Uncategorized

Chiến tranh tôn giáo?

Bài diễn văn của Tổng Thống Obama đọc ở Đại Học Yangon, Miến Điện, hôm 19.11.2012 được nhiều giới coi là một bài diễn văn xuất sắc.

 

Bài diễn văn của Tổng Thống Obama đọc ở Đại Học Yangon, Miến Điện, hôm 19.11.2012 được nhiều giới coi là một bài diễn văn xuất sắc.

 

Tổng Thống Obama không chỉ nói với các sinh viên, giới trí thức và các nhà lãnh đạo Miến Điện, mà còn nói với những thành phần này ở nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chủ đề chính là làm thế nào để đưa đất nước ra khỏi lạc hậu, nghèo đói, chiến tranh, áp bức và trở thành một quốc gia dân chủ và phát triển.

Vì thính giả là một tầng lớp được lựa chọn và những vấn đề được đề cập đến là những vấn đề có tầm vóc quốc gia, nên đòi hỏi phải có một số kiến thức tối thiểu để tiếp nhận. Vã lại, việc đi từ “luân lý giáo khoa thư” tới cuộc sống không phải là chuyện dễ dàng.

Ông Obama đã đề cập đến nhiều vấn đề. Nhưng hôm nay chúng tôi chỉ muốn đề cập đến một vấn đề quan trọng đã và đang làm cho khuôn mặt của Miến Điện trở thành đen tối, gây trở ngại lớn cho Miến Điện trên con đường xây dựng một nước Miến Điện mới, đó là chính sách bất khoan dung đối với các tôn giáo không phải là Phật Giáo, đưa tới những cuộc chiến bi thảm kéo dài từ sau Thế Chiến Thứ II đến nay. Đây cũng là vấn đề mà người người Việt đã phải đương đầu qua nhiều giai đoạn nghiêm trọng trong tiến trình lịch sử.

Trước khi đề cập đến phương thức mà Tổng Thống Obama đề nghị, chúng tôi xin nói qua về tình hình tôn giáo chung tại Miến Điện và hai cuộc chiến đáng buồn có liên quan đến tôn giáo tại Miến Điện, kéo dài cho đến nay.

VÀI NÉT VỀ TÔN GIÁO TẠI MIẾN ĐIỆN

Tài liệu thống kê cho biết Miến Điện có dân số khoảng 50 triệu, theo nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó Phật giáo chiếm 89,3% dân số, Thiên Chúa giáo 5,6%, Hồi giáo 3,8%, đạo Hindu 0,5%; và các tôn giáo khác khoảng 0,8%.

1.- Phật giáo

Có truyền thuyết cho rằng đạo Phật đã được truyền vào Miến Điện từ thế kỷ thứ ba trước CN, dưới thời A-dục vương. Nhưng các tài liệu cho thấy Phật Giáo mới phát triển ở Miến Điện từ thế kỷ thứ 5 và đến thế kỷ thứ 7, cả hai hệ phái Tiểu Thừa và Đại Thừa cùng có mặt. Nhưng đến thế kỷ 11 vua Anwrahta tuyên bố chỉ chấp nhận Tiểu Thừa nên hệ phái Đại Thừa biến mất.

Tu sĩ Miến Điện đều theo truyền thống Nguyên Thủy (Theravadin), được gọi là bhikkhu, có nghĩa là tăng sĩ hành khất. Các tu sĩ không ở chùa mà ở thiền viện, hằng ngày buổi sáng đi khất thực, không ăn chay và chỉ được ăn từ khi mặt trời mọc đến trước 12 giờ trưa, sau 12 giờ trưa đến sáng hôm sau tuyệt đối không được ăn.

Chùa chiền là trung tâm của đời sống văn hoá. Các nhà sư được sùng kính và người dân luôn quỳ trước mặt để tỏ lòng tôn trọng họ. Hàng năm vào các kỳ nghỉ hè, học sinh từ 6 đến 16 tuổi được tập trung ở các chùa để làm lễ xuống tóc, đổi áo và dự một khóa tu khoảng 1 tháng để học các giới luật, nghe thuyết pháp và tu thiền.

Cả nước Miến Điện có hàng vạn đền, chùa, tháp, nằm rải rác trên khắp nơi. Riêng ở thành phố Bagan đã có hơn 4000 đền, chùa, tháp lớn nhỏ trên một diện tích chỉ khoảng 40km2. Do đó, cũng như Campuchia, Miến Điện còn được gọi là xứ Chùa tháp.

