Sau những ngày sống trong sự thấp thỏm, thất vọng, sợ hãi. Và sau khi được nhìn thấy Đức Giêsu hiện ra vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ như nhận được một luồng gió mới, một luồng gió đã thổi tung những nghi nan, ngờ vực cùng với những chán nản tuyệt vọng nơi các ông.
Nhớ, sau sự kiện Đức Giêsu bị bắt và bị xử chết treo trên thập giá tại Golgotha, có thể nói rằng, các môn đệ của Ngài chẳng khác gì như đàn gà con tan tác trong cảnh mất mẹ.
Thật vậy, đối với nhóm bẩy mươi hai, có nhiều người chán nản tuyệt vọng, đã có người cảm thấy “mộng vàng tan mây” và cũng đã có người “nhọc nhằn lê gót chân buồn” trở về quê quán của họ. Còn nhóm mười hai, tuy vẫn bám trụ tại Giêrusalem, nhưng họ đã phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ người Do Thái.
Nhưng giờ đây, sau khi nhóm mười hai được chứng kiến hình ảnh đầy linh thiêng của một Đức Giêsu Phục Sinh, niềm tin của các môn đệ như được hồi sinh. Các ông không thể không vui mừng, niềm vui của các ông không phải niềm vui một cuộc tái ngộ thông thường của một người đi xa, nay trở về, nhưng là niềm vui “được thấy Chúa”.
Các ông đã được-thấy-Chúa, không phải Chúa Giêsu mà các ông đã gặp ở sông Giodan năm xưa, không phải Chúa Giêsu mà các ông đã “đến xem chỗ Người ở , và ở lại với Người” nhưng là một Chúa Giêsu Phục Sinh – Người đã thật sự trổi dậy từ cõi chết.
Chúa Giêsu Phục Sinh đã “thổi hơi vào các ông”, không như người ta thổi hơi vào một cái xác chết trôi, nhưng lả thổi vào các ông một nguồn ơn “Thánh Thần”. Nguồn ơn Thánh Thần đó như một chiếc đòn bẩy, bẩy các ông ra khỏi Giêrusalem, nơi mà các ông đóng kín cửa ở trong nhà. Các ông cùng nhau ra đi, đi trở về Biển Hồ Tibêria.
Tại sao là Biển hồ Tibêria mà không phải là nơi khác? Thưa, địa danh này chính là Galilê, mà Galilê lại là quê hương của các ông.
Với lại, vào hôm ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Macdala và một số chị em khác khi ra viếng mộ Đức Giêsu, các bà gặp Đức Giêsu Phục Sinh và đã được Ngài truyền dạy “Về bảo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28, …10).
Được thấy Thầy ở đó ư! Tại sao lại không đi! Vâng, lời trách chân tình của Thầy “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” đã làm cho các ông vững tin, vì thế hôm nay, các ông mới có mặt tại Biển Hồ Tibêria.
Thế nhưng, khi đến nơi, Biển Hồ Tibêria, hôm đó, quả đúng là “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, Nước còn cau mặt với tang thương. Ngàn năm gương cũ soi kim cổ. Cảnh đấy người đây luống đoạn trường” (*)
Vâng, hôm đó, như một người thủ lãnh, ông Phêrô khởi xướng một cuộc hải hành trên biển hồ Tibêria. Họ cùng nhau “đi đánh cá”. Con thuyền lướt sóng ra khơi trong niềm hy vọng của Phêrô, của Tôma, của Nathanaen, của các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa. Hơn bán tiểu đội, kẻ lái người chèo, người thả lưới… Nhưng, hỡi ơi… quả đúng là một đêm dài đầy tang thương và đoạn trường. Các ông “không bắt được gì cả”. (Ga 21,…3)
Không thấy sách ghi chép lại, nhưng rất có thể các ông ước mong sao Chúa Giêsu hiện đến và rồi Ngài sẽ dùng quyền năng làm cho các ông đánh bắt một mẻ cá lạ lùng như xưa Ngài đã làm cho các ông.
Và thật, đúng là cầu được ước thấy. Đức Giêsu đã hiện đến, nhưng thật kỳ lạ, thấy Chúa Giêsu nhưng các ông lại “không nhận ra” Ngài.
Các ông không nhận ra Đức Giêsu, nhưng, Biển Hồ Tibêria đã nhận ra, nhận ra Ngài chính là người đã khiến cho sóng gió cũng phải yên lặng.
Nhóm ngư phủ Phêrô, thật ra, cũng nhận ra Đức Giêsu, nhưng các ông chỉ nhận ra Ngài là Chúa sau khi đã đánh bắt được một mẻ lưới đầy cá.
Vâng, Chúa Giêsu Phục Sinh đã cho các ông đánh bắt được một mẻ lưới “đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con”.
**
Một mẻ lưới đầy cá… “Đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con”, phải chăng đó là tín hiệu Đức Giêsu Phục Sinh khởi xướng một trò-chơi-lớn, một trò chơi mang tên “Giáo Hội trên đường về Thiên Quốc”?
Thưa, đúng vậy, vào những ngày đầu tiên thu nhận các môn đệ, Đức Giêsu đã chẳng từng nói với Phêrô và những đồng nghiệp của ông rằng “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” đó sao!
Xưa, trong trò chơi lớn mang tên “Về miền đất hứa” Thiên Chúa đã chọn Môsê làm thủ lãnh Israel. Nay, trong trò chơi lớn mang tên “Giáo Hội trên đường về Thiên Quốc”, người thủ lĩnh được chọn là Phêrô.
