Uncategorized

Chiều Canvê

Chiều Can-vê thật buồn, xót xa, đắng cay và…Nếu Chúa Giêsu không Sống Lại ? Nhưng Chúa Giêsu đã Sống Lại ! Đó là Sự Thật, là diễm phúc cho những ai tin vào Sự Thật này. Tuy nhiên, Tin Mừng theo thánh Matthêô lại ghi nhận một câu tưởng như tai hại đối với những người Do Thái thời đó có tính hoài nghi.

Chiều Can-vê thật buồn, xót xa, đắng cay và…Nếu Chúa Giêsu không Sống Lại ? Nhưng Chúa Giêsu đã Sống Lại ! Đó là Sự Thật, là diễm phúc cho những ai tin vào Sự Thật này. Tuy nhiên, Tin Mừng theo thánh Matthêô lại ghi nhận một câu tưởng như tai hại đối với những người Do Thái thời đó có tính hoài nghi. Song câu chuyện thánh Matthêô kể không có tai hại gì mà còn là một thử thách rất đáng ngưỡng mộ cho những ai biết vượt qua.Vì Chúa Giêsu nói với Tôma : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20,29)

 

Thánh sử Matthêô đã ghi nhận một dư luận từ phía các thượng tế tung ra, sau khi các lính canh mồ, nơi táng xác Chúa Giêsu, vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra chung quanh mồ Chúa. Các thượng tế cho lính một số tiền lớn, và bảo : “Các anh hãy nói như thế này : Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.” (Mt 28, 11-13). Các thượng tế cũng đã biết hối lộ, chịu bỏ ra “một số tiền lớn” để che đậy sự thật.Các ông cũng xảo quyệt thật. Nhưng khôn mà không ngoan ! Lính đang ngủ mà sao biết môn đệ của Chúa đến lấy trộm xác. Lãnh đạo tinh thần mà lại bày ra kế nói dối cho dân. Chúa Giêsu sinh ra trong thời này quả thật là một nghiệt ngã : một dân mà Chúa chọn đang lao đao khốn khó, khổ cực và bơ vơ, được hướng dẫn bởi một tầng lớp lãnh đạo tinh thần đang sa vào tình trạng tê cóng, bảo thủ, tư tế đền thờ là “Thầy”, là “Chúa”, sống tách biệt đoàn chiên. Họ dẫn dắt dân của Chúa xa rời đường lối ngay thẳng và Sự thật của Chúa… Chính vì thế mà Chúa đã đến để cứu vớt người nghèo khó, để kêu gọi người có thiện tâm.

 

1.Can-vê trên đất Việt Nam hôm nay

 

Tôi mạo muội dùng địa danh Can-vê, nơi hơn 2000 về trước, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã thọ hình bởi một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn đầu tiên làm dân riêng, song họ cứng đầu tuyên án tử hình Ngài, để đề cập đến vài địa danh trên đất nước Việt Nam hiện nay đã xảy ra những vụ chết người một cách oan ức, có nơi thì bởi con người vô cảm, dửng dưng trước cái chết đang diễn ra trước mặt, nạn nhân kêu cứu đích danh họ mà họ vẫn “vô tư”, không cảm xúc gì, lạnh lùng đến sợ hãi, có nơi thì bởi người bảo vệ pháp luật lại không thi hành pháp luật, song lại áp dụng luật của rừng xanh đối với người đã nằm trong vòng tay của mình. Nếu 40 ngày trong Mùa Chay vừa qua nhằm đến người tín hữu hãy sám hối, và trở về với Chúa, hòa giải những bất hòa với tha nhân, thì trong Tuần Thánh, người tín hữu suy nghĩ về Chúa Giêsu chịu nạn là chủ yếu. Vì vậy trong lúc suy gẫm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng tôi cũng liên tưởng và nghĩ về những cái chết oan ức ở Việt Nam hiện nay. Không vô cảm. Không dửng dưng được.