2.- Hồi Giáo

Có tài liệu cho biết Hồi giáo được các thương buôn A-rập đưa đến Arakan vào khoảng thế kỷ thứ 8. Đây là một vùng ở phía Tây Miến Điện do những người Indo-Aryan sinh sống. Họ đến từ Ấn Độ hay Bangladesh. Trái lại các dân ở phía Đông đến từ Tây Tạng và Trung Hoa và lập thành quốc gia Miến Điện. Năm 1785 Miến Điện xâm chiếm Arakan và biến thành bang Rakhine.

 

Cuộc kiểm tra của người Anh cho biết năm 1891 có 58.255 người Hồi giáo ở Arakan, đến năm 1911 đã tăng đến 178.647 người. Hiện này số người Hồi giáo đã trên 800.000.

3.- Công Giáo

Tài liệu cho biết năm 1722, Đức Giáo Hoàng Innocent XIII đã gởi hai linh nục Sigismond de Calchi và Vittoni đến truyền giáo tại Miến Điện. Công việc truyền giáo tuy chậm nhưng phát triển được, nhất là tại các sắc tộc thiểu số. Đến năm 1855 mới có 11 linh mục và 5320 giáo dân.

Ngày nay, Công Giáo đã có trên 600.000 giáo dân với ba tổng giáo phận và 10 giáo phận khác.

4.- Tin Lành

Hai nhà truyền giáo Tin Lành thuộc giáo phái Baptist là Adoniram and Ann Judson đã đến Miến Điện từ năm 1813. Họ phải hoạt động ở đó trong 6 năm mới có một người Miến Điện đầu tiên được rửa tội. Nhưng sau đó họ đã đến với các sắc dân thiểu số như Karen, Lisu, Kachin, Chin và Lahu, và đã thành công. Đến nay, các giáo phái Tin Lành đã có khoảng 1,6 triệu tín hữu với 4722 nhà thờ.

5.- Chiến tranh tôn giáo

Kể từ năm 1948 khi người Miến thu hồi độc lập, vấn đề ngăn chận các tôn giáo khác ngoài Phật Giáo được đặt ra. Dưới thời Tướng Ne Win cai trị (1962 – 1988), ông chủ trương tiến lên “xã hội chủ nghĩa” theo Phật Giáo. Phật Giáo được công nhận trong Hiến Pháp là quốc giáo. Đây cũng là mơ ước của nhóm Thích Trí Quang và Lê Mạnh Thát. Năm 1966 các tu sĩ ngoại quốc bị trục xuất khỏi Miến.

Vì sự lên án của Liên Hiệp Quốc và các cường quốc Tây phương, các tướng sau Tướng Ne Win đã bỏ điều khoản Phật Giáo là quốc giáo ra khỏi Hiến Pháp, nhưng chính sách tôn giáo của Miễn Điện vẫn còn khắt khe, đưa tới hai cuộc chiến đẩm máu và kéo dài, đó là:

(1) Cuộc chiến với người Jingpo theo Thiên Chúa Giáo ở bang Kachin thuộc vùng Đông Bắc Miến giáp giới với Trung Quốc, nên thường gọi là người Kachin.

(2) Cuộc chiến với người Rohingya theo Hồi Giáo ở bang Rakhine thuộc vùng phía Tây giáp với Bangladesh.

Ngoài ra, nhà cầm quyền Miến Điện còn phải đối đầu với sắc tộc Karen nổi lên đòi độc lập. Sắc tộc này ở bang Kayin nằm sát biên giới Thái Lan. Những người Karen theo Thiên Chúa Giáo (khoảng 15%) đã kết hợp với các tín đồ Phật Giáo đối lập với chính quyền để tranh đấu.

CUỘC CHIẾN VỚI NGƯỜI KACHIN

Người Jingpo có gốc từ người Singpho ở Ấn Độ, đã đến sinh sống tại vùng giáp giới giữa Miến Điện và Trung Quốc. Hiện nay có khoảng từ 540.000 tới 1 triệu hay 1 triệu rưởi người ở bang Kachin nên thường được gọi là người Kachin. Tuy nhiên cũng có khoảng 132.140 người đang sống bên kia biên giới Trung Quốc.

