Uncategorized

Chữ “hiếu” và tội bất hiếu

Một người đàn bà 85 tuổi, gương mặt buồn u uẩn, đến tòa soạn báo từ rất sớm và quyết định ngồi chờ cho đến khi nào có thể gặp được phóng viên để trút hết nỗi lòng của một người mẹ đang bị vợ chồng người con trai út tìm mọi cách đuổi ra khỏi căn nhà của mình (do một người con khác mua cho).

Một người đàn bà 85 tuổi, gương mặt buồn u uẩn, đến tòa soạn báo từ rất sớm và quyết định ngồi chờ cho đến khi nào có thể gặp được phóng viên để trút hết nỗi lòng của một người mẹ đang bị vợ chồng người con trai út tìm mọi cách đuổi ra khỏi căn nhà của mình (do một người con khác mua cho). Còn ở một nơi khác, trong ngôi nhà khá bề bộn, vợ chồng người con út của bà đã ngoài 55 tuổi, nét mặt cũng in hằn sự mỏi mệt khi đi kiện để đòi lại căn nhà tranh chấp với mẹ ruột, anh cho rằng “tụi tôi chống đỡ vì sự sống còn của chính mình, bởi ai có thể nghĩ được rằng chính mẹ ruột lại đi toa rập với những người con khác hòng chiếm đoạt căn nhà được mua bằng tiền dành dụm mấy chục năm công sức của vợ chồng tôi.” (Nguồn: Báo Người Việt)

Ai đúng? Ai sai? Tội căn sẽ qui về ai ?

Một anh ca sĩ thành danh, nổi tiếng chia sẻ hình ảnh trò chuyện với các chủ nợ của mẹ anh ta tại nhà riêng. Anh cho biết đây là cảnh quen thuộc với mình suốt 30 năm qua. Từ lúc anh thành danh anh luôn phải trả nợ nần cho gia đình và anh tự hứa đây sẽ là lần trả nợ cuối cùng cho mẹ. Sau nhiều lần mẹ anh hứa thay đổi nhưng sự việc tồi tệ vẫn tiếp tục. Vì thế anh đã khẳng định: "Tôi thực sự mệt mỏi, mất trắng niềm tin, không còn dám cho phép mình hy vọng trông chờ vào những điều tốt đẹp đơn giản nhất và bình thường nhất của một gia đình đúng nghĩa, thậm chí đó là một phép lạ". Cuối dòng tâm sự, anh ca sĩ còn cảm thán: "Mẹ ơi, con đã già rồi". (Nguồn: Zing.vn)

Ai đúng? Ai sai? Nghiệp dữ sẽ qui về ai ?

Ngoại mình có 5 người con gồm 4 con gái và chỉ có cậu út là con trai nên trước kia ông bà có chia đất cho cậu xây nhà. "Tuy nhiên sau đó, cậu N.H.M. lại vơ quần áo đuổi ông bà mình ra khỏi nhà. Thấy vậy, mấy chị em gái lại góp tiền xây nhà cho ông bà nhưng thỉnh thoảng cậu lại kéo đến phá phách, chửi bới, đánh đập hầu hết mọi người trong gia đình.

Ông bà đã 80 rồi, từng này tuổi mà chưa được cái Tết nào vui trọn vẹn. Năm nào cậu cũng sang đập đồ, cả bàn thờ cũng đập, nhà cửa tan hoang. Bố mẹ, chị gái, các cháu bị đánh hết, toàn ăn Tết trong nước mắt". Chuyện này diễn ra thường xuyên khiến gia đình mình rất lo lắng, nhưng vì không có chứng cứ nên không thể làm gì được. Do vậy một ngày, chứng kiến những hành động tàn nhẫn của cậu mình đã quyết định quay lại clip để mong cơ quan chức năng vào cuộc, giúp đỡ. Mỗi lần xem lại những hình ảnh trên mình lại rơi nước mắt, sợ hãi một phần, phần nhiều là thương ông, bà ngoại hơn. Đau lòng lắm nhưng đây là cảnh mình thường thấy từ nhỏ đến giờ. Gia đình mình lúc nào cũng sống trong lo sợ. Y.N cũng cho biết, cậu mình đánh khiến ông bị thương, chảy máu ở đầu, tay và phải nằm bệnh viện điều trị, bà ngoại cũng bị thương nhẹ. Hiện tại, Y.N. đang cảm thấy vô cùng lo lắng và sợ hãi, "Bà và mình đang rất lo sợ cậu ấy lại đến gây rối, quậy phá. Ông bà mình già cả rồi, chỉ mong cơ quan chức năng giúp đỡ để cuộc sống của ngoại an nhàn, bình yên hơn", Y.N nghẹn ngào. (Nguồn: FB Y.N)

Ai đúng? Ai sai? Tội ác và hình phạt sẽ qui về ai ?

"Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha!"

