Cuộc sống của con người, sống, không chỉ là ăn, uống, ngủ nghỉ, vui chơi, giải trí, nhưng còn là nhờ vào niềm tin, niềm tin vào một Đấng thiêng liêng nào đó.
Ngay từ thời xa xưa, niềm tin vào Thượng Đế đã có nơi con người. Sách Thánh kể rằng: “Ông Sết sinh được một con trai và đặt tên là E-nốt. Bấy giờ người ta kêu cầu danh ĐỨC CHÚA” (x.Stk 4, 26). Và cho đến hôm nay, có thể nói rằng, không một dân tộc nào trên thế giới mà không đặt niềm tin vào một Đấng Tối Cao.
Nói, tôi tin có Đấng Tối cao… tôi tin có Chúa…. Vâng, một lời nói rất dễ dàng. Thế nhưng, nếu có ai hỏi, tại sao tôi tin? Và đức tin của tôi, đối với Đấng Tối Cao, ở mức độ nào? Vâng, có phần chắc, rất ít người có thể có câu trả lời thỏa đáng.
Tin hay đức tin là gì? Thưa, ĐHY ChristophSchönborn, trong một bài giáo lý, dạy rằng: “Đức tin là cửa ngõ dẫn vào sự sống thần linh. ‘Không có đức tin, không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa’ (Dt 11, 6), vì đức tin kết hợp linh hồn với Thiên Chúa, tạo tình thông hiệp với Ngài. Người tin là người ‘chạm đến’ Thiên Chúa. Vì chúng ta không thể sống và đạt đến sự sống đời đời mà không có Chúa, nên đức tin cần thiết để được ơn cứu độ, nghĩa là được sống”.
(nguồn:http://www.hdgmvietnam.org).
Với thánh Augustinô, nói về đức tin, ngài chia sẻ: "Có đức tin là tin những gì chúng ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì chúng ta tin".
Người tin là người “chạm đến” Thiên Chúa! Người tin là người “không thấy”, và phần thưởng của đức tin là “thấy” những gì chúng ta tin ư! Vâng, câu chuyện “người đàn bà băng huyết và ông trưởng hội đường tên là Gai-ia” được chép trong Tin mừng thánh Mác-cô là một minh chứng điển hình. (x.Mc 5, 21-43).
**
Câu chuyện được kể rằng : Hôm ấy, khi Đức Giêsu đang ở trên bờ Biển Hồ, có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới.
Hội đường… Vâng, tưởng chúng ta nên biết, đây là một nơi sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ Do Thái giáo. Hội đường thường là một căn nhà lớn hình chữ nhật, quay về hướng của Đền thờ Jerusalem. Sinh hoạt tôn giáo tại hội đường là vào ngày Sabbat, gồm có cầu nguyện và đọc Kinh Thánh bằng tiếng Hebrew, sau đó là bằng tiếng Aramaic, cuối cùng là bài giảng cho đoạn Kinh Thánh vừa đọc. Hội đường có một người trưởng nhiệm, người này có nhiệm vụ tổ chức sinh hoạt tôn giáo, chỉ định người đọc Kinh Thánh và mời những người có khả năng lên giải thích Kinh Thánh. (nguồn: Wikipedia)
Gia-ia là một ông trưởng nhiệm, quyền uy như thế, thế mà… thế mà “vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Ngài và khẩn khoảng nài xin Ngài, rằng: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”.
“Gần chết rồi sao!”. Một lần kia, trong một lần giảng dạy cho dân chúng. Đức Giê-su đã nói rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được…”. Và hôm nay, đứng giữa một thực tế đầy bi ai, Ngài đã thực hiện đúng với lời dạy dỗ đó. Thật vậy, sau lời thỉnh cầu của ông Gia-ia, nguời ta thấy Đức Giêsu “liền ra đi với ông”. (Mc 5, 24).
Đáng tiếc thay! Khi vẫn còn trên con đường đi, thì có mấy người từ nhà ông đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?”
“Làm phiền Thầy chi nữa ư!” Phải chăng, đây là một lời trách móc! Phải chăng đây là một lời giận hờn, giận hờn vì Ngài coi nhẹ sinh mạng một con trẻ “sắp chết” mà lại quan trọng hóa một con bệnh “băng huyết” chưa đến nỗi chết!
Thật ra, Đức Giê-su, rất yêu mến trẻ thơ. Trong những ngày còn tại thế, Ngài đã chẳng từng nói “Hãy để con trẻ đến cùng ta” đó sao! Sau này, Ngài cũng đã chẳng từng cứu con trai của một bà góa tại thành Naim, đã chết nay được sống, đó sao?
Vâng, hôm đó, khi trên đường đến nhà ông Gia-ia, có một người phụ nữ bị bệnh băng huyết đã mười hai năm, bà ta “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác”.
