Trong những tháng qua, những biến động tại Biển Đông do Trung Quốc gây ra đang được dư luận thế giới quan tâm. Nhiều bài phân tích khách quan (không nhắm tố cộng) chung quanh câu hỏi “Trung Quốc định làm gì?” của một số chuyên gia về sách lược của Trung Quốc ở Biển Đông đã giúp cho chúng ta thấy rõ hơn những chiến thuật mà Bắc Kinh và Washington đang theo đuổi để chi phối vùng Đông Nam Á. Đây là những đòn cân nảo.
PHẢN ỨNG CỦA NHÂN GIAN
Hiện nay, cộng đồng người Việt tỵ nạn ở hãi ngoại đang phát động chiến dịch tố cáo Trung Cộng cướp nước và Việt Cộng hèn nhát. Nhiều người đã la lên rằng với lối xử sự của CSVN hiện hay, Việt Nam có thể bị lọt vào tay của Trung Quốc…
Tuy nhiên, cho đến nay, trọng tâm của chiến dịch cũng chỉ là những đòn cố hữu đã được xử dụng từ 34 năm qua như ra tuyên ngôn tuyên cáo, tổ chức hội thảo, biểu tình, v.v. Chưa một tổ chức nào đưa ra một giải pháp hay một đề nghị có thể cứu nguy đất nước. Có một số người đã đòi hỏi nhà cấm quyền CSVN phải kiện Trung Quốc để lấy lại các phần lãnh thổ đã mất. Nhưng nhiều lần chúng đã dẫn chiếu luật pháp quốc tế để cho độc giả thấy rằng đây là một đòi hỏi không thể thực hiện được.
1.- Kiện trước Pháp Viện Quốc Tế: Muốn kiện trước Pháp Viện Quốc Tế phải hội đủ hai điều kiện sau đây: (1) Chủ thể đứng đơn kiện phải là một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. (2) Hai bên tranh tụng phải đồng ý sẽ thi hành phán quyết của Tòa. Như vậy khi Trung Quốc tuyên bố sẽ không thi hành phán quyết của Toà, nội vụ không thể giải quyết được.
2.- Kiện tại Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa: Ủy Ban này sẽ cứu xét việc ấn định thềm lục địa mở rộng (quá 200 hải lý) của quốc gia ven biển và đưa ra các khuyến cáo. Tuy nhiên, khi có sự tranh chấp về biên giới với nước đối diện hay gần kề, Ủy Ban sẽ không giải quyết (điều 9, Phụ đính II của Luật Biển LHQ năm 1982). Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam đang tranh chấp về thềm lục địa nới rộng nên Ủy Ban sẽ không giải quyết được.
3.- Khiếu nài trước Hội Đồng Bảo An LHQ: Đây cũng là một nỗ lực vô ích vì tại Hội Đồng Bảo An LHQ, Trung Quốc có quyền phủ quyết.
Khi cơ hội tranh tụng trước các cơ quan tài phán quốc tế không có, mọi bằng chứng về pháp lý và lịch sử mà người Việt thường rêu rao lớn tiếng đều trở nên vô dụng.
Nhìn lại, chúng ta thấy cộng đồng người Việt hải ngoại có tinh thần chống cộng rất cao nhưng thiếu những bộ ốc (think tank) có thể nhìn thấy rõ những gì đang xẩy ra, mục tiêu và các giải pháp mà các cường quốc đang theo đưổi, các sách lược có thể dùng để bảo vệ đất nước… Họ chỉ thích đánh phèng la và coi đó là giải pháp tốt nhất.
DU DÂY GIỮA LIÊN SÔ VÀ TRUNG QUỐC
Trong chiến tranh Việt Nam, Hà Nội đã áp dụng chính sách du dây giữa Liên Sô và Trung Cộng để được sự giúp đỡ của cả hai bên. Nhưng chính sách đu dây này đôi khi cũng đã đưa tới những thảm hoạ cho đất nước. Ngày nay, Hà Nội đang áp dụng chính sách đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ để sinh tồn, nhưng đang bị Trung Quốc “dạy cho một bài học”.
