Uncategorized

Chúa Giêsu lên tiếng!

Đồng Chiêm tưởng rằng sẽ liên kết tín hữu Công Giáo Việt-Nam trong sự cảm thông chia sẻ, hiệp nhất và liên đới, thì dường như lại đang gây ra chia rẽ, nghi kỵ, đặc biệt là giữa Hàng giáo phẩm và giáo dân.

 

Đồng Chiêm tưởng rằng sẽ liên kết tín hữu Công Giáo Việt-Nam trong sự cảm thông chia sẻ, hiệp nhất và liên đới, thì dường như lại đang gây ra chia rẽ, nghi kỵ, đặc biệt là giữa Hàng giáo phẩm và giáo dân.

 

Có người nói đùa là Giáo Hội Việt-Nam đang hiệp nhất trong chia rẽ hoặc đang chia rẽ trong hiệp nhất! Lời giải thích vụng về và (vì) vượt quá thẩm quyền của những người muốn biện hộ cho thái độ im lặng của các chủ chăn ‘phía nam’, chỉ như đổ dầu vào lửa. Thực tế, Hàng Giáo Phẩm và mỗi giám mục đều có những lý do và có quyền để không hoặc chưa lên tiếng, và không cần ai thanh minh cho các Ngài (nhất là khi những người nầy lại làm điều mà các đài báo nhà nước đang làm: cả vú lấp miệng em! vẫn sống não trạng và chủ trương ngu dân, vốn cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây nên bức xúc, đau buồn, ức chế nơi giáo dân). Quan trọng là giáo dân vẫn vâng lời: ý thức hơn, trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, kiên trung hơn, nhưng vẫn vâng lời. Phải nên vui mừng vì phản ứng ‘tự nhiên’ của giáo dân, khi thấy anh em mình bị xúc phạm, chà đạp, xuyên tạc, mà chưa nghe được cha mẹ lên tiếng bênh đỡ. Kiểu cách hành động của nhà nước khiến Giáo Hội Việt-Nam nói chung và các Chủ Chăn nói riêng bị dồn vào thế khó lòng mở miệng, vì chẳng biết đối thoại với ai : Đức Tổng giám mục Hà Nội chỉ có thể nói chuyện với chính quyền thành phố Hà Nội và họ sẽ dễ dàng bác Hội Đồng Giám Mục Việt Nam can thiệp vào “chuyện bếp núc của chính quyền và nhân dân thủ đô”. Sau cấp tỉnh thành, đến cấp huyện và nay cấp xã. Chẳng lẽ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phải đi thưa gửi, đôi co với những cấp tỉnh, huyện, xã, khi không thể ‘bắt tận tay day tận trán” những kẻ chủ mưu đứng đàng sau, không chỉ giật dây, mà là hành động? Chính quyền trung ương thỉ chỉ nói chuyện với Vatican : đúng theo nghe lễ ngoại giao! Tất nhiên, ngoài cầu nguyện, có nhiều cách để “lên tiếng” : lời thăm hỏi, chia sẻ với Chủ Chăn của giáo phận nơi xảy ra những vụ việc và qua các Vị đó, tới các cộng đoàn giáo xứ ( linh mục, tu sĩ, nhất là giáo dân của các cộng đoàn ấy). Ngay cả tội phạm đang bị giam trong tù cũng không ai cấm đi thăm : dù nơi nầy nơi nọ có thể có đôi chút chuệch choạc, sai sót trong hành động, thì lời chia sẻ và khuyên dạy của Chủ Chăn, của mỗi Chủ chăn, của các Chủ Chăn, bao giờ cũng an ủi và làm ấm lòng những cá nhân, những cộng đoàn đang cảm thấy bơ vơ, bị bỏ rơi. Một lời cám ơn chân thành tới những cá nhân, cộng đoàn đã lên tiếng bằng cách nầy hay cách khác. Lòng kiên trung và dũng cảm của anh em Đồng Chiêm chắc chắc được củng cố thêm rất nhiều. Họ tin vào chân lý và chính nghĩa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã lên tiếng, trực tiếp công khai căn tính và sứ mệnh của Người, đồng thời gián tiếp không muốn bất cứ ai – nhất là các môn đệ Người và cả chúng ta hôm nay – ngộ nhận về sứ mệnh của Người và cũng sẽ là của Giáo Hội, mà hành động sai với tinh thần đức tin và Tin Mừng. “Nước tôi không thuộc về thế gian nầy” (Ga 18,36).