Đức Giêsu, ba lần nói với Phêrô “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy… Hãy chăn dắt chiên của Thầy… Hãy chăm sóc chiên của Thầy” như là sự khẳng định ngoài Phêrô ra, không ngoài ai khác nữa.
Có điều gì để phản đối “bài sai” này? Thưa không! Hãy nhìn cận cảnh hình ảnh một Phêrô trên Biển Hồ đêm hôm ấy, khi nghe người bạn nói “Chúa đó!” ông đã “vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển” với một tấm lòng đầy nhiệt tình và đầy quyết tâm.
Trước hành động này… Ai! ai dám nói rằng Phêrô không xứng đáng lãnh nhận trách nhiệm? Vâng, hãy nhìn xem, sau này, khi đã lãnh nhận trách nhiệm, người ta phải kinh ngạc trước sự kiện ông Phêrô đã “làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông” (Cv 5, 28)
***
Hãy chăm sóc (và) chăn dắt chiên của Thầy”. Vâng, đây là một “bài sai”, bài sai không dành riêng cho Phêrô, nhưng còn dành cho Giáo Hội hôm nay, và cụ thể là tất cả những ai được nhận lãnh “Bí Tích truyền chức”.
Những người lãnh nhận Bí Tích truyền chức là những ai? Thưa, đứng đầu là Giáo Hoàng, tiếp đến là các Giám Mục, rồi đến linh mục. Họ chính là hiện thân của một Giáo Hội được Đức Giêsu Phục Sinh sai đi.
Trong Giáo Hội đó, qua một vài cá nhân riêng lẻ, đôi lúc có vẻ như yếu đuối và cũng “vấp ngã” như Phêrô xưa kia. Nhưng sẽ thật sự sai lầm nếu chỉ nhìn vào sự vấp ngã của một vài cá nhân lẻ tẻ đó mà có ý định rời bỏ Giáo Hội.
Trong Giáo Hội đó, đừng vì một vài vị Giám mục hay linh mục ấu dâm mà vội vàng lìa bỏ Giáo Hội. Nhưng, như lời Linh mục Martin Lasarte, SDB đã nói trong một bức thư ngỏ gửi cho nhật báo The New York Times là một tờ báo lâu đời ở Mỹ, nổi tiếng là chống đạo Công Giáo một cách có hệ thống, rằng, hãy “quan tâm đến hàng ngàn các linh mục khác, đã hiến đời mình và phục vụ hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên và các người bất hạnh nhất ở bốn phương trời của thế giới”.
Cũng trong bức thư ngõ, ngài đã làm chứng rằng “Tôi phải di chuyển qua các con đường đầy mìn do chiến tranh trong năm 2002, để giúp đỡ các em nhỏ đang chết đói từ Cangumbe đến Lwena (Angola), bởi vì cả chính quyền không thể làm được và cả các tổ chức phi chính phủ không được phép làm.
Tôi đã chôn cất hàng chục trẻ em chết do việc dời chỗ vì chiến tranh. Chúng tôi đã cứu sống hàng ngàn người dân ở Mexico, nhờ một trung tâm y tế duy nhất hiện hữu trong một vùng có diện tích 90.000 km2, với việc phân phát thực phẩm và các loại giống cây trồng.
Chúng tôi đã có thể cung cấp giáo dục và trường học trong mười năm qua cho hơn 110.000 trẻ em. Cùng với các linh mục khác, chúng tôi đã cứu trợ cho gần 15.000 người ở các trại du kích quân, sau khi họ đã đầu hàng và giao nạp vũ khí, bởi vì thực phẩm của chính phủ và của Liên Hiệp Quốc không thể đến được với họ…”
Vâng, đó là những gì mà chúng ta nên quan tâm và New York Times nên đăng tải, nếu còn chút lương thiện…
Cuối thư ngỏ, một lời cầu nguyện đầy chân thành được ghi lại như sau “Quá khứ của con, Lạy Chúa, con phó thác cho lòng Thương xót của Chúa; hiện tại của con, cho Tình yêu Chúa; và tương lai của con, cho sự Quan Phòng của Chúa”.
Vâng, lời cầu nguyện này, có khác gì lời Phêrô đã nói với Đức Giêsu Phục Sinh khi xưa “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự”.
Với chúng ta hôm nay, chúng ta cũng cần “biết rõ mọi sự” rằng, trong Giáo hội, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn luôn hiện diện, Ngài hiện diện qua các Bí Tích.
Với Bí Tích giải tội, qua vị linh mục, hãy tin rằng, Đức Giêsu Phục Sinh vẫn nói với chúng ta bằng những lời bao dung “Ta không lên án con đâu. Thôi cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Với Bí Tích Thánh Thể, nơi Bàn Tiệc Thánh, qua lời truyền phép của vị thừa tác “Đây là mình Thầy… Đây là Máu Thầy”, hãy tin rằng, Đức Giêsu Phục Sinh vẫn nói với chúng ta bằng những lời trìu mến “Hãy cầm lấy mà ăn”.
Cho nên, nếu chúng ta cùng đồng hành với Giáo Hội trong trò chơi lớn mang tên “Giáo Hội trên đường về Thiên Quốc”, hãy tin rằng, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng sẽ cùng đồng hành với chúng ta, có phần chắc. chúng ta sẽ nhận ra Ngài và cũng sẽ thốt lên, như người môn đệ được Đức Giêsu thương mến xưa đã thôt lên rằng, “Chúa đó!”
Petrus.tran
Views: 0