 

Chiều Can-vê ở Đà Nẵng

 

Trong rất nhiều vụ, chúng tôi chỉ có thể đề cập đến vài vụ thôi. Riêng vụ một giáo dân thuộc giáo xứ Cồn Dầu, giáo phận Đà Nẵng, anh Tôma Nguyễn Thành Năm bị công an Đà Nẵng sát hại liên quan đến việc chính quyền Đà Nẵng thu hồi đất thuộc giáo xứ Cồn Dầu để bán cho một công ty cổ phần tư nhân với một giá rẻ mạt, lại là đất thổ cư là 350.000đ/km2. Giáo dân Cồn Dầu tức tưởi ở chỗ Tòa Giám mục Đà Nẵng lại ngả theo chủ trương thu hồi đất của chính quyền Đà Nẵng. Vì vậy, Giám mục Đà Nẵng đã tỏ ra khó ăn nói với chính quyền sở tại và giáo dân của mình.. Cho nên ngài hứng chịu búa rìu của dư luận ngả về giáo dân Cồn Dầu đang quằn quại đau khổ là điều không khó hiểu. Ngài bị phê bình là chủ chăn mà lại bỏ đoàn chiên. Vì ngài chấp nhận việc chính quyền Đà Nẵng chuyển giáo dân Cồn Dầu đến một địa điểm khác, mặc dù nhà thờ Cồn Dầu vẫn còn đó. Giáo dân ở đây có 1715 người, chỉ có vài gia đình bằng lòng đi, còn đa số quyết ở lại. Cũng dễ hiểu cho lòng dân, vì không ai muốn rời xa mảnh đất cũ với những sinh hoạt về đời sống thiêng liêng cũng như công việc làm ăn đã gắn bó từ lâu nay.Điều thứ hai là cái giá đền bù đất thổ cư nói trên đây quá thấp. Đời sống của họ đang ổn định, thì nay bất ổn, đau thương đổ ập đến !

 

Trong lá thư kêu cứu của giáo dân xứ Cồn Dầu gửi đến HĐGMVN ngày 15/10/2010, có đoạn viết về sự đàn áp của công an Đà Nẵng đối với giáo dân ở đây như sau :

 

“Ngày 4/5/2010, tại đám tang của bà Hồ Nhu nhũ danh Maria Đặng Thị Tân, cảnh sát đã tấn công toàn thể giáo dân đưa tiễn người quá cố tới nghĩa trang của giáo xứ bằng nhiều thứ vũ khí khác nhau. 72 giáo dân đã bị công an bắt giữ, những ngày sau, công an tiếp tục bắt giữ một số người khác kể cả những người không tham gia vào đám tang mà chỉ vì trước đó có tiếng nói đấu tranh cho quyền lợi của người dân (…) Có những trường hợp giáo dân bị đánh đập, người thân bị gọi lên tra tấn hàng ngày. Đau đớn hơn, có những trường hợp chỉ khóc thôi cũng bị chính quyền gọi lên bắt phạt 50.000 đồng.”.

 

“Chỉ khóc thôi” cũng bị phạt tiền, đó gọi là “tiền ngu”. Thời Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, địa chủ bị đấu tố ở sân đình làng, người nào có lòng thương cảm mà khóc địa chủ, cán bộ nhìn thấy sẽ bị chửi liền. Vì khóc là biểu hiện tình cảm của tư bản !

 

Chiều Can-vê ở Buôn-ma-thuột

 

Bà Phạm Thị Ngắn, 55 tuổi, trú tại buôn H’drát, xã Ea Kao, Tp. Buôn-ma-thuột, Đắc Lắc, trong lúc đang mót cà-phê rụng tại một trang trại của một công ty cùng địa phương thì bà bị đàn chó béc-giê của trang trại này cắn chết, chiều ngày 21/1/2010.

