Uncategorized

Chặng Đường

Là người lính miền Nam, sau tháng Tư 1975, tôi trở thành người tù cải tạo. Ngay khi được phóng thích, trở về, đối diện với thực tế, tôi hiểu gia đình mình chỉ còn một cách duy nhất là liều mạng vượt biển.

 

Là người lính miền Nam, sau tháng Tư 1975, tôi trở thành người tù cải tạo. Ngay khi được phóng thích, trở về, đối diện với thực tế, tôi hiểu gia đình mình chỉ còn một cách duy nhất là liều mạng vượt biển.

 

Một đêm tối trời năm 1986, cùng với đoàn người vượt biển, tôi và ba đứa con đuợc đưa lên từng chiếc thúng chai nhỏ ra ghe., nhưng sau cùng vợ tôi bị sót lại. Là hoa tiêu của chuyến vượt biển này, dù rất lo âu cho vợ, tôi cũng không thể làm gì khác hơn là đành cho chiếc ghe ra biển.

 

Trong ghe nhỏ gồm 20 trẻ em và 37 người lớn. Hai ngày đầu thời tiết tạm ổn, nhưng sang ngày thứ ba biển động, nền trời đen thẳm, sóng to gió mạnh, đến nổi máy vẫn nổ mà không thể biết là ghe đang chạy tới hay lùi.

 

Ghe chòng chành dữ dội, sóng phủ chụp và nước theo kẻ hở chảy vào. Chúng tôi liên tục tát nước cả ngày đêm. Gió quá mạnh đã làm cho cabin ghe bằng gỗ gãy lệch qua bên, rồi tiếp theo chân vịt rơi mất chỉ còn trục, lại nữa không còn gì để ăn và uống, càng làm cho chúng tôi tuyệt vọng. Mọi người nằm bên nhau im lìm chờ chết. Là hoa tiêu của chuyến ghe, tôi làm bằng mọi cách để sống còn.

 

Tôi có dịp đọc cuốn "Sống sót trên biển" của Bác sĩ Alain Bomba người Pháp, vì thế tôi khuyên mọi người cách uống nước biển từng ngụm nhỏ cách nhau 2 giờ và cùng nhau dùng dây neo cột vào cái nắp cabin gãy làm neo nổi. Chiếc neo cột trước mũi ghe cách 5 mét đã giúp mũi ghe luôn đối diện ngọn sóng nhịp nhàng lên xuống.

 

Sang ngày thứ 8, có vài trẻ em và người lớn thoi thóp, số còn lại vẫn cứ thay phiên tát nước trong đói, khát và tuyệt vọng. Có hơn 3 chiếc tàu lớn chạy chậm lại quan sát rồi bỏ đi dù thấy chúng tôi làm hiệu SOS, càng làm cho chúng tôi thêm chóng kiệt sức.

 

Dù ban ngày mà cả vùng biển trông xám xịt. Đến chiều, có một chiếc tàu từ xa như dần đến và đi vòng vòng quan sát. Có lẽ thấy chúng tôi quá rã rời, một vài em nhỏ nằm chờ chết trước mũi ghe nên càng lúc họ từ từ tiến gần.

 

Từ trên cao họ hạ xuống chiếc ca nô và một thủy thủ người Anh. Tôi nói với mọi người "chúng ta được cứu rồi và phải giữ trật tự theo lệnh của họ.” Họ bảo chúng tôi an tâm khi ông sang ghe chúng tôi và liên lạc về tàu. Tàu thả lưới theo hông tàu cho mọi người leo lên nhưng thật khó khăn vì gió mạnh, chỉ hai người còn khỏe là leo được. Giải pháp cuối cùng là dùng ca nô hạ xuống kéo lên từng nhóm nhỏ.

 

Tôi và 3 con rời ghe bằng chuyến ca nô cuối như đã hứa với đoàn người để họ an tâm. Từ trên bơng tầu cao, tôi nhìn xuống chiếc ghe quá nhỏ nhoi và đang chìm dần…

 

Đây là chiếc tàu Geomitra của Anh quốc chở dầu sang Nhật. Từng người chúng tôi được tắm sạch, quần áo cũ họ gom vất bỏ và phát quần áo khác cho chúng tôi.