Trong cuộc chiến tranh Việt – Pháp từ 1946 đến 1954, Trung Cộng đã huấn luyện và trang bị đầy đủ cho bộ đội Việt Minh để đánh Pháp, với mục tiêu mà Mao Trạch Đông đã xác định: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Châu Á bao gồm miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore… Một vùng như Đông Nam Châu Á rất giàu, ở đây có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…”
Sau khi chiếm được miền Bắc, Đảng CSVN bị bắt buộc phải đi theo đường lối “cải tạo xã hội chủ nghĩa” của Mao Trạch Đông với cuộc cải cách rộng đất đẩm máu, đưa miền Bắc vào những ngày cùng khốn.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Hà Nội đã đu dây giữa Liên Sô và Trung Quốc để nhận được viện trợ tối đa của cả hai bên.
Sau khi Đảng CSVN chiếm được miền Nam Việt Nam, sự mâu thuẫn giữa Liên Sô và Trung Quốc ngày càng trở nên trầm trọng, và Hà Nội đã ngã về phía Liên Sô. Đại hội Đảng CSVN lần IV vào tháng 12/1976 đã loại dần các phần tử thân Trung Quốc. Sau đó, Lê Duẫn cho áp dụng đường lối “cải tạo xã hội chủ nghĩa” theo kiểu Stalinist, đưa đất nuớc tới bờ vực thẳm.
Campuchia được Trung Quốc yểm trợ để quấy phá Việt Nam. Ngày 25.12.1978, bộ đội VN bắt đầu mở cuộc tấn công qua Campuchia. Trung Quốc phản ứng bằng cách lên kế hoạch cho cuộc chiến biên giới. Trong khi đi thăm Mỹ, Đặng Tiểu Bình thông báo cho chính quyền Tổng Thống Carter rằng Việt Nam sẽ phải trả giá.
Ngày 17.2.1979, Trung Quốc đã tấn công toàn tuyến biên giới Việt – Trung trên đất liền thuộc 6 tỉnh phía Bắc của Việt Nam với qui mô 20 sư đoàn bộ binh, để “dạy cho Việt Nam một bài học”, gây tổn thất lớn cho Việt Nam. Tiếp theo, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp tung hàng lậu của Trung Quốc vào cả bốn mặt biên giới của Việt Nam, bán với giá rẻ mạt với mưu toan làm sụp đổ nền kinh tế Việt Nam. Nhưng Hà Nội đã gặp được may mắm khi các chế độ cộng sản ở Liên Sô và Đông Âu bổng nhiên sụp đổ, Bắc Kinh phải bỏ qua những tranh chấp, nối lại “tình hữu nghị đời đời bền vững” với Việt Nam để tạo thành cái thế liên hoàn bảo vệ thành trì của chủ nghĩa cộng sản còn lại.
ĐU DÂY GIỮA MỸ VÀ TRUNG QUỐC
Sau khi đẩy mạnh cuộc phát triển kinh tế và trở thành một cường quốc quốc kinh tế. Trung Quốc bắt đầu củng cố và xây dựng lực lượng Hải Quân để khống chế Biển Đông. Trung Quốc đã thiết đặt môt căn cứ tiềm thủy đĩnh mới, ngầm dưới mặt đất, ở mỏm cực Nam của đảo Hải Nam, sát với những thủy lộ huyết mạch của vùng Đông Nam Á.
1.- Giành chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Với lực lượng hải quân hùng mạng, Trung Quốc đã xâm chiếm và tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam:
– Ngày 19/1/1974, dùng hải quân cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa;
– Ngày 14/3/1988, chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa;
– Ngày 14/4/1988, tuyên bố sát nhập 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam.
– Ngày 2/12/2007, Quốc Vụ Viện Trung Quốc thành lập cơ quan hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý ba quần đảo: Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa).
– Trung Quốc đã vạch một Đường Lưỡi Bò bao quanh Biển Đông và coi vùng nằm trong đường lưỡi bò đó là lãnh hải của Trung Quốc.
Trong một bài dưới nhan đề “Biển Đông: Những điều hoang đường và sự thật của đường lưỡi bò”, Tướng Daniel Schaeffer, nguyên Tùy Viên Quốc Phòng của Pháp tại Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, cho biết Đường lưỡi bò xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 1947, trong một tập bản đồ tư nhân dưới dạng một đường nét liền được vẽ bằng tay. Những tấm bản đồ về Biển Đông và về đường lưỡi bò mà chúng ta có thể tìm thấy đều được phát hành sau năm 1950, tức sau khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc ra đời. Ngày 25.2.1992 Trung Quốc ban hành đạo luật coi Biển Đông là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Nhà cầm quyền CSVN cũng đã đưa ra những quyết định tương tự để xác nhận chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo nói trên:
– Ngày 9.12.1982 ban hành Quyết định số 193-HĐBT thành lập huyện Trường Sa bao gồm toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa và đặt trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Đến ngày 28.12.1982, huyện Trường Sa được chuyển sang tỉnh Phú Khánh. Ngày 30.6.1989, sau khi chia tách tỉnh Phú Khánh, huyện Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.
