Uncategorized

Chết!…

* Khái niệm về chết lành
* Ngãng trở ơn chết lành
* Ứng dụng vào đời sống

 

* Khái niệm về chết lành
* Ngãng trở ơn chết lành
* Ứng dụng vào đời sống

 

“Hạnh phúc người để luôn giờ chết trước mắt và ngày ngày dọn mình sẵn luôn” (Imt 23:15). Thường xuyên suy niệm về sự chết, người Kitô hữu sẽ có dịp nhắc nhở mình về cứu cánh của cuộc đời, và phải sống thế nào để đạt được cứu cánh đó. Ngoài ra, không có gì bóc lột con người cách trần trụi hơn sự chết, cũng như không đau khổ nào mà con người sợ hãi bằng khi đối diện với sự chết. Do đó, ý nghĩa của sự chết sẽ giúp ta sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, thử thách trong cuộc sống bằng tinh thần thánh hóa và từ bỏ.

 

KHÁI NIỆM VỀ CHẾT LÀNH

 

Chết tốt lành hay chết trong ơn thánh của Thiên Chúa, còn gọi là chết mà không mang trong tâm hồn những trọng tội xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Ðức Kitô đã đề cập tới cái chết này qua dụ ngôn Mười Trinh Nữ.

Ý nghĩa dụ ngôn Mười Trinh Nữ đã cho ta ý niệm rõ ràng về sự chết, đó là mọi người đều được kêu gọi về với Thiên Chúa qua cái chết của mỗi cá nhân, hay việc Ðức Kitô thình lình đến với toàn thể nhân loại trong ngày thế mạt. Theo Thánh Phaolô, không có cách chết nào hơn cách nào, vì khi Ðức Kitô xuống thế lần thứ hai, mọi kẻ chết sẽ chỗi dậy.

Ðiều quan trọng là khi thời giờ đến, lúc ta phải ra đón Ðức Kitô như mười cô trinh nữ ra đón chàng rể, ngọn đèn tình yêu của ta, tức là lòng kính mến Thiên Chúa có còn cháy sáng hay không? Nếu luồng gió tội lỗi làm tắt ngọn đèn yêu mến trước giờ chết, ta còn có cơ hội thắp sáng lại bằng tâm tình thống hối. Nhưng nếu khi ta bước qua ranh giới sự chết mà đèn tắt, thì thời giờ đã chấm dứt!

“Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đón đôi tân hôn. Trong bọn có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại lúc cầm đèn lại không đem dầu theo. Năm cô khôn ngoan khi cầm đèn lại đem theo bình dầu. Vì chàng rể đến trễ, nên các cô đều ngủ thiếp đi. Nửa đêm có tiếng gõ cửa: “Kìa, tân lang đến. Hãy ra đón chàng”.

Các cô liền thức giấc, sửa soạn đèn. Các cô khờ dại mới nói với các cô khôn ngoan rằng: “Xin các chị cho chúng em ít dầu, vì đèn chúng em tắt rồi.” Mấy cô khôn ngoan trả lời: “E không đủ cho chúng em và các chị đâu. Các chị ra ngoài hàng mua thì hơn”.

Họ vừa đi mua, thì chàng rể tới. Những cô sẵn sàng cùng vào tiệc cưới với chàng, và cửa đóng lại. Một lúc sau, năm cô kia mới tới và gõ cửa: “Xin mở cửa cho chúng tôi vào với.” Nhưng có tiếng trả lời rằng ta không biết các cô là ai”.

Vậy các ngươi hãy tỉnh thức, vì không biết ngày và giờ nào Con Người sẽ tới” (Mt 25:1-13).

 

Người Kitô hữu phải giữ cho ngọn đèn yêu mến của mình được luôn cháy sáng, vì theo Thánh Gioan Thánh Giá, trong lúc xế chiều của cuộc đời ta sẽ được xét xử theo tình yêu. Nhưng để ngọn đèn tình yêu đó cháy sáng được, ta cần phải có dầu. Vậy dầu của ngọn đèn yêu mến này là gì?