 

Trong số thuyền nhân, chỉ có con tôi là bệnh nặng tới hồi nguy cấp nên phải nằm tại phòng cấp cứu. Thuyền trưởng Norman Dixon ghé thăm các con tôi, chỉ vào bản đồ trong phòng, nơi chiếc ghe được vớt gần Philippines. Nhân dịp này, tặng tôi tấm post card có hình chiếc tàu, và ghi cho tôi địa chỉ liên lạc của ông. Tôi đã gìn giữ tấm post cart và địa chỉ vị ân nhân này như gìn giữ một báu vật. Nhờ vậy mà sau này gia đình chúng tôi có nhiều dịp được thăm gặp ông. Đó là chuyện sẽ kể ở phần cuối bài này.

 

Qua 3 ngày trên tàu, các con tôi bệnh nặng nên họ liên lạc tàu Nhật đón 4 cha con tôi vào ngay bệnh viện Okinawa để chữa trị và sau đó được chuyển về trại Nagasaki để nhập vào đoàn thuyền nhân ban đầu.

 

Sau 6 tháng tại Nhật và 6 tháng tại Phi Luật Tân, chúng tôi định cư tại Hoa kỳ năm 1987. Tôi và các con định cư tại Georgia, được mấy tháng thì dọn lên Massachusette, chằng bao lâu sau, lại lái xe về California ở luôn cho ấm.

 

Lần dò tấm bản đồ lớn, chúng tôi từ Boston lái xe về quận Orange, ở tạm căn chung cư của gia đình anh chị tôi từ Philippines đến định cư vừa tròn 2 tháng.

 

Ngay tuần đầu đến Cali, tôi tìm ngay được khu Bolsa, say sưa nhìn, nào là tiệm sách Việt, nhà hàng Việt, khu Phước Lộc Thọ. Quẹo vào đường Moran, các tòa soạn báo Việt. Mấy tờ báo đầu tiên có trong tay là dầu hiệu rất tốt cho đời tôi.

 

Bỏ 10 cent vào phone công cộng, tôi xin việc tờ tuần báo đang cần người phát báo. Tôi gặp ngay ông chủ nhiệm, kinh nghiệm những tháng năm làm mướn cho Mỹ, tôi nói ngắn gọn, không lề mề. Thế là sáng hôm sau nhận báo tại nhà in, và phát báo phải xong trong ngày. Đây là công việc đầu tiên tại California.

 

Việc phát báo không dễ ăn như tôi tưởng, hàng trăm thân chủ quảng cáo rải dài từ Long Beach đến Fullerton. Những quãng đường lạ, làm tôi phát hoảng muốn quay xe lại nhà in trả báo rồi chuồn êm, nhưng lương tâm, ý chí, và đồng tiền, không cho tôi bỏ cuộc.

 

Tôi chở đầy xe báo chạy đến công viên góc Magnolia / Hazard ngồi xuống viết ra từng đia chỉ theo từng thành phố mà dò đi theo tấm bản đồ quận Orange.

 

Những năm đó nghề báo phát đạt lắm, vì thế tôi dần học việc và làm luôn lay-out. Việc trình bày báo cần khoảng 8 giờ cho khổ lớn cỡ 22 trang gồm bài và quảng cáo, đến chiều tối rủng rỉnh xách artwork giao nhà in, sáng sớm mai nhận và phát báo.

 

Báo chí phát triển giúp các ngành nghề phát đạt. Sự hỗ trợ lẫn nhau làm cho Phố Bolsa có sức sống từ dạo ấy. Nhờ biết lay-out, siêng đọc báo, tôi nhận thêm job làm quảng cáo cho Continental nằm trong Phước Lộc Thọ, công ty điện tử lớn nhất thời ấy của người Việt hải ngoại. Tại đây, tôi phụ trách 2 tập quảng cáo trong 1 tháng, khổ báo tabloid in 10.000 tờ, dày chừng 40 trang. Nội dung chỉ gồm một ít bài viết, còn hầu hết là quảng cáo đồ điện tử từ nhà bếp đến phòng khách. Với kinh nghiệm sẵn có, tôi lãnh luôn phần phát báo, và nhờ người bạn phát rai rai cả tuần mới hết.