 

Các nhân chứng cùng đi mót cà-phê với bà Ngắn cho biết, khi đang mót thì một đàn chó béc-giê lao ra, những người khác nhanh chân leo lên cây, còn bà Ngắn bị chó táp quật ngã xuống đất. Một người đàn ông của trang trại chứng kiến sự việc nhưng không can thiệp dù nạn nhân kêu la. Tại hiện trường, hầu hết các phần cơ đều bị chó cắn nát và ăn mất, toàn bộ da đầu, mặt bị mất. (Theo tờ Tuổi Trẻ số 23/2010(6063) ngày 23/1/2010, tr.2.)

 

Mấy ngày sau đó, tờ báo này mới nói đến “một người đàn ông của trang trại chứng kiến sự việc nhưng không can thiệp dù nạn nhân kêu la”, là NĐS (chúng tôi ghi tắt), “quản lý đàn chó” (Tờ Tuổi Trẻ số 30/2010 (6070) ngày 30/1/2010, tr 3)

 

Chiều Can-vê ở Hà Nội

 

Sáng ngày 28/2/2011, ông Trịnh Xuân Tùng ngụ tại nhà số 252 phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng , Hà Nội, đi xe ôm từ nhà xuống bến xe Giáp Bát bắt xe lên đường vào Nam. Khi gần tới bến xe, ông đề nghị người lái xe ôm dừng xe để gọi điện thọai cho một người bạn. Ông vừa kịp tháo chiếc mũ bảo hiểm thì công an Nguyễn Văn Ninh, Trung tá Công an phường Thịnh Liệt chờ tới bắt xe, đưa về phường Thịnh Liệt và hẹn chiều tới giải quyết.

 

Buổi chiều, ông Tùng cùng người lái xe ôm trở lại nộp phạt như đã hẹn. Vì nhận thấy mình không có lỗi gì, nên người lái xe ôm đã kiên quyết không nộp phạt và đôi bên đã có những lời tranh luận.Thay vì giải quyết sự việc theo những qui định của pháp luật, trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đã xông vào bóp cổ người lái xe ôm. Bức xức về việc này, ông Trịnh Xuân Tùng đã can thiệp bằng cách gỡ tay viên công an bất nhân ra khỏi cổ người lái xe ôm và nói : “Ông là công an mà lại bắt dân, đánh người như thế à ?” Sau đó ông Tùng cũng đồng ý nộp 100 ngàn đồng tiền phạt, thay vì 150 ngàn đồng như viên công an yêu cầu. Vì không thống nhất được việc này, nên hai bên đã xảy ra cãi vã. Bất ngờ, viên trung tá công an đã vung gậy đánh vào đầu và cổ ông Tùng còn hô hoán kêu một số dân phòng cùng tham gia đánh hội đồng nạn nhân, xích ông Tùng vào gốc cây và gọi xe đưa về phường.

 

Khoảng 5 giờ chiều, sau khi biết tin, gia đình nạn nhân đã tới công an P. Thịnh Liệt nhiều lần đề nghị cho nạn nhân đi khám bệnh vì nhận thấy tình trạng nạn nhân đã quá nguy kịch. Tuy nhiên, bất chấp những lời đề nghị hết sức chính đáng của gia đình nạn nhân, công an P.Thịnh Liệt đã từ chối với lý do : “Bây giờ phường đang có rất nhiều việc để giải quyết, không có thời gian để giải quyết vụ việc này.” Và tiếp tục còng ông Trịnh Xuân Tùng trong tình trạng ông đã liệt nửa người, cho mãi 9g30 tối, mới cho đi khám bệnh tại nhà thương Bạch Mai. Nạn nhân vẫn bị còng. Bác sĩ ở đây cho biết tình trạng của nạn nhân đã tới hồi nguy kịch, nên gia đình đã chuyển nạn nhân tới bệnh viện Việt Đức. Tại đây, các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, nhưng nạn nhân đã qua đời ngày 8/3/2011, hưởng dương 54 tuổi.

