầu cứu thoát con người khỏi sự chết. Sứ mệnh này, Chúa Giê-su đã trao cho các Tông đồ và các ngài lại trao cho chúng ta. Người tín hữu đầu tiên thi hành sứ mệnh này, chính là Đức Maria. Ngay sau khi Mẹ được thiên sứ truyền tin là Mẹ sẽ hạ sinh Đấng Cứu Thế, Đấng Israel trông đợi, và bà Ê-li-sa-bét, người chị họ của Mẹ, cũng đang mang thai lúc tuổi già. “ Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”(Lc 1,37). Mẹ Maria đã vội vã lên đường đi thăm bà chị họ.Giúp đỡ người khác như Mẹ Maria đã làm đối với bà Ê-li-sa-bét, là một cuộc sống tốt đẹp, là cách người tín hữu nối dài thánh lễ, tiếp tục hiến tế trong đời thường.

Đón mừng Chúa Giáng Sinh có ý nghĩa nhất chính là dấn thân phục vụ người khác trong khiêm tốn , và mang Chúa Giê-su đến cho người khác bằng chính cuộc sống thường ngày của mình. Mẹ Maria không thể vắng bóng trong cuộc sống này, phải nhờ Mẹ và với Mẹ.

 

An-tôn Triều
(18-12-2009)

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.