Ngày xưa, do ảnh hưởng của Khổng giáo, đạo hiếu là một ràng buộc hết sức nghiêm ngặt, đến độ nhiều lúc con cái phải hy sinh cả đời mình, công danh, tiền của để đền đáp công ơn cha mẹ. Có nhiều trường hợp quá đáng, sai lầm, thậm chí bất công, đặc biệt trong một xã hội bị chi phối bởi não trạng “quân, sư, phụ” hay quá “trọng nam khinh nữ.”

Thương yêu, vâng lời, nâng đỡ và lo lắng cho cha mẹ khi người tuổi về già chẳng có gì mà không hợp lẽ trời, lẽ đạo mà người Việt Nam gọi đó là “đạo hiếu” hay “đạo làm con” và đặt nó đứng đầu trong đạo làm người, trên và trước hết trong mọi bổn phận và nhiệm vụ. Chữ hiếu là nền tảng của đạo đức, còn gia đình là nền tảng của xã hội. Trong gia đình chữ hiếu là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự bình an, an lạc.

Con cái có hiếu với cha mẹ, ngoài việc mang lại niềm hạnh phúc chung trong gia đình, còn mang đến cho chính mình sự an lạc, bình an. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xã hội, mỗi công dân của một quốc gia có an lạc, bình an thì xã hội, quốc gia đó mới có an lạc bình an, và mỗi quốc gia có an lạc bình an thì  thế giới của chúng ta mới được bình an và hạnh phúc.

Con cái bất hiếu là nỗi đau lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ. Vậy mà vẫn có đầy rẫy những đứa con "trời đánh" sẵn sàng hắt hủi, chửi mắng, đánh đập, thậm chí sát hại những người từng sinh ra mình. Đối với họ công danh, tiền tài, sắc đẹp quan trọng hơn cả tình người và đạo trời.

Hầu hết người Châu Á còn giữ được nề nếp, đạo đức và văn hóa gia đình, cho dù hiện nay một số các con đang sống tại các nước Tây phương, nhất là Âu, Mỹ xem nhẹ chữ hiếu do ảnh hưởng đời sống tự do cá nhân và đua theo vật chất, nhu cầu xã hội, nên không còn thời gian để họ có dịp sống nhiều về gia đình cũng như nội tâm. Sự phóng túng, thỏai mái mà họ cho là “tự do”, nhưng đằng sau cái tự do là một sự hủy họai tâm linh, đạo đức đưa dần con người đi vào sa đọa, suy thóai tâm linh mà kết quả là sự vô cảm, tội ác nảy sinh, giết chóc và khủng bố.

Đối với những cá nhân, khi mà lòng yêu  thương trong họ chỉ tồn tại khi các điều kiện xuất phát từ  lòng tham lam, dục vọng để được thỏa mản, nếu không đúng theo sự ham muốn, hay trái với ý muốn, thì tình thương đó sẽ tan biến, dể biến thành sự khinh khi, đố kỵ, ganh ghét và hận thù. Như thế thì gia đình đó, xã hội đó, sẽ không thể có được sự bình an và hoan lạc ngự trị.

Trong kinh Báo ân cha mẹ, đạo Phật có nói : “Công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ vô lượng vô biên thì tội lỗi bất hiếu cũng vô biên vô lượng.” Con chửi mắng hay đánh cha mẹ thì mang tội bất hiếu; tuy nhiên, trừ tội dữ, ngũ nghịch (giết cha mẹ) phải đọa Vô gián địa ngục, còn các tội bất hiếu khác đều có thể ăn năn, sám hối. Bất hiếu với cha, mẹ là trường hợp đại bất hạnh cho người đó, họ đang ở trong cảnh giới đại ngu si, liệt tuệ, si ám.

Thật đáng thương thay!

"Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (Kinh Đại Tập)

“Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu,
Điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu” (Kinh Nhẫn Nhục)

Giáo lý của các tôn giáo đều khuyên dạy, đề cao và hướng con người đến việc nhận thức và thể hiện lòng đạo đức, hiếu hạnh của mình đối với đấng sinh thành. Đặc biệt nước ta với nền văn minh phát triển từ rất lâu, văn hóa Nho-Phật-Khổng-Lão và sau này là Công Giáo đã ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội ngay từ thời lập quốc và đến thời cận đại. Chữ hiếu đã hình thành và tồn tại trong từng cá nhân như là bản tính tự nhiên vốn có từ khi chúng ta mới chào đời. Trước khi chúng ta muốn làm bất cứ việc gì thì trước tiên chúng ta phải biết học làm người trước đã; mà đã học làm người thì chúng ta phải biết chữ “hiếu-thuận”.

Kinh Phật thường nói: “Con cái khi được sanh ra làm con của cha mẹ thời đều do 4 nhân là : Báo ân, Báo oán, Trả nợ, Đòi nợ.”

Báo ân : là con đối với cha mẹ đời trước có mang ân, vì báo ân nên đến làm con, trọn đời phục dịch nhọc nhằn, khiến cho song thân khi sống còn được phụng dưỡng an vui, lúc qua đời được chôn cất, cúng tế hoặc con làm những việc giúp nước an dân, danh nêu thanh sử, để cho thiên hạ đời sau nhân kính người mà mến trọng cả cha mẹ. Đời nay con cháu thảo hiền đều thuộc về hạng ấy.