 

Trên đây là lời người con gái của nạn nhân, trả lời đài RFA ngày 9/3/2011.
(Nguồn : Nữ vương công lý ngày 10/3/2011)

 

Chiều Can-vê ở Bắc Giang

 

Khi chúng tôi đến, cả gia đình, họ hàng đang ngồi bên bàn nước, những người ở Tp. Bắc Giang đang đến thăm và thắp hương cho nạn nhân.

 

Tiếp chúng tôi là Nguyễn Văn Cường, anh trai của nạn nhân, đôi mắt đỏ hoe ngậm ngùi kể lại sự việc :

 

Em tôi là Nguyễn Văn Khương, 22 tuổi, có bạn gái ở huyện Tân Yên cách đây hơn chục cây số. Chiều thứ 6 vừa qua, em tôi đến đó chơi và chở bạn gái đi mua đồ gì đó mà quên đội mũ bảo hiểm. Hai cảnh sát giao thông chặn em tôi lại và thò tay rút luôn chìa khóa. Một cảnh sát lên xe của em tôi đi về công an huyện cách đó mấy trăm mét, người còn lại chở em tôi, còn cô bạn gái em tôi thì phải đi bộ lẽo đẽo theo sau. Đi được một đọan, cô bạn nhận được điện thọai em tôi gọi rằng lên đón anh ở công an huyện. Khi cô bạn gái em tôi đi đến thì chỉ thấy xe máy đang dựng đó mà không thấy em tôi, gọi điện thọai thì không nhấc máy. Chờ một lúc thì cô ấy phải về đi làm ca vào 18g30.

 

Đến 20g gia đình tôi được công an huyện mời ra xã và thông báo là em tôi đã chết. Quá bàng hoàng chúng tôi đến bệnh viện thì được cho biết : “Khi đến nhập viện khoảng 18g30 thì bệnh nhân đã chết”.Gia đình chỉ được thông báo như vậy, chúng tôi hỏi thông tin về cái chết của em tôi nhưng không ai trả lời.

 

Đến đêm, khoảng 2g sáng, công an tỉnh Bắc Giang xuống đem theo bộ phận mổ tử thi, nhưng mổ xong là họ về không có giấy tờ cũng như thông tin nào báo cho chúng tôi về cái chết của em tôi.

 

Chúng tôi đưa em về nhà khoảng 5g sáng ngày thứ 7, sáng hôm đó chúng tôi làm đơn gửi các cấp và yêu cầu : cho chúng tôi biết thông tin : hai người đã bắt em tôi về công an huyện Tân Yên là ai ? Hai người đã đưa em tôi đến bệnh viện là ai ? Bác sĩ nào đã nhận em tôi vào viện ? Nếu không có những thông tin đó, đến 15g cùng ngày, chúng tôi sẽ kiên nghị lên cấp cao hơn.

Nhưng cả ngày hôm đó, không có bất cứ ai đến động tĩnh gì. Tối hôm đó, công an tỉnh Bắc Giang mới mời bố tôi ra xã để thông báo : “Theo yêu cầu của gia đình trong đơn khiếu nại lên cấp cao hơn, chúng tôi mời pháp y của Bộ về phẫu thuật lại tử thi”.Vậy rồi họ lại mổ xẻ em tôi lần thứ hai có sự chứng kiến của người trong gia đình tôi. Trong quá trình mổ tử thi, có một vết xước bên phải cổ họng, bên kia ba vết thâm nhưng pháp y ghi biên bản là “ba vết chàm”, nên gia đình chúng tôi không đồng ý ký vào biên bản vì em tôi không có vết chàm nào ở cổ. Chúng tôi cũng đề nghị cho chúng tôi biết về thông tin của em tôi, nhưng họ không hề trả lời và ra về.