Con cháu của Isaac hay của Ismael cũng đều có máu nóng như nhau và đều có thói quen ‘chính trị hoá” mọi thứ. Điều đó đã dẫn họ đến những cái nhìn cực đoan, và nhất là tầm nhìn hạn chế khi đọc Kinh Thánh. Hôm nay họ tụ tập đông đúc hơn thường lệ, vì nghe có Chúa Giêsu đến, người đồng hương mới xa họ một thời gian ngắn mà đã nỗi danh như cồn : một người làm quan, cả họ được nhờ! Chúa Giêsu đọc được trong mắt đám cử toạ những câu hỏi và cả những nghi ngờ, thách đố : về chương trình hành động, về các chiến thuật, chiến lược của Người, mà trong tâm trí họ, mơ về một nhà cách mạng có tài thuyết phục, có những khả năng phi thường lôi kéo quần chúng, tất nhiên để chống lại quân xâm lược La Mã. Không quan trọng là ‘anh chàng’ nầy có thể cũng ‘đầu voi đuôi chuột’ như bao người đã nỗi dậy chống lại đế quốc và mau chóng bị dẹp tan! Đây là giờ phút quan trọng nhất với Chúa Giêsu, để nói rõ về sứ mệnh của Người, cũng là tôn chỉ của Giáo Hội đang manh nha thành hình: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”(Lc 4,21). ĐÃ ứng nghiệm, chứ không phải ĐANG hoặc SẼ ứng nghiệm! Những gì Chúa Giêsu đã làm (và Giáo Hội sẽ làm) là do ý Chúa Cha, bởi quyền năng Thánh Thần “thúc đẩy” (Lc 4,14). Sứ mệnh của Đấng Messia và cũng là tôn chỉ hành động của Giáo Hội, gồm 5 điểm : loan Tin Mừng cho người nghèo; công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha; cho người mù được sáng mắt; trả lại tự do cho người bị áp bức và công bố năm hồng ân. Đặc điểm của Vương Quốc mới nầy, là những kẻ được ban đầy ân phúc, được thấy con đường sáng, được tự do khỏi tội lỗi và những cám dỗ, tà thuyết, – nội dung cuộc sống Kitô hữu – đều phải đến lượt họ đảm nhận sứ mệnh như vậy đối với tha nhân. Sống xứng đáng là Kitô hữu và truyền giáo (làm cho anh em mình cũng được như vậy), do vậy, là hai công việc mà Giáo Hội và mọi tín hữu phải chu toàn suốt cuộc đời, cho đến tận thế.

“Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4,22). Nhưng Lời Chúa, Nước Chúa, không bao giờ chỉ là những “lời hay ý đẹp”, bởi vì chỉ lát họ sẽ được nghe những lời không hay, những ý không đẹp, khiến họ thất vọng và giận dữ, đến mức “họ kéo Người lên tận đỉnh núi,để xô người xuống vực” (Lc 4, 29 b). Hy vọng vừa nhen nhúm lên trong lòng họ, đã bị Chúa Giêsu dội gáo nước lạnh. Những câu hỏi các luật sĩ,biệt phái,các phe nhóm tôn giáo và chính trị liên tục đặt ra cho Gioan Tẩy Giả và cho Chúa Giêsu, đều nhận được “những lời không hay, những ý không đẹp”. Chân lý và tôn chỉ Nước Trời khác một trời một vực với lòng dạ con người, vì thế mà đầu Gioan Tẩy Giả đã rơi và Chúa Giêsu cũng sẽ kết thúc cuộc đời bằng cuộc khổ nạn và cái chết trên thánh giá. Không có chân lý nào không bị hiểu lầm, xuyên tạc, ghét bỏ. Nhưng tự do luôn chiến thắng đàn áp (lời các giám mục Venezuela) và quan trọng nhất, chính là sự phục sinh.

