Ông James Harrison, 79 tuổi, dân Úc, đã dành 60 năm cuộc đời để hiến máu hiếm của mình và cứu sống hơn 2 triệu trẻ nhỏ trên cả nước. Nhờ có một kháng thể trong huyết tương máu ông, giúp trẻ nhỏ không bị tử vong vì bệnh Rhesus, một dạng bệnh thiếu máu nghiêm trọng.
Trước đó, vào năm 14 tuổi, ông Harrison đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật ngực để cắt bỏ phổi. Khi bước ra khỏi phòng phẫu thuật, cha của ông mới bắt đầu kể cho ông nghe mọi chuyện. "Cha nói tôi phải cần đến 13 lít máu mới đủ để được cứu sống. Và tính mạng của tôi đã được những người không quen biết cứu sống.” Chính cha cũng là người đã hiến máu cho tôi. Lúc đó, tôi đã nói với cha rằng: "Khi lớn lên, con cũng sẽ hiến máu.”
Trong lần hiến máu đầu tiên, các bác sĩ đã phát hiện ra nhóm máu của ông Harrison (Rh-) có chứa một loại kháng thể cực hiếm chống lại Rhesus – một chứng bệnh thiếu máu nghiêm trọng. Từ đó ông Harrison bắt đầu nhiệt tình tham gia hiến máu và tham gia nghiên cứu, giúp các bác sĩ chế tạo vắc-xin Anti-D để chữa bệnh Rhesus. Theo ước tính, với hơn 1.000 lần hiến máu, máu của ông Harrison đã cứu sống hơn 2 triệu trẻ em mắc bệnh Rhesus.
Mặc dù đã hiến máu hơn 1.000 lần, nhưng ông Harrison vẫn mãi hào hứng tiếp tục cho đi: “Thật tuyệt khi bạn tới trái đất này, để làm một điều gì đó tốt đẹp. Hiến máu có thể đau đớn, mà tôi thì không chịu được, thậm chí là rất ghét điều này nhưng vẫn vượt qua. Vì vậy, tôi tin rằng ai cũng có thể làm được. (Nguồn: Dailymail, CNN)
Tấm gương hiến máu của ông James Harrison có thể giúp người Kitô hữu thấu hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa cho đi, làm một điều gì đó tốt đẹp cho tha nhân. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu kể dụ ngôn người phú hộ bất nhân và người nghèo Ladarô bệnh tật.
Bất nhân
Người phú hộ kia chỉ ngồi cách Ladarô một cái cổng, mà sao xa xôi như vạn dặm! Giàu sang, phú quý, dư dật, thường cách biệt với nghèo đói tựa vực sâu, khiến cho phú hộ chẳng nhìn thấy “một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho.” Tường cao cổng kín của biệt phủ hay biệt điện che mắt kẻ lạ, cũng chắn tầm nhìn từ trong ra, phú ông cũng chẳng cần biết đến ai đói khát, khổ ải, lê la bên ngoài.
Không chỉ bất nhân, phú ông còn bất nghĩa với Đấng Toàn Năng, vì phú quý, danh cao chức trọng, tự đắc, tự mãn, tự phụ thành đạt nhờ tài năng, khôn khéo, chẳng cần biết ơn, cảm tạ, chúc tụng.
Ngôn sứ Amos đã chúc dữ cho những kẻ ăn trên, ngồi trốc, chỉ biết hưởng lạc."Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Sion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samaria.” (Am 6, 1)
Ông phú hộ trong dụ ngôn tiêu biểu cho những người sang giàu của cải, mạnh bạo quyền thế, nhưng lại nghèo nàn tình thương, thiếu thốn thông cảm, kém cỏi chia sẻ với những người cùng khốn, hèn mọn. “Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian”.(Pl 3, 19) Thánh Phaolô thấy rõ cuộc sống thực dụng của họ.
Nhân ái
Tình người đã chẳng có, nói chi đến lòng thương xót xa xỉ, lòng nhân ái cao sang, bởi vì phú ông còn bận bịu, mải mê với bạn hữu, rượu chè, tiệc tùng xa hoa, rộn rã tiếng cười hả hê thâu đêm. Trong khi hành khất Ladarô gần kề, đang khốn đốn, vật vã đau đớn, đói khát, nhẫn nhục để những con chó đến liếm ghẻ chốc vỗ về, an ủi, chỉ còn biết ngước lên, trông cậy vào Chúa Quan Phòng.
Danh xưng “Ladarô,”có gốc từ nguyên ngữ “Ê-lê-a-da,” nghĩa là “Thiên Chúa phù trợ.” Kẻ ăn mày Ladarô tuy hèn mọn, cô đơn, nghèo kiết xác, nhưng lại phong phú, giàu có tình thương, tràn trề Lòng Thương Xót của Chúa. “Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham.” Phận phú ông lại hoán đổi cho Ladarô sau khi nhắm mắt xuôi tay, mặc dù đám ma kèn trống, cờ quạt, thật linh đình: “Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình.”
Lời Hằng Sống
Vào hoả ngục, phú ông bấy giờ mới bừng tỉnh, sáng mắt, mới biết đến tên người hành khất xoàng xĩnh bên ngoài cổng: "Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này.” Tiếc thay, quá muộn nhận ra tha nhân thấp hèn lúc này, đang hạnh phúc tràn đầy. Phú ông van xin cho Ladarô về cảnh báo cho 5 anh em còn sống sám hối trở về. Nhưng Abraham dứt khoát nói không, vì “chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài.”
Nhưng bây giờ, ngoài Lề Luật và các ngôn sứ, còn có Lời Hằng Sống của Đức Giêsu Kitô. Đó chính là Tin Mừng.“Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Ðấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.”(Ga 5, 24)
“Con giữ một Nội Qui: Phúc Âm. Đó là hiến pháp trên tất cả mọi hiến pháp. Là hiến pháp Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ; không khó khăn, phức tạp, gò bó như các hiến pháp. Ngược lại, linh động, nhân hậu, làm phấn khởi linh hồn con. Một vị thánh ngoài Phúc Âm là "thánh giả." (Đường Hy Vọng, số 986)
Lạy Chúa Giêsu, Ngài không nói giàu có là xấu hay nghèo là tốt lành, mà muốn chúng con cần có Lòng Thương Xót, như Cha trên Trời, biết yêu thương, chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ nhau. Xin dạy chúng con luôn biết cho đi mọi sự, mọi lúc, không phân biệt, không vụ lợi, để chúng con xứng đáng hưởng Lòng Thương Xót của Chúa.
Khấn xin Mẹ dạy chúng con luôn khiêm nhường, ân cần đến với tha nhân, yêu thương và phục vụ, noi gương Mẹ vậy. Amen.
AM. Trần Bình An
Views: 0