Báo oán : là cha mẹ đối với con đời trước có điều phụ nghĩa, nó mới đến làm con để báo oán. Khi còn nhỏ con đã sanh lòng ngỗ nghịch, lớn lên lại gây họa làm lụy cho cha mẹ; khi cha mẹ còn sống, không cung phụng tử tế đôi khi còn mắng chửi, đánh đập. Thậm chí có khi, con nắm quyền cao chức trọng rồi làm điều trái phép, khiến cho nhà cửa nát tan, dòng họ diệt tuyệt, mồ mả bị đào xiềng, để thiên hạ đời sau nhân chửi mình mà ghét luôn cả cha mẹ.

Trả nợ : là đời trước con có thiếu tiền của nơi cha mẹ, vì trả nợ nên đến làm con, nếu số thiếu nhiều thì trả đến mãn đời cha mẹ, thiếu ít hoặc đến nửa chừng rồi đi (chết) như con học vừa thành danh thoạt chết mất, buôn bán mới vừa được lợi bỗng lìa trần.

Đòi nợ : là đời trước cha mẹ có thiếu tiền nơi con, nay nó đến làm con để đòi lại. Như số nợ nhỏ thì cha mẹ chỉ tốn tiền cho con ăn mặc, thuốc men, học hành, cưới gả, và dạy bảo đủ điều muốn cho mai sau thành người, nhưng vì kỳ hạn đã mãn, nó liền qua đời. Nếu số nợ lớn, có khi đứa con xài phá tiêu tan hết sự sản của cha mẹ mới thôi.

Riêng đạo Công giáo, điều răn thứ tư “thảo kính cha mẹ” là điều răn đứng đầu bảng luật thứ hai trong mười điều răn của Thiên Chúa giáo, qui định những bổn phận tình yêu đối với người lân cận. Những người lân cận mà chúng ta có bổn phận tôn trọng, yêu mến, giúp đỡ, trước hết chính là những người thân trong gia đình: vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, v.v. Điều răn thứ tư yếu chủ nhắm đến bổn phận của con cái đối với cha mẹ là những người thay mặt Thiên Chúa và cộng tác với Người trong việc sinh sản và giáo dục con cái, vì thế, sau Thiên Chúa, cha mẹ phải là những người đầu tiên được yêu mến và tôn kính nơi con cái của họ.

Tôi còn nhớ mẹ tôi khi nhắc đến điều răng thứ tư này liền “phun châu, nhả ngọc” những giáo lý đã thuộc từ tám, chín mươi năm rồi eo ơi bà vẫn còn nhớ:

Hỏi: Thảo kinh cha mẹ là làm sao ?

Thưa: Là phải sớm thăm, tối viếng, nâng đỡ, ủi an và chớ có kể công nọ, nghĩa kia…Còn của người chớ nên xới bớt, khi liệt lào phải chạy thuốc thang, thuở mạng một trợ phần tống tán cùng cầu hồn gởi lễ cho người…

Điều răn thứ tư dạy chúng ta sống đúng chức phận của mình trong đời sống gia đình, trong Giáo Hội và xã hội, mà trước hết là thảo kính cha mẹ cho tròn chữ hiếu :

“Hãy tôn kính cha mẹ ngươi để ngươi được sống lâu trên phần đất mà Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5,16).

“Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20).

Cha, mẹ nếu có quá phiền toái chúng ta, hay phá luôn cả gia sản, gia đình và sự nghiệp của ta thì hãy cứ mỉm cười vì các Ngài còn bao nhiêu sức nữa mà ở , mà phá chúng ta…công đức nảy sinh cho những người hiếu thuận thì “vô lượng, vô bờ” và cơ nghiệp đời này chúng ta xây dựng cho ở đời sau là “Niết bàn”, là “Nước Trời” .

Không có gì hạnh phúc, sung sướng khi còn có Mẹ , có Cha . Chúng ta phải biết trân quý và kính yêu Mẹ Cha khi họ đang còn sống , đừng để đến lúc Mẹ Cha qua đời mới bày mâm lễ, cúng kiến với dàn nhạc cho thật lớn, khóc cho thật nhiều. Hãy giữ gìn và truyền bá đạo hiếu sẽ tạo nên một truyền thống tốt đẹp, từ đó xã hội có điều kiện xây dựng hạnh phúc cho con người ngày càng tiến bộ và tốt đẹp hơn.Người người, nhà nhà hạnh phúc, đất nước ân đức, an lạc, Thế giới hòa bình thịnh trị, đúng là thiên đường hạnh phúc tại trần gian phải không các bạn?

Xin chúc phúc cho những ai đang còn cha, mẹ và biết quí yêu cha, mẹ!

Mother’s Day – Orage County 2017
Ngoan Nguyễn

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.