Bà ta “Được nghe đồn về Đức Giê-su”. Đồn về chuyện gì? Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô ghi chép ở đây, nhưng, có phần chắc, bà ta nghe đồn về một ông Giê-su “giàu lòng thương xót”, một ông Giê-su có thể chữa trị “mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền” v.v… Cho nên, bà ta “lách qua đám đông tiến về phía sau Người, và sờ vào áo của Người”.
Tại sao lại “sờ vào áo của Người” mà không nói với Đức Giê-su, như mọi người khác vẫn thường nói “Xin Ngài cứu con”? Thưa, không nói không có nghĩa là bà ta không tin vào quyền năng của Đức Giê-su. Trái lại, bà ta có một lòng tin rất mãnh liệt.
Thật vậy, sờ vào áo Đức Giê-su, cùng lúc đó, với một lòng tin mãnh liệt, bà ta nhủ thầm: “Tôi mà sờ được vào áo Người là sẽ được cứu”. Quả đúng như bà ta nghĩ. Hôm đó, sau khi “sờ vào áo” Đức Giê-su, “tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh” (x.Mc 5, 29).
Sau cú chạm của bà ta, Đức Giê-su thấy một năng lực từ mình phát ra và đó là lý do khiến Ngài lên tiếng “Ai đã sờ vào áo tôi?”.
Theo diễn biến câu chuyện, các môn đệ đều ngạc nhiên, vì điều Thầy mình hỏi, nhưng, người đàn bà bị bệnh băng huyết thì không, bà ta đã “sợ phát run lên” vì sự thắc mắc của Đức Giê-su. Trước một nỗi sợ không thể che dấu, bà ta đã “đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người”.
Trước lòng tin mãnh liệt của bà, Đức Giê-su nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”. Vâng, nếu được phép, có thể nói, bà ta đúng là một con người mẫu mực của niềm tin.
Tất cả sự việc, xảy ra rất nhanh, chẳng có gì ảnh hưởng đến việc Đức Giê-su chậm trễ đến nhà ông Gia-ia.
“Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Không, với Đức Giê-su, không có chi phiền cả. Có “phiền” đó là phiền trước sự “chế nhạo” cũng như “lòng tin” của những thân nhân trong gia đình ông Gia-ia. Họ nghi ngờ về quyền năng của Đức Giêsu. Đứa bé đã chết rồi, Ngài có phải là thần thánh đâu mà chỉ cần “đặt tay lên cháu, để nó… được sống” … như lời khẩn khoản của ông Gia-ia!
Có lẽ họ chưa nghe nhiều về quyền phép của Đức Giêsu, chưa chứng kiến người đàn bà băng huyết chỉ một động tác “sờ vào áo của Người” thế mà đã được “khỏi hẳn bệnh”. Chính vì thế, Đức Giêsu lịch sự mời họ ra ngoài, sau khi Ngài nói “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5, … 39).
Đứa bé ngủ ư! Thì nhìn đấy, nếu đứa bé chết, Đức Giêsu cần gì bảo với họ “cho con bé ăn”. Và hãy nhìn kìa, biết bao người đang ở đó, họ đã phải “kinh ngạc sững sờ” khi thấy Đức Giêsu cầm tay đứa bé và nói: “Talithakum… Thầy truyền cho con trỗi dậy”. Vâng, câu chuyện được ghi lại rằng “lập tức con bé đứng dậy và đi lại được”.
Qua hai phép lạ nêu trên, quả đúng là, Người tin là người “chạm đến” Thiên Chúa. Người tin là người “không thấy”, và phần thưởng của đức tin là “thấy” những gì họ tin.
Cũng qua hai phép lạ nêu trên, Đức Giê-su đã cho mọi người thấy, Ngài chính là Thiên Chúa, một Thiên Chúa, với đôi tay của mình, đã tạo dựng sự sống, nay, cũng chính trên đôi tay đó, Người có quyền trên sự sống.
Chưa hết, hai phép lạ đó còn muốn chuyển tải một thông điệp, thông điệp chính Đức Giê-su công bố, rằng: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”.
Thưa bạn, bạn có tin điều Đức Giê-su đã nói không? Nếu còn nghi ngờ, mời bạn thưởng thức câu chuyện sau đây. Câu chuyện do một tác giả người Mỹ đã ghi lại nói về niềm tin, như sau:
“Tại một vùng bên Hoa Kỳ, những tháng ngày nắng hạn kéo dài đã làm cho những cánh đồng nứt nẻ vàng úa. Ngày nào người dân trong vùng cũng ngước mắt nhìn lên trên trời với niềm mong đợi sẽ có một tín hiệu tốt, nhưng đất vẫn khô cằn, mưa vẫn không chịu rơi.