CHÚA GIÊSU KHÔNG THỂ KHÔNG LÊN TIẾNG. Chúng ta không thể không lên tiếng : không phải là hô hào đấu tranh, mà dùng đời sống đức tin Kitô hữu, không chỉ để chứng minh kẻ nầy đúng, người nọ sai (có những hạng người ‘chịu đấm ăn xôi”, càng làm sai,càng lì lợm), mà lôi kéo mọi người đến với Tình Yêu Thương. Tuyển tập Thánh Mẫu thuật lại một câu truyện cảm hoá bằng cầu nguyện và tình thương chân thành:

Một cô gái chẳng may bị cát bay vào mắt khi đang nô đùa, khiến cho hai mắt Cô bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Các bác sĩ đã thử nhiều phẫu thuật mà không có kết quả… Người cha đem con gái ông đến khám tại một bác sĩ nhãn khoa nỗi tiếng ở Thụy Điển, nhưng cũng không hết. Thị lực Cô ngày càng kém đi, đến nỗi cô gái gần như không còn nhìn thấy vật gì nữa. Trên đường về lại nhà, người cha, một người vô thần và cô con gái, được người mẹ nuôi dạy làm Kitô hữu, dừng chân ở Czestochowa, Ba Lan. Vào 6 giớ sáng, họ đi đến linh địa để cầu nguyện trước tượng Đức Bà Đen. Sau thánh lễ đầu tiên, người cha hỏi “ Đức Bà có chữa con lành chăng?”. Cô gái trả lời :”Con thưa với Đức Trinh Nữ Maria rằng : con không cầu xin cho mắt con nhìn thấy lại, nhưng con cầu xin cho cha, thưa cha, qùy bên cạnh chúng con khi chúng ta cùng cầu nguyện”. Người cha cảm động khi nghe cô con gái nói những lời như thế, đến nỗi ông bắt đầu khóc. Ông cố trấn tĩnh lại và vội vã xin một linh mục giải tội cho ông. (Betendes Gottesvok, Tuyển tập thánh Mẫu 1986). Chỉ có cầu nguyện và đức tin vững vàng, mới làm cho những kẻ ác tâm hoán cải.

Nếu cần nêu ra một tấm gương rạng ngời về “Tình Thương trong Chân Lý”, thì đó là Vị Cha Chung Hoàn Vũ của chúng ta, Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI : Người không hề ‘hố’ (lỡ lời) như nhiều người đơn sơ vẫn nghĩ, khi Người thẳng thắn chỉ trích bạo lực nơi Hồi giáo và kêu gọi các thủ lãnh đạo Hồi đặt lại vấn đề, dù gây tức giận thù hằn nơi thế giới Hồi giáo. Hồi giáo đã buộc phải nhìn lại giáo lý cực đoan của họ. Đức Thánh Cha không ngại đụng chạm với Bắc Kinh cộng sản, để viết thư chỉ dẫn sống đức tin cho các tín hữu Công giáo lục địa. Thư của Người và những cử chỉ ân cần (như Người đã vận động và gửi trợ giúp đến dân vùng Tứ Xuyên sau cơn động đất khủng khiếp), đã củng cố đức tin cho các tín hữu mọi cấp và làm cho chính quyền vô thần hoảng sợ. Việc hoãn và hủy đại hội Công giáo yêu nước Trung Quốc là những biểu hiện rõ rệt. Đức Thánh Cha không ngần ngại bộc lộ con tim yêu thương đối với những người con lầm lỗi (như Huynh Đoàn Piô X) hoặc còn lầm lạc (như tín đồ Anh giáo). Dù kính trọng Do Thái giáo, nhưng Người đã tôn vinh lên hàng “Đấng Đáng Kính’, vị giáo hoàng thời chiến, Đức Piô XII, đang bị một số người Do Thái vô ơn tìm cách chỉ trích bôi nhọ và vu oan. Tuy vậy, ngày 17.01 vừa qua, Người đã đi thăm Hội đường Do Thái giáo ở Roma và dù kẻ đa nghi nhất trong người Do Thái, cũng đọc được sự chân thành và thánh thiện trong cử chỉ nầy của Đức Thánh Cha. Vì thế những người có tiếng tăm trong giới trí thức Do Thái định hô hào tẩy chay bài diễn văn của Đức Thánh Cha, đã thất vọng ê chề khi cộng đoàn Do Thái giáo đón tiếp Ngưồi nồng nhiệt và vỗ tay mười lần suốt thời gian Người đọc diễn văn. Người đã có những cử chỉ, những hành động, những quyết định gây ngỡ ngàng không chỉ cho con cái Hội ThánH, mà còn cho toàn thế giới. Không ít kẻ chỉ trích Người: họ chỉ là “ếch ngồi đáy giếng”! Vì thế mà Người tiếp thủ tướng, rồi chủ tịch nước Việt Nam với sự kính trọng và lòng chân thành, yếu mến, tin chắc rằng các nguyên thủ cộng sản nầy không dùng những cuộc thăm viếng nầy chỉ cho mưu đồ chính trị. Sự thánh thiện, đức khôn ngoan, nhưng nhất là tình thương yêu và sự chân thành toát lên trong ánh mắt, lời nói, cử chỉ của Người, đã làm cho những tâm hồn chai cứng nhất cũng tan “như sáp ong ở gần lửa”. Chưa bao giờ tư thế “người cha chung” của một giáo hoàng lại nỗi bật, được kính trọng và tin tưởng lắng nghe như hiện nay. Đó là vì Vị Cha Chung nầy thể hiện hình ảnh Chúa Kitô nơi Người : luôn bận tâm về đời sống tinh thần và vật chất của người nghèo; luôn chống lại bạo lực vá áp bức, bất chấp mọi ghét bỏ,đe doạ; luôn làm mọi cách để bảo vệ sự sống, gia đình và hôn nhân, qua đó chiếu dọi ánh sáng cho thế gian đang mù tối, ích kỷ, kiêu căng và sa đoạ vì vật chất và xác thịt. Và nhất là công bố năm hồng ân, để ‘lôi’ ơn toàn xá xuống cho loài người. Lời tiên báo “Vị giáo hoàng cách mạng” trong Bí Mật Fatima đã, đang và sẽ thành sự thật nơi Vị Cha Chung, Đấng Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian.

