Uncategorized

Châu Sơn nơi núi rừng Nho Quan

Châu Sơn, từ ngữ quen thuộc mà tôi đã được nghe kể từ khi còn rất nhỏ, ngay cả trước khi cùng với gia đình xuôi Nam năm 1954. Thời đó, Châu Sơn là một tên gọi được dệt bằng rất nhiều huyền thoại.

 

Châu Sơn, từ ngữ quen thuộc mà tôi đã được nghe kể từ khi còn rất nhỏ, ngay cả trước khi cùng với gia đình xuôi Nam năm 1954. Thời đó, Châu Sơn là một tên gọi được dệt bằng rất nhiều huyền thoại.

 

Những câu truyện kể về một dòng tu nơi “thâm sơn cùng cốc” mang tên Châu Sơn ấy luôn pha lẫn một chút gì vừa thánh thiện, vừa lạ lùng, và cũng vừa huyền bí. Thí dụ, rừng Nho Quan trước đây có nhiều cọp, báo. Thỉnh thoảng cọp về ngồi rình ngay ngoài cổng nhà dòng. Nhưng khi thấy các cha, các thầy xếp hàng ra đồng là cọp tự nhiên lẩn vào rừng, không dám làm hại đến các cha, các thầy.

 

Đặc biệt nhất, khi nói về Châu Sơn là phải kể đến một người mà tên tuổi đã đi vào lịch sử: Đức Giám Mục Tađêô Lê Hữu Từ. Câu truyện về ngài cũng không thiếu những huyền thoại. Nào là trước khi làm giám mục, ngài rất khắc khổ. Ban ngày kéo cày trồng lúa, ban đêm về ngủ dưới đất, đánh tội chảy máu mình ra. Nào là sau khi làm giám mục thì được cả thế giới kính nể. Đạo đức cao, nhân đức trổi vượt. Tài kinh bang tế thế của ngài khiến cả đối phương cũng phải nể phục…

 

Với những câu truyện kể về Châu Sơn như thế, nên hồi còn nhỏ, mỗi lần nghe nói đến Châu Sơn là tôi lại liên tưởng đến mấy thầy dòng khổ tu, đầu cắt kiểu couronne, trọc trên, trọc dưới chỉ còn chừa lại một lọn tóc quanh đầu như cái vấn của mấy cô, mấy bà xứ Bắc. Chân đi đất. Mặc bộ đồ trắng, bên ngoài là tấm vải đen, hai tay luồn vào trong bụng. Thêm một chiếc mào trùm đầu. Mắt luôn nhìn xuống đất. Đi đứng khoan thay, và im lặng suốt ngày. Những con người không biết nói và cũng không biết cười. Lầm lầm lỳ lỳ chỉ biết hát tiếng Latinh và cầu nguyện, đánh tội.

 

Thật ra thì những gì tôi vừa tả cũng đúng theo trí tưởng tượng thơ trẻ của tôi. Chỉ mới sau này khi lớn lên tôi mới có dịp tìm hiểu thêm về tu đạo và đời sống các đan sỹ trong các đan viện mới hiểu thêm rằng chay tịnh, cầu nguyện và chiêm niệm là sinh hoạt chính của hình thức tu trì này. Và đó cũng là tinh thần tu trì của Thánh Bênêđíctô 408?-543? AD., một linh đạo theo đúng khẩu hiệu: “Cầu nguyện và lao động”.

 

Hình ảnh các đan sỹ Châu Sơn hay tại các đan viện ngày nay tuy có chút thay đổi, nhưng sinh hoạt chính vẫn là cầu nguyện, chiêm niệm, và lao động. Một đường lối tu hành không phải tiêu cực từ chối đời, quay mặt lại với đời và tự chọn cho mình một cuộc sống xa lạ, lập dị. Nhưng chiêm niệm chính là một ơn gọi hết sức cao cả. Nó phản ảnh sinh hoạt nước trời. Nơi mà ở đó các thần thánh chỉ lấy việc chiêm ngắm Chúa làm hạnh phúc. Và ở đó, con người được trút bỏ mọi lo toan thuộc về xác thịt, mà chỉ còn thanh thản hưởng kiến vinh quang Thiên Chúa. Và đó là những gì các đan sỹ đang làm lúc này. Tuy chưa thoát khỏi những ràng buộc của trần gian, của xác thịt nhưng các ngài đã đơn giản tối đa những đòi hỏi ấy để chỉ dành giờ riêng cho một mình Thiên Chúa.

 

Và Châu Sơn đã lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Khó quên từ cảnh quan. Khó quên từ con người. Và khó quên từ núi rừng Nho Quan đã cho Châu Sơn một chỗ đứng rất đặc biệt và trang trọng, tới nỗi ngày nay không thể nhắc đến Nho Quan, Ninh Bình mà không nhắc đến Châu Sơn.