Một ngày Chúa Nhật nọ, tất cả các vị mục sư tại các nhà thờ trong vùng kêu gọi mọi người đến tham dự một buổi cầu nguyện chung tại quảng trường thành phố để xin trời đổ mưa. Mọi người được yêu cầu đừng mang theo bất cứ điều gì ngoài niềm tin của mình.
Vào giữa trưa một ngày thứ Bảy, tất cả mọi cư dân trong vùng tập trung tại quảng trường. Mọi người đều tin tưởng ở sức mạnh của lời cầu nguyện. Họ đến đó tràn trề hy vọng. Các vị mục sư rất cảm động khi nhìn thấy đám đông đã hưởng ứng lời kêu gọi của họ. Từng đám đông đứng sát bên nhau, nắm tay nhau liên kết với nhau trong cùng một niềm tin và hy vọng.
Những bài thánh ca được cất lên một cách sốt sắng. Mọi người đều tin tưởng và chờ đợi phép lạ. Khi buổi cầu nguyện vừa kết thúc, như có một lệnh thần diệu nào đó, những giọt mưa nhỏ đã bắt đầu rơi, những tiếng reo hò cũng bắt đầu vang lên. Mọi người đều phấn khởi trước phép lạ tỏ tường. Cầm trong tay bất cứ đồ vật gì, người ta cũng giơ lên để biểu lộ niềm hân hoan”. (nguồn: www.catholic.org)
Vâng, đúng như lời Đức Giê-su nói: “Chỉ cần tin thôi”.
****
Hôm nay, chúng ta được thừa hưởng một nền y học tiến bộ. Những căn bệnh liên quan đến thể lý, trước kia được cho là nan y, nay đã có thể chữa khỏi, nếu được phát hiện sớm. Với căn bệnh băng huyết, chỉ cần một cuộc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ không còn phải khổ sở về nó nữa.
Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần lo sợ, đó là những căn bệnh liên quan đến tâm linh, những căn bệnh làm cho ta “băng huyết” niềm tin, mất đi sự sống đời đời.
Đó chính là những căn bệnh “thuộc linh”, những căn bệnh như: bệnh “dâm bôn, phóng đãng, thờ quấy, phù phép”, nó làm cho ta “băng huyết” sự bình an và hoan lạc.
Đó chính là những căn bệnh như: bệnh “hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa” v.v… nó làm cho ta “mất máu” lòng bác ái, sự nhân hậu, tính từ tâm, sự trung tín, tính hiền hòa và tiết độ.
Người xưa có nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Thế nên, chúng ta rất cần những phút hồi tâm để xem lại tâm hồn mình có bị những căn bệnh nêu trên xâm nhập hay chưa!
Làm sao để biết tâm hồn mình bị những căn bệnh nêu trên xâm nhập? Thưa, hãy “chạm” đến Đức Giê-su. Nói rõ hơn, đó là hãy chạm đến “Lời” của Ngài. Lời Ngài ở đâu? Thưa, ở trong Kinh Thánh. Tác giả sách Do Thái cho biết: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (x.Dt 4, 12)
“Phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” có phần chắc sẽ lòi ra ai là người bị những căn bệnh nêu trên, ai là người không, phải không, thưa quý vị?
Thế nên, thật phải đạo khi “Chạm” đến Chúa bằng chính “Lời” Ngài. Chưa hết, ta còn phải để Chúa”chạm” lại ta, như Ngài đã chạm vào đứa bé con ông Gia-ia năm xưa. Vì như thế, ta mới có thể “đứng dậy mà đi”.
Để Chúa chạm vào ta bằng cách nào? Thưa, thật giản dị, đó là chúng ta hãy đến tham dự vào bàn Tiệc Thánh Thể, đó chính là cách để Chúa “chạm” đến ta..
Thưa Bạn… Bạn có tin không? Nếu tin, tôi và bạn hãy lấy ngay một cuốn Kinh Thánh, ít nhất là cuốn Tân Ước làm cuốn sách “gối đầu giường”. Thứ đến, hãy tham dự Tiệc Thánh Thể, mỗi khi có thể, và đừng quên… đừng quên bên bàn Tiệc Thánh, ta hãy cất tiếng nguyện xin, rằng: “Chạm lòng con Chúa ơi ngay giờ này. Chạm lòng con để con không xa Ngài… Vực con vươn lên, khỏi chốn tối tăm tuyệt vọng. Vực con vươn lên khỏi nghi sợ và sầu não… Chạm lòng con Chúa ơi ngay giờ này. Chạm lòng con để con luôn tin Ngài”.
Vâng… Lạy Chúa, xin Chúa “Chạm lòng con Chúa ơi”.
Petrus.tran
Views: 0