Uncategorized

Chọn phần tốt nhất

Sau nhiều năm sống ẩn dật tại làng quê Nazareth; lúc Đức Giêsu “trạc ba mươi tuổi”. Ngài bắt đầu thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

 

Đối với Đức Giêsu; rao giảng Tin Mừng là một cuộc hành trình ra đi và gặp gỡ.

 

Sau nhiều năm sống ẩn dật tại làng quê Nazareth; lúc Đức Giêsu “trạc ba mươi tuổi”. Ngài bắt đầu thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

 

Đối với Đức Giêsu; rao giảng Tin Mừng là một cuộc hành trình ra đi và gặp gỡ.

 

Điểm qua những cuộc hành trình của Đức Giêsu; khi thì lên núi cao, có khi ở trong hội đường, khi bên bờ hồ và có lúc ở tại sa mạc hoang vắng. Dù bất cứ nơi đâu, những cuộc hành trình của Ngài đều để lại những dấu ấn đầy ấn tượng. Ấn tượng không chỉ do bởi số lượng đông đảo người đến nghe; mà còn do lời giảng dạy của Ngài đã khiến biết bao người phải “sửng sốt”.

 

Đôi lần trên đường thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng; có một vài cá nhân tìm cách gặp gỡ riêng lẻ với Đức Giêsu. Họ gặp để mời Ngài về nhà của họ. Có hôm là một “viên thủ lãnh”. Có hôm là một người “tại Cana miền Galilê”. Viên thủ lãnh năn nỉ Đức Giêsu “quá bộ” về nhà ông ta; với hy vọng Ngài sẽ cứu sống “cô con gái của ông ta vừa mới chết” (Mt 9,18). Còn người kia mời Đức Giêsu đến nhà để dự tiệc cưới (Ga 2,2). Cứ tưởng rằng những cuộc gặp gỡ “song phương” đó chỉ là một ngoại lệ và sẽ không còn tái diễn.

 

Không ! Hôm ấy, “trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia”. Macta; chủ nhân một gia trang ở trong làng; đã nhìn thấy Đức Giêsu. Cô ta đon đả chạy đến và mời “Người vào nhà”. (Lc 10,…38).

 

Macta…Vâng, việc Macta mời Đức Giêsu vào nhà bởi giữa gia đình cô ta với Đức Giêsu có một mối tình thân. Và cô ta coi Ngài như một vị khách quý. Hình ảnh Macta lăng xăng “tất bật lo việc phục vụ” đã nói lên điều đó. Cô ta nghĩ rằng việc “phục vụ” Đức Giêsu hẳn phải là “chuyện cần thiết” hơn… Kìa ! Đức Giêsu đã chẳng phải trải qua một cuộc hành trình đầy mệt mỏi đó sao !!!

 

Than ôi ! điều cô Macta nghĩ lại không phải là điều Đức Giêsu nghĩ… Mặc cho Macta “đầu tắt mặt tối” với công việc. Đức Giêsu vẫn không đả động gì đến lời yêu cầu của cô ta : “Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”. (Lc 10, 41).

 

“NÓ”… Nó ở đây chính là “cô em gái tên là Maria”…

 

“NÓ” ! Vâng, nó “đang ngồi bên chân Chúa”; điều mà Đức Giêsu cho rằng : đó là cách “chọn phần (việc) tốt nhất”. (Lc 10, 42)

 

Một chút tâm tình…

 

Thực ra; không phải là Đức Giêsu coi thường công việc “phục vụ” của cô Macta. Vừa trải qua một cuộc hành trình đầy mệt nhọc. Có người mời về nhà để nghỉ ngơi và được “phục vụ” một cách chu đáo… Tốt quá đi chứ !!! Điều đó có khác gì như “lấy đôi chân mình ra khỏi một đôi giày chật” !!!

 

Nhưng hôm nay – với vai trò một người sứ giả loan báo Tin Mừng – Đức Giêsu lớn tiếng khẳng định “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.” (Lc 10, 42)… Vâng, chuyện cần thiết đó không phải là “sẽ ăn gì ! sẽ mặc gì !”. Chuyện-cần-thiết chính là: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn những thứ kia, Người sẽ thêm cho ” (Mt 6,33).

 

Ô hay ! Nếu… Nếu Macta đã nghe được lời giảng dạy này; chắc hẳn cô ta sẽ không còn phải “băn khoăn lo lắng nhiều” nữa… Và chắc hẳn Macta cũng sẽ đến ngồi bên chân Đức Giêsu “mà nghe lời Người dạy”. (Lc 10,39)

 

Một phút suy tư…

 

Hôm nay, phải chăng thật quá khó để có thể “gặp gỡ Chúa và nghe Lời Ngài dạy” ?

 

Thưa không… Hôm nay Đức Giêsu vẫn tiếp tục rảo bước trên những con đường chúng ta đi qua. Như lời Ngài đã phán “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Ngài vẫn đứng trước “ngôi nhà tâm hồn” của mỗi chúng ta và nói : “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20).

 

“Thánh Lễ”. Vâng Thánh Lễ như là ngôi làng Betania mới. Ở đó Đức Giêsu vẫn hiện diện. Ngài hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể và trong Phụng Vụ Lời Chúa. Công Đồng Vatican II đã dạy rằng : “Đức Giêsu Kitô hiện diện trong Lời của Người. Vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong nhà thờ” (Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 7).

 

Tham dự Thánh Lễ; có khác nào chúng ta được “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” !

 

Thật vậy, tham dự Thánh Lễ chính là lúc chúng ta nghe “Lời Chúa” trong đức tin. Một khi đã được nghe “Lời Người dạy”; hỏi rằng còn điều gì phải “băn khoăn lo lắng” trong việc “phục vụ” tha nhân…

 

Việc “phục vụ tha nhân” cũng chính là một cách “gặp gỡ Chúa” và thực thi “lời Người dạy” hiệu quả nhất.

 

Hãy nhớ rằng; khi chúng ta thực thi "Lời Người dạy"; đó là – như lời Đức Giêsu nói – chúng ta “đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10, 36).

 

Petrus Tran

 

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.