 

Đến 12g trưa Chúa nhật, quá bức xúc vì em tôi đã chết đầy bí ẩn, oan khuất và nằm đó qua hai lần mổ tử thi mà những thông tin đơn giản nhất về cái chết cũng không được trả lời. Mặt khác, cơ quan công an là nơi giữ em tôi và bị chết nhưng không có bất cứ một lời thăm hỏi nào nên chúng tôi quyết định đẩy em tôi lên cơ quan Tỉnh để đòi công lý cho em đỡ tủi vì oan khuất quá lớn.

Chúng tôi đưa em đi bằng xe đòn đẩy tay, dọc đường bà con dân chúng cùng ủng hộ chúng tôi, dân chúng đổ vào quá đông rồi công an đến và sự việc như các anh đã biết và nghe nói, mạng Internet đã truyền đi khá nhiều.

 

Đến chập tối thì Phó chủ tịch Tỉnh mới mời đại diện gia đình chúng tôi vào phòng tiếp dân,ông ta viết một tờ cam kết là “sẽ tiến hành vụ việc thỏa đáng cho gia đình”.
Thế là chúng tôi đưa em về mai táng.

 

Trong vòng một thời gian ngắn, những cái chết gắn liền với nhà tạm giữ, với tra tấn, nhục hình, với công an…liên tục xuất hiện và dần dần trở thành chuyện bình thường trong xã hội Việt Nam.

Theo Song Hà
(Nguồn : Nữ vương công lý, ngày 26/7/2010)

 

2. Chiều Can-vê ở ngoại thành Giê-ru-sa-lem xưa

 

Cách đây gần 30 năm, tôi đi thăm một người bạn không cùng đạo với mình, sau khi anh từ trại “cải tạo”trở về nhà. Câu đầu tiên tôi nói với anh bạn là : “Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình lên đồi Can-vê”. Nghe xong, anh thích quá cười to lên. Nhưng có lẽ đấy là do cái từ Can-vê mà anh thấy lạ lẫm, chưa nghe nói đến bao giờ, nhưng nó có một sức hút kỳ lạ, một âm vang quyến rũ, khiến anh phải cúi đầu xuống thấp giáp mặt tôi hỏi: “Can-vê nghĩa là gì và ở đâu ?”

 

-Can-vê là phiên âm từ tiếng Latinh Calvariô, hay tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha, còn gọi là Núi Sọ …

 

Tôi đang muốn nói tiếp thì anh bạn ra hiệu bảo tôi dừng, vì anh chợt có ý nghĩ gì đó và muốn nói ra ngay. Anh nói : “Sao mà mấy cái chữ cậu vừa nói nghe hay quá, nó tỏa ra một thanh âm lạ lắm. Mặc dù bây giờ tớ mới nghe nói đến lần đầu, nhưng dường như nó không phải là tiếng nói bình thường, phải không ?

 

Phải rồi. Tiếng Việt Nam gọi là Núi Sọ, vì nó trông giống một cái đầu hoặc cái sọ. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, đi khoảng nửa giờ thì tới, là nơi các phạm nhân bị hành quyết..Nói thế để anh hiểu, gần 2000 năm trước, Chúa Giêsu đã vác cây thập giá nặng nề, từ thành Giê-ru-sa-lem, nơi Chúa bị đánh đòn và đội mạo gai lên đồi Can-vê. Chúa ngã đi ngã lại mấy lần do sức đã kiệt bởi những đòn vọt, dây da quất lên thân mình Ngài suốt đêm.Cuối cùng, Chúa phải chịu đóng đinh vào thập giá và sinh thì ở đây.