– Ngày 25.4.2009, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm trực tiếp chủ tịch của 8 quận huyện, trong đó có huyện Hoàng Sa. Ông Đặng Công Ngữ, nguyên giám đốc Sở Nội Vụ thành phố, lãnh trách nhiệm này.
Tuy nhiên, các quy định hành chánh về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói trên chỉ là những quy định “khống”, vì trong thực tế, hai quần đảo này đã nằm trong tay Trung Quốc.
2.- Du dây với Mỹ
Đứng trước áp lực của Trung Quốc, Hà Nội muốn liên kết với Hoa Kỳ về quân sự dưới một hình thức và giới hạn nào đó với hy vọng làm nhẹ áp lực này. Đây là một tiến trình tiệm tiến được thực hiện qua nhiều giai đoạn.
(1) Vào đấu tháng 12 năm 2007, Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã đến thăm Việt Nam. Hôm 13.12.2007. ông Robert Lucius, đại diện Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến của Hoa Kỳ ở Hà Nội nói với BBC: “Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam sớm có vai trò lớn hơn trong hợp tác an ninh trong vùng. Chúng ta đang ở thế kỷ 21 và giải quyết mọi việc một cách hòa bình. Xung đột sẽ chỉ làm phức tạp những lợi ích kinh tế mà tất cả các bên đều cùng có thể hưởng từ Biển Đông.”
(2) Hôm 26.6.2008, khi tàu bệnh viện Mercy của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, Phó Đô Đốc Doug Crowder, Tư lệnh các lực lượng Hải Quân của Hoa Kỳ trong vùng Tây Thái Bình Dương và khắp vùng Ấn Độ Dương, nói rằng ông đã có một buổi nói chuyện thân mật với Phó Đô Đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Hải Quân Việt Nam. Đôi bên đã thảo luận chuyện phát triển giao tiếp giữa Hải Quân hai nước. Ông cho biết Việt Nam dường như đã sẵn sàng diễn tập Hải Quân với Mỹ.
(3) Ngày 15.7.2008, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Hoa Kỳ đang củng cố các quan hệ quân sự với Cộng Sản Việt Nam, Lào và Cam Bốt như một phần của một quan hệ sâu đậm với vùng Đông Nam Á giữa cuộc tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc. Một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết đây chỉ là một phần của việc mở rộng mối quan hệ toàn diện với vùng này.
(4) Hôm 21.8.2008 đại diện của Hải quân của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã tới thành phố San Diego của Hoa Kỳ trong khuôn khổ một chuyến viếng thăm Hoa Kỳ để tham dự những cuộc trao đổi ý kiến về y tế giữa Hải Quân Hoa Kỳ và Hải Quân Việt Nam.
(5) Ngày 6.10.2008, Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mark Kimmitt đã cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Bình Minh mở cuộc họp báo ở Hà Nội. Trong cuộc họp báo này, Trợ Lý Kimmit tuyên bố: "Chúng tôi đã thảo luận phần lớn tới việc gìn giữ hòa bình, trợ giúp quân sự, trợ giúp an ninh, việc có thể bán những vũ khí gây chết người hoặc không gây chết người, và nhiều vấn đề hai bên cùng quan tâm."
(6) Hôm 23.4.2009, các viên chức quân sự cao cấp của Việt Nam đã viếng thăm lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ.
(7) Hôm 23.7.2009, một thông cáo của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội cho biết một cuộc họp giữa các sỹ quan cao cấp thuộc quân chủng Phòng Không Không Quân Việt Nam và Không Lực Hoa Kỳ đã diễn ra từ 21 đến 24.7.2009 nhằm "chia sẻ thông tin và chuẩn bị cho các hoạt động hợp tác trong tương lai". Thông cáo cho biết Tướng Utterback tuyên bố: "Quan tâm của chúng tôi tại các cuộc thảo luận này là xây dựng các quan hệ có ích cho tương lai".