 

Anh em chúng tôi mỗi sáng đi sớm một chút để gặp nhau bên trong Phước Lộc Thọ, nhâm nhi cà phê cạnh công ty Continental. Thời ấy chúng tôi có đủ chuyện để nói, nào tin tức về chương trình H.O.; Con lai; Trại tỵ nạn. Texas te tua về nhà cửa…

 

Nhờ các tờ báo, tin tức thời sự và quảng cáo cơ sở kinh doanh được thông tin rộng rãi, nên mọi dịch vụ bảo lãnh thân nhân, bảo hiểm, nhà in, siêu thị…., nhộn nhịp hẳn lên.

 

Thời ấy, vợ còn kẹt ở Việt Nam, một mình lo cho mấy đứa con, tôi vừa làm 2 job, vừa lấy lớp college học tổng quát, lớp đêm trình bày bài, quảng cáo, đưa con học đủ thứ, cuối tuần còn ráng dành giờ vào drive in movie cho chúng xem phim tùy thích, mà tôi còn được giấc ngủ ngon ngoài trời.

 

Little Saigon thật sự gắn bó, nguồn an ủi vô cùng lớn đối với cha con tôi. Cũng chính nơi này, công việc phát báo này, tôi lưu tâm đến ngành thẩm mỹ và nhận ra tiềm năng nghề này còn chưa khai thác đúng mức.

 

Những năm 1990 kinh tế suy thoái, cũng là thời điểm đông người mới tới theo các chương trình định cư H.O, bảo lãnh đang cần việc làm. Các trường thẩm mỹ mở ra hấu như không đủ chỗ cho người muốn học.

 

Ngành thẩm mỹ tại Hoa Kỳ cũng cần phải học hành nghiêm chỉnh. Tốt nghiệp trường cấp bằng và phải qua kỳ thi anh ngữ lý thuyết và thực hành tại Hội đồng thẩm mỹ.

 

Mưa dầm thấm đất, ngành thẩm mỹ dần dần hấp dẫn mọi tầng lớp, mọi giới trong xã hội vì nhiều lý do. Đây là một nghề tương đối dễ học, nhẹ nhàng, hợp với năng khiếu của người Viet, lại dễ kiếm tiền.

 

Đến với ngành thẩm mỹ, tôi vừa làm, vừa học và lần lượt hoàn tất các môn móng tay, da mặt, làm tóc. Sau một thời gian hành nghề, tôi trở lại trường theo học khóa giảng viên. Tôi muốn được dạy học lại như trước, và cũng đúng thời điểm nhu cầu các trường thẩm mỹ trong quận đang cần.

 

Cơ hội đã đến, tôi trở thành giảng viên của Hội đồng thẩm mỹ California và có việc làm ngay. Với bản chất người lính, tôi thừa thắng xông lên học lấy chứng chỉ sư phạm. Tôi đủ điều kiện dạy cả trường công, dĩ nhiên lương bổng khá hơn.

 

Hơn 10 năm trước, ngành thẩm mỹ đều thi bằng anh ngữ. Qua khó khăn của học sinh đã giúp tôi nhận ra việc tối cần là nhu cầu sách song ngữ. Hơn 18 năm dạy học trong ngành thẩm mỹ, tôi thật sự thú vị khi hướng dẫn nghề này cho các học viên mới. Do đó, tôi đã miệt mài soạn sách về móng tay, da mặt và ngành tóc. Vì đúng thời điểm nên các sách tôi bán chạy như tôm tươi, các trường thẩm mỹ đặt hàng, các nhà sách và cả các beauty supply, đặc biệt các tiểu bang xa không có thầy cô dạy song ngữ.

 

Một lần nữa, tôi lại thừa thắng xông lên làm video, dvds luyện thi và hành nghề. Tôi dạy cho trường, chiều về cắt tóc phụ việc ở salon cho vợ. Cuối tuần, bổ sung sách, dvds chuẩn bị tái bản theo nhu cầu các trường thẩm mỹ, nhà sách toàn khắp Hoa Kỳ. Tôi thật vui vì nhận được khích lệ từ mọi phía, không những tăng thêm nguồn thu nhập cần thiết cho gia đình đông người, mà còn hữu ích cho đồng hương dễ dàng theo học trong hoàn cảnh mới.