 

Chiều Chúa Nhật, 20 tháng 2 năm 2011 sau một tuyến đường dài gần 2 giờ từ Đại Chủng Viện Hànội, tôi và 2 đại chủng sinh Nguyễn Văn Thịnh và Đinh Văn Thái (Đan sỹ của Châu Sơn) đã đến Đan Viện lúc 6 giờ 45 chiều. Lúc mà núi rừng Nho Quan đã chìm vào màn đêm. Đan Viện Châu Sơn cũng đang đi vào giấc ngủ của đất trời. Đón tiếp tôi là Đức Viện Phụ Đaminh Saviô Nguyễn Tuấn Hào. Ngài là một linh mục trẻ, năng động và giầu óc sáng tạo. Ngài đã cho phép tôi được gặp gỡ các đan sỹ của ngài ngay buổi tối hôm ấy. Và tôi, một tín hữu tầm thường nhưng cũng vinh dự ấy, đã lấy hết tâm tình của mình để chia sẻ lòng quí mến, và ngưỡng mộ đối với các đan sỹ trong ơn gọi chiêm niệm. Tôi đã nói với tất cả tấm lòng mà không hề chuẩn bị, hoặc sửa soạn trước.

 

Sáng hôm sau, tôi đã thức dậy lúc 4 giờ để kịp theo giờ kinh sáng của đan viện lúc 4 giờ 30. Sau đó là thánh lễ, và tiếp theo là giờ kinh 3.

 

Sau điểm tâm, theo chương trình, Đức Viện Phụ lại một lần nữa cho phép tôi chia sẻ một chủ đề với các đan sỹ liên quan giữa tâm lý và đời sống tu hành. Tôi đã có 2 giờ để trình bày và cùng với các đan sỹ trao đổi ý kiến. Cảm tạ Chúa, buổi sinh hoạt đã đem lại kết quả tốt cho người nói cũng như người nghe, và chúng tôi kết thúc buổi gặp gỡ trong quyến luyến, hẹn gặp lại năm sau.

 

Nhân có phái đoàn từ Lạng Sơn do vài linh mục Lạng Sơn hướng dẫn, và từ Canada do Lm. Trần Tam Tỉnh cùng lúc đến tham quan Dòng và thăm hỏi Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám Mục Hànôi đang nghỉ và chữa bệnh tại đây, bầu khí Đan Viện náo nức, tưng bừng, và vui vẻ hẳn ra. Nhà Dòng đã khoản quý khách bữa trưa với những đặc sản của núi rừng Nho Quan như lẩu dê, ốc, lươn… làm mọi người khen ngon nức nở! Nghe vậy, Đức Tổng Giám Mục đã nói thầm vào tai tôi: “Trong Dòng ăn uống kham khổ lắm không phải như vậy đâu. Dòng chủ trương đón tiếp khách như đón tiếp Chúa nên mới như vậy đấy.”

 

Nhưng dù muốn hay không muốn lưu lại Châu Sơn, sau cơm trưa chừng ít phút, chúng tôi đã phải từ giã Đức Tổng Giám Mục, Đức Viện Phụ và một số quan khách để lên đường về lại Đại Chủng Viện. Trước khi lên xe, tôi đã cố dùng cặp mắt của mình để chụp vội một số hình ảnh Châu Sơn cho vào bộ nhớ của não bộ. Châu Sơn giữa núi đồi Nho Quan đối với tôi giống như một viên ngọc quí. Đó là cảm tưởng của tôi lúc đến cũng như khi rời Châu Sơn. Tôi tin rằng nếu Chúa cho phép và được sự tiếp đón của Đức Viện Phụ tôi sẽ hy vọng ghé thăm Châu Sơn vào những lần về thăm quê hương tới.

 

Về đến Hoa Kỳ, và hôm nay ngồi ghi lại những kỷ niệm này, tôi thấy lòng mình xao xuyến khi nhớ về Châu Sơn. Một Châu Sơn với sức chịu đựng kiên trì trải qua bao tàn phá của thời gian và của chiến tranh. Vâng đó là Châu Sơn với những gì rất thánh thiện, và những gì rất con người, rất thực tế. Một Châu Sơn tuy đang hồi sinh nhưng cũng tiêu điều và xơ xác đang cần rất nhiều sự đóng góp quảng đại của những tấm lòng thiện chí. Nếu bạn là người yêu mến Châu Sơn, và muốn nâng đỡ ơn gọi chiêm niệm, xin hãy trực tiếp với:

 

Đức Viện Phụ Đaminh Saviô Nguyễn Tuấn Hào
Đan Viện Thánh Mẫu
Châu Sơn – Nho Quan – Ninh Bình
Việtnam
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.