Đức Thánh Cha và Giáo Hội không lên tiếng theo mẫu mực và chuẩn mực thế gian (và của chúng ta!). Người dẫn dắt Giáo Hội lên tiếng và nhất là làm theo ý Chúa. Lời chúa Giêsu thiết tha cầu nguyện cho Giáo Hội trong đêm chia ly, phải vừa soi sáng, vừa an ủi và củng cố lòng tin của chúng ta :”Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần …Xin Cha lấy sự thật là thánh hiến họ. LỜI CHA LÀ SỰ THẬT”
(Ga 17, 15 . 17).

 

TIN MỪNG CHÚA NHẬT III TN (Năm C) : Lc 1, 1-4;4,14-21

CVK Nguyễn Thế Bài

 

HÃY HÁT LỜI TÌNH YÊU – THÁNH VỊNH 33:

Ở tâm phụng vụ Thánh Thể và Phục Sinh,những dấu nhấn mạnh của thánh vịnh nầy có chỗ riêng của chúng : “Hãy nếm thử và hãy nhìn xem Chúa tốt lành biết bao”. Kẻ trở về từ bàn tiệc Thánh Thể,nơi người ấy đã ‘nếm thử hồng ân từ trời” (Dt 6,4), kẻ vừa nghiệm thấy lại Chúa “ban cho người đói khổ được đầy dư” (Lc 1,53), cần phải ca hát và Giáo Hội tức khắc đặt trên môi miệng người đó bài thánh vịnh nầy. Nhờ ở sự hiện diện mật thiết và những điều xác tín nầy,Thiên Chúa nói tận đáy lòng ngôn ngữ những lời nhắc nhủ và những bài học rất dễ nghe lúc bấy giờ. Đây quả là một thánh vịnh tạ ơn, được bắt đầu trong tiếng ngợi khen và tiếp tục trong sự suy niệm những luật lệ lớn lao của một cuộc sống tín trung :”sự công chính, lòng thương xót, tính thẳng ngay” (x. Mt 23,23), và tất nhiên, trong sự tin cậy, bất kể những thử thách không thể tránh dự kiến trước.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.