Thiếu tá Nate Flint, một phi công lái C-17 chịu trách nhiệm giới thiệu về chương trình tập huấn của Không Quân Mỹ được trích lời nhận xét rằng cho dù lịch sử giữa hai nước có như thế nào, các sỹ quan không quân hai bên vẫn có thể trao đổi để học hỏi lẫn nhau.
Hiện nay, Việt Nam là nước có quân đội tại ngũ lớn nhất ở Đông Nam Á với khoảng 455.000 quân nhân vũ trang. Hoa Kỳ nhận thấy đây là một lực lượng có thể góp phần vào việc bảo vệ an ninh và quyền lợi của Mỹ ở Đông Nam Á,
LẠI DẠY CHO VIỆT NAM MỘT BÀI HỌC!
Trước đây, khi Lê Duẫn ngã hẵn về Liên Sô, Trung Quốc đã không để cho Việt Nam ngồi yên. Nay Hà Nội nghiêng về phía Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng phải có hành động.
Trong cuộc phỏng vấn của RFA ngày 24.7.2009, Giáo sư Trần Văn Đoàn dạy học ỏ Đại Học Quốc Lập Đài Loan đã phát biểu:
“Nhưng mà người Trung Quốc đã đọc thấy chiến lược của người Việt Nam chúng ta thành ra họ chận đánh trước. Thí dụ bây giờ họ cảnh cáo nước Mỹ hay cảnh cáo người Nhật, hay họ cố ý nhắm mắt để cho Bắc Hàn làm tới. Đó là cái gì? Đó là một cái để cảnh cáo những nước kia không được đi vào, và như vậy họ đã chặn con đường của Việt Nam đi trực tiếp hoặc càng thân mật hơn với các nước khác.”
Thật ra, Trung Quốc không chỉ cảnh cáo các nước liên kết với Việt Nam mà còn có những biện pháp thâm độc gây khó khăn cho Việt Nam. Trước đây, khi Hà Nội nghiêng về Liên Sô, Trung Quốc đã đem quân tấn công vào biên giới phía Bắc, phá nát 6 tỉnh trong vùng. Sau đó Trung Quốc tung hàng lậu vào với ý định làm sụp đổ nền kinh tế tồi tệ của Việt Nam. Ngày nay, Trung Quốc cũng đã xử dụng lại chiến thuật đó.
1.- Cảnh cáo các công ty khai thác dầu lửa
Ngày 20.7.2008, Bắc Kinh yêu cầu công ty ExxonMobil rút khỏi thỏa thuận hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam vì cho rằng dự án xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Một nguồn tin nói ExxonMobil không thể phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc.
Trước đó, tập đoàn dầu khí khổng lồ BP vừa quyết định ngừng một dự án thăm dò dầu khí trong vùng biển có tranh chấp ngoài khơi Việt Nam. Ông David Nicholas, phát ngôn nhân của BP Plc, nói rằng hãng này thấy "nên ngừng kế hoạch khảo sát địa chấn tại lô 5.2 để cho các nước liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề".
Hôm 15.7.2009, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, ông Scot Marciel, Trợ lý Bộ Trưởng Ngoại Giao chuyên trách Đông Nam Á, cho biết Bắc Kinh đã cảnh báo các công ty dầu khí Mỹ và nước ngoài không làm ăn với Việt Nam trong khu vực tranh chấp, nếu không sẽ gặp khó trong việc kinh doanh với Trung Quốc.
2.- Phong tỏa Biển Đông
Trong khi Hoa Kỳ và Việt Nam họp về hợp tác an ninh Biển Đông, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc trích lời ông Tần Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc có chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với các hòn đảo ở vùng biển Nam Trung Hoa, bao gồm cả quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa) cùng các vùng biển gần kề. Ông tuyên bố: “Việc cấm đánh bắt cá ở khu vực biển Nam Trung Quốc là một biện pháp hành chính thường lệ và hợp lý của Trung Quốc nhằm bảo vệ sự bền vững của nguồn hải sản trong khu vực này.”
Lúc đầu, Trung Quốc còn bắt tàu đánh cá của Việt Nam vì cho rằng các tàu này đã xâm phạm hải phận Trung Quốc và buộc các ngư dân phải nộp tiền chuộc mới được thả ra. Sau các cuộc tranh luận giữa đôi bên, Trung Quốc không còn bắt các tàu đánh cá của Việt Nam nữa, mà cho “tàu lạ” húc chìm các tàu đánh cá của Việt Nam.