Trước khi các nhà truyền giáo Mỹ tới vùng đất Kachin, phần lớn người Jingpo tin vào thuyết linh vật, thờ thần linh hay cúng tổ tiên. Chỉ một số ít theo Phật Giáo. Họ bắt đầu theo Thiên Chúa Giáo vào đầu thế kỷ thứ 18. Sau khi Tướng Ne Win tuyên bố Phật Giáo là quốc giáo với những hạn chế đối với các tôn giáo khác, họ đã liên minh với các nhóm sắc tộc khác để chống lại chính quyền Miến. Năm 1961 Tổ chức độc lập Kachin (KIO) được thành lập với lực lượng vũ trang được gọi là Quân đội độc lập Kachin (KIA). Trong khi đó, những người Karen cũng thành lập Liên đoàn dân tộc Karen (KNU) để đòi tự trị.

Cuộc chiến giữa chính quyền Miến Điện với Tổ Chức Độc Lập Kachin và Liên đoàn dân tộc Karen kéo dài đến 1994 mới có hoà ước đình chiến. Tuy nhiên, sau khi cuộc chiến chấm dứt, chính quyền Miến đã liên kết với Trung Quốc để khai thác vùng Kachin và Kyin khiến họ không còn nơi sinh sống. Quân đội Miến Điện đã áp dụng nhiều chính sách tàn bạo đối với người Kachin như cưỡng bức lao động, hãm hiếp phụ nữ, v.v.. Cuộc xung đột bùng nổ trở lại, hàng ngàn người phải vượt biên sang Trung Quốc. Nhưng sống tại các trại tỵ nạn ở Trung Quốc chẳng dễ chịu chút nào. Một người nói: "Chúng tôi sống trong chuồng bò và thường xuyên ngửi phân bò". Đầu năm nay, Trung Quốc đã đuổi họ về, bất chấp những cuộc giao tranh giữa quân đội Miến và các lực lượng dân quân thiểu số vẫn đang diễn ra.

Giáo Hội Công Giáo ở Miến Điện cho biết hiện nay có khoảng 60.000 dân thường Kachin rời bỏ nhà cửa tìm nơi tị nạn đang tạm trú ở nhà dân hay trong 80 trại của Giáo hội. Cuộc kiểm kê của Giáo Hội Tin Lành Baptist cho biết năm 2010 tại bang Kachia có khoảng 400.000 tín hữu với 449 mục sư.

CUỘC CHIẾN VỚI NGƯỜI ROHINGYA

Người Hồi Giáo Rohingya ở Arakan nói rằng quốc gia Arakan đã có từ năm 2666 trước CN. Đến thế kỷ thứ 8, những thương buôn người Hồi Giáo A-rập đã đến buôn bán và truyền đạo Hồi cho họ. Nhưng năm 1785, Miến Điện đã xâm chiếm đất nước của họ và biến thành bang Rakhine của Miến Điện. Có thể coi tình trạng của Arakan gióng như trình trạng của Chiêm Thành đối với Việt Nam. Đa số người Rohingya là dân bản địa, chỉ có một thiểu số đến từ Bangladesh. Họ thường buôn bán, làm nghề cầm đồ và cho vay nặng lãi.

Từ thập niên 60 đến nay, vì muốn loại bỏ người người Rohingya ra khỏi “đất Phật”, người Rohingya thường xuyên bị cáo buộc là đến cướp đất của người Phật giáo Miến Điện. Nhiều đạo luật đã được ban hành buộc người Rohingya phải chứng minh được rằng họ đã sống trên đất Miến kể từ trước 1824 nếu muốn có quốc tịch Miến. Dĩ nhiên, rất ít người có thể trình loại bằng chứng này, và như vậy họ không được coi là công dân Miến. Họ cũng không có quyền tự do đi lại và bị cưởng chế về các vấn đề như hôn nhân, sở hữu đất đai v.v… Người Rohingya đang lâm vào tình huống của những người vô tổ quốc ngay chính trên đất của họ.

Theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 27.10.2012, tổ chức Human Rights Watch cho biết những cuộc bạo hành mới nhất xảy ra trong bang Rakhine đã khiến hàng ngàn người mất nhà khi những Phật tử người Miến tấn công và đốt hàng trăm ngôi nhà của người Hồi giáo Rohingya bị cáo buộc là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh.