 

Con đường Chúa Giêsu đã vác thập giá đi từ Giê-ru-sa-lem lên Can-vê, bây giờ có một tên đường, đó là đường Via Delorosa, Đường Đau Khổ..Anh và tôi, bạn bè chúng ta , gia đình chúng ta cũng vừa bước vào con đường đau khổ.Phải không ? Anh từ trại “cải tạo” về, là anh mới chỉ đi qua một chặng đường đau khổ ngắn ngủi mà thôi…

 

-Phải ! Phải ! Tớ thích cái kiểu cậu nói quá. Chúng ta đang đi con đường đau khổ, vác thập giá lên Can-vê với Chúa. Trước đây chúng ta sung sướng quá, chỉ nghĩ đến mình, không biết đến người chung quanh ta là ai. Họ đau khổ có khi vì chính chúng ta gây ra cho họ, có khi là bạn bè của chúng ta, gia đình chúng ta. Chúng ta thừa mứa của cải tại các đô thị, nhậu nhẹt phung phí trong khi ở nông thôn chẳng mấy xa xôi gì với cái đất Sàigòn này,như Cần giờ, Nhà bè, Thủ đức, hay Đức hòa, Đức huệ v.v… dân chúng thiếu thốn đủ thứ, khổ sở đủ điều, sợ đủ thứ. Một cổ mà nhiều cái tròng phải đeo …Thử hỏi những nơi xa hơn, heo hút hơn cách xa chúng ta đây hàng trăm cây số thì sao ! Các đảng chính trị thì quá nhiều “lãnh tụ”, ít đảng viên. Tôn giáo thì lễ nghi rườm rà, hình thức lộng lẫy thu hút người tín đồ qua vẻ bề ngoài mà không bộc lộ đời sống tinh thần, thiêng liêng của đạo. Ngày hôm nay chúng ta mới nhận ra lỗi lầm của mình và chúng ta không còn thời giờ, không còn hoàn cảnh để sửa lại. Bây giờ là ăn năn, sám hối, cậu và những bạn bè cùng đạo, trở về với cái ngay chính của đạo, trở về với cõi tâm linh. Thượng Đế của các cậu ở trong đó. Các cậu đừng tìm Chúa của mình ở đâu xa. Ngài ở đó thôi. Hãy trở về với Ngài đi. Còn tụi tớ, chắc là phải tìm đường dzọt thôi, nhiều thằng đã đi rồi. Mới đây, tớ ra trình diện ngoài phường công an, họ hỏi tớ có tính vượt biên không. Tớ không úp mở nói ngay, nếu có điều kiện tôi cũng đi. Sở dĩ tớ nói thẳng với họ như thế vì nói không đi thì họ cũng chẳng tin mình. Bỏ quê hương mà đi là một mất mát rồi. Con đường tớ sắp đi có thể là tự do hơn, thênh thang hơn. Nhưng với tớ, có lẽ đó cũng là con đường đau khổ. Tuy nhiên, sau khi nghe cậu nói về con đường gì đó Chúa Giêsu đã đi gần 2000 năm trước, tớ cũng chắc sẽ đi con đường này. Nhưng bây giờ thì tớ thanh thản hơn.

 

Kết luận

 

Chiều Can-vê thật sự là buồn, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ của loài người được. Buồn cho Chúa Giêsu cô đơn đến tột cùng, xót xa đến rũ liệt toàn thân.Bao nhiêu người đã được Chúa chữa lành khỏi các bệnh tật nguyền phần xác, giờ chiều Can-vê ngày đó chẳng thấy một ai. Nhóm Mười Hai, Nhóm 72 nữa cũng trốn mất tăm. Đoàn lũ dân đông đảo tay cầm nhành lá thiên tuế, hay cởi áo choàng trải trên đường cho Chúa cưỡi lừa tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem chỉ mấy ngày trước đó thôi, miệng reo hò : “ Hoan hô ! Hoan hô ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Chúc tụng vua Israel !”(Ga 12,13) thì nay cũng lại họ, mạnh mẽ hơn, dữ dằn hơn, quyết liệt hơn,lớn tiếng hơn khi nghe Philatô nói : “ Đây là vua các người !” (Ga 19,14). Với một thân hình không còn gì là của Chúa, Philatô tưởng dân xem thấy thì sẽ thương và tha cho Chúa. Nhưng không, họ càng hung dữ hơn, la lên : “Đem đi ! Đem nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá !”(Ga 19, 15)

 

Nhưng thật là bật ngờ, trong bối cảnh hãi hùng như vậy, tại đồi Can-vê sau đó, một đại biểu của một lòng tin lạ lùng xuất hiện ngay bên cạnh thập giá với Chúa Giêu, lúc bấy giờ có lẽ thân thể của Chúa còn tiều tụy và xơ xác hơn người này. Đó là người trộm, quen gọi là người “trộm lành”.