Trong đời sống Kitô hữu, dầu của ngọn đèn tình yêu là đức tin, là dầu thánh được xức trên trán ta khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Thánh Nữ Catarina Siena, Tiến Sĩ Hội Thánh thì cho rằng đó là đức khiêm nhường. Nhờ sự hòa trộn giữa đức tin, dầu Thanh Tẩy, và đức khiêm nhường sẽ đem lại những hoa trái tốt.

Tình mến trọn hảo đòi hỏi đức tin vững mạnh, đời sống khiêm nhường, cũng như sự bền đỗ trong ơn thánh sủng mà Thiên Chúa đã ban cho ta khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

Nếu giờ chết đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, thì dù ta có sợ hãi đôi chút vì đức tin còn yếu kém, hoặc đời sống bị chao đảo do những cám dỗ và khuyết điểm, ta vẫn tin tưởng ra trước tôn nhan Thiên Chúa, vì biết rằng Ngài không từ chối ta khi ta đã cố gắng kiếm tìm và thực hiện ý Ngài trong cuộc sống.

 

NGÃNG TRỞ ƠN CHẾT LÀNH

 

Ðối với nhiều người, sự sợ hãi ghê gớm nhất khi nghĩ đến giờ chết, là không biết mình sẽ chết như thế nào. Qua dụ ngôn Mười Trinh Nữ, Ðức Kitô đã cho biết rõ ràng về cái chết của mỗi người bằng cách căn cứ vào đời sống của người đó. Nhưng qua tình thương của Thiên Chúa, ta có thể tin tưởng rằng Ngài không muốn ai chết trong lúc ngọn đèn tình yêu của họ hết dầu. Ngoại trừ trường hợp giống như năm cô trinh nữ đã không giữ được đèn mình cháy sáng.

Do đó, thái độ cẩn trọng của ta là phải giữ cho ngọn đèn tình yêu luôn cháy sáng, bằng việc chuẩn bị và lo lắng cho đèn luôn luôn có đủ dầu. Ðây là hành động khôn ngoan của người tìm kiếm Thiên Chúa, một ân huệ của Chúa Thánh Thần. Nhờ ánh sáng và sự soi dẫn của nó, ta biết tìm kiếm những giá trị thật của cuộc đời. Cuộc sống có giá trị được xây dựng trên sự kính mến Thiên Chúa, trên những hành động bác ái với anh chị em đồng loại, cũng như trên những việc làm tiết chế và tự chủ đối với tính tình hoặc xu hướng xấu.

Nhờ sống và hành động dưới sự hướng dẫn của đức khôn ngoan, ta sẽ có một tâm hồn bình an. Ðức khôn ngoan giải thoát ta khỏi những băn khoăn lo lắng thái quá về cuộc sống. Nó cho biết mình phải làm gì, và hành động tới đâu, rồi để phần còn lại trong sự tin tưởng và phó thác cho tình thương của Thiên Chúa. Nhưng để có ơn khôn ngoan cần thiết trong cuộc sống, ta phải cầu nguyện. Nhờ kinh nguyện và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, ta sẽ tìm được sự khôn ngoan chân thật, cũng là chính Thiên Chúa.

Tóm lại, trở ngại lớn nhất đối với ơn chết lành là không sống đạo một cách chân thành, hăng say và bền bỉ. Không tuân giữ những luật lệ cần thiết cho đời sống đức tin của người Kitô hữu. Trở ngại thứ hai là phủ nhận tình thương, và sự tha thứ của Thiên Chúa.

 

 ỨNG DỤNG VÀO ÐỜI SỐNG

 

Cuộc hành trình của mỗi Kitô hữu trên dương thế dài hay ngắn, lâu hay mau, tất cả đều được kết thúc bằng cái chết. Khi bước vào biên giới vĩnh cửu, con người phải bỏ lại tất cả những gì mình có thuộc về thế giới vật chất. Sự tước đoạt trần trụi này chỉ cái chết mới có thể làm được. Ứng dụng ý nghĩa của sự chết vào cuộc sống và để chuẩn bị cho mình một giờ chết tốt lành, sẽ giúp ta hăng hái và kiên trì sống đạo giữa muôn thách đố của cuộc đời.

