Xưng hô để tỏ lòng kính trọng và thân thiện với nhau là nét sống đẹp. Ông bà bảo là “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, tôi xin sửa lại “Gọi gì cũng vậy mà thôi, nói lời kính trọng chính tôi hài lòng”.
Cách đây ít lâu, khi tôi đưa tin: “Bà cố của một người bạn là Linh Mục mới được Chúa gọi về, xin anh em bạn cũ của cha cùng cầu nguyện cho linh hồn bà cố”, thì có một sự việc rất bất ngờ nằm ngoài mọi suy nghĩ của tôi, làm tôi cảm thấy xót xa và thất vọng rất nhiều. Một anh viết: “Vinh cho hỏi bà cố nội của Cha Ngọc mất hay mẹ Cha Ngọc mất ?” Không chỉ mình anh ta, mà vài anh khác hùa theo nói mỉa. Tôi rất buồn vì tôi biết những người anh em này không phải là không hiểu, nhưng rõ ràng là các anh cố ý châm chọc, chỉ tiếc là anh châm chọc không đúng lúc và không đúng chỗ.
Ít lâu sau, anh em lại chuyền cho nhau bài viết về một bà cố tham lam muốn đẩy con mình vào hàng Linh Mục để bà được hãnh diện với xóm làng. Tôi hiểu rằng một số người nghĩ bà cố là như vậy. Thật ra khi các cụ dâng con mình cho Chúa là họ đã hy sinh nhiều rồi. Hãy đọc lại về cuộc đời các cụ cố đã từng được viết lại thì sẽ hiểu.
Tôi không là Linh Mục, nên tôi không viết bài này để mong thiên hạ gọi mẹ tôi là bà cố. Nhưng rõ ràng, truyền thống tốt đẹp của người Việt đã dành một chỗ trang trọng và một danh xưng tôn kính cho thân mẫu các Linh Mục quả là một điều đáng khích lệ và không có gì xấu để phải đả kích.
Chúng ta không thấy có tài liệu nào nói những danh xưng “ông bà cố” dành cho song thân Linh Mục bắt đầu từ lúc nào. Nhưng theo truyền thống cao quí của Á Đông, khi con cái có một chỗ đứng trong xã hội thì cha mẹ họ cũng có chỗ… ngồi bên cạnh ! Khi hoàng tử được phong vương thì mẹ của ông sẽ là hoàng thái hậu. Khi người ta làm thầy dạy thì học trò cung kính với cha mẹ họ như với ông bà cha mẹ mình.
Và danh xưng ông cố bà cố trong xã hội Việt nam còn dùng để gọi những người cao niên có công đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội hay có uy tín trong cộng đồng và xã hội ấy. Ở miền Tây, dân chúng kính trọng các Linh Mục ( trừ Linh Mục đàn két quốc doanh ), nên cũng gọi các cha là ông cố.
Người Việt chúng ta có truyền thống quí báu là tôn trọng những người hy sinh cho xã hội. Nhưng, như Nguyễn gia Kiểng đã từng viết, “người Việt nam tìm đủ mọi lý do để ghét nhau”. Tư tưởng này được diễn tả bình dân trong tục ngữ “trâu buộc thì ghét trâu ăn”. Cái tâm lý đáng buồn này đã in sâu vào tâm con người, kể cả một số người trí thức và một số người sống ở trời Tây.
Người ta hay nói vui là “tu xuất hay phá đạo”. Tôi thì không nghĩ vậy. Ở một website "đạo đức" nọ, có hai ông tác giả chuyên moi chuyện các Linh Mục ra đập ! Nhưng Đạo Chúa mà anh phá được thì cũng là chuyện hư truyền. Cả một đoàn quân do Satan cầm đầu hai ngàn năm nay ( bao gồm cả quỉ sứ lẫn sứ của quỉ ) cũng chẳng làm gì nổi Giáo Hội Chúa kia mà. Có lần tôi tâm sự với một Đức Giám Mục về chuyện này, ngài bảo chắc tại thấy mấy anh tu xuất biết nhiều và hay góp ý nên nhiều người thấy ngại. Tôi nghĩ góp ý đúng thì đâu có gì người ta phải ngại, nhưng có người ý gì cũng góp, không có ý cũng tìm ý mà góp, tìm không ra ý cũng góp lời… chê trách. Có mỗi danh xưng bà cố ông cố mà cũng ráng chê thì… hết biết.
Gần đây có người góp ý không nên gọi các Linh Mục là cha. Người đặt vấn đề là NCK, một giáo sư mà tôi kính trọng cả về tầm hiểu biết và nhân cách. Ông đặt vấn đề cách ôn hoà và đầy lý lẽ thuyết phục, chứ không chơi kiểu ném đá lung tung như trên các diễn đàn. Một website nọ cho độc giả góp ý, tôi thấy có người đưa ý kiến là mình lớn tuổi sao gọi mấy Linh Mục trẻ là cha cho được. Tôi thấy lý do này hơi nho nhỏ !
Tôi không phản đối ý kiến này. Nhưng tôi thấy có hai điều. Thứ nhất là về mặt thiêng liêng, quả thật các Linh Mục đã sinh ra dân Chúa trong bí tích Thánh Tẩy và nuôi sống dân bằng các bí tích, thế nên gọi các ngài là cha thì cũng hợp lý ( trừ các Linh Mục từ chối quyền này khi muốn làm con của các thế lực khác ). Thứ hai, thói quen ấy vốn không có gì sai trái, lại còn rất dễ thương, bây giờ muốn sửa lại thì liệu giáo dân có chấp nhận và nếu họ chấp nhận thì bao nhiêu thế hệ sẽ thay đổi được ? Và có cần tốn công sức và thời gian để thay đổi điều “không có gì phải ầm ĩ” ?
Bây giờ nếu thay đổi cách gọi thì chưa chắc nhiều người Công giáo đồng ý. Ở xứ Tân Phú của tôi chẳng hạn, tình cảm giữa các cha và giáo dân rất tốt, bây giờ đùng một cái bảo mọi người đừng gọi các cha là cha nữa thì có thể cả xứ xuống đường ngay.
Một cha kể tôi nghe là bà nội của ngài ở Mỹ gọi điện thoại về cứ gọi ngài là cha, ngài xin bà nội đừng gọi thế thì bà bảo bà thích gọi cha, cứ để bà tự do gọi. Đó là niềm vui của bà cụ cố, chẳng lẽ lại dập tắt đi ? Một cha trẻ khác vốn xưng hô khiêm tốn. Khi ngài gọi điện thoại đến nhà tôi, bà xã tôi nói “Con chào cha” là ngài cười phá lên “Ôi, con chào cha mới ghê chứ”. Như vậy, chuyện xưng hô cha con nếu ai không thích thì cũng đừng trách các cha.
Nhưng cũng đúng là có những ông Linh Mục làm cho thiên hạ không muốn gọi là cha. Chẳng hạn có ai gọi con két là cha bao giờ. Một anh bạn tôi là bác sĩ, sống đạo rất tốt, vẫn thường nói: “Gặp ông Linh Mục đàn két quốc doanh, mình kêu ông xưng tôi chứ chả cha con gì sất”.
Danh xưng chỉ là cái bên ngoài để tỏ tấm lòng bên trong. Nếu anh không thích, anh gọi tên khác, không sao. Tôi là người vốn kính trọng thiên chức Linh Mục và con người Linh Mục, nên tôi gọi các ngài là cha, và song thân các ngài là ông bà cố. Nếu bạn thấy Linh Mục cũng như bạn thôi thì bạn cứ gọi cách khác. Nhưng cẩn thận, bạn có thể bị người chung quanh cười ( chứ không phải là ông Linh Mục bị cười ).
Trong một cuộc họp nọ, một anh giáo dân hay hoạt động gia đình, đến gọi một vị Giám Mục vốn là bạn cùng lớp ngày xưa ( tôi nghe kể lại, không biết nguyên văn ), đại khái là “Ê, Đức Cha T” hay “ông T” gì đó, thì lập tức bị phản ứng ngay. Những giáo dân có mặt hôm ấy sau này trong các cuộc họp đều kể lại chuyện này và lắc đầu cho cái anh giáo dân cựu tu ấy.
Tôi chưa gặp ông bà cố nào “lôi thôi” để cho người ta phải trách móc. Dĩ nhiên là con người thì ai cũng có lúc này lúc nọ, nhưng chẳng lẽ cứ ngồi đó mà trách móc nhau ? Nhân đây tôi cũng xin kể lại một câu chuyện vui cho đỡ căng thẳng. Chuyện này do cha Nguyễn xuân Hoà, giáo hạt Tuy Hoà, Qui Nhơn, kể tôi nghe lúc anh em ngồi uống nuớc vỉa hè thành phố Sàigòn cách đây vài năm.
Số là có buổi giải tội luân phiên Mùa Chay ở các xứ, ông bà cố bảo nhau đi xưng tội vì có nhiều cha đến giải tội. Ông cố đi xưng tội trước, ra thầm thì với bà cố: “Bà đi sang xưng bên toà kia đi, toà này thằng Tèo nhà mình đang giải tội đấy”. Bà cố vốn ngại xưng tội với ông cha con nhà mình nên vội vã sang xếp hàng bên toà kia. Ai ngờ sự đời éo le, lúc đó các cha đi uống nuớc, khi ra ngồi toà lại đổi chỗ cho nhau. Bà cố vào xưng tội đúng ngay ông cha con mình nhưng không biết. Khi cha vừa lên tiếng nói thì bà nhận ra và la lên: “Lại thằng Tèo !”
Trong câu chuyện trên, tôi thấy bà cố dễ thương đấy chứ ! Xưng hô là chuyện không có gì đáng bàn cãi. Xưng hô để tỏ lòng kính trọng và thân thiện với nhau là nét sống đẹp. Ông bà bảo là “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, tôi xin sửa lại “Gọi gì cũng vậy mà thôi, nói lời kính trọng chính tôi hài lòng”.
Gioan LÊ QUANG VINH
Views: 0