 

Thánh sử Luca thuật lại tính cách của hai người trộm cùng bị đóng đinh với Chúa. Người bên tả buông lời thử thách Chúa : “Ông không phải là Đấng Kitô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !” Nhưng tên kia mắng nó : “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm.Chứ ông này đâu có làm điều gì trái !” Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu :“Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi !”(Lc 23,39-42)Và Chúa Giêsu nói với anh ta : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”(Lc 23,43).

 

Linh mục Nguyễn Tầm Thường, trong cuốn Kẻ Đi Tìm, phát hành tại Việt Nam do các Sơ Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản, nhà sách Đức Bà Hòa Bình phụ trách, NXB Tôn Giáo 2009, đã suy niệm về đức tin của người trộm lành như sau :

 

“Việc tuyên xưng Chúa vô tội trên thập giá của một tên trộm lại là lời tuyên xưng duy nhất của nhân lọai.

Toàn thể nhân lọai bấy giờ im lặng.

Tất cả thế lực tôn giáo, chính quyền đều chảy xuôi một chiều là nhạo báng Chúa.
Các môn đệ cũng im tiếng.

Người tuyên xưng Chúa duy nhất lại là tên trộm.

Sự tuyên xưng này mang một ý nghĩa rất sâu là anh xác tín vào đời sau. Như thế có nghĩa là tất cả xã hội kia đang đánh mất ân sủng của mình vì chối từ Đức Kitô sống lại. Toàn thể đám đông kết án Chúa là sai. Anh ta đi ngược lại đám đông, người trộm này dám xưng mình tin Chúa là Đấng vô tội. Một người bình thường không thể tuyên xưng như thế. Chúa đang chết rất nhục nhã, bởi đó người ta mới cười. “Nó đã cứu người khác thì tự cứu mình đi.” Lời đó đối với con mắt người thường là đúng thôi. Vậy tại sao tên trộm lại không tin như thế.

Làm cách nào tên trộm này tin Chúa sẽ vào Nước Thiên Chúa?
Làm cách nào tên trộm này tin Chúa sống lại ?
Ai dạy anh ta có sự sống đời sau ?
Ai dạy anh ta tin rằng Chúa đang chết kia là Thiên Chúa thật ? (Sđd tr.197)

 

Sau đó, Lm Nguyễn Tầm Thường nói đến hành trình thiêng liêng của người trộm này, “không là tích tắc được Chúa cho vào Nước Chúa, nhưng là một hành trình đã chuẩn bị từ tháng ngày trong quá khứ (…) Không nên dễ dãi kết luận, chỉ cần tích tắc nói với Chúa vài câu là được lên thiên đàng. Ta nên nhìn con đường trưởng thành thiêng liêng của người trộm này trong cái nhìn tìm hiểu đoạn Kinh thánh tường thuật về anh. Có thể nói cách khác, chính lời tuyên xưng của “tên trộm” viết thành lời đoạn Kinh Thánh này.
Hôm nay ta tuyên xưng Chúa sống lại vì Chúa đã sống lại. Niềm tin này quá dễ. Lúc tên trộm bị treo trên cây thập giá, Chúa chưa chết, chưa sống lại. Chưa hề có ai phục sinh từ cõi chết. Vậy làm cách nào mà anh ta lại tin vào sự Phục Sinh ? Không có lời Kinh Tin Kính nào đẹp như thế. Một hành trình thiêng liêng lạ lùng.”(Sđd tr. 200-201)

 

Khải Triều
(Ngày 19/4/2011)

 

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.