 

– Trước hết, ta phải làm trọn bổn phận đã được Thiên Chúa trao phó. Ðức Kitô, trong Bữa Tiệc Ly, đã cho ta thấy Ngài sẵn sàng trước cái chết vì Ngài đã chu toàn Thánh Ý của Thiên Chúa Cha về Ngài: “Con đã tôn vinh Cha dưới đất. Con đã chu toàn công việc mà Cha đã trao phó cho con” (Jn 17:4). Là Kitô hữu, trong cuộc sống mỗi ngày trên dương thế, ta cũng phải lo hoàn tất Thánh Ý của Thiên Chúa. Hành động như vậy, như Ðức Kitô, ta tôn vinh Thiên Chúa trong cuộc đời của mình.

 

– Ta phải chuẩn bị cho giờ chết của mình bằng đời sống cầu nguyện và kết hợp với Thiên Chúa. Nhờ kết hợp với Ngài qua tâm tình và đời sống cầu nguyện, ta sẽ được ngọn lửa tình yêu đốt nóng, như tác giả Thánh Vịnh đã thưa lên với Chúa: “Vì Ngài thân xác tôi hao mòn và linh hồn tôi khao khát”.

 

– Ta chuẩn bị giờ chết bằng cách nhận thức như Thánh Ambrôsiô, cho rằng Thiên Chúa định liệu sự chết như một phương thuốc để chữa tội lỗi. Một thứ thuốc mà ta không nên sợ hãi, bởi vì Vị Lương Y Tốt Lành đã cho toa đúng liều lượng vì lợi ích của mỗi người.
Ý nghĩa từ bỏ ở đây là ta phải sẵn sàng để bất cứ lúc nào Thiên Chúa muốn, Ngài có thể đến để đón ta ra khỏi thế gian.

 

– Ta phải chuẩn bị giờ chết bằng cách suy ngắm về cái chết của Ðức Kitô trên thánh giá. Ngài đã chết và sống lại cho ta. Do đó, ta cũng sẽ chết và sống lại cho Ngài. Nếu trong khi suy niệm về sự chết của Ngài ta sống với Ngài trong giờ chết của Ngài, Ngài và Ðức Trinh Nữ Maria cũng sẽ ở bên ta trong giờ chết của ta.

Từ đó, ta hiểu tại sao Giáo Hội dậy ta phải cầu xin với Ðức Trinh Nữ Maria để được Mẹ cầu bầu cho ta trong giờ chết: “Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Vì Mẹ đã đứng dưới chân thập giá Ðức Kitô, và đã chứng kiến cái chết đau đớn của Con Mẹ cho các linh hồn, nên hiểu rõ hơn ai hết giá trị cao quí của một linh hồn, cũng như tầm quan trọng của giây phút linh hồn đó giã từ trần gian để bước vào vĩnh cửu.

– Sau cùng, ta phải chuẩn bị giờ chết bằng cách sốt sắng tham dự các bí tích, nhất là Bí Tích Hòa Giải.

Mỗi khi phạm một tội trọng, tức là ngọn đèn tình yêu của ta bị vụt tắt, và dầu kính mến bị đổ khỏi bình. Tâm tình và việc làm hòa giải sẽ giúp ta có thêm dầu và thắp sáng lại ngọn đèn yêu mến.

Do đó, ta không những phải thống hối khi biết mình phạm tội trọng qua Bí Tích Hòa Giải, mà còn phải để tâm tu tỉnh mỗi ngày bằng tình mến để thanh tẩy tâm hồn cho thêm phần đẹp đẽ, như đổ thêm dầu vào đèn mặc dù đèn của ta chưa hẳn đã hết dầu.

 

Chúa Kitô đã đến qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Ngài đang đến qua các bí tích ta lãnh nhận thường ngày trong Giáo Hội. Người sẽ đến để kêu gọi ta về với Ngài bằng cái chết của mỗi cá nhân, cũng như ngày thế mạt chung cho toàn thể nhân loại. Hãy chuẩn bị dâng tặng Ngài niềm vui do hành động sẵn sàng của ta. Ðây là ý nghĩa từ bỏ trọn vẹn nhất của một Kitô hữu qua việc thực hành đức tin trong đời sống.

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.