3.- Tung hàng phá hoại kinh tế Việt Nam
Tờ “tuanvietnam.net” ở trong nước đã mô tả tình trạng hàng Trung Quốc nhập cảng vào Việt Nam và những hậu quả, bằng một câu ngắn gọn:
“Êm như mưa dầm, ồ ạt như lũ, hàng TQ đổ bộ vào VN, “quét” sạch hàng nội, moi túi người tiêu dùng. Con số nhập siêu hơn 11 tỷ USD năm qua đủ cho thấy các doanh nhân ta đang “thua trắng bụng”.
Một tiểu thương ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội nói: “Bây giờ chính là thời “nhà nhà xuống đường đi buôn hàng Trung Quốc”.
Báo vietbao.vn ngày 22.5.2009, dưới đầu đề “Hàng Trung Quốc: Bủa vây thị trường” đã cho biết như sau:
“Hàng hoá Trung Quốc hiện giờ đang thực sự bủa vây thị trường trong nước, từ thứ dễ nhìn thấy nhất là quần áo thời trang, giày dép cao cấp và rẻ bèo, cho đến các thiết bị gia dụng, hoa giả, hoá mỹ phẩm… Những ông chủ lớn chuyên nhập hàng Trung Quốc số lượng lớn đã bắt đầu xuất hiện tại chợ Đồng Xuân, chợ An Đông và các đường dây buôn bán đã bắt đầu “chảy”.
“Những hè phố có người bán đồ chơi, thì 99% là đồ chơi Trung Quốc. Những sạp bánh mứt Hà Nội, Đà Lạt, cũng nhập nhẹm rất nhiều “đặc sản địa phương” được nhập khẩu từ biên giới phía Bắc. Những xe bong bóng đủ sắc màu, những người bán dạo khắp hang cùng ngõ hẻm cũng chỉ toàn phân phối bánh kẹo Trung Quốc.”
Các báo khác đã liên tục đăng những bài báo động, chẳng hạn như «Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam», «Đương đầu với cuộc «tổng tấn công» của hàng Trung Quốc, Doanh nghiệp Việt Nam thua đau», v.v.
Một cán bộ của đội quản lý thị trường Quận 5, Sài Gòn, cho biết rất nhiều trường hợp bắt giữ hàng quần áo Trung Quốc, đa số các vụ xử phạt đều xoay quanh việc đánh tráo nhãn hàng. Theo thông báo của chi cục quản lý thị trường Đà Nẵng, trong thời gian gần đây đã phát hiện nhiều trường hợp hàng Trung Quốc tráo nhãn hàng thành hàng sản xuất từ Việt Nam!
Chắc chắn nhà cầm quyền Việt Nam đã thấy rõ thảm hoạ nói trên, nhưng chận đứng không phải là chuyện dễ vì ngoài các cửa khẩu chính thức, hàng được đưa vào khắp bốn vùng biên giới của Việt Nam. Hàng lại được bán phá giá, bán mà như cho… nên người dân thấy hàng đẹp và rẽ thì mua, không cần biết hàng đó từ đâu đến.
ĐI TÌM MỘT SINH LỘ
Các chuyên gia và các nhà chính trị đã phân tích tình hình tranh chấp tại Biển Đông, và đề nghị những giải pháp giải quyết chẳng hạn như: bắt chước kinh nghiệm của cha ông trong việc đối phó với Trung Quốc, phân chia vùng khai thác thương mại thay vì tranh chấp chủ quyền, đẩy mạnh sự liên kết giữa ASEAN và Mỹ để được sự che chở dưới cái dù của Mỹ, v.v.
1.- Theo kinh nghiệm của cha ông
Trong cuộc phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do ngày 24.7.2009 về đề tài “Việt Nam cần làm gì trước thái độ lấn lướt của Trung Quốc?”, Giáo sư Trần Văn Đoàn dạy học ỏ Đại Học Quốc Lập Đài Loan có đề nghị:
“Tôi không nói để bảo vệ nhà nước Việt Nam nhưng thực tế, chúng ta đọc lại bài học của tất cả những triều đại Việt Nam trước cả thời Vua Quang Trung. Vua Quang Trung chỉ đánh đuổi Nhà Thanh ra khỏi đất nước Việt Nam, nhưng mà đuổi được Nhà Thanh ra rồi thì cũng lại mất đất, tức là tất cả những vùng biên giới đó thì cũng lại mất đất.