Sau hơn 5 năm cố gắng, gia đình tôi được đoàn tụ và chúng tôi cũng mua được căn nhà riêng.

 

Vợ tôi, người con gái vừa rời trường trung học, mới cưới đúng vào tháng 4, 1975, chưa kịp vui đã sầu não, tan tác. Nàng trở thành người vợ tù ngay sau tiệc cưới, chới với, nếm trải bao nỗi đau thời cuộc. Người đàn bà khéo trồng rau nuôi heo khi chồng đi tù, khéo nuôi con khi chồng vượt biển, nay đã là một phụ nữ 58 tuổi. Có được gia đình đoàn tụ trọn vẹn, nàng không sá gì những trở ngại thường tình, nhanh chóng học nghề thẩm mỹ và mỗi tuần làm việc hơn 50 giờ.

 

Khu phố Bolsa ngày càng phát triển và Little Saigon đã thực sự trở thành một trung tâm văn hoá của người Việt tị nạn. Các cơ sở tôn giáo, văn hoá, giáo dục cộng đồng, đặc biệt là các trung tâm dạy Việt ngữ cho lớp nhỏ sinh tại Mỹ, hoạt động ngày càng chính qui hơn.

 

Tháng 10/2013, tôi tham dự kỷ niệm 20 năm trường Việt Ngữ Tustin, là dịp để nhắc nhớ chuyện khởi đầu anh em chúng tôi thành lập. Chỉ riêng trường này, dù hơi xa Little Saigon cũng có hơn 300 em theo học cuối tuần. Có dành thì giờ đóng góp vào việc nhỏ này, mới hiểu rõ tấm lòng, công sức vô vị lợi của bao người từng xây dựng cho cộng đồng Việt hải ngoại.

 

Cuộc sống chúng tôi tạm ổn, các con đã trưởng thành mọi mặt, mỗi năm đến Lễ Tạ Ơn chúng tôi luôn cùng nhau nhắc nhớ về vị thuyền trưởng người Anh Norman Dixon và con tàu Geomitra cứu vớt chúng tôi trên biển năm nào.

 

Nhờ gìn giữ tấm post cart và địa chỉ vị thuyền trưởng ân nhân, sau khi được định cư tại Mỹ, hàng năm chúng tôi vẫn liên lạc được với Ông Bà Norman Dixon.

 

Năm 2002, con gái tôi là cô bé tưởng chết năm nào đã mang tấm plaque cảm tạ, trang trọng sang tận Luân Đôn trao tận tay vị thuyền trưởng tại nhà riêng của ông.

 

Con gái tôi nói: ông ngắm nhìn tấm plaque và nhìn con rất xúc động, ông hỏi thật nhiều về gia đình mình, về mọi người mà rơi nước mắt. Có lẽ con tôi lúc ấy còn quá nhỏ không nhớ nhiều nhưng chúng cũng nhận biết nơi ông và đất nước ông một tấm lòng nhân đạo lớn.

 

Năm 2005, chúng tôi gởi thiệp mời đến ông bà Norman Dixon ở Liverpool-Anh Quốc, thuyền trưởng tàu Geomitra sang dự tiệc cưới con gái tôi, mà 20 năm trước là cô bé 7 tuổi sắp chết, nếu ông không cứu kịp. Sau tiệc cưới, chúng tôi cũng đã âm thầm tổ chức ngay trưa hôm sau buổi tiệc biết ơn ông tại một hội truờng. Buổi lễ biết ơn tuy đơn giản nhưng là một chuẩn bị kỹ lưỡng thật trang trọng.

 

Ông bà Norman bước vào hội trường mà cứ tưởng vào quán ăn trưa. Ông không ngờ có gần 200 người ngồi kín cả phòng họp đang chờ chào đón ông bà, trong đó nhiều viên chức liên bang, tiểu bang, thành phố, các hội đoàn và các vị dân cử Việt. Tiến Sĩ Thắng và ông Nam Lộc trao tưởng lục và tri ân ông Norman cùng thủy thủ đoàn cứu vớt đồng bào Việt tìm tự do, dù rằng dư luận lúc ấy bắt đầu mỏi mệt về người tỵ nạn.