Trong khi đó, chính quyền Bangladesh lại cho biết hàng trăm người Rohingya đã vượt sông qua Bangladesh nhưng bị từ khước là công dân của Bangladesh. Hàng trăm người Rohingya khác bị buộc phải dùng thuyền rời khỏi Rakhine để tới đảo A-Ngu-Maw tỵ nạn, nhưng họ không thể cặp bến. Hàng chục người bị giết và phụ nữ bị hiếp dâm trên các con thuyền này.

NHỮNG LỜI BÁO ĐỘNG

Trong bản phúc trình hàng năm về Tự Do Tôn Giáo Trên Thế Giới lần thứ 7, Hoa Kỳ tố cáo Miến Điện là ưu đãi Phật Giáo hơn các tôn giáo khác, và những người không phải là Phật tử thường bị chính quyền theo dõi và phân biệt đối xử.

Theo bản tin của RFA ngày 5.9.2012, Tổ Chức Nhân Quyền của Người Chin cho biết những người Chin chủ yếu theo Thiên Chúa Giáo, sống ở miền Tây Miến Điện đang phải đối mặt với những sách nhiễu do đức tin của họ vào Thiên Chúa. Các sinh viên theo Thiên Chúa giáo thuộc sắc tộc Chin đã bị bắt phải cải đạo sang Phật Giáo, phải cạo đầu và mặc áo nhà Phật.

Các sinh viên người Chin thường xuyên phải vào học tại các trường do quân đội quản lý. Tại các trường này họ bị cải đạo sang Phật Giáo. Các sinh viên theo Thiên Chúa Giáo thường bị đánh đập do không nhớ các bài giảng trong Kinh Phật.

Mặc dù Tổng Thống Miến Điện Thein Sein khẳng định tự do tôn giáo luôn được tôn trọng tại Miến Điện nhưng trên thực tế Phật Giáo vẫn được coi như là tôn giáo chính của nhà nước.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 1.11.2012, ông Arnaud Dubus, phóng viên Radio France Internationale (RFI) ở Bangkok, đã nói:

“Ở Miến Điện cũng như ở Cam Bốt và ở Thái Lan, có một sự đồng hóa chặt chẽ giữa Phật giáo với dân tộc đa số của đất nước… Một người Miến Điện Hồi giáo hay Thiên chúa giáo bị coi là một điều quái đản.”

GIẢI PHÁP CỦA OBAMA

Trong bài diễn văn đọc tại Đại Học Yangon hôm 19.11.2012, Tổng Thống Obama đã nói:

“Đất nước này, cũng giống như đất nước của tôi, được thiên nhiên phú cho sự đa dạng. Không phải mọi người đều giống nhau. Không phải tất cả mọi người đến từ cùng một khu vực. Không phải tất cả mọi người thờ phượng theo cùng một cách. Tại các thành phố và thị trấn của các bạn, có đền, chùa, nhà thờ [đạo Ki tô] và nhà thờ đạo Hồi đứng cạnh nhau. Hơn một trăm nhóm sắc tộc đã là một phần của câu chuyện của các  bạn. Tuy nhiên, trong đất nước này, chúng tôi đã nhìn thấy một số cuộc nổi dậy kéo dài nhất thế giới, đã làm mất vô số mạng sống và xé rời nhiều gia đình và cộng đồng, và ngăn chặn con đường phát triển.
 

“Không có quá trình cải cách nào thành công mà không có hòa giải dân tộc. (Vỗ tay) Bây giờ các bạn có một thời khắc của cơ hội đáng kể để chuyển các cuộc ngừng bắn thành một giải pháp lâu dài, và theo đuổi hòa bình ở nơi mà các mâu thuẫn vẫn còn nán lại, kể cả ở bang Kachin. Những nỗ lực này phải dẫn đến một nền hòa bình công chính và lâu dài hơn, bao gồm cả việc trợ giúp nhân đạo cho những người có nhu cầu, và một cơ hội cho những người di tản trở về quê…”

Đối với những người, những dân tộc và những nước có một nền văn hóa và cuộc sống thấp và dính chặt với quá khứ, những lời giảng dạy như vậy chẳng khác chi đem nước đổ đầu vịt. Dân chúng Miến đang đợi một cái gì khác hơn có thể làm biến đổi đất nước họ.

Ngày 29.11.2012
Lữ Giang

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.