“Trong lịch sử mình biết là Vua Quang Trung đã có một thời muốn chiếm lại Quảng Đông và Quảng Tây, nhưng mà quên rằng đất Quảng Đông và Quảng Tây đó là đất vốn của Việt Nam trước kia, mà rồi Quang Trung chỉ nói hoặc là chỉ nghĩ đến nhưng mà không bao giờ làm. Là vì sao? Là vì Vua Quang Trung nghĩ rằng "nếu tôi chiếm đất của anh, hôm nay có thể là tôi thắng, nhưng mà tôi thắng một lần, anh sẽ đánh tôi một trăm lần và tôi sẽ thua chín mươi chín lần, thì dại gì mà như vậy?"
“Thành thử tôi nghĩ rất có thể Việt Nam hay nhất là cái họ đương làm: chính sách của nhà nước là cái gì đã mất rồi thì không bao giờ đòi lại được, giống như những anh đứng bên cạnh anh Trung Quốc đã mất rồi thì đòi lại được rất khó. Chỉ có mỗi cách hay nhất, cái chiến lược của mình là làm thế nào để không mất đất nữa mà thôi.”
Chỉ kể từ sau Công Nguyên, nước Việt đã tồn tại 2000 năm, trong đó có “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”, một ngàn năm còn lại, cha ông ta đã làm gì để đất nước khỏi bị mất? Đọc lại các chính sử qua các triều đại, chúng ta sẽ thấy rõ hết. Chỉ cần đọc hai lá sớ của vua Lê Lợi (xem trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim) và vua Quang Trung dưng lên vua Tàu để xin phong vuơng, chúng ta cũng có thể thấy tổ tiên chúng ta đã khôn khéo như thế nào để khỏi mất nước. Trong khi đó, người đời nay lại coi đánh phèng la là trọng!
Khi người Tàu chiếm đất của Việt Nam thì người Việt cũng đã chiếm đất của Chiêm Thành và Cao Miên. Họ có lấy lại được đâu? Đó là luật của kẻ mạnh.
2.- Nhờ vào cái dù của Mỹ
Ở phần trên, chúng tôi đã tóm lược tiến trình liên kết giữa Mỹ và Việt Nam về an ninh quốc phòng. Chính sự liên kết này đang gây ra phản ứng từ phía Trung Quốc.
Tại cuộc điều trần ngày 15.7.2009 ở Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện Hoa Kỳ, Thượng Nghị Sỹ Jim Webb đã nói: “Mỹ cần đứng bên ngoài các tranh chấp chủ quyền nhiều khi quá xúc cảm ở châu Á, nhưng thái độ im lặng của Hoa Kỳ có thể làm Trung Quốc mạnh dạn hơn”.
Ông nói tiếp:
"Mỹ là quốc gia duy nhất có thể che chở cho các nước trong khu vực có thể phát triển kinh tế thành công mà không bị gây phiền hà."
Nhưng trong thực tế, vì quyền lợi của mình, Hoa Kỳ thường tránh mọi đụng độ với Trung Quốc.
Ngay sau đó, một cuộc họp được mang tên “Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ – Trung” (China – US Strategic and Economic Dialogue – SAED) đã được tổ chức tại Washington trong hai ngày 27 và 28.7,2009 vừa qua. Thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết, cuộc gặp gỡ đầu tiên của SAED tập trung bàn thảo về các thách thức và cơ hội mà hai nước phải đối mặt trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, tình hình quan hệ Trung – Mỹ, các vấn đề khu vực và quốc tế mang tính chiến lược, các lợi ích kinh tế và biện pháp tăng cường hợp tác đối phó khủng hoảng tài chính…
Như vậy, rất khó tin rằng Hoa Kỳ có thể từ bỏ các quyền lợi kinh tế đang có và sẽ có với Trung Quốc để đứng ra bảo vệ các nước Đông Nam Á đang bị Trung Quốc ức hiếp. Điều tốt nhất là các nước nhược tiểu phải tự chọn lấy thế chiến lược và chiến thuật của mình để tồn tại.
Lữ Giang
(ngày 28.7.2009)
Views: 0