 

Ông Norman xúc động, kinh ngạc đón nhận những crystals, plaques, bằng tưởng lục và những món quà nhỏ từ những vị khách trao tặng. Mọi người đều nhận ra ông đã biểu lộ đầy cảm xúc chân tình khi ông nói: đây là lương tâm và trách nhiệm của bất cứ thuyền trưởng nào. Ông nói thêm: hôm nay tưởng gia đình ông Lê Văn mời vợ chồng tôi ăn trưa nên chúng tôi ăn mặc xuề xòa, lại còn bắt cóc tôi lên đây nữa.

 

Ông ngạc nhiên thấy Little Saigon lớn mạnh và tỏ ý thán phục sự hội nhập nhanh chóng của người Việt tỵ nạn.

 

Ông nói: tôi hãnh diện về họ, những con người bên cạnh tôi đây đã cần cù, hội nhập, biết góp phần thăng hoa vào xã hội, cộng đồng họ đang sống và hơn nữa họ đã sống đúng với ý nghĩa của người tìm tự do. Tôi rất vui đã hành xử đúng.

 

Hơn một tuần ông bà gần gũi cùng chúng tôi, rồi ngày chia tay cũng đến, những món quà lưu niệm trao nhau càng thêm nhắc nhớ. Chúng tôi hứa, sẽ có một ngày chúng tôi đến nước Anh và thăm lại ông bà tại Liverpool.

 

Từ dạo đó, chúng tôi gởi quà cho ông bà Norman Dixon vào dịp Thankgiving, và tấm thiệp Noel nhân ngày Chúa Giáng Sinh.

 

Chúng tôi luôn biết rằng, không có thuyền trưởng Norman, không có con tàu Geomitra-Anh quốc, bốn cha con tôi không còn trên cõi đời này, cũng như gia đình tôi không là định cư tại Mỹ, thì khó có cơ hội biểu lộ lòng biết ơn đến họ.

 

Tháng ba năm 2013, chúng tôi đến Luân Đôn vừa du lịch cho biết, nhưng chủ ý là thực hiện ước muốn và lời hứa với ông thuyền trưởng của 8 năm trước sẽ gặp nhau tại Liverpool.

 

Ông bà nay đã về hưu sống riêng trong căn nhà bài trí ấm cúng. Trời rất lạnh, mà ông bà ra tận xe, ấm nồng ôm choàng chúng tôi như gặp lại người thân. Cười, thăm hỏi, ông cùng tôi nhắc nhớ chuyện xưa, sau đó ông bà đưa chúng tôi thăm nhà, dừng lại căn phòng riêng tầng trên, ông nhìn tôi không nói và chỉ lên vách, trên bàn những kỷ niệm chuyến đi California của ông, nào là bằng tưởng lục, crytals, plaques….. và cả những tờ báo Việt ngữ ông vẫn còn cất giữ.

 

Nhìn kỹ những kỷ vật trước mặt, tôi hỏi ông còn bằng tưởng lục của bà dân biểu liên bang Loretta Sanchez đâu? Ông Norman mĩm cười cho biết bà hiệu trưởng trường middle school, là nơi cháu nội ông theo học mượn đặt ở thư viện của trường để giải thích cho học sinh về lòng nhân đạo.

 

Chúng tôi ăn trưa tại nhà, các món ăn truyền thống do ông bà tự nấu. Bà Norman nói: Cả đời hàng hải của chồng bà có ý nghĩa nhất là việc cứu người, tôi sẽ nhớ mãi kỹ niệm chuyến đi California và những kỹ vật này, chúng tôi sẽ cất giữ mãi trong căn nhà.

 

Khi cáo biệt, ông bà ôm choàng chúng tôi phút chia tay thương cảm, ngậm ngùi, làm bầu trời như tươi sáng hơn và cái se lạnh cũng dễ chịu hơn.

 

Vượt một chặng đường khó khăn, những kinh nghiệm đau thương cũng như may mắn, hạnh phúc, nhắc nhớ cho chúng tôi giá trị cuộc đời và con người. Oán hận có thể quên, nhưng ơn nghĩa thì phải nhớ, dù những ân nhân cũng không hề mong đợi. Nỗi đau xót nào cũng giúp cho ta ít nhiều kinh nghiệm sống, hãy nhớ quá khứ để hướng đến tương lai.